Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ
Sáng 27/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự khai mạc và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh TTXVN phát
Phiên họp cấp cao có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng các nước cùng Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký, Cao ủy Nhân quyền LHQ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Nội dung phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ, Cao ủy Nhân quyền khẳng định ý nghĩa của Tuyên ngôn Nhân quyền thông qua 75 năm trước và Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, nhấn mạnh các văn kiện này là nguồn cổ vũ cho nỗ lực chung của các nước và nhân dân thế giới đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua. Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt chưa từng có như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột…; người dân ở nhiều nơi, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, đang hứng chịu những tác động tiêu cực nhất. Các diễn giả chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu chung về bảo đảm các quyền con người, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, lấy con người làm trung tâm.
Chủ tịch Đại Hội đồng Csaba Korsi nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là khủng hoảng của thế hệ hiện nay, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng nhiều quyền con người, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thay đổi cách tiếp cận và kêu gọi coi quyền được sống trong môi trường sạch, trong lành và bền vững là một quyền con người.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ lo ngại về tình trạng suy giảm sự gắn kết và lòng tin xã hội, đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến bảo đảm quyền con người trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, lạm dụng công nghệ, trong đó có nạn tin giả. Cao ủy Nhân quyền Volker Trk khẳng định quyền con người là “ngôn ngữ chung” của nhân loại và có khả năng kết nối, đoàn kết thế giới, vượt qua chia rẽ; kêu gọi các nước giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác đa khu vực và đoàn kết để xử lý những thách thức hiện nay; hy vọng những bước tiến của công nghệ trong tương lai sẽ góp phần giải quyết các thách thức về đói nghèo, bất bình đẳng.
Phát biểu tại Phiên họp Cấp cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người (VDPA) là những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, những thành tựu đó đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch COVID-19…
Video đang HOT
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự sẻ chia sâu sắc với những mất mát của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất gần đây gây ra và thông báo về những sự trợ giúp cụ thể và khẩn trương của Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân hai nước.
Với tư cách là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông báo về quyết tâm, những nỗ lực, đồng thời đề cao những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là duy trì được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỷ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Từ đó, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên tập trung thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu. Để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu, Hội đồng Nhân quyền LHQ cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể.
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (UDHR) được Đại Hội đồng LHQ thông qua vào ngày 10/12/1948 với nội dung khẳng định mọi người sinh ra tự do, bình đẳng, không phân biệt và khẳng định các quyền của con người như quyền sống, quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn, không phải làm nô lệ và các quyền khác trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy không phải là văn kiện pháp lý quốc tế nhưng UDHR là nền tảng để xây dựng luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; cũng như được đưa vào các văn kiện về quyền con người của các cơ chế khu vực và vào pháp luật của các quốc gia. Ngày 10/12 sau này trở thành Ngày Nhân quyền quốc tế.
Năm 1993, tại hội nghị quốc tế về nhân quyền được tổ chức tại Vienna (Áo), các nước thành viên LHQ đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) khẳng định lại các giá trị của UDHR, đồng thời làm rõ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phải là ưu tiên cao nhất của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế, khẳng định trong khi cần tính tới các đặc thù của mỗi quốc gia, xã hội, các quyền con người cần được nhìn nhận là giá trị phổ quát, cần được đánh giá trong mối quan hệ cân bằng, phụ thuộc lẫn nhau. VDPA cũng khẳng định vai trò của LHQ trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới và khởi động cho việc thành lập Cao ủy LHQ về quyền con người.
Hội đồng Nhân quyền LHQ trực thuộc Đại Hội đồng LHQ được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR). Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Dự kiến nội dung chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Hội đồng EU đến Trung Quốc
Mục đích chính của chuyến thăm là tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, trong một số vấn đề với tư cách là một đối tác, thay vì cắt đứt quan hệ.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel. Ảnh: EPA
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel sẽ phải thực hiện một hành động cân bằng khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tuần tới, vì ông dự kiến sẽ đề cập về nhân quyền và Đài Loan trong khi muốn tìm cách duy trì quan hệ thương mại song phương.
"Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức toàn cầu cũng như các chủ đề cùng quan tâm", ông Michel cho biết khi thông báo về chuyến thăm.
Ông Michel sẽ đến thăm Bắc Kinh vào ngày 1/12 tới và sẽ gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Người phát ngôn của ông Michel, Barend Leyts nói thêm: "Trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị căng thẳng, chuyến thăm là cơ hội kịp thời để cả EU và Trung Quốc chia sẻ quan điểm".
Một quan chức cấp cao của EU cho biết ông Michel đã có kế hoạch thăm Trung Quốc từ lâu, nhưng không thể thực hiện được do đại dịch cũng như chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Chuyến thăm của ông Michel lần này sẽ chỉ kéo dài một ngày để tránh các yêu cầu kiểm dịch.
Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Michel sẽ không kêu gọi Trung Quốc làm trung gian hòa giải, như một số người đã gợi ý, nhưng "mọi nỗ lực để giải quyết cuộc chiến này sẽ được hoan nghênh và nếu một quốc gia có ảnh hưởng đến Nga, thì đó là Trung Quốc", một quan chức cấp cao khác của EU cho biết.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Michel diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên EU đang nóng lên tranh luận về cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo EU vào tháng trước đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và nói rằng họ cần có một lập trường thống nhất đối với Bắc Kinh mà không cần có thỏa thuận giữa những thành viên trong khối về việc điều này sẽ diễn ra như thế nào.
Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh phương Tây của mình áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên EU có liên kết thương mại quan trọng lại tránh đưa ra lập trường rõ ràng đối với Bắc Kinh.
UNESCAP thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết thuộc Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) đã thông qua Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của người khuyết tật. Ngày 21/10, Bộ trưởng Xã hội Indonesia Tri Rismaharini cho biết...