Không bắt học sinh phải dự thi tốt nghiệp THPT
Trước việc nhiều người nhìn nhận hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử như một tồn tại rõ ràng, GS Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ÐT đã chia sẻ về vấn đề này.
GS Bành Tiến Long
GS Bành Tiến Long nói: Nhận xét về kỳ thi mà chỉ nhìn vào tỉ lệ đỗ của học sinh để đánh giá thì không chính xác, không thỏa đáng và không toàn diện. Và cũng không ai có thể khẳng định tỉ lệ đỗ phải là bao nhiêu thì hợp lý.
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng hay giảm, có hợp lý hay không cần được soi lại từ chuyển biến của hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương và sự duy trì kỷ cương trong thi cử. Dĩ nhiên, tính thực chất của tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng được xem xét từ chính thực tế tổ chức kỳ thi như thế nào. Qua những phản ảnh về tiêu cực trong kỳ thi vừa qua, nổi bật là vụ Ðồi Ngô, rõ ràng chúng ta chưa thể yên tâm với việc tổ chức thi ở các địa phương. Do đó sự gia tăng của tỉ lệ tốt nghiệp đã làm dư luận không hài lòng.
- Trong bối cảnh còn nhiều tiêu cực xảy ra trong thi cử, việc phân cấp mạnh hơn trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia, theo ông, có phải là giải pháp hợp lý và hiệu quả không?
- Tôi cho rằng phân cấp thi tốt nghiệp THPT cho địa phương là một bước đổi mới quan trọng trong quản lý giáo dục, nằm trong lộ trình đổi mới thi cử, đó là xu hướng đúng. Nhưng tôi không cho rằng việc “phân cấp mạnh” là do tiêu cực đã được đẩy lùi hoàn toàn. Vì vậy cùng với việc “phân cấp”, vẫn rất cần duy trì những giải pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ của cấp bộ, thậm chí cần làm mạnh mẽ hơn.
Cùng với việc thanh tra, giám sát là quy định rõ ràng, nghiêm khắc về việc chế tài đối với người vi phạm. Ðây là những biện pháp rất cần thiết giúp các địa phương yên tâm nhận nhiệm vụ “phân cấp”.
- Với cách thức thi cử hiện nay, căng thẳng, áp lực vẫn đè nặng lên thí sinh, lên ngành GDÐT các địa phương và những tiêu cực khó có thể đẩy lùi. Theo ông, với mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, việc đánh giá học sinh, công nhận hoàn thành chương trình của học sinh THPT nên thay đổi theo hướng nào?
- Ðây là vấn đề lớn, phụ thuộc vào công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Sẽ khập khiễng nếu chỉ đổi mới đánh giá thi cử mà không đổi mới chương trình – sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, điều kiện và phương tiện dạy học, đội ngũ nhà giáo…
Hội tụ đủ các yếu tố đổi mới mới có thể thực hiện đánh giá hoàn thiện chương trình THPT theo hướng hội nhập quốc tế. Khi đó mới có thể thực hiện việc đánh giá khách quan chất lượng học sinh trong suốt quá trình dạy học kết hợp với các đánh giá cuối kỳ, cuối năm. Thầy cô giáo phải đánh giá được học sinh trên lớp học trong quá trình dạy các môn học cũng có thể giao cho học sinh THPT vào các công ty, xí nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức xã hội và nghề nghiệp để học sinh tự nghiên cứu các dự án rồi tự đánh giá, đề xuất mới, trên cơ sở đó đánh giá năng lực của các em… Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiêu chí này được đánh giá rất cao.
Video đang HOT
- Trong khi việc đánh giá học sinh trong cả quá trình học chưa áp dụng được thì ông có ủng hộ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thay thế bằng kỳ thi do các địa phương tự tổ chức hay tự xét tốt nghiệp?
- Ðó là một đề xuất mới cần được quan tâm, xem xét. Nhưng theo tôi, điều đó chưa thích hợp trong tình hình giáo dục, tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Tôi e khi đó áp lực còn nặng nề hơn, con số đưa ra còn tranh cãi nhiều hơn và động lực dạy học có thể đi xuống, việc kiểm soát chất lượng sẽ vô cùng khó khăn. Giáo dục là việc đại sự quốc gia nên mọi quyết sách phải cẩn trọng.
- Vậy trước mắt, theo ông, cần có cải tiến thế nào để kỳ thi năm sau giảm được áp lực căng thẳng dẫn đến giảm tiêu cực?
- Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng giải pháp trước mắt là không bắt buộc học sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những học sinh thi đỗ tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp để dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Số không đỗ tốt nghiệp, hoặc số không dự thi nhưng đã học đầy đủ chương trình theo quy định có thể được cấp một chứng chỉ “đã học xong chương trình THPT”.
Những học sinh này có thể sử dụng chứng chỉ để đi học nghề ngắn hạn, dài hạn, trung cấp chuyên nghiệp… Như thế sẽ có phân loại năng lực học sinh, đỡ áp lực cho các gia đình, học sinh trong việc bắt buộc phải thi và phải đỗ. Việc thi không đỗ, việc tỉ lệ tốt nghiệp thấp cũng không tác động nhiều đến tâm lý của người dân nói chung và học sinh nói riêng, không trở thành áp lực của mỗi địa phương. Sau này khi học nghề và hành nghề, nếu các em muốn vẫn có nhiều cơ hội học bổ túc để nhận bằng tốt nghiệp THPT.
Theo Tuổi Trẻ
Sẽ "quét" hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi ĐH
Chỉ còn 3 ngày nữa, hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước sẽ bước vào thi đại học đợt 1. Dân trí vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về đề thi, chống tiêu cực trong thi đại học, gian lận công nghệ cao
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Ngày 29/6, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi ĐH, CĐ. Theo đó, lần đầu tiên Bộ đưa vào một quy chế liên quan đến thi cử vấn đề Xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi - Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh. Có phải sau vụ tiêu cực ở Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ đã sửa đổi quy chế?
Không nhất thiết là như vậy nhưng Quy chế sửa đổi thể hiện quan điểm của lãnh đạo Bộ là thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng thật của công tác đào tạo và tạo công bằng trong thi cử. Đồng thời minh bạch hóa trong thi cử để xã hội cùng tham gia giám sát và tạo niềm tin với giáo dục đào tạo.
Bởi vì lâu nay việc thi cử chỉ co cụm trong hội đồng thi, khép kín, việc sảy ra như thế nào không ai biết. Bây giờ công khai, cả quần chúng và thí sinh họ có quyền phản ánh rõ ràng. Nếu có hiện tượng tiêu cực thì các cơ quan chức năng xử lý ngay lập tức.
Tuy nhiên, trong Thông tư bổ sung có yêu cầu trách nhiệm thí sinh là không được mang vào phòng thi tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi... nhưng khuyến khích thí sinh tố cáo tiêu cực trong phòng thi. Hai quy định có vẻ ngược nhau vì người tố cáo tiêu cực phải có bằng chứng?
Bộ chỉ cấm mang vào phòng thi những vật dụng và phương tiện gian lận trong thi. Bằng chứng chống gian lận có nhiều cách khác nhau. Nhiệm vụ thí sinh là làm bài nghiêm túc. Ví dụ, giám thị nghiêm túc, thí sinh làm bài nghiêm túc thì không có bằng chứng gì. Mục đích của Bộ là cán bộ và thí sinh giám sát lẫn nhau cả 2 phía, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi, tạo điều kiện phản ánh tiêu cực trong thi.
Mục đích khuyến khích tiêu cực là phòng ngừa và phản ánh tiêu cực trong thi để giải quyết kịp thời chứ không để xong rồi mới giải quyết thì không được.
Vậy quyền lợi người tố cáo có được đảm bảo không thưa Thứ trưởng?
Thông tin và danh tính người cung cấp thông tin phải được bảo mật. Bên cạnh đó, Bộ đã bổ sung quy định Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những người đã giúp chống tiêu cực trong thi cử.
Thí sinh được quyền giám sát cán bộ coi thi.
Năm nay, dự báo nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao. Bộ có biện pháp gì để chống gian lận này thưa Thứ trưởng?
Vì thiết bị công nghệ cao hiện nay quá đa dạng nên Bộ không thể thống kê hết được. Trong điều sửa đổi Quy chế quy định chung là nếu thí sinh sử dụng thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi... là bị đình chỉ thi. Do không lường trước được những dụng cụ công nghệ cao nên Bộ nói chung như vậy để "quét" hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi. Thí sinh có thể hiểu điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tài liệu kể cả "thô sơ" như "phao" thi tự chế, thiết bị thu, phát... là nằm trong quy định bị cấm mang vào phòng thi.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường tăng cường tập huấn giám thị, trong quá trình coi thi nếu phát hiện thấy điều gì bất thường phải báo ngay Hội đồng coi thi để xử lý, không được tự xử lý như trước.
Thông tư mới mà Bộ ban hành là cả thí sinh giám sát giám thị chứ không chỉ có giám thị giám sát thí sinh. Vậy nên bắt buộc giám thị phải làm việc nghiêm túc nếu để sảy ra vấn đề gì sẽ bị xử lý rất nặng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng.
Như Thứ trưởng đã nói, đề thi đại học năm nay không quá dài, không khó, học sinh có lực học trung bình cũng làm được nhằm tạo ra phổ điểm đẹp, có phải như vậy để tránh dư luận nói về chất lượng đào tạo khi điểm thi của thí sinh thấp?
Chủ trương của Bộ là ra đề thi làm sao có tính phân loại cao, không quá dài, không quá khó, không đánh đố thí sinh. Có câu hỏi dễ, câu hỏi khó. Những câu hỏi khó chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được
Đề thi ra để những học sinh trung bình có thể làm được và tập trung ở phổ điểm 4 - 6, tạo cho các trường lựa chọn thí sinh phù hợp với mức độ đào tạo của mình. Như vậy, phổ điểm trung bình sẽ trải rộng ra chứ không để phổ điểm quá thấp như ngày trước.
Thứ trưởng có lời khuyên gì cho thí sinh trước kỳ thi đại học sắp tới?
Còn vài hôm nữa các em thi rồi nên các em cần nghỉ ngơi thật khỏe, tinh thần thoải mái đừng tạo áp lực tâm lý nặng nề trong kỳ thi này. Hãy xem như kỳ thi bình thường.
Năm nay, Bộ cho các em rất nhiều nguyện vọng, kéo dài thời gian xét tuyển. Do vậy, các em vào phòng thi làm hết khả năng của mình vì nếu các em trên điểm sàn của bộ thì rất có nhiều khả năng trúng tuyển vào học trường đại học phù hợp.
Vì đề thi có tính phân loại nên các em phải đọc kỹ đề và chọn những câu hỏi dễ làm trước chứ đừng đương đầu với câu hỏi khó sẽ mất nhiều thời gian.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Theo dân trí
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Coi thi chưa nghiêm túc' Ngoài nhận định như trên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển còn cho rằng nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn. - Ông đánh giá thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi? - Cơ bản là nghiêm túc. Tất cả các khâu được chuẩn bị...