Khổ như ‘chạy’ chứng chỉ viên chức
Những quy định chứng chỉ vẫn ‘biết là không cần phải thế’ nhưng ‘luật nó thế’ đang đẻ ra những tình huống dở khóc, dở cười.
Dành ra gần 2 tháng lương – 4,3 triệu đồng “thi” cho được 2 cái chứng chỉ tiếng Anh, tin học để chuẩn hóa hồ sơ thi viên chức vào tháng 11 này, nhưng vẫn tham gia nhóm đấu tranh để được tuyển dụng đặc cách vì biết sức mình thi tiếng Anh và tin học chắc chắn sẽ trượt. Đó là câu chuyện của chị N.T.T.T, một giáo viên ngữ văn THCS tại Hà Nội.
Hàng chục ngàn giáo viên (GV) trên cả nước đang ở trong tình cảnh như chị T., vẫn nộp đủ chứng chỉ, nhưng công khai nói rằng chứng chỉ đó là vô nghĩa.
Công khai chấp nhận giả dối
“Học một buổi chiều em ạ. Họ bao đỗ. Hóa đơn họ đưa cho chị là một triệu rưỡi, nhưng chị phải nộp cho họ ba triệu. Chứng chỉ tin học một triệu ba nữa. Tổng là bốn triệu ba, gần 2 tháng lương của chị”, chị T. kể về hành trình “chinh phục” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để “chuẩn hóa” bộ hồ sơ cho kỳ thi viên chức tháng 11 của Hà Nội tới đây.
Tiền đổ ra là thật, hàng trăm tỉ chứ không ít, nhưng cho đến nay, không có một bằng chứng cụ thể nào về việc chất lượng công chức, viên chức tăng lên sau khi có chứng chỉ
Đồng nghiệp của chị, hàng chục người khác cũng cắn răng chạy vạy như vậy. Vừa dồn tiền, dồn sức lo chứng chỉ để còn kịp nộp hồ sơ, chị T. cùng hàng ngàn GV hợp đồng lâu năm khác ở Hà Nội còn phải “tập hợp lực lượng” để đấu tranh cho việc được tuyển dụng đặc cách, vì thi chắc chắn là trượt ngay vòng ngoại ngữ, tin học.
Giáo viên hợp đồng ở H.Sóc Sơn (Hà Nội) đã từng có đơn kiến nghị xin được chuyển hình thức tuyển dụng trong xét tuyển viên chức – Ảnh: Thanh Hùng
Chung số phận với chị là anh T.V.T, GV hợp đồng môn toán của một huyện ngoại thành. “Tôi trình độ tiếng Anh thi chứng chỉ A còn sợ trượt, nhưng lần này thi hẳn chứng chỉ C. Đóng một triệu mốt, học cho có lệ rồi thi đỗ hết. Tôi đang dạy đội tuyển học sinh giỏi toán lớp 9 thi cấp huyện vẫn đạt kết quả tốt, có cần chứng chỉ gì đâu. Bắt chứng chỉ thì tôi chứng chỉ, chứ thực ra khác gì mua. Mình dạy học sinh trung thực, mà phải đến cảnh này, cũng cực chẳng đã”, anh T.V.T nói đầy chua xót. Anh cũng nộp hồ sơ thi trong tâm trạng chắc chắn trượt vòng ngoại ngữ, tin học và chuẩn bị đấu tranh tiếp để được xét tuyển.
Những trường hợp trên đây là 2 trong hàng ngàn GV hợp đồng của Hà Nội đã cách này hay cách khác công khai nói rằng chứng chỉ mà tôi nộp cho các vị thực chất không có ý nghĩa gì cả. Và cũng bằng cách này hay cách khác, chính quyền có vẻ chấp nhận sự thật đó, bằng việc tìm cách “tạo điều kiện” cho họ không phải thi vòng ngoại ngữ, tin học; tức là cũng công khai nói rằng “tôi biết chứng chỉ các anh chị nộp cho tôi không có ý nghĩa gì cả”. Giả dối được chấp nhận một cách công khai.
Tuy nhiên, giá cho sự giả dối đó lại rất thật, và không rẻ, là gần 2 tháng lương của cô giáo THCS. Thử nhân với con số 20.000 người đăng ký thi viên chức tại Hà Nội đợt này, là 86 tỉ đồng chi phí, chưa kể đến không biết bao nhiêu công sức, thời gian. Kẻ béo bở duy nhất ở đây là các trung tâm đào tạo. Tiền chứng chỉ 1, tiền “chống trượt” 2, 3. Nhiều trung tâm còn đón lõng các đợt thi viên chức quy mô lớn của các địa phương để “vợt” học viên, kiếm bộn tiền. Và với món hời như thế, chuyện những lớp ôn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng ở đó GV dạy các học viên cách “nghe hắt hơi, điền đáp án” không còn là chuyện tiếu lâm.
Đoạn trường thăng hạng
Để được vào hệ thống đã đầy “khổ ải”, vào rồi mà để được thăng hạng cũng đoạn trường không kém. Chị V.T.Đ, GV một trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Ninh, theo nghề gần chục năm nay, nhưng chỉ nhận mức lương trung cấp hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Thực sự khao khát được xét thăng hạng viên chức lên GV mầm non hạng 3 để được hưởng mức lương cao đẳng như trình độ vốn có, chị phấn đấu 3 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đánh giá của hiệu trưởng, không bị kỷ luật, “có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp”, nhưng cuối cùng vẫn suýt bỏ cuộc vì “vấp” phải chứng chỉ.
Mới giữa tháng 9 đây thôi, UBND TP.HCM đã phải có công văn gửi Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch về việc xét tuyển đặc cách viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh do trong 71 trường hợp “tài năng đặc biệt” được xét lần này, chỉ 31 trường hợp đủ điều kiện; 40 trường hợp còn lại bị trượt do chưa có bằng cấp chuyên môn, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật. Trong số 40 trường hợp trượt viên chức vì chứng chỉ này, có 8 nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực cải lương, gồm: ông Nguyễn Thanh Phúc (nghệ sĩ Trọng Phúc), bà Nguyễn Tú Sương (nghệ sĩ Tú Sương), ông Trần Long Mỹ (nghệ sĩ Dương Thanh); lĩnh vực xiếc là bà Lưu Thị Kim Liên, ông Lê Văn Hà, ông Trần Ngọc Bảo. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là hai anh em Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp, những người đang nắm giữ 2 kỷ lục Guinness thế giới, được thế giới biết tới, còn ở VN, cả hai đều đã là nghệ sĩ ưu tú nhiều năm cũng “vấp ngã” một cách đau đớn trước chứng chỉ.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ tại Thông tư liên tịch số 20 năm 2015, để được thăng hạng từ GV mầm non hạng 4 lên hạng 3, chị Đ. phải có 3 loại chứng chỉ, gồm tiếng Anh trình độ bậc 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT, chứng chỉ tin học cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin – Truyền Thông và chứng chỉ bồi dưỡng GV mầm non hạng 3. Cách đây 2 năm, khi vào “đợt” xét thi thăng hạng, chị Đ. đã nhờ cô em sống tại Hà Nội tìm “mua” chứng chỉ tiếng Anh và tin học văn phòng, song cả 2 chứng chỉ mà chị phải bỏ ra gần một nửa tiền lương GV mầm non để “mua” về không được chấp nhận. Năm đó, chị Đ. không phải trường hợp duy nhất rơi vào cảnh này.
Tưởng là phải bỏ cuộc, may cho chị Đ., UBND địa phương đã phải “linh động” tổ chức một bài kiểm tra ngoại ngữ và tin học cho những GV đủ tiêu chuẩn về thâm niên, trình độ, phẩm chất đạo đức, nhưng thiếu… chứng chỉ. Chị Đ. đã may mắn vượt qua được kỳ thi nhờ hội đồng thi lại một lần nữa “linh động” cho các thí sinh như chị “gọi điện thoại cho người thân” làm bài hộ. Trải qua từng đó thứ, chị Đ. được tăng từ bậc 7 của lương trung cấp (GV mầm non hạng 4) lên bậc 5 của lương cao đẳng (GV mầm non hạng 3), mức chênh lệch là hơn 500.000 đồng mỗi tháng. “500.000 đồng với GV mầm non như chúng tôi là rất quý”, chị Đ. nói. Thế nhưng, để có thêm 500.000 đồng mỗi tháng, chỉ riêng học phí lớp bồi dưỡng GV mầm non hạng 3 đã tiêu đứt của chị 6 tháng tăng lương (3 triệu đồng), chưa kể tiền quỹ lớp, tài liệu, bồi dưỡng cho thầy, cô đứng lớp. “Mà chúng tôi chủ yếu đi học cho đủ lệ bộ thôi chứ cũng có tiếp thu được bao nhiêu kiến thức đâu”, chị Đ. chia sẻ.
Trái ngang như chứng chỉ
Hơn cả sự “khổ ải”, những quy định chứng chỉ vẫn “biết là không cần phải thế” nhưng “luật nó thế” đang đẻ ra những tình huống dở khóc, dở cười.
Mới đây, một giáo sư tại một trường ĐH lớn của TP.HCM đã phải lên trang cá nhân than thở việc ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp; vậy mà giờ đây ông nhận được yêu cầu phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nếu không thì… “mất” dạy. Khẳng định bất cứ giảng viên ĐH nào cũng cần phải có nghiệp vụ sư phạm, song vị giáo sư khá nổi tiếng này cho rằng giữa câu chuyện “có nghiệp vụ sư phạm” và câu chuyện “có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” là một con đường khá dài, có khi là dài vô tận. “Mình thật sự không hiểu vì sao một chuyện tốt là giảng viên ĐH cần phải “có nghiệp vụ sư phạm” lại bị ai đó làm cho méo mó biến dạng thành phải “có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, rồi bao nhiêu là giảng viên từ nam chí bắc, kể cả giáo sư, bằng cách này hay cách khác bị ép buộc phải có cái chứng chỉ này”, vị giáo sư chia sẻ.
Trả lời về trường hợp này, TS Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, cho biết hiện luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã bỏ yêu cầu nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhưng theo dự kiến tới năm 2020, Bộ GD-ĐT mới tiến hành sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 36 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên ĐH, nên từ nay đến đó, các giáo sư vẫn phải vui lòng… thi chứng chỉ.
Video đang HOT
Kể ra những câu chuyện nêu trên, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hiện hàng trăm ngàn công chức, viên chức vẫn đang bỏ công bỏ của để có những tấm chứng chỉ trang hoàng hồ sơ – một sự hào nhoáng rất vô nghĩa và tốn kém. Tiền đổ ra là thật, hàng trăm tỉ chứ không ít, nhưng cho đến nay, không có một bằng chứng cụ thể nào về việc chất lượng công chức, viên chức tăng lên sau khi có chứng chỉ. Chúng tôi đã lục tung các báo cáo nhiệm kỳ của Bộ Nội vụ về việc đánh giá công chức, viên chức lên; lục cả báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về cải cách bộ máy năm 2017, không một nơi nào đề cập đến tác dụng của chứng chỉ, cũng không một nơi nào nhắc việc “thiếu chứng chỉ” là một tồn tại cản trở bộ máy hoạt động hiệu quả. Bất kể tất cả những việc đó, chứng chỉ thì vẫn… phải có?! (còn tiếp)
Theo Thanh niên
Chứng chỉ Tin học, tiếng Anh của Đại học Đông Đô, thi 3 không, nộp tiền là có
Từ một chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học đã bị bóp méo, dối trá một cách đáng sợ.
Trải nghiệm các trung tâm thi, cấp chứng chỉ "3 không"
"Không cần ôn, không cần thi, không lo về kết quả". Đó là những cam kết của các trung tâm 3 không đứng ra tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh tình trạng học giả, chứng chỉ thật tuy nhiên vấn đề này có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt.
Trung tâm này cho biết việc cấp chứng chỉ do trường Đại học Đông Đô phụ trách.Tiếp tục phản ánh về tình trạng trên, phóng viên liên hệ với một trung tâm tổ chức thi tin học và tiếng Anh.
Cách làm cũng tương tự với các trung tâm 3 không khác: Chỉ cần nộp tiền là có thể thi chứng chỉ tiếng Anh và tin học cam kết đỗ.
Các đối tượng thường đăng ký các gói chống trượt này là viên chức, công chức hoặc giáo viên, những người làm đi xin việc.
N.T.P là một trong những đầu mối cung cấp chứng chỉ hoạt động mạnh trên mạng xã hội.
Thông qua một số người quen phóng viên cũng đã tiếp cận được đối tượng này.
P. cho biết các loại chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp có giá từ 1,3 triệu đồng - 1,5 triệu đồng.
N.T.P tiết lộ: "Bạn đang là giáo viên phải không? Bên mình cam kết gói chống trượt tỷ lệ đỗ là 100%, không cần phải ôn thi.
Bạn nộp cho bên mình 1,3 triệu đồng với gói thi tiếng Anh và 1,5 triệu đồng với gói thi tin học. Thi vào thứ 7, chủ nhật, sang tuần là có chứng chỉ.
Chứng chỉ do bên Đại học Đông Đô cấp bạn nhé. Yên tâm chứng chỉ thật, phôi thật".
Trao đổi với một số thí sinh, những người này cũng cho biết chứng chỉ tin học và tiếng Anh của Đại học Đông Đô là một trong những loại chứng chỉ phổ biến nhất hiện nay.
Anh N.T.N là thí sinh mới dự thi chứng chỉ tin học, tiếng Anh do trường Đại học Đông Đô cấp tiết lộ:
"Mình thi đợt vừa rồi và qua luôn. Thi rất dễ, vào đấy có người nhắc bài cho thậm chí cũng có người làm bài hộ luôn cho.
Thi chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp dùng được trên toàn quốc. Nộp gói chứng chỉ tiếng Anh mất 1,3 triệu đồng, chứng chỉ tin học mất 1,5 triệu đồng".
Gọi điện đến một người tự xưng là thầy Huy. Thầy Huy cho biết: Các gói thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học tại đây đảm bảo tỷ lệ đỗ lên đến 100%.
Cụ thể trung tâm do thầy Huy mở hiện đang tổ chức thi và cấp chứng chỉ của các trường như Đại học Đông Đô, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Về gói thi chứng chỉ Đại học Sư phạm Hà Nội người này cho biết: "Gói thi chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn B1, B2 có giá từ 7-8 triệu đồng".
Thí sinh băn khoăn: Một loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có gói chống trượt hay không?
Thầy Huy cam kết: "Bạn yên tâm kết quả đã được hỗ trợ nhé. Chỉ cần nộp lệ phí thi và mang theo 2 ảnh 3x4, chứng minh nhân dân photo là được.
Tất nhiên là có gói chống trượt, hôm nào bạn đi thi sẽ biết. Còn hiện tại mình không thể nói thêm điều gì cả".
Gói chống trượt cung cấp chứng chỉ tiếng anh, tin học của trường Đại học Đông Đô trong nhiều năm qua (Ảnh: Vũ Ninh)
Như vậy các gói chống trượt thi tin học, tiếng Anh phục vụ cho các đối tượng thi viên chức, công chức, xin việc vẫn diễn ra công khai như thách thức xã hội.
Việc gian dối trong thi cử vốn dĩ cần phải được lên án. Nghiêm trọng hơn việc gian dối này lại đến từ những người chuẩn bị thi viên chức, công chức.
Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có những người trở thành giáo viên, bác sĩ, công án, cán bộ...Hậu quả khôn lường, ai cũng biết nhưng không thể giải quyết.
Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh: Năm nào vấn đề này cũng được đem ra nói nhưng tại sao không có ai giải quyết?
Đơn cử như trường Đại học Đông Đô. Đơn vị này được nhắc đến nhiều lần với việc cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học bát nháo, lộn xộn.
Tất nhiên trường sẽ không trực tiếp cấp các loại chứng chỉ trên mà thông qua các trung tâm trung gian. Nhưng không vì thế mà Đại học Đông Đô vô can trong chuyện này.
Đề thi là do trường soạn, trong thành phần coi thi cũng có giám thị do trường cử xuống.
Khâu chấm bài do trường chấm. Như vậy không thể nói các trường Đại học đứng ngoài chuyện cấp chứng chỉ.
Nhưng tại sao qua bao nhiêu năm vẫn còn để tồn tại tình trạng trên. Các trường không biết hay là không muốn xử lý?
Nổi da gà với các thủ đoạn gian lận
Một người tên N.H.T đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiết lộ nhiều mánh lới của các trung tâm cấp chứng chỉ kiểu trên.
Theo T. có rất nhiều hình thức tổ chức thi và cấp chứng chỉ bát nháo:
Nhưng toàn bộ giám thị, đề thi đều là giả chỉ có chứng chỉ là thật. "Có trung tâm thuê địa điểm tổ chức như thật.
Những trung tâm như vậy là trung tâm ma.
Họ mua phôi của nhà trường sau đó thuê địa điểm và mạo danh tổ chức các kỳ thi.
Các thí sinh không biết và đã bị lừa".
Một số thủ đoạn gian lận trong thi cử cũng được T. tiết lộ:
"Nhiều thí sinh được nhắc nhở để bài trắng. Sau đó khi về trường sẽ có người tẩy và sửa kết quả. Như vậy họ nghiễm nhiên đỗ.
Thủ đoạn hơn có những nơi sử dụng loại bút có thể tẩy được đáp án.
Họ dùng bút đó để viết lên bài thi sau đó dùng một loại hóa chất để tẩy các đáp án sai và điền đáp án đúng vào.
Một số trung tâm khác cho thí sinh chép bài ngay trong phòng thi. Những việc này ai cũng biết nhưng nó loạn như cái chợ, rất khó để xử lý".
Với kinh nghiệm của mình T. cho biết: Không thể có chuyện các trường và các trung tâm tin học, ngoại ngữ vô can trong chuyện này được.
T phân tích: "Bài thi sẽ được chuyển về các trường Đại học. Tại đây sẽ có bộ phận chấm thi. Cho nên kết quả như thế nào thì các trường phải nắm được.
Nhưng làm gì có chuyện thí sinh bỏ bài, làm không tốt lại vẫn được cấp chứng chỉ.
Như vậy có thể hiểu là trường chỉ cấp phôi theo số lượng đã được đăng ký. Còn chất lượng bài thi như thế nào họ không cần quan tâm".
Vấn nạn học giả, chứng chỉ thật đang là ung nhọt của ngành giáo dục (Ảnh minh họa của Tấn Tài)
Như vậy các trường Đại học phải có trách nhiệm giải trình về vấn đề này. Điều chúng tôi quan tâm là việc quản lý thi và cấp chứng chỉ do đơn vị nào quản lý.
Tại sao năm nào báo chí cũng phản ánh vấn đề trên có cả video, hình ảnh mà vẫn không được giải quyết.
Trường Đại học Đông Đô, năm 2017, cũng đã từng bị báo chí phản ánh những vấn đề khuất tất trong việc thi và cấp chứng chỉ.
Nhưng 2 năm qua tình trạng này vẫn tái diễn. Không hiểu các cơ quan quản lý và lãnh đạo nhà trường ở đâu mà lại để các trung tâm tổ chức thi bát nháo, lộng hành đến thế?
Trong một diễn biến khác, ngày 16/5/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng đã có thông báo liên quan đến việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông năm 2019 - 2020.
Sau khi có quyết định 2377 có nội dung: Học sinh Trung học cơ sở có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn ngoại ngữ hệ số 1 và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10 thì đã nảy sinh bất cập.
Trong số học sinh sẽ dự tuyển lớp 10, có khoảng 2.400 chứng chỉ quốc tế. Nhưng qua thống kê có nhiều học sinh có học lực yếu, trung bình nhưng vẫn có... chứng chỉ quốc tế.
Như vậy có thể thấy việc cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học bát nháo như hiện nay như một cái ung nhọt của ngành giáo dục.
Từ một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng của nền giáo dục đã bị khai thác, biến tướng trở thành một tệ nạn gian dối khủng khiếp.
Nếu đúng như những gì thể hiện trên bằng cấp và các loại chứng chỉ thì Việt Nam xứng đáng trở thành một cường quốc về tiếng Anh.
Thật tiếc chúng ta chỉ là cường quốc về số lượng chứng chỉ, bằng cấp mà thôi!
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Ninh Bình: Hướng dẫn quy đổi, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh Sở GD&ĐT Ninh Bình vừa có công văn số 1389 /SGDĐT-TCCB hướng dẫn tạm thời việc quy đổi, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh phục vụ cho công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức của tỉnh. Ảnh minh họa/nguồn internet Cụ thể như sau: Trình độ chuẩn ngoại ngữ của công chức, viên chức (theo...