Khoảnh khắc ấn tượng 5 ngày thi THPT quốc gia
Những giọt nước mắt, nụ cười, nét mặt lo lắng của mẹ cha hay cái ôm thật chặt của cha mẹ… là những khoảnh khắc ấn tượng trong mùa thi năm 2016.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiều nhà hảo tâm đứng ra lo chỗ ăn ở miễn phí cho những sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn từ xa tới. Năm nay Thành đoàn Hà Nội cũng chung tay hỗ trợ giúp đỡ các thí sinh khuyết tật, thiếu thốn. Trong ngôi chùa Trung Kính (Hà Nội), các bạn trẻ được ăn ở thoải mái, không phải lo chi phí. Em Nguyễn Thị Hồng (đến từ Cầu Đô, Ba Vì, Hà Nội) mồ côi cha, hàng ngày làm nông giúp đỡ gia đình đang có mặt tại đây chuẩn bị thi. Ảnh: Hoàng Việt.
Thí sinh Trần Thị Hải (sinh năm 1996, đến từ Ba Vì) khi sinh ra đã bị xương thuỷ tinh giống anh trai mình, di truyền từ bố. Bệnh này xương dễ gãy, em đã phải nghỉ 2 năm rồi mới tiếp tục theo học. Em tâm sự: “Vì luôn có bố mẹ và các em, gia đình ở bên nên em cảm thấy mình không đến nỗi quá thiệt thòi. Em cảm thấy có nhiều niềm vui khác so với việc lúc nào mình cũng tự ti về bản thân, lúc nào cũng chỉ chìm trong bóng tối. Và em nghĩ vì gia đình mà học tập chính là con đường sáng để em đi theo”. Ảnh: Hoàng Việt.
Trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi (30/6), Hà Nội đổ mưa khiến nhiều thí sinh có chút vất vả. Tuy nhiên, ngay sau đó thời tiết mát dịu khiến nhiều học sinh thích thú, bắt đầu kỳ thi với tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Tiến Tuấn.
Video đang HOT
Mùa thi cũng là mùa lo âu của cha mẹ. Bà Hương (Sóc Sơn) được tình nguyện viên mua bánh mì biếu nhưng bà lo lắng cầm lâu trên tay, không ăn được. Hồng Nhung (con gái bà Hương) là thí sinh bị bại liệt, được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ đưa đón, ăn ở trong suốt ngày thi. Người mẹ này chia sẻ, chỉ mong con bình tĩnh, tự tin, coi bạn thi cũng như bạn cùng lớp để làm bài cho tốt. Ảnh: Việt Hùng.
Tại một phòng thi ở Đại học Sài Gòn có hai cặp anh em và chị em sinh đôi chơi thân với nhau. Các thí sinh này ở cùng một xã thuộc huyện Cần Giuộc (Long An). Trong ảnh, từ trái sang phải; anh em Trương Nhật Trường – Trương Nhật Bình và chị em Nguyễn Ngọc Phương Trúc – Nguyễn Phương Nhã Trúc, tất cả đều 18 tuổi. Ảnh: Hải An.
Hai thí sinh Ôn Tuệ Nghi và Trần Bội Linh rạng rỡ trong ngày làm thủ tục thi THPT quốc gia tại hội đồng thi ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Hải An.
Ba bố con ở Sài Gòn trên đường chinh phục giảng đường đại học khiến nhiều người cảm động. Ông Văn Bá Thọ (51 tuổi, quê Quảng Nam) và hai con trai là Văn Bá Chương, 22 tuổi (đã tốt nghiệp THPT), Văn Thiên Tường 19 tuổi, (học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn, TP HCM) cùng đăng ký thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Trương Thanh Tùng.
Nhìn chung, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có nhiều sự cố lớn. Đây là lần đầu tiên các địa phương tự tổ chức. Cảnh tay xách nách mang “lên kinh” ứng thi từ các tỉnh đã không còn như các năm trước. Ảnh: Tiến Tuấn.
Cô gái Lê Thị Hà An (sinh năm 1996, Hà Nội) với cơ thể khuyết tật, chân và lưng không thể cử động được đặc cách ở trong KTX của trường, thi trên xe lăn. Ảnh: Tiến Tuấn.
Kỳ thi đã để lại cả nụ cười và những giọt nước mắt xúc động. Sau giờ thi môn Toán, có câu rất khó, một thí sinh tại TP HCM đã bật khóc khi vừa gặp người thân ở cổng trường. Ảnh: Phước Tuần.
Thí sinh mừng rỡ khoe bài làm tốt sau khi hoàn thành bài thi ngày 2/7. Ảnh: Tiến Tuấn.
Hai nam sinh ra khỏi phòng thi tại ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, sung sướng cười tươi trong khi trao đổi đáp án. Ảnh: Tiến Tuấn.
Kết thúc giờ làm bài thi Ngoại ngữ tại điểm thi Đại học Thủy lợi, nhiều sinh viên tình nguyện, phụ huynh cảm động trước hành động của người ông tặng hoa sĩ tử. Ông Phạm Minh Đức (73 tuổi, ở Hà Đông) trong lúc chờ đợi đã nhặt nhạnh những bông hoa mà các công nhân vệ sinh môi trường bỏ đi trong quá trình cắt tỉa vườn hoa ở Đại học Thuỷ Lợi, bó lại cẩn thận, tặng cho cháu mình. Ảnh: Việt Hùng.
Một trường hợp tình cảm ông cháu khác: Nữ sinh Ngô Bích Thủy (cựu học sinh Việt Đức, Hà Nội) kết thúc giờ thi ra cổng trường tìm bố. Tình cờ em thấy một cụ ông đi dạo trên vỉa hè tò mò muốn xem đề thi của Thuỷ. Cụ là PGS ngành Y học Nguyễn Bảo (91 tuổi). Cùng trao đổi với thí sinh về đề thi, cụ cho rằng, đây là một đề thi khó. Tuy nhiên, những câu hóc búa thì cô bé lại làm được hết. Trước khi tạm biệt ra về, cụ Bảo còn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho Thuỷ. Một cái ôm thật tình cảm giữa hai con người xa lạ. Ảnh: Tiến Tuấn.
Theo Zing