Khi teen hờ hững với những con điểm kém
Vác con 0 điểm to tướng, lại bị ghi tên vào sổ đầu bài, nhưng M thản nhiên cười nói như không. Hình như cậu bạn đã chai lì và dần quen với những con điểm xấu…
Chẳng buồn vì… quen rồi?
Đi học, chẳng ai muốn mình bị điểm kém và kết quả học tập thấp. Việc chấm điểm chính là hình thức đánh giá, thưởng phạt cho việc học của mình. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy tình trạng hững hờ với những con điểm kém của không ít học sinh hiện nay. Nhiều bạn vẫn cứ thắc mắc, phải chăng vì những bạn ấy… chẳng biết buồn?
Lục Lan (trường THPT Trần Đại Nghĩa) chia sẻ: “Tớ rất nhạy cảm với điểm số. Hôm nào làm bài kiểm tra không được, tớ về nhà ăn không ngon, ngủ không yên. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến và lo lắng vô cùng. Có lần tớ bị 0 điểm, tớ khóc mấy ngày trời. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, một số bạn nam lớp tớ lại tỏ ra… chẳng hề hấn gì ngay cả khi ăn “trứng vịt”. Không biết có phải do tớ quan trọng hóa vấn đề quá không?”.
Thường con trai hay tỏ ra bình thản khi bị điểm kém hơn con gái. Nhiều cô bạn nghĩ rằng do họ đã quen, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Đơn giản vì họ ít biểu hiện sự lo lắng của mình ra bên ngoài. Và với con trai, họ sợ người khác sẽ nghĩ mình yếu đuối. Nếu một đứa con gái bị điểm thấp có thể khóc, không ai nói gì. Nhưng một “nam nhi” mà lại thế thì có vẻ hơi… khó coi! Thêm vào đó việc bị điểm kém, thua con gái thì tâm trạng của con trai thường thì “xấu hổ chỉ muốn dấu ngay đi”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, cũng có một số bạn thật sự chai lì khi bị điểm kém. Theo lí giải của một 9X thì: “Chắc các bạn ấy cảm thấy quen, ngày nào cũng bị điểm thấp thì không thể ngày nào cũng buồn”. Bị điểm kém chẳng ai muốn, ấy vậy mà nhiều bạn bị điểm thấp mãi lại tự cho phép mình được quen với nó. Đây là một thói quen vô cùng nguy hiểm.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Buồn làm gì, gỡ mấy hồi?
Khi bị điểm kém, một số bạn tự an ủi mình rằng: “Không sao, buồn làm gì, gỡ mấy hồi đâu”, hay số khác cho rằng sẽ cố gắng vào lần sau. Nếu môn học đó “khó nuốt” quá thì dùng môn khác để gỡ điểm. Thế nhưng đến khi vào cuộc rồi mới thấy khi bị điểm thấp, gỡ điểm chẳng hề đơn giản chút nào.
Như anh chàng Thiên Phúc (sn1994) có một phen nhớ đời vì tính ỷ y khi bị điểm kém. Chẳng là Phúc vốn yếu môn Toán, điểm của anh chàng toàn 5,6 bước đều. Hiểm hoi lắm mới có điểm 7, mà khi đã yếu môn gì thì hay… “ngán” học môn đó. Phúc rất ỷ y và dường như chẳng thèm đụng đến bài học bai giờ. Anh chàng lí giải: “Môn toán đâu cần học bài, chủ yếu là tính toán”.
Thế là khi cô giáo Toán kiểm tra miệng, anh chàng bị ngay điểm 0 to tướng vào sổ. Nghĩ rằng cũng chẳng to tát gì vì: “Gỡ mấy hồi, với lại có phải điểm 1 tiết đâu mà sợ. Còn không lấy điểm môn khác kéo lại”. Thế nhưng học lực Toán đã chẳng khá, nên việc gỡ đối với Phúc là không thể. Cuối năm, quả thật những môn khác điểm Phúc rất cao, kéo phẩy trung bình của anh chàng lên đến 8,5.
Ấy vậy mà Phúc vẫn không được học sinh giỏi. Vì điểm trung bình Toán chỉ được 6,4. Giá mà không có điểm 0 ấy, ắt hẳn Phúc cũng trở thành học sinh giỏi. Tự tin đứng trên bục lãnh phần thưởng cùng bạn bè. Lúc Phúc nhận ra điều đó, thì có vẻ hơi muộn màng, phải chờ đến năm học sau để bắt đầu lại.
Thói quen nguy hiểm…
Nhiều bạn đơn giản nghĩ rằng “cứ từ từ gỡ”, thế nhưng việc ấy khó hơn bạn tưởng rất nhiều. Chưa kể đến, việc thường xuyên có những con điểm xấu dễ khiến bạn cảm thấy chán nản việc học. Khi đã quen dần, nó dễ khiến bạn buông xuôi hẳn và dần cảm thấy “chai lì” kiểu: “Đã toàn điểm dưới trung bình, nay thêm 1, 2 điểm xấu nữa cũng có sao?”.
Nhiều bạn còn cho rằng: “Điểm thấp môn chính mới đáng lo, môn phụ thấp điểm thì kệ”. Tuy nhiên, đừng coi thường những con điểm xấu. Vì chúng là những “biểu hiện” đầu tiên của tình trạng sa sút trong bộ môn đó nói riêng và trong việc học nói chung. Một học sinh giỏi là một học sinh biết cách tự học đều các môn. Dù là môn chính hay phụ, những điểm kém sẽ khiến kết quả học của bạn xấu đi thấy rõ.
Tất nhiên, không phải vì thế mà quá suy sụp khi bị điểm kém. Bởi việc quá buồn rầu hay tập trung vào nó cũng dễ kiến bạn bị xuống tinh thần và không thể tập trung học.
Hãy học cách quan tâm đến điểm số và học một cách đều đặn nhé!
Theo PLXH