Khi thầy cô “ươm mầm” hạnh phúc
Thời gian qua, nhiều trường đã tìm cách thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc, hạn chế áp lực, căng thẳng cho thầy và trò.
Thầy cô có hạnh phúc, trò mới hạnh phúc
Người đứng đầu ngành giáo dục mới đây đã nhấn mạnh: “ Giáo viên (GV) hạnh phúc thì học sinh (HS) mới hạnh phúc, trường học hạnh phúc”. Trường học là ngôi nhà thứ hai và khi đến trường “ cô giáo như mẹ hiền” – họ mang sứ mệnh “trồng người”, nhưng thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực khiến thầy và trò bị áp lực nặng nề. Vậy làm sao để mỗi GV là người “gieo mầm” hạnh phúc?
Cô Nguyễn Thị Nhiếp: Những việc làm cho học trò dù là nhỏ bé cũng khiến tôi hạnh phúc. Ảnh: PV.
“Mỗi thầy, cô phải đổi mới nhận thức, thay đổi cách tiếp cận với HS để thực hiện khẩu hiệu “Thầy cô thay đổi để trò hạnh phúc”. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Gần gũi lắng nghe, chia sẻ với HS về những khó khăn trong học tập, giúp các em vượt qua những khó khăn riêng. Đồng thời, mỗi GV cần vượt qua những khó khăn của chính mình để giúp HS thay đổi cách sống, cách học” – thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục cho rằng: Để có trường học hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc, mà muốn vậy phải có cơ chế tạo động lực để thầy cô thay đổi. Năm nay, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, làm sao để GV thấy văn hóa đổi mới sáng tạo là tất yếu và ai không đổi mới sáng tạo thì sẽ thấy mình như bị tụt hậu, “cùn mòn” đi. Việc đổi mới sáng tạo sẽ phải trở thành văn hóa của nhà trường.
“Trong quá trình đổi mới đó, là một hiệu trưởng, tôi luôn xác định mình phải là người nêu gương, đồng hành, sẵn sàng xắn tay vào làm cùng GV để cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Điều quan trọng là phải biết chấp nhận sự thất bại của đồng nghiệp, của chính bản thân mình. Từ thất bại đó mình sẽ rút kinh nghiệm để lần sau thành công. Mình cứ làm, cứ thay đổi nếu thấy điều đó thực sự tốt cho học trò” – cô Nhiếp chia sẻ.
Video đang HOT
Hạnh phúc từ những thay đổi nhỏ!
Cô Nguyễn Thị Nhiếp kể: Có những câu chuyện của học trò khiến mình phải nhìn lại mình. Một lần, trên trang Yenhoa Confession, nhiều HS lớp 10 mới vào trường hỏi các anh chị khóa trên: “Cô Nhiếp là người thế nào?” và đã có rất nhiều đáp án bất ngờ mà học trò đưa ra: “Cô Nhiếp rất xì tin”; “cô có phong cách trẻ trung”; “Cô yêu học trò, cô tâm lý như: tổ chức nhiều câu lạc bộ; các hoạt động ngoại khóa, trang hoàng sân khấu của nhà trường rất đẹp…”. Khi đó, mình rất ngạc nhiên là sao các con không nhận xét gì về quản lý của cô hiệu trưởng mà cứ nhận xét “đâu đâu”, sau mình mới ngộ ra hiệu quả quản lý thực chất tạo ra những “sản phẩm” đem lại thích thú cho HS, là cái gì đó rất thiết thực với HS, là cái HS cần… Và những thứ các con cần ở chúng tôi không có gì cao siêu cả”.
Những việc làm cho học trò dù là nhỏ bé, song cô Nhiếp luôn cảm thấy vui và hạnh phúc… Cũng bởi vậy, tất cả giáo viên của Yên Hòa đều có sự thay đổi rõ rệt, thay đổi liên tục không ngừng nghỉ. “Hiện nay Ban giám hiệu nhà trường đang cố gắng ghi nhận từng sự thay đổi nhỏ của thầy cô, đánh giá công bằng và tuyên dương một cách kịp thời… nhưng điều đó chưa đủ, vì để lâu dài bền vững thì cần thay đổi cơ chế, chính sách để đảm bảo đời sống cho GV. Ví dụ, trả lương giáo viên theo năng lực và hiệu quả công việc của mỗi người…” – cô Nhiếp đề xuất.
Tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), bên cạnh khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, còn có khẩu hiệu “hạnh phúc khi được làm việc”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Ở trường tôi HS lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. HS thân thiện với hiệu trưởng, trò chuyện với hiệu trưởng một cách rất thoải mái. Và khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu của HS mà còn là của GV. Chỉ khi thầy cô vui, mới tạo ra môi trường vui vẻ cho học trò của mình…”.
Tạo động lực cho giáo viên thay đổi bền vững
Hưởng ứng lời phát động của Bộ GD-ĐT, năm học 2019 – 2020, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) coi xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, giáo viên chính là chủ thể tích cực góp phần xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với 3 giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Tương tự, TS. Nguyễn Tùng Lâm, cho biết, ngay từ năm học 2018 – 2019, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã phát động chủ đề “Lớp học hạnh phúc”. Trước hết, nhà trường lưu ý GV chủ nhiệm cần giúp HS nhận thức về giá trị hạnh phúc trong cuộc sống. GV chủ nhiệm sẽ phải bàn bạc với HS để đưa ra chương trình hành động của lớp để đáp ứng các yêu cầu: Thứ nhất, để xây dựng lớp học đoàn kết, thân thiện, mọi người quan tâm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thứ hai, giúp cho mỗi HS tự nhận ra giá trị sống hạnh phúc của bản thân mỗi người là gì? Thứ ba, thường xuyên biểu dương những việc làm tốt, nhất là những việc làm để “Cha mẹ hạnh phúc” và “Thầy cô hạnh phúc”.
“Thực sự GV phải thay đổi, đặc biệt là thay đổi trong cách dạy và ứng xử với học trò. GV phải có năng lực sư phạm tốt. Nói là vậy, nhưng không có gì là không làm được, quan trọng là GV có muốn thay đổi hay không. Đơn giản như: Thay vì giảng lý thuyết, GV chuyển sang tổ chức nhiều hoạt động giáo dục để thu hút HS tham gia. Quan trọng hơn cả là giúp các em tìm thấy niềm vui trong các hoạt động giáo dục nói riêng và trong học tập nói chung”- TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Theo cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh (Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội), trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh và phụ huynh đều được hạnh phúc; là nơi học sinh có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm; là nơi học sinh không có áp lực học hành mà luôn được phát huy khả năng của mình, là nơi mà thầy cô giáo có các phương pháp dạy học tích cực, luôn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh kịp thời, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, tạo cho các em sự an tâm, tin tưởng và cảm thấy được yêu thương.
Với sự quyết tâm cao, tự mỗi nhà giáo sẽ tạo ra thay đổi cho mình. Nhiều sự thay đổi của các thầy cô sẽ tạo ra môi trường học tập mà ở đó: Giáo viên hạnh phúc – học sinh hạnh phúc – nhà trường hạnh phúc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Nhưng để đạt được như vậy, thiết nghĩ cần có sự chăm lo đến đội ngũ giáo viên bằng những cơ chế, chính sách – đó là một trong những việc làm thiết thực và có tính chất bền vững nhất./.
Theo Thu Hằng/VOV-Báo TNVN
Sau vụ cô giáo tát học sinh gây sốc tại TPHCM: Có nên lắp camera giám sát?
Nghi ngờ con bị cô giáo đánh, phụ huynh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP HCM) bí mật lắp camera đã phát hiện cô giáo tát, véo tai, mắng chửi học sinh. Từ sự việc này, nhiều phụ huynh băn khoăn, có nên lắp camera trong phòng học?
Cô giáo đang véo tai một học sinh
Trong 3 ngày 27,28 và 29/9, cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP HCM) đã đánh, véo tai nhiều học sinh trong lớp. Sự việc được một phụ huynh học sinh bí mật gắn camera trong lớp học, sau khi được nhiều học sinh phản ánh các cháu bị cô giáo bạo hành. Trong 23 phút trích xuất từ máy quay cho thấy, cô giáo "ra tay" với rất nhiều học sinh, trong đó nhiều em bị véo tai ghì xuống, có em bị tát, đánh vào đầu.
Sự việc khiến nhiều phụ huynh bức cho rằng, "cô giáo như mẹ hiền" lại hành xử với học sinh như vậy. Điều đáng nói, các em học sinh lớp 2 chỉ mới 7 tuổi và đang trong tháng đầu tiên của năm học. Sự việc vỡ lở, cô giáo trong clip đã bị đình chỉ. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM khẳng định, hành động của cô giáo là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, phải cho ra khỏi ngành giáo dục.
Trên các diễn đàn hội cha mẹ học sinh các trường, nhiều ý kiến cho rằng, việc lắp camera là cần thiết. Bởi, camera không chỉ giúp các nhà quản lý giám sát việc tổ chức dạy học của giáo viên mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong các tình huống khác. Hiện nay, một số trường ngoài công lập từ bậc mầm non đến phổ thông đã lắp camera để giám sát. Duy chỉ có hệ thống trường công lập, kể cả bậc mầm non cũng e ngại vấn đề lắp camera.
Anh Nguyễn Trường An, phụ huynh học sinh ở quận Hoàng Mai cho rằng, nếu cô giáo không có hành xử sai trái với học sinh thì không ngại gì việc lắp camera giám sát lớp học. Còn giáo viên vẫn ngại, lo bị bắt lỗi chứng tỏ giáo dục chưa vì học sinh. Theo anh An, phụ huynh sẽ không lên tiếng về việc cô giáo phạt học sinh hư, học sinh phạm lỗi nhưng phải có phương pháp sư phạm chứ không đánh, chửi để học sinh sợ.
Một phụ huynh khác cho biết, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo có hỏi ý kiến phụ huynh về việc đưa ra các hình thức xử phạt nhẹ nhàng nếu các con mắc lỗi và 100% phụ huynh đều giơ tay đồng tình. Theo cô giáo, trong học tập cô dùng hoa, mặt cười, mặt mếu và các lời nhận xét như: "Cô khen"; "Con cần cố gắng" ; "Con có tiến bộ"...tuy nhiên, trong quản lý lớp học gồm nhiều nội dung khác. Có em mới vào lớp 1, đang học bỗng dưng đứng dậy đi ra ngoài; có em nghịch luôn tay luôn chân; cũng có em không chịu ngủ trưa...
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các trường học của các nước trên thế giới đa số đều lắp camera giám sát để quản lý học sinh cũng như nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học.
Ở Việt Nam hiện cũng đã có một số trường thực hiện việc này, đặc biệt là ở bậc mầm non, phụ huynh có nhu cầu giám sát xem hàng ngày con hoạt động thế nào, ăn, ngủ ra sao. Thông thường, phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi gửi con ở cơ sở giáo dục có camera giám sát.
Vì thế, TS Tùng Lâm cũng cho rằng, việc lắp camera trong trường học là cần thiết, giúp cho việc quản lý giáo dục thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện các trường cần có sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên. Bởi vì ngoài việc đảm bảo an toàn, an ninh cho học sinh, khi thầy cô dạy học có camera sẽ cảm thấy áp lực hơn, chưa kể, một số phụ huynh khi chưa hiểu về câu chuyện, phương pháp dạy học trên lớp mà chỉ xem qua màn hình dễ xảy ra bất hoà, gây thêm áp lực cho thầy cô giáo.
Theo Tiền phong
Chung tay xây dựng trường học hạnh phúc Nhận biết được những áp lực "bủa vây" học sinh khi đến trường, thời gian qua, nhiều trường học đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Theo đó, ở trường học hạnh phúc, học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn là để sống và làm cho bản thân mình nên...