Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Startup cần làm chủ kiến thức, công nghệ
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho rằng bản thân các startup muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cần có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Thư kí tòa soạn báo Tiền Phong, trong vài năm trở lại đây, cụm từ cách mạng 4.0 là từ khóa xuất hiện với tuần suất cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Một trong những lĩnh vực chủ chốt của CM 4.0 là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tại Việt Nam, AI được manh nha nhiều năm, đạt được những thành tựu bước đầu. Thời gian gần đây, cùng với làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI được thành lập. Nhiều ý tưởng, sản phẩm AI được nghiên cứu, phát triển, giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng như nhiều chuyên gia khác đánh giá, ứng dụng AI ở Việt Nam mới dừng ở bước đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn kiêm tốn. Trong khi đó, tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông.
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cho rằng hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ tại Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Ảnh: Tiền phong
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cho rằng, một khó khăn và cũng là bài toán lớn ở Việt Nam hiện nay là làm sao đưa được AI vào chuyên ngành. Đồng thời, câu hỏi đặt ra là Nhà nước ta sẽ có khung pháp lý nào để sử dụng và bảo vệ nguồn dữ liệu?
“Cũng có những khó khăn khác như việc các dự án AI rủi ro hơn rất nhiều dự án công nghệ thông tin bình thường. Dự án AI không có giải pháp đảm bảo chính xác 100%. Các dự án AI lớn luôn cần phải qua thử nghiệm, từ đó các bên phải cùng nhau chịu rủi ro.
Ngoài việc đưa dữ liệu vào chuyên ngành, người làm AI cũng phải kết nối được với kiến thức chuyên ngành. Người làm AI mà không hiểu rõ chuyên ngành, thì giải pháp đưa ra không mang lại hiệu quả thực tế”, ông Hoài nói.
Đề cập thêm về những khó khăn của các starup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam cho hay, làm trí tuệ nhân tạo thì yếu tố đầu tiên cần là dữ liệu. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ thẩm tra, dán nhãn dữ liệu, tinh gọn dữ liệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam gần như không có đội ngũ đó cũng như không có nguồn dữ liệu lớn.
“Ngoài ra, để phát triển trí tuệ nhân tạo cần hệ thống siêu máy tính. Đa phần người làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam phải tự sắm cáp màn hình để tự trải nghiệm. Như chúng ta đã biết, dữ liệu bản thân nó sinh ra liên quan tới từng cá nhân và số hóa. Người Việt nam gần như không có dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo. Về nhân lực đa phần là người du học ở nước ngoài, và đội ngũ này còn khá hạn chế. Phần lớn người Việt Nam chỉ học lý thuyết, không có dữ liệu, không có hạ tầng để phát triển trí tuệ nhân tạo”, ông Nguyễn Thành Công trăn trở.
Startup cần biết cách làm chủ cuộc chơi
Video đang HOT
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, để hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực AI phát triển trong tương lai, cần có chính sách mở để dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu ứng dụng sản phẩm AI cho người dân, cộng đồng. Ngoài doanh nghiệp thì chính quyền, nhà trường… cũng cần ứng dụng AI.
“Hiện nay, rất nhiều startup cũng đặt vấn đề nhưng liệu rằng có người dùng không? Từng có ứng dụng đặt giờ hẹn khám bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam nhưng thất bại bởi bệnh viện công từ chối tiếp nhận trong khi bệnh viện tư thì số lượng quá ít”, ông Quất nêu vấn đề.
Cùng chung ý kiến về vấn đề môi trường, pháp luật và chính hỗ trợ của chính phủ cho startup lĩnh vực AI, ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology cho biết việc đầu tiên cần làm là nhìn nhận rõ cơ hội và bài toán trong việc tự làm startup lĩnh vực AI. Nếu như startup có cơ hội liên kết với Nhà nước, giải quyết bài toán của cơ quan quản lý đặt ra thì rất tốt. Tuy nhiên hiện giờ chưa có điều này.
Thứ hai, về nguồn vốn. Có một số đề tài, dự án của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng mới ở giai đoạn bắt đầu với nguồn vốn ít, chưa có các nguồn đầu tư vào cho startup, trong đó là lĩnh vực AI. Thứ ba, cần truyền thông để mọi người phân biệt rõ giữa startup và khởi nghiệp trong bối cảnh hai hình thái này dễ bị đánh đồng.
“Người ta nói startup có 10 người thì có thể có đến 9 người nhưng khởi nghiệp thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Tôi đọc có những nghiên cứu những người khởi nghiệp tỷ lệ thất bại chỉ khoảng 30%. Khi chúng ta hiểu không đúng thì những phản biện xã hội không được chính xác”, Chủ tịch HĐQT Infore Technology cho hay.
Muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các starup cần có đủ kiến thức và biết làm chủ công nghệ.
Cũng theo vị này, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tạo cơ chế chính sách điều kiện cho các lĩnh vực mới. Ví dụ có thể không áp dụng ở Việt Nam nhưng nghiên cứu để áp dụng ở nước ngoài.
Đứng ở góc độ nghiên cứu và đào tạo, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho rằng bản thân các startup muốn khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ nếu muốn làm về AI. Làm AI đòi hỏi phải chuyên nghiệp vì đó là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ. Chủ startup vẫn có thể tận dụng nguồn tri thức từ bên ngoài, nhưng người này vẫn phải có khả năng hấp thụ, tiếp nhận nguồn tri thức. Nếu startup chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng, khó có thể làm về lĩnh vực AI được.
“Đương nhiên, muốn startup cần nhiều yếu tố khác nhau như tư duy kỹ thuật, tìm kiếm thị trường… Nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu và đào tại, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực AI là quan trọng nhất”, ông Hoài nhận định thêm.
Theo Báo Mới
Làm thế nào để trí tuệ nhân tạo trở thành 'trợ lý' của con người?
Trí tuệ nhân tạo (AI), một công nghệ chỉ mới vài thập niên trước vẫn được coi như khoa học viễn tưởng, nay đã bắt đầu len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của con người.
Tác giả bài viết "Trí tuệ nhân tạo tại châu Âu", Christian Scker, cho rằng AI là một công nghệ đề cập đến khả năng học hỏi, nhận thức của hệ thống máy móc (Machine Learning).
Để trí tuệ nhân tạo AI trở thành "trợ lý" của con người. Ảnh minh họa: Reuters
Sau khi được nhập dữ liệu, một hệ thống máy tính có thể cải thiện hiệu suất làm việc bằng cách tận dụng những thông tin này, tương tự như khả năng học tập từ những sự kiện, trải nghiệm và phản hồi của con người.
Người phát ngôn của Trung tâm Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Đức (DFKI), Reinhard Karger, cung cấp một cách hiểu đơn giản hơn, theo đó, AI là sự số hóa các kỹ năng tri thức của chính con người để cung cấp các hỗ trợ hoặc tiện ích cho con người. Đơn cử như việc ứng dụng AI trong nhận diện hình ảnh, đánh máy hay chuyển đổi tự động hội thoại sang văn bản.
Giới chuyên gia cho rằng không phải nói quá khi nhận định thế giới công nghệ hiện nay đang chứng kiến một cơn sốt AI, như lời của Giám đốc điều hành hãng Microsoft, Satya Nadella: AI sẽ là "công nghệ định hình thời đại của chúng ta".
Facebook sử dụng AI để "điều hướng" quảng cáo đến với đúng nhóm đối tượng khách hàng quan tâm, nhận dạng người dùng qua ảnh để hỗ trợ tính năng gắn thẻ. Microsoft và Apple sử dụng AI để vận hành các trợ lý ảo Cortana và Siri. Công cụ tìm kiếm của Google ngay từ đầu đã phụ thuộc vào AI.
Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi nhỏ trong cuộc săn đuổi tham vọng tạo ra những "bộ não" nhân tạo sở hữu sự linh hoạt và năng lực học tập của con người.
Thực tế này cho thấy AI sẽ có vị trí vững chắc trong tương lai công nghệ 4.0. Vấn đề đặt ra, là AI có thể giành mất việc làm của người lao động, hay con người sẽ quá phụ thuộc vào những "bộ não" nhân tạo đến mức đánh mất đi những kỹ năng căn bản của mình? Một tương lai nơi con người và AI có thể cùng hợp tác hiệu quả là vấn đề mấu chốt hiện nay.
Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận tầm quan trọng của AI và đang thể hiện vai trò đi đầu trong lĩnh vực này. Dù vậy, châu Âu dường như tụt lại phía sau nhiều nền kinh tế khác trong cuộc đua đầu tư vào AI.
Trong năm 2016, EU đầu tư khoảng 2,4 - 3,2 tỷ euro, con số không mấy đáng kể khi so với các khu vực khác như châu Á (6,5 - 9,7 tỷ euro) hay Bắc Mỹ (12,1 - 18,6 tỷ euro).
Tuy nhiên, EU vẫn là sân chơi quy tụ các trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu thế giới và đang phát triển các sáng kiến có tiềm năng phá vỡ những truyền thống của các ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Một trong những "át chủ bài" của EU trong lĩnh vực này là DFKI, tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Đức, có nhiệm vụ phát triển các tính năng, nguyên mẫu và các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Dự án nổi bật của DFKI hiện nay là Delta, ứng dụng AI để phát hiện sớm, phòng ngừa và theo dõi các bệnh về trí nhớ và rối loạn nhận thức dựa trên phân tích hành vi ngôn ngữ. Dự án được kỳ vọng sẽ là giải pháp cho chứng bệnh hiện đang là thách thức lớn nhất của EU trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tiêu tốn hơn 800 tỷ euro mỗi năm.
Ngoài ra còn có ứng dụng AI trong ngành thuế, cho phép "giải phóng" con người khỏi những công việc mang tính lặp lại và xử lý lượng lớn dữ liệu, trong khi có thể tận dụng sức người cho những mảng cần nhiều tương tác xã hội, sáng tạo, qua đó giúp giảm chi phí và tăng hiệu suất.
Đương nhiên, đi cùng với sự phát triển của AI còn là những lo ngại về tác động của công nghệ không tưởng này đối với xã hội. Tỷ phú Elon Musk, Chủ tịch Tesla và SpaceX, năm 2017 từng đưa ra cảnh báo về việc robot và AI sẽ cướp đi việc làm của con người, nhất là khi công nghệ cho phép robot sẽ có thể làm tốt hơn con người trong tất cả mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Reinhard Karger cho rằng những sản phẩm công nghệ như vậy hiện nay vẫn là một câu chuyện không tưởng. Những robot mà tỷ phú Elon Musk nói đến, sở hữu trí tuệ nhân tạo có nhận thức ở mức độ con người, còn gọi là "AI mạnh", vẫn chỉ có thể tồn tại trong những bộ phim Hollywood.
Trong khi đó, thị trường hàng chục tỷ euro của thế giới vẫn đang chật vật để phát triển các "AI yếu", tức là những trợ lý kỹ thuật số có thể giúp con người hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả hơn những công việc nặng tính kỹ thuật.
Theo một báo cáo mới của MIT Sloan Management Review và Boston Consulting Group, khảo sát hơn 3.000 giám đốc doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà phân tích ở 112 quốc gia thuộc 21 ngành, những công ty quan tâm đến AI không có nghĩa họ sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.
Cụ thể, có hơn 75% các giám đốc tin rằng AI sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty của họ, song chỉ có 20% công ty đã thực sự triển khai AI vào một số dịch vụ hoặc quy trình.
Ngoài ra, chưa đến một nửa (47%) người trả lời cho biết công ty của họ có kế hoạch thu hẹp lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới. Chỉ có 31% số người được khảo sát thực sự lo lắng rằng AI sẽ lấy đi công việc của họ.
Một quan ngại khác khi bàn về AI, đó là nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Khi con người số hóa những kỹ năng như ghi nhớ danh bạ, đánh máy, tốc ký, ... và giao những công việc này cho máy móc, liệu điều này có dẫn đến việc con người đánh mất những kỹ năng này hay không.
Tương tự như lo lắng về năng lực chẩn đoán lâm sàng của các bác sĩ khi họ có quá sẵn những thiết bị hiện đại hỗ trợ để chẩn trị.
Giới khoa học tại DFKI cho rằng câu trả lời nằm ở việc cần xác định rõ những công việc mà máy móc có thể làm tốt hơn con người cũng như những phần việc mà sự tham gia của người lao động là không thể thay thế. Tại DFKI nói riêng và nước Đức nói chung, việc phát triển AI không nhằm thay thế con người mà hướng tới tạo ra các công cụ hỗ trợ.
Đơn cử như dự án Delta, AI có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn và phát hiện chính xác hơn những dấu hiệu bất thường trong ngôn ngữ của một người, tuy nhiên, máy móc sẽ không hiểu được những nhân tố có thể gây ra những bất thường mà không liên quan đến bệnh tật như say rượu, tâm trạng bất ổn... Và những phân tích này sẽ cần đến sự tham gia của một bác sĩ "bằng xương bằng thịt".
Bên cạnh đó, vấn đề không nằm ở bản thân công nghệ mà là việc con người sử dụng công nghệ. AI, cũng như tất cả các công nghệ hiện đại, không được phát minh ra với mục đích làm xấu đi xã hội, nhưng sẽ khó tránh được những vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng.
Cũng giống như các mạng xã hội như Facebook, được sinh ra với hy vọng thúc đẩy tương tác giữa người với người, nhưng lại có mặt trái lo ngại về quyền riêng tư và tính bảo mật trong môi trường Internet. Để hạn chế những tác động xấu, điều cần làm là tăng cường kiến thức và hiểu biết, thay vì quay lưng lại với sự đổi mới.
Theo Báo Mới
Robot "trí tuệ nhân tạo" đang thay thế cha mẹ ở Trung Quốc Ở trường mẫu giáo, cậu bé Seven Kong 3 tuổi có bạn chơi cùng ở lớp, nhưng khi về nhà, người bạn thân nhất lại là một con robot màu vàng chanh, tên BeanQ. Seven thường dành hàng giờ đồng hồ trò chuyện cùng BeanQ với một loạt câu hỏi liên tục như: " Có chuyện gì vậy BeanQ? Bạn đã ăn chưa?...