Khởi đầu lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm
Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ – bày tỏ sự đồng thuận với quy chế tuyển sinh năm 2018, đặc biệt những quy định mới liên quan đến tuyển sinh sư phạm.
ảnh minh họa
Cần duy trì ngưỡng chất lượng đầu vào với ngành sư phạm
Năm 2018, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định với tuyển sinh trung cấp sư phạm. Theo đó, với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Ủng hộ điều này, ông Nguyễn Minh Tường cho rằng đây là cách khuyến khích được học sinh có năng khiếu theo học các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể chất…, nâng cao chất lượng sinh viên hệ trung cấp sư phạm nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, đặc biệt yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. “Nhưng lộ trình những năm tiếp theo không nên tuyển sinh trung cấp sư phạm vì chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi giáo viên phải đạt những tiêu chuẩn nhất định mới được hành nghề” – ông Nguyễn Minh Tường đưa ý kiến.
Với quy định bỏ ngưỡng chất lượng đầu vào đại học trừ trường đào tạo sư phạm, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, các ngành sư phạm cần có “điểm sàn” để đảm bảo chất lượng, vì giáo viên là nghề “trồng người”, mỗi giáo viên có thể ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ trẻ nên cần có những chuẩn riêng.
Việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào theo quy chế mới không phải là giải pháp “thần kỳ” để làm xoay chuyển thực trạng hiện nay, nhưng là giải pháp cần thiết, khởi đầu cho lộ trình tiếp theo bằng các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn.
“Tuy nhiên, về lâu dài muốn thu hút được người giỏi vào học ngành sư phạm cần có những chính sách thu hút thực sự mạnh như: Chế độ lúc đang học (miễn học phí, cấp học bổng), chế độ khi tốt nghiệp ra trường (có việc làm ngay) và chế độ khi đi dạy (lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt)” – ông Nguyễn Minh Tường .
Hướng tới sự công bằng, thuận lợi hơn trong tuyển sinh
Năm nay, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (năm học 2016-2017 là 0,5 điểm). Ông Nguyễn Minh Tường cho rằng, thay đổi này đảm bảo tính công bằng giữa các khu vực nhất là những ngành có tỉ lệ thí sinh dự thi cao; ngoài ra góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Việc giảm điểm ưu tiên khu vực cũng khẳng định chất lượng giáo dục vùng miền đã thu hẹp rất đáng kể.
Video đang HOT
Với việc bổ sung đối tượng tuyển thẳng, nhận định của ông Nguyễn Minh Tường: Thu hút để đào tạo tài năng cho đất nước là rất cần thiết và nên khuyến khích; đồng thời giúp cho các trường năng khiếu, trường nghề thu hút, khuyến khích những học sinh có năng khiếu được học ngành, nghề phù hợp. Các đối tượng tuyển thẳng được bổ sung đồng bộ với các chính sách khác mà vẫn đảm bảo tính công bằng, phù hợp với xu thế đánh giá phát huy năng lực hiện nay.
“Về chấm bài thi tự luận, điều 25 của Quy chế tuyển sinh được sửa đổi, bổ sung: “Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân”. Việc này giúp tăng tính chính xác và đảm bảo công bằng hơn đối với các thí sinh. Đồng thời, giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi hơn trong tuyển sinh, đặc biệt các ngành có tính cạnh tranh cao” – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nêu quan điểm.
“Năm 2018, Bộ GD&ĐT bổ sung yêu cầu với đề án tuyển sinh của các trường. Yêu cầu này của Bộ GD&ĐT đảm bảo tính công khai minh bạch trong công tác tuyển sinh; tạo thuận lợi cho thí sinh được tiếp cận các thông tin tuyển sinh của nhà trường.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, khảo sát, công bố tỷ lệ sinh viên chính quy hai khóa gần nhất có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp theo khối ngành.
Việc minh bạch và cung cấp thông tin tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được đào tạo đúng chuyên ngành là hết sức cần thiết, thể hiện thương hiệu, uy tín đào tạo của trường đó với xã hội”.
Theo Giaoducthoidai.vn
Giải bài toán cơ sở vật chất triển khai chương trình, SGK mới
Sở GD&ĐT Phú Thọ đã rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lên phương án kinh phí cần đầu tư; đồng thời có giải pháp sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới.
Giờ Chào cờ tại Trường tiểu học Thọ Sơn - 1 trường học có cơ sở vật chất khang trang của Phú Thọ
Khoảng 1.106 phòng học cần xây dựng bổ sung
Theo ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - toàn tỉnh hiện có 8.070 phòng học; trong đó 91,4% phòng học kiên cố (tiểu học 88,1%, THCS 95,3%, THPT 96,1). Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 1,03; tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,95 (tiểu học 87,4; THCS 1,02; THPT 98,2).
Tỉnh hiện có 977 phòng học bộ môn. Trong đó, THCS có 840 phòng, tỷ lệ 3,23 phòng/trường; số phòng đáp ứng quy định là 498 phòng, đạt tỷ lệ 59,2%. Cấp THPT có 137 phòng, tương đương tỷ lệ 3,9 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định là 103 phòng, đạt tỷ lệ 75%).
Ông Nguyễn Minh Tường cho biết: Các trường mới được đầu tư đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu một lần từ khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2002-2007.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 594 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 299 trường tiểu học, 260 trường THCS, 35 trường THPT.
Tổng số có 7.763 lớp với 266.220 học sinh phổ thông công lập, trong đó: Tiểu học có 4.462 lớp với 125.720 học sinh; THCS có 2.494 lớp với 78.840 học sinh; THPT có 807 lớp với 31.660 học sinh.
Do nguồn lực khó khăn, hàng năm việc bổ sung thiết bị do hao hụt, hỏng hóc rất hạn chế, dẫn đến tình trạng thiết bị dạy tối thiểu hiện có mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 50-60% nhu cầu.
"Hầu hết các trường phổ thông chưa có các thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại. Các trường mầm non mới chỉ có đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp mầm non 5 tuổi (các nhóm lớp dưới 5 tuổi còn thiếu), thiết bị đồ chơi ngoài trời, thiết bị làm quen với tin học chưa được đầu tư.
Toàn tỉnh, số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 45,6% nhu cầu giảng dạy" - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ .
Thông kê chi tiết cả bàn ghế học sinh các cấp, thiết bị ứng dụng CNTT, Sở GD&ĐT Phú Thọ thông tin: Số lượng bàn ghế 2 chỗ đạt khoảng 60% nhu cầu tối thiểu (cấp tiểu học là 65%, cấp THCS là 56%, cấp THPT là 68%). Trung bình tại cấp tiểu học 2,3 trường có 1 phòng máy, THCS 1,3 trường có 1 phòng máy và THPT mỗi trường có 2 phòng máy.
Riêng thiết bị dạy học ngoại ngữ, trung bình tại cấp tiểu học có gần 0,5 bộ/trường, THCS có khoảng 1bộ/trường; THPT có khoảng 1 bộ/trường. Đây chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc, phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên, các hệ thống thiết bị dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít.
Để chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới, Phú Thọ đã lên danh sách lượng phòng học, phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn... cần bổ sung.
Theo đó, cần đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 1.106 phòng học (Tiểu học 746 phòng, THCS 330, THPT 30). Cùng đó, để kiên cố hóa các phòng học, đầu tư xây dựng thay thế 880 phòng học bán kiến cố xuống cấp, phòng học tạm, nhờ mượn (tiểu học 744 phòng học, THCS 120 phòng học, THPT 6 phòng học).
Phòng học bộ môn, cấp THCS (với quy mô quy ước 1 trường THCS 16 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 850 phòng còn thiếu và 125 phòng chưa đáp ứng quy định; cấp THPT (với quy mô quy ước 1 trường THPT 24 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 112 phòng còn thiếu và 5 phòng chưa đáp ứng quy định.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm 417 phòng cho thư viện (Tiểu học 210 phòng; THCS 189 phòng; THPT 18 phòng). Đồng thời, cần bổ sung 5386 bộ thiết bị dạy học tối thiểu (Tiểu học 3648 bộ; THCS 1510 bộ và THPT 228 bộ); bổ sung thêm ít nhất khoảng 600 bộ thiết bị phòng học bộ môn (THCS là 540 bộ, THPT 60 bộ).
Để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tối thiểu, tại cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất 1 phòng máy và đối với cấp THPT, mỗi trường cần ít nhất 2 phòng máy. Theo quy định này thì số lượng phòng máy toàn tỉnh còn thiếu là 320 phòng (trong đó, tiểu học thiếu 150 phòng, THCS thiếu 135 phòng, THPT thiếu 35 phòng).
"Chúng tôi ước tính nhu cầu kinh phí cần khoảng 10.828 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất là 8.228 tỷ đồng; kinh phí đầu tư thiết bị dạy học: 2.600 tỷ đồng" - ông Nguyễn Minh Tường cho hay.
Nhiều đầu việc đã triển khai
Chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai tốt nhất chương trình SGK giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện kiên cố hóa các phòng học mầm non, tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và từng năm để có cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đảm bảo theo Luật đầu tư công.
Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm bố hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh, ngân sách sự nghiệp để bố trí đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học. Ưu tiên bố trí cho các trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Giai đoạn 2016-2020, Phú Thọ hỗ trợ kinh phí trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia: mầm non và tiểu học 300 triệu đồng/trường; THCS là 400 triệu đồng/trường, THPT 600 triệu đồng/trường. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND, HĐND tỉnh bố trí kinh phí (trên 20 tỷ/năm) để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học để trang bị cho các cơ sở giáo dục, trong đó ưu tiên các trường xây dựng chuẩn quốc gia.
Hàng năm, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xác định nhu cầu sửa chữa, đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới;
Cùng với đó, phối hợp với các huyện, thị, thành chỉ đạo việc rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp để sắp xếp theo lộ trình một cách hợp lý để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có; đồng thời thực hiện qui hoạch, tạo quỹ đất cho những trường có nhu cầu mở rộng do tăng quy mô" - ông Nguyễn Minh Tường
Theo Giaoducthoidai.vn
Tái cấu trúc để nâng cao chất lượng các trường sư phạm Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 30 trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo sư phạm và trường cán bộ quản lý...