Khoảng trống khi sách công nghệ giáo dục biến mất từ năm học 2020 – 2021
Với việc chính thức bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia loại ngay từ vòng 1, sách công nghệ giáo dục sẽ chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021, trong sự luyến tiếc của rất nhiều giáo viên, học sinh.
Rớt ngay từ vòng loại
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời văn bản kiến nghị của cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do PGS Nguyễn Kế Hào đại diện đứng tên. Theo đó, Bộ tiếp tục khẳng định: sách công nghệ giáo dục không đạt thẩm định và tác giả có thể sửa chữa để đăng ký thẩm định lại từ đầu.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại – “Cha đẻ” của sách Công nghệ Giáo dục.
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã làm việc rất khách quan, công tâm. Hội đồng nghi nhận những điểm tích cực của bộ sách, tâm huyết của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng hội đồng làm việc theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình giáo dục phổ thông mới và Thông tư 33 về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sách Tiếng Việt lớp 1 và Toán lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại phải chỉnh sửa 300 nội dung.
“Tôi xin nhấn mạnh 300 nội dung này không phải là những nhược điểm mà là những điểm cần sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 32 và Thông tư 33″, ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, sách công nghệ giáo dục bị xếp loại “không đạt” chứ không phải “đạt nhưng cần sửa chữa” vì sách không đáp ứng được những yêu cầu tiên quyết của sách giáo khoa mới theo Thông tư 33.
Giờ học tiếng Việt công nghệ của học sinh trường Tiểu học Quán hành, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Theo hội đồng thẩm định, một bộ sách nếu bị xếp không đạt thì việc sửa chữa sẽ phải mang tính hệ thống và vì thế, sẽ không thể hoàn thành sửa chữa chỉ trong một vài tháng mà phải tính bằng năm. Vì thế, sách công nghệ giáo dục nếu có sửa chữa để trình hội đồng thẩm định lại cũng không thể kịp để đưa vào trường học trong năm học 2020-2021. Trong khi đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định sẽ không sửa chữa bản thảo. “Tôi đã chỉnh sửa nhiều lần chứ không phải không chỉnh sửa. Tôi không sửa chỉ để đạt thẩm định. Đó là bản in cuối cùng của tôi”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Như vậy, sách công nghệ giáo dục sẽ chỉ được triển khai ở các trường tiểu học hết năm học 2019-2020 và chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021 tới. Trung tâm Công nghệ giáo dục đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sách công nghệ giáo dục bị loại, tuy nhiên hy vọng khá mong manh.
Nỗi niềm mang tên… hụt hẫng
Thông tin sách công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng một thẩm định và sẽ không còn được sử dụng trong các nhà trường từ năm học tới khiến nhiều người tỏ ra nuối tiếc, đặc biệt là những người đã từng trải nghiệm phương pháp giáo dục này.
Chị Trần Lan Hương, học sinh khóa một của Trường Thực nghiệm, một trong những học sinh đầu tiên học công nghệ giáo dục không khỏi bất ngờ.
Hướng dẫn học sinh cách phân biệt tiếng theo chương trình công nghệ tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ /TTXVN)
“Chúng tôi đã trải nghiệm sách công nghệ giáo dục, giống như chúng ta đã sử dụng một sản phẩm, và đến 40 năm rồi chúng tôi vẫn thấy tốt. Không chỉ tôi mà rất nhiều người, cả bố bố mẹ chúng tôi cũng thấy như vậy, con cái chúng tôi cũng trải nghiệm và đánh giá tốt. Vậy tại sao lại không mang những thông tin đó đến mọi người, không mang sách công nghệ đến để cho mọi người để có thêm sự lựa chọn?” chị Hương chia sẻ.
Video đang HOT
“Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!”
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Từ trường Thực nghiệm, sách công nghệ giáo dục đã được nhân rộng ra 48 tỉnh thành trên cả nước, áp dụng trên cả triệu học sinh trong nhiều thế hệ và hiện có 931.000 học sinh tiểu học đang học theo sách này. Điều đáng nói là trong suốt hơn 40 năm qua, sách công nghệ giáo dục chưa khi nào là chương trình bắt buộc mà là sự lựa chọn tự nguyện của các nhà trường, học sinh, nhằm mang đến hiệu quả giáo dục tốt hơn cho học trò. Vì thế, việc có 48 địa phương trên tổng số 63 tỉnh thành, trong đó nhiều địa phương có tới 100% trương học triển khai công nghệ giáo dục thay thế cho sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 hiện hành đủ cho thấy hiệu quả của phương pháp giáo dục này.
Toàn tỉnh Nghệ An có 559 trường tiểu học thì có đến 558 trường dạy công nghệ giáo dục, chiếm 99,9%. Từ góc bao quát về thực tế triển khai công nghệ giáo dục tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Phan Văn Thiết, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi thấy Tiếng Việt công nghệ 1 rất hiệu quả, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số. Học Tiếng Việt công nghệ giáo dục giúp học sinh nhớ lâu, khắc sâu. Đó là điểm nổi bật của sách công nghệ giáo dục đem lại cho học sinh”.
Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh theo sách công nghệ giáo dục trong suốt 6 năm qua, cô giáo Trần Thị Thu, trường Tiểu học Quán Hành (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết với tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, các bài học theo thứ tự sẽ từ bài tiếng chuyển qua bài âm, bài vần, bài nguyên âm đôi. Quy trình tưởng phức tạp nhưng sau mỗi bài học, học sinh sẽ nắm chắc ngữ pháp, hiểu được cách ghép phần âm, phần vần và phân biệt dấu thanh chính xác. Đặc biệt, với phương pháp khoa học, thay vì học chữ theo lối thuộc lòng trước đây, nay các em sẽ có tư duy khá rõ ràng và đọc thông viết thạo khá sớm.
“Trước đây thường với chương trình lớp 1, phải đến ngoài tuần 20 học sinh mới tập viết. Nhưng với chương trình công nghệ giáo dục, các em học đến đâu, tập viết đến đó và sang học kỳ hai thì đã có thể cô đọc, trò viết những bài tập đọc khá dài”, cô Thu chia sẻ.
Hơn 40 năm thăng trầm và 4 lần thẩm định
Sách công nghệ giáo dục có lẽ là bộ sách có tuổi đời dài nhất và trải qua nhiều sóng gió nhất trong các sách giáo khoa ở Việt Nam với hơn 40 năm thăng trầm.
Được biên soạn bởi Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978, khi Hồ Ngọc Đại còn là một TS trẻ mới du học từ Liên Xô trở về, mang theo rất nhiều tư tưởng giáo dục mới. Khi ông viết sách công nghệ giáo dục với chủ trương “đến trường là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, mọi người đều cho rằng Hồ Ngọc Đại ảo tưởng, còn Giáo sư người Nga của ông thì nhận định phải mất 40, 50 năm nữa những tư tưởng giáo dục của Hồ Ngọc Đại mới được chấp nhận ở Việt Nam. Sách công nghệ giáo dục khi đó chỉ được dạy trong Trường thực nghiệm Hà Nội.
Năm 1981, Việt Nam thực hiện cải cách thay sách giáo khoa nhưng thất bại. Hậu quả là đến năm 1985 có đến 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban, bỏ học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định đưa sách công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường thực nghiệm, sử dụng trong các nhà trường. Sách công nghệ giáo dục đã góp phần cứu nguy cho ngành giáo dục, giúp Việt Nam đạt thành tựu xóa mù chữ vào năm 2.000.
Năm 1990, lần đầu tiên sách công nghệ giáo dục được hội đồng cấp nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và cho triển khai dự án chuyển giao công nghệ ở bậc tiểu học. Năm 1994, dự án được đánh giá tốt và cho tiếp tục thực hiện.
Năm 2.000, khi Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 2, với quy định cả nước thống nhất một bộ sách giáo khoa, sách công nghệ giáo dục lại trở về vị trí xuất phát, chỉ dạy trong trường Thực nghiệm.
Năm 2006, hàng loạt vụ việc học sinh ngồi nhầm lớp bị phanh phui, khi các em học xong lại quên, không biết đọc, biết viết. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến gặp Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề nghị thí điểm đưa sách công nghệ giáo dục triển khai tại hai tỉnh biên giới khó khăn là Kiên Giang và Lào Cai.
Sách công nghệ giáo dục một lần nữa cứu nguy cho ngành giáo dục khi học sinh học tới đâu chắc tới đó, không còn tái mù chữ. Bộ trưởng kế nhiệm là ông Phạm Vũ Luận đã quyết định bỏ chữ thí điểm, nhân rộng triển khai công nghệ giáo dục trên cả nước với tinh thần tự nguyện. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 48 tỉnh, thành sử dụng sách công nghệ giáo dục thay sách lớp 1 hiện hành với 931.000 học sinh theo học, chiếm trên 50% tổng số học sinh lớp 1.
“Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Tuyết Mai
Theo ngaynay
"Không nên đánh giá sách của GS Hồ Ngọc Đại theo thông tư"
Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 23/9/2019, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần, được cuộc sống lựa chọn sử dụng.
Do đó, không nên chỉ đánh giá bộ sách này theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng.
Khắc phục tình trạng tái mù và ngồi nhầm lớp
Cụ thể, tại bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của Hội đồng, với một số lí do.
Bộ sách Công nghệ giáo dục được hình thành và phát triển trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm công phu (trên 40 năm), từ ý tưởng khoa học đến hệ thống lí luận, triết lí giáo dục, đã trở thành một phương án giáo dục mới cho bậc Tiểu học.
Đến nay, những quan điểm của Công nghệ giáo dục đã được áp dụng khá rộng rãi như: lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.
Cùng với đó, bản kiến nghị cũng đưa ra một số dấu mốc chính, đánh giá thành công nhất định mà bộ sách đã trải qua trước đây.
Bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại từng được khuyến khích sử dụng để chống tình trạng lưu ban, ngồi nhầm lớp.
Cụ thể, năm 1979, cải cách giáo dục lần thứ III, cả nước thống nhất học sách cải cách, chỉ có Trường Thực nghiệm học sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2006, ngành Giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". Tỉnh Lào Cai đề nghị áp dụng đầu tiên.
Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. Đến năm học 2011 - 2012, có 35 tỉnh triển khai thí điểm Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.
Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
Từ năm 2016 đến nay, có 48 tỉnh tham gia dạy học sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Riêng trong năm học 2018- 2019, có hơn 900.000 học sinh đang học chương trình sách giáo khoa công nghệ.
Sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại
Có nên đem cuộc sống ra thẩm định?
Cũng tại bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào - người đứng tên trên văn bản đã chỉ ra, năm 1990, Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép triển khai ở những địa bàn có điều kiện.
Sau đó, được phép triển khai và áp dụng dưới dạng một dự án chuyển giao Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học.
Dự án đã được đánh giá nghiệm thu năm 1994, đạt kết quả tốt với những nhận xét: "Đây là dự án triển khai tốt, có hiệu quả, nhằm đưa nền giáo dục tiểu học của nước ta tiếp cận trình độ của khu vực và thế giới."
Hội đồng đề nghị: "Bộ cho dự án chuyển giao Công nghệ giáo dục bậc tiểu học được tiếp tục".
Từ sau năm 1994 đến nay, GS. Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục hoàn thiện bộ sách tiểu học.
Gần đây nhất, liên tiếp trong hai năm 2017 - 2018, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia do Bộ GD&ĐT thành lập thẩm định lại, các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Sách Công nghệ giáo dục không sinh ra từ chương trình cải cách giáo dục lần thứ III, cũng không dựa vào chương trình đổi mới năm 2000.
Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua ba lần thẩm định (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào.
Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua ba lần thẩm định (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
"Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000.
Nó góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỉ trước cũng như giai đoạn từ năm học 2006 - 2007 đến nay.
Bộ sách này không cần thay mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng", văn bản nêu.
Chính vì thế, bản kiến nghị cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần. Vì vậy, không nên đánh giá sách giáo khoa Công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng.
PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, nếu đột ngột dừng chương trình sách công nghệ giáo dục quả là đáng tiếc.
Cũng theo PGS Hiền, hiện tại chương trình Công nghệ Giáo dục đã mở rộng ra mấy chục tỉnh có trường thực nghiệm, áp dụng chương trình Công nghệ Giáo dục, được đón nhận. Thậm chí, có cô giáo dạy trường Thực nghiệm Hà Nội khi về hưu mở trường Công nghệ giáo dục, chỉ sau một năm đã rất đông phụ huynh cho con theo học.
Bà cho rằng, có thể thấy cách dạy, cách học ấy khiến phụ huynh tin tưởng chứ không phải vì cá nhân nào như Ngô Bảo Châu mới tạo ra sức hút như vậy.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Tranh cãi quanh việc thẩm định sách giáo khoa công nghệ lớp 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời Trung tâm Công nghệ giáo dục, tiếp tục khẳng định sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt và phải sửa chữa nếu muốn thẩm định lại. Phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh: TTXVN) Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục...