Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hoằng Hóa
Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch nhằm mục đích nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đây cũng là một trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhằm bắt kịp xu thế, tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững.
Nông dân chăm sóc bầu hồ lô xuất khẩu được trồng tại HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo.
Khu nông nghiệp CNC ở thôn Nhân Đạo, xã Hoằng Đạo, trước kia vốn là vùng đất cát pha bạc màu, bị bỏ hoang nay đã trở thành khu nông nghiệp khá hiện đại với nhà màng, nhà lưới. Chị Lê Thị Quyên “bà chủ” của HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, chia sẻ: Tháng 7-2019, chị thuê của xã Hoằng Đạo 2 ha đất đang bị bỏ hoang để đầu tư mô hình nông nghiệp CNC. Sau khi thuê đất, vợ chồng chị tập trung san lấp mặt bằng, đào ao, bón phân cải tạo lại ruộng đất và xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà màng với diện tích 10.000m2 để sản xuất các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Với kinh nghiệm sẵn có, sau 2 năm đầu thực hiện, chị lựa chọn cây trồng chính là dưa Kim Hoàng hậu, đan xen, kết hợp nhiều cây rau màu khác. Kết quả đạt được cũng ngoài mong đợi khi từng lứa, từng lứa cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Chị Quyên nhẩm tính, mỗi năm trừ các chi phí, khu nông nghiệp CNC này mang lại cho gia đình gần 400 triệu đồng tiền lãi, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và nhiều lao động thời vụ khác. Vụ xuân năm nay, HTX chuyển sang trồng nha đam và bầu hồ lô xuất khẩu theo hình thức liên kết… Mô hình sản xuất của HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo là một trong những mô hình đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở huyện Hoằng Hóa.
Video đang HOT
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, toàn huyện có 3 ha nhà màng, 5 ha nhà lưới, tập trung tại các xã: Hoằng Đạt, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Hợp…; có 61 ha sản xuất cây rau, củ, quả, cây dưa đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Thắng,… trong đó một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau quả VietGAP đã được hình thành. Toàn huyện đã hình thành được 3 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất giống lúa lai F1 và khảo nghiệm giống lúa mới tại các xã Hoằng Quỳ, Hoằng Sơn (62 ha); vùng sản xuất súp lơ xanh, bắp cải, cà rốt tại các xã Hoằng Thành, Hoằng Lưu, Hoằng Đạo (52 ha); vùng liên kết sản xuất khoai tây tại các xã Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Thanh (quy mô từ 300 đến 350 ha/năm). Trong quá trình sản xuất, nhiều kỹ thuật, CNC đã được ứng dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế đối với diện tích sản xuất trồng trọt quy mô lớn, diện tích ứng dụng CNC, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP được cung ứng theo chuỗi đều cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,2 cho đến 2 lần.
Không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ cũng là lĩnh vực lợi thế của huyện ven biển Hoằng Hóa khi “sở hữu” 1.832,4 ha NTTS ở 17 xã với 891 cơ sở NTTS. Điểm nổi bật trong NTTS của huyện trong những năm gần đây đó là việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào NTTS, tạo ra sự tăng trưởng cao và trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Đặc biệt nhất phải kể đến diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo hướng CNC đã đạt 229,2 ha (gấp 2 lần so với năm 2015), trong đó diện tích nuôi siêu thâm canh ứng dụng CNC đã đạt 18,9 ha tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phụ. Hình thức nuôi siêu thâm canh ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và kiến thức khoa học – kỹ thuật…
Những dấu ấn trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở huyện Hoằng Hóa là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, về cơ bản sản xuất nông nghiệp trong huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiện tượng nông dân không thiết tha với sản xuất có biểu hiện gia tăng; tích tụ tập trung đất đai gặp nhiều khó khăn do tư tưởng giữ ruộng chờ có dự án; chưa có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp… Các mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi còn thiếu tính bền vững. Một số diện tích đất được tích tụ, tập trung nhưng lại hạn chế về vốn, nguồn nhân lực nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo ra đột phá trong phát triển…
Trước thực tế đó, tháng 11-2020, khi ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa xác định mục tiêu: Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng CNC và nông nghiệp sạch theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới… Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đạt 1.250 ha (diện tích đạt tiêu chí do UBND tỉnh quy định 880 ha; diện tích đạt tiêu chí của huyện 370 ha); diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và theo hướng CNC đạt tiêu chí do UBND tỉnh quy định 880 ha; diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ hoặc tương đương 200 ha ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi…
Huyện đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch vùng huyện, các xã, thị trấn tiến hành lập quy hoạch chung giai đoạn 2020-2030, trong đó có các vùng sản xuất trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện đáp ứng sản xuất quy mô lớn; lựa chọn các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế để đưa vào quy hoạch. Do huyện đang tiến hành đô thị hóa nông thôn và phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030 nên ưu tiên thu hút đầu tư vào trồng trọt và nuôi trồng, khai thác thủy sản, đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại phải xem xét cân nhắc thận trọng khi chọn vùng quy hoạch và thu hút đầu tư để đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, HTX, tổ hợp tác và nông hộ, cá nhân sản xuất lớn, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy sức sản xuất, phát huy tối đa năng lực, vai trò của mỗi tổ chức, cá nhân; hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai. Đồng thời, từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trọng tâm là phát triển các vùng trồng trọt là thế mạnh, nuôi trồng và khai thác thủy sản là mũi nhọn để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và thu hút đầu tư…
Các kế hoạch, chỉ tiêu từng năm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị và các cơ chế, chính sách, đề án đã và đang được triển khai thực hiện. Hy vọng với sự quan tâm tích cực đó sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện ven biển Hoằng Hóa.
Xây dựng nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng
Tập trung nguồn lực, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ vào nông nghiệp với những mục tiêu cao hơn, hướng mạnh vào khu vực khó khăn, địa bàn có nguy cơ thiên tai, để khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thanh Hóa phát triển toàn diện, rộng khắp, nhanh và mạnh hơn, là một trong những mục tiêu được đề ra trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chương trình hành động đặt ra các nhiệm vụ rất quan trọng cho 5 năm tới và xa hơn, đến năm 2045, đó là xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Cùng với đó là tập trung phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân quy mô diện tích 200 ha; xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đối cơ cấu cây trồng; Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án sắp xếp, ổn định dân cư ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 15 xã biên giới và xã Mường Lý, huyện Mường Lát.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra khá cụ thể và dài hơi, cho thấy quyết tâm của Thanh Hóa trong việc tiếp tục đầu tư mạnh, phát triển nhanh hơn khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh, đưa nông nghiệp trở thành một trong những "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế.
Trước đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định các giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới, trong đó tập trung xây dựng và phát triển "5 trụ cột tăng trưởng" và nông nghiệp được xác định là một trong số đó với những giải pháp quan trọng được đề ra là: Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đổi mới mạnh mẽ phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực...
Chương trình hành động cho thấy một hướng đi rất rõ ràng của tỉnh, không chỉ nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, mà còn nhằm từng bước cụ thể hóa quyết tâm của tỉnh như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Yêu cầu này thêm lần nữa đặt các địa phương, cơ quan chức năng vào từng vị trí, vai trò cụ thể với tâm thế phải xác định rõ hơn trách nhiệm của mình để tập trung tham mưu chất lượng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, đưa khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thanh Hóa đi vào chiều sâu, vươn lên tầm cao hơn.
Huyện Vĩnh Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững Gần 7 năm nay, cánh đồng chuyên trồng rau màu có quy mô gần 100 ha của xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc luân canh các loại cây phục vụ chế biến. Mùa thu hoạch, những đoàn xe ô tô tải của các doanh nghiệp nối đuôi nhau dừng ngay tại bờ ruộng để thu mua, bốc xếp hàng, vận chuyển đến các...