Khi sách Cánh Diều có “sạn” thì ầm ĩ, nay sách của NXBGDVN có lỗi sao lại im lìm
“Không thể có chuyện sách này sai thì làm ầm ĩ còn sách kia sai thì lại im hơi lặng tiếng dễ khiến dư luận đặt băn khoăn về chuyện không công bằng”.
Năm học 2020-2021, dư luận ồn ào về sạn trong sách Tiếng Việt lớp 1 Bộ Cánh Diều. Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cái nhìn, bài học nghiêm túc, khách quan và xây dựng, thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022, dư luận lại chỉ ra nhiều lỗi sai lớn trong một số sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.
Đặc biệt vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài chỉ ra lỗi sai cơ bản trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và Ngữ Văn lớp 6 do Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên và nhiều thí nghiệm sai nghiêm trọng trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6 (cả 3 sách giáo khoa này đều thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Điều đáng nói là dù được chỉ ra những lỗi sai nhưng các Chủ biên và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa có động thái chỉnh sửa, đính chính hay xin lỗi học sinh và phụ huynh.
Trước thái độ im lặng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều chuyên gia cho rằng trách nhiệm đối với xã hội khi xuất bản ấn phẩm là phải chuẩn, phải chính xác, nhất là đối với thế hệ măng non, các em còn nhận thức chưa đầy đủ nếu kiến thức trong sách giáo khoa sai lệch sẽ dẫn đến sai lệch nhận thức của học sinh, rất nguy hiểm.
Kết luận sai về thí nghiệm tìm hiểu khả năng dẫn điện của vật trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: GDVN
Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm về thông tin trong sách giáo khoa, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi ban hành do đó Bộ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội vì khâu kiểm duyệt chưa chặt chẽ.
Khi có lỗi sai, Nhà xuất bản không có động thái gì thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rốt ráo làm triệt để, nếu các chi tiết không chuẩn thì phải sửa, nếu lỗi nhiều quá thì buộc phải thu hồi chứ không thể cứ im hơi lặng tiếng như vậy”.
Trong khi đó, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thừa nhận: “Khi sách lớp 1 có nhiều sạn, tôi đã dự báo rằng với cách làm sách giáo khoa như hiện nay thì các sách khác sẽ không tránh khỏi lỗi”.
Video đang HOT
Theo thầy Dong đáng lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một bộ sách giáo khoa riêng, làm theo Nghị Quyết của Quốc hội và phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bộ sách đó, khi đó bộ nào có “sạn” thì chắc chắn phải sửa ngay nếu không sẽ không đủ sức cạnh tranh.
“Tôi cho rằng, muốn quán triệt tinh thần làm sách nghiêm túc của Nhà xuất bản thì cần phải có hội đồng độc lập kiểm soát những sai sót nếu có. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thành lập được thì hãy giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chứ các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi chính xác đến từng milimet, do đó nếu thí nghiệm sai thì hỏng bét”, thầy Dong đưa ra kiến nghị.
Nhìn nhận từ việc khi bộ sách Cánh Diều lớp 1 có sạn đã phải công khai, minh bạch trước dư luận trong đó có cả bản chỉnh sửa nhưng với những sách của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sạn mà không hề có động thái gì, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đã làm sai thì phải khắc phục dù đó là bộ sách của Nhà xuất bản nào đi chăng nữa bởi mục tiêu cuối cùng là sản phẩm đến tay học trò phải chuẩn nhất, chất lượng tốt nhất.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị làm sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hội đồng thẩm định sách giáo cần đánh giá lại các lỗi được chỉ ra. Các lỗi nếu có cần phải chỉnh sửa ngay, đồng thời phải in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hành miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng sách giáo khoa này.
“Không thể có chuyện sách này sai thì làm ầm ĩ còn sách kia sai thì lại im hơi lặng tiếng dễ khiến dư luận đặt băn khoăn về chuyện không công bằng, không minh bạch giữa các nhà xuất bản”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu vấn đề.
Nói như vậy để thấy, theo các chuyên gia giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa được cả xã hội quan tâm, nếu sách giáo khoa có “sạn” cần phải xử lý sớm, phải yêu cầu các tác giả, Nhà xuất bản chỉnh sửa ngay, để học sinh không bị thiệt thòi. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa ngay sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều thì các bộ sách khác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi có “sạn” cũng cần phải chỉnh sửa ngay mới tạo ra sự công bằng.
Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin trong bài viết NXB GDVN, các tác giả không thể im lặng mãi về “sạn” trong các sách Bộ Kết nối, ngay khi có các ồn ào về sạn trong các sách Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ngày 10/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì nhận được phản hồi “Về nội dung phóng viên hỏi, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang làm việc với các bên liên quan và sẽ thông tin khi có kết quả cụ thể”.
Đến ngày 28/9, phóng viên chưa nhận được thêm thông tin gì. Ngoài ra, vấn đề này, phóng viên của Tạp chí cũng đã liên lạc với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.
Từng phát biểu trên báo chí vào cuối tháng 8 về các ồn ào xung quanh bài thơ Bắt nạt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ nhiệm ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng báo chí và dư luận đã lên tiếng rất lâu, nhưng tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa hề lên tiếng là hoàn toàn không đúng. Đại biểu Thúy nhấn mạnh, tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập, thứ hai là cơ quan tham mưu của Bộ và thứ ba là Lãnh đạo Bộ. Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ là xuyên suốt cho nên lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên trả lời công luận. Nếu có sai sót thì phải chỉ đạo sửa chữa khắc phục và xử lý theo thẩm quyền.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ hai bộ SGK: 'Sự lãng phí đau xót về chất xám'
Tổng chủ biên sách Ngữ văn lớp 6, bộ Cùng học để phát triển năng lực bức xúc khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ hai bộ SGK mà không thông báo trước.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hai bộ sách giáo khoa "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" không tiếp tục được phát hành ở lớp 2 và lớp 6. Lý do hợp nhất các bộ sách giáo khoa lại để tập trung nguồn lực, trí lực của đội ngũ các tác giả.
Giáo sư Lã Nhâm Thìn, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội), Tổng chủ biên sách Ngữ Văn lớp 6 bộ "Cùng học để phát triển năng lực" cho rằng, việc hợp nhất bốn bộ sách giáo khoa thành hai bộ sách giáo khoa như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo là không chính xác, thực chất đó là loại bỏ khỏi hệ thống các bộ sách giáo khoa.
"Quyết định loại bỏ hai bộ sách đột ngột không tác giả nào có thể lường trước được sự việc, khiến các chuyên gia, tác giả tham gia biên soạn sách vô cùng thất vọng và không gì có thể bù đắp được. Loại bỏ hai bộ sách hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học (vì đã được thẩm định) và cũng không thực tiễn (vì không có giá trị xã hội) mà bằng một quyết định hành chính mập mờ", ông nói.
Học sinh lớp 1. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Vị chủ biên cũng đưa ra lý do các tác giả chấp nhận loại bỏ còn hơn hợp nhất hai bộ sách lại. Thứ nhất, mỗi bộ sách có tư tưởng, tính triết lý riêng, phương pháp tiếp cận riêng, phương pháp dạy học không giống nhau. Đặc biệt, mỗi sách có kết cấu riêng nên các tác giả không đồng tình với việc hợp nhất.
Thứ hai, bộ "Cùng học để phát triển năng lực" đã biên soạn xong, được Hội đồng thẩm định nội bộ xác nhận đạt yêu cầu và đưa ra những chỉnh sửa cần thiết để tiếp tục trình lên Hội đồng thẩm định sách quốc gia. Thời gian còn ngắn quá, nếu muốn kết hợp thì phải làm lại từ đầu, thực hiện triển khai, lựa chọn ngữ liệu. Như vậy, nói bộ "Cùng học để phát triển năng lực" kết hợp với bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" là không có cơ sở. Hợp nhất tinh hoa giữa các tác phẩm một cách cơ học là điều không thể.
Ông cho rằng, việc bỏ hai bộ sách là sự lãng phí "đau xót", lãng phí về kinh tế, thời gian và công sức.
Để biên soạn bộ sách giáo khoa lớp 6, các tác giả phải có cái nhìn tổng thể kiến thức từ lớp 6 đến lớp 9, thậm chí tổng thể liên cấp từ tiểu học đến THPT. Tiếp đó, phải xác định đề cương từ tổng quát đến chi tiết, thảo luận về cấu trúc, mô hình các loại sách (sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, sách tham khảo...).
Trong quá trình biên soạn, các tác giả yêu cầu lựa chọn ngữ liệu phải vừa kết hợp tư tưởng của sách, vừa đảm bảo yêu cầu chung của chương trình đổi mới. Đây là quá trình dài hơi, tốn nhiều trí lực và tâm huyết của đội ngũ chuyên gia. Họ liên tục làm việc qua nhiều năm liền không phải vài tháng là có thể hoàn thành bản thảo sách.
Điều lãng phí hơn cả là lãng phí về trí tuệ, chất xám. Cả bộ sách giáo khoa bao nhiêu công sức giờ chịu cảnh "đắp chiếu". Đó là chưa kể đến lãng phí về cơ hội, mà các tác giả mong muốn đem đến cho học sinh, giáo viên và địa phương những bộ sách tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế nhất. Lãng phí về tiền bạc rất lớn.
Về lý do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra khi hợp nhất các bộ sách với mục đích tập trung phát huy nguồn lực trí tuệ của các tác giả, tập trung kinh phí đầu tư theo ông là hoàn toàn không đúng. Ông đặt ra câu hỏi, tại sao không hợp nhất từ đầu, không có kế hoạch và tầm nhìn, để đến khi các tác giả hoàn thành bản thảo mới tính đến hợp nhất, hậu quả để lại rất đáng tiếc.
Nhà xuất bản Giáo dục chỉ giữ lại hai bộ sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách Lịch sử và Địa lý lớp 6, bộ Cùng học để phát triển năng lực cho biết, tại cuộc họp giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tổng chủ biên, chủ biên bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Cùng học để phát triển năng lực" ngày 15/6/2020, các tác giả không đồng ý việc hợp nhất, đặc biệt là sách Lịch sử và Địa lý lớp 6.
Sau đó 3 tuần, ngày 7/7/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo quyết định loại bỏ bộ sách Cùng học để phát triển năng lực do không đạt yêu cầu. Hai bộ sách được chọn để gửi thẩm định cấp cao hơn là Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo.
Giáo sư Bình cho rằng: "Nếu là hợp nhất thì phải là 50 - 50 kiến thức hai bộ hoặc hai nhóm tác giả cùng ngồi lại để có phương án giải quyết thoả đáng hơn thay vì loại bỏ thẳng thừng mà không có hội đồng đánh giá, thẩm định nào được tổ chức. Đây là sự coi thường, sáp nhập không bình đẳng".
Trong khi đó, ngày 19/6/2020, tại hội đồng đánh giá, thẩm định sách nội bộ, các chuyên gia đều thống nhất đánh giá sách Lịch sử và Địa lý lớp 6 của hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Cùng học để phát triển năng lực" đều đạt yêu cầu, chất lượng ngang bằng nhau; còn sách giáo khoa trong bộ "Chân trời sáng tạo" không đạt yêu cầu.
Sách Tiếng Việt 1 sửa nội dung bài "Tôi đi học" khô cứng như gỗ đá Những người biên soạn sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (KNTTVCS) sửa nội dung văn bản "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh khiến bài đọc khô cứng như gỗ đá. Thời gian qua, dư luận bàn tán xôn xao bài đọc "Tôi đi học" (Thanh Tịnh), trang 45, sách Tiếng Việt 1, tập 2,...