Khi nhà trường bưng bít thông tin, lẩn tránh trách nhiệm
Việc trường bưng bít thông tin, xử lý chậm và những lời xin lỗi muộn màng từ các nhà giáo không thể bù đắp tổn thương mà học sinh phải chịu đựng hay xoa dịu phẫn nộ từ dư luận.
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội báo cáo và tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ nguyên nhân khiến học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân trong trường học.
Câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận về cách hành xử của nhà trường khi học sinh gặp nạn.
Theo lời kể của Kiên cùng một số học sinh khác, em bị ôtô chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đâm trên sân trường. Ban đầu, cô hiệu trưởng bác bỏ điều này, cho rằng học sinh tự ngã, đồng thời phát giấy khảo sát cho học sinh và các cá nhân liên quan để chứng minh điều mình nói.
Sau khi báo chí đưa tin, dưới sức ép của dư luận, nữ hiệu trưởng thừa nhận đi ôtô vào trường nhưng không biết xe có đâm phải học sinh trong sân hay không.
Học sinh Trần Chí Kiên chưa thể đi lại bình thường sau khi bị ôtô đâm gãy chân trên sân trường. Ảnh: Người Lao Động.
‘Giấu diếm là dạy học sinh nói dối’
Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – khẳng định sai lầm của cô hiệu trưởng là không thể chấp nhận được. Thay vì xuống xe giúp đỡ học sinh bị đâm, nữ giáo viên lại làm ngơ.
Thậm chí, khi học sinh thông tin chiếc xe gây tai nạn chở cô hiệu trưởng và hiệu phó, nữ giáo viên lại tìm cách lấp liếm.
PGS Văn Như Cương nhận định việc này chứng tỏ hiệu trưởng trường Nam Trung Yên không nhận thức được sai lầm của mình, đang trốn tránh trách nhiệm. Ông Cương đồng ý với cách làm của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và hy vọng các nhà chức trách xử lý vụ việc nghiêm khắc để ngành giáo dục lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Trước đó, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử khẳng định hành động của hiệu trưởng trường Nam Trung Yên rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận.
“Cô giáo không chỉ nói dối, lấp liếm mà còn giáo dục học trò nói dối, bắt các em phục tùng sự dối trá. Tôi nghĩ điều này làm hỏng hoàn toàn nền giáo dục”, ông nhấn mạnh.
Trong cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành ở Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, phát biểu về hành vi của Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên: “Ngành giáo dục nhưng cũng nhiều người có thủ đoạn để che đậy hành vi phạm lỗi của mình. Mình sai rồi thì nhận với các cháu, phụ huynh rồi làm hết sức mình, còn sai đến đâu thì xử lý đến đấy. Không thể có những cán bộ đã là hiệu trưởng rồi mà còn như thế”.
Một vụ việc khác cũng gây bức xúc dư luận mấy ngày qua là vụ nổ trong phòng thí nghiệm của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) khiến nữ sinh lớp 12 bị bỏng nặng.
Video đang HOT
Trao đổi với Zing.vn, chị Phạm Huyền – dì của nạn nhân – cho rằng trường có dấu hiệu bưng bít thông tin khi có công văn gửi một số cơ quan đề nghị không đưa vụ việc lên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời không có động tĩnh gì trong suốt một tháng.
Chỉ sau khi nạn nhân đăng thông tin vụ việc lên mạng, báo chí vào cuộc, trường mới kỷ luật cảnh cáo nhân viên phòng thí nghiệm, nhận lỗi xử lý quá chậm, gây hoang mang dư luận, cũng như xin lỗi học sinh và gia đình.
Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, PGS Văn Như Cương khẳng định tình trạng các trường giấu diếm và tìm mọi cách để bưng bít thông tin là có thật. Ông cho rằng hành vi này rất tệ hại và đáng xấu hổ.
“Người trong cuộc cần nhận thức được sai lầm của bản thân dù nó ở mức độ nào. Giấu diếm là dạy học sinh nói dối, không thể chấp nhận được. Giáo viên gây lỗi thì phải biết khắc phục, chứ làm như thế này thì buồn lắm!”, ông Cương nêu quan điểm.
Đạo đức nhà giáo ở đâu?
Chính những vụ bạo hành do người thầy gây ra, nỗi đau xuất phát từ các nhà giáo khiến phụ huynh bất an, dư luận hoang mang. Chị Thu Nguyệt, một phụ huynh ở Hà Nội, chia sẻ những vụ việc gần đây đã ảnh hưởng niềm tin vào giáo dục.
“Tôi không nói tất cả thầy cô nhưng rõ ràng ngành giáo dục đang có nhiều người chưa xứng đáng với niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội”, chị Nguyệt khẳng định.
Nữ phụ huynh dẫn ví dụ vụ cô giáo trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu trẻ. Sự việc sẽ không bao giờ được tiết lộ nếu không có video đăng trên mạng xã hội. Chỉ khi đó, các giáo viên mới bị xử lý và nhà trường nói lời xin lỗi muộn màng.
Công văn của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) gửi một số đơn vị mong muốn không đưa thông tin vụ nổ trong phòng thí nghiệm làm nữ sinh bị bỏng nặng lên các phương tiện đại chúng. Ảnh: N.S.
Theo chị Lê Vinh Lan ở Hà Tĩnh, không ai muốn gạn hỏi con có bị đánh khi đến trường hay không nhưng họ buộc phải làm thế vì không phải giáo viên nào cũng đáng tin.
“Nữ sinh trường Phan Đình Phùng bị bỏng nặng và phải tự lên tiếng tìm kiếm sự công bằng sau một tháng. Nhà trường, giáo viên ở đâu, đạo đức nhà giáo của họ ở đâu khi để học sinh phải chịu nỗi đau thể xác trong ấm ức? Chẳng lẽ họ bận tìm cách lẩn tránh trách nhiệm?”, nữ phụ huynh bức xúc đặt câu hỏi.
Cách hành xử tiêu cực, quyết định xử lý chậm, lời xin lỗi muộn màng từ nhà trường, giáo viên không đủ để bù đắp nỗi đau thể xác, tinh thần cho nạn nhân hay xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận.
Nỗi bất an của phụ huynh khi con đến trường là điều đáng buồn đối với các nhà giáo chân chính cũng như toàn ngành giáo dục.
Cô giáo mầm non được tặng quà để… không đánh trẻ
Như Quỳnh, giáo viên mầm non ở Lâm Đồng, cho biết cô rất buồn khi đọc tin liên quan các vụ bạo hành trẻ cùng phản ứng của độc giả, cộng đồng mạng trước những vụ việc gần đây.
Cách hành xử kém của một bộ phận giáo viên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của học sinh, cũng như uy tín của ngành giáo dục. Họ khiến hình ảnh giáo viên trở nên méo mó và buộc xã hội phải nghi ngờ đạo đức, phẩm chất của nhà giáo trong toàn ngành.
“Trong 3 năm làm nghề nuôi dạy trẻ, điều tôi buồn nhất là việc phụ huynh tặng quà vào các ngày lễ không phải thay lời cảm ơn người đã chăm sóc con họ, mà để đảm bảo giáo viên không đánh các bé. Tôi day dứt khi chúng tôi trở thành đối tượng cần đề phòng trong mắt cha mẹ học sinh”, nữ giáo viên trẻ tâm sự.
Theo Zing
Vụ nữ sinh bị bỏng: 'Nhà trường xử lý quá chậm'
Dì của nữ sinh bị bỏng trong vụ nổ ở phòng thí nghiệm cho rằng nếu trường xử lý sớm và dứt điểm vụ việc, nạn nhân đã không bị tổn thương ghê gớm.
Ngày 5/2, D.A., nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), chia sẻ trên mạng xã hội về vụ nổ trong phòng thực hành Hóa - Sinh khiến em bị bỏng nặng. Vụ việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và giới truyền thông.
Sau 3 ngày, người nhà nạn nhân lên tiếng về tai nạn đáng tiếc này, cũng như những đau đớn mà nữ sinh phải chịu đựng thời gian qua.
Trao đổi với Zing.vn, chị Phạm Huyền, dì của D.A cho biết nữ sinh đang được bác sĩ theo dõi sức khỏe. Những vết bỏng nghiêm trọng ở vùng gáy, tai, cằm, cổ, bụng, cánh tay, bàn tay phải khiến em đau đớn mỗi khi cử động. D.A. sẽ phải mang trên mình những vết sẹo từ khi còn trẻ.
Nhưng trên hết là nỗi đau về tinh thần, cảm giác hoang mang, bất lực của thiếu nữ 18 tuổi khi phải đối mặt với tương lai quá khó khăn.
Những lời chia sẻ của D.A. trên Pdp Confession. Ảnh chụp màn hình.
Hiện tại, sức khỏe D.A. đang dần ổn định, em cũng đã đi học trở lại nhưng tâm lý vẫn bất ổn.
Trong bài đăng trên Facebook cá nhân, dì của nạn nhân cho rằng nếu nhà trường giải quyết sớm và dứt điểm vụ việc, D.A đã không phải tổn thương ghê gớm đến vậy.
Người nhà nữ sinh thông tin ngày 6/2, tức một ngày sau chia sẻ của D.A, trường gửi công văn tới một số cơ quan kèm đề nghị không đưa vụ việc lên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Kể từ bây giờ, khắp người tớ sẽ là những mảng da nhăn co lại sần sùi lồi lõm mà công nghệ cũng khó cứu được. Đau đớn một tháng qua từng khiến tớ muốn từ bỏ tất cả. Tay phải co gân, không làm được chuyện gì, ngay cả viết. Tớ không thi nổi đại học nữa rồi. Công sức một năm rưỡi ròng rã đổ xuống sông xuống bể hết", D.A. từng kể về cảm giác tuyệt vọng của mình trong bài tâm sự trên Pdp Confession.
Trong công văn này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền cho biết sau sự cố, ban giám hiệu đã họp để xử lý với sự có mặt của học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Nhà trường đã nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong cuộc họp liên tịch mở rộng, với học sinh toàn trường.
Đại diện trường cũng thăm hỏi, hỗ trợ ban đầu cho gia đình em D.A. Cô hiệu trưởng, giáo viên dạy Hóa của lớp và cán bộ thí nghiệm trông lớp... đã đến thăm hỏi và có lời xin lỗi gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, trong bài đăng trên Facebook, chị Huyền cho rằng: "Cả một tháng trôi qua, chẳng có cuộc họp kỷ luật nghiêm túc nào diễn ra. Không có bất cứ một thông tin nào được công bố trước học sinh toàn trường. Lớp học bên cạnh còn chẳng biết gì".
Cũng theo dì của D.A, nhà trường không cung cấp được biên bản nào cho chị và các nhà báo về cuộc họp liên quan nội dung đã rút kinh nghiệm, kiểm điểm trong một tháng qua như trả lời báo chí và như viết trong công văn gửi các nơi.
Người nhà nạn nhân mong muốn những người liên quan phải thực sự nhận thức sai lầm của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận nỗi đau, sự bất công mà D.A. phải gánh chịu.
"Với tôi, sự hèn nhát của những kẻ gây ra tai nạn và phải chịu trách nhiệm về tai nạn này đã khắc sâu một vết sẹo không thể xoá nổi về đạo đức người làm thầy. Họ đã muốn dạy học sinh trở thành những con người dối trá!", dì nữ sinh trường Phan Đình Phùng nhấn mạnh trong bài đăng trên trang cá nhân.
Liên quan vụ việc này, báo Công An Nhân Dân dẫn lời ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết ông đã yêu cầu trường THPT Phan Đình Phùng khẩn trương xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc ngay trong tuần này.
Theo đó, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường THPT Phan Đình Phùng tổ chức các cuộc họp theo quy trình để xem xét, kiểm điểm các cá nhân liên quan, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.
Về các em học sinh có liên quan vụ nổ, sở yêu cầu xác minh kỹ, xem xét và báo cáo chi tiết để có phương án giải quyết phù hợp.
Trong một diễn biến khác, chiều 8/2, admin trang Pdp Confession đăng bài thông báo sẽ "xuống chức", đồng thời xin lỗi vì "đưa các thầy cô và tên tuổi của trường lên bàn cân, để người ta đo đạc, đánh giá". Song người này khẳng định không hối hận vì việc đã làm.
"Nếu cho làm lại, mình vẫn sẽ làm đúng như thế. Mình làm điều đó theo đúng ý nghĩa của page - những người chưa có tiếng nói có thể được nói lên những tâm tư, suy nghĩ, những khúc mắc của mình với tất cả mọi người một cách công khai, minh bạch", admin Pdp Confession viết.
Theo công văn gửi các cơ quan chức năng do Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền ký, cuối giờ thực hành Hóa học ngày 5/1, bài số 5 - "Thực hành Kim loại kiềm, kiềm thổ tại phòng thực hành Hóa - Sinh", sau khi thực hành xong, học sinh tiến hành dọn dẹp. Hai bạn nam nghịch đốt mẩu giấy Phenolphtalein cho vào chiếc cốc khô, bên trong không đựng gì.
Một em cầm lọ đựng cồn (mặc dù cán bộ thực hành cất ra chỗ khác), bên trong còn khoảng 50 ml, đổ vào cốc đó nên bị bắt lửa cháy chai nhựa. Chai nổ dẫn tới 3 học sinh đứng gần bị bỏng, trong đó có D.A.
Lúc xảy ra sự việc, không có giáo viên trong phòng học. Nhà trường và cán bộ y tế đã sơ cứu và đưa 3 em trên vào cấp cứu ở khoa Bỏng của Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Hai học sinh nam đã bình phục và đi học bình thường, D.A ra viện ngày 9/1 và điều trị tại nhà.
Theo Zing
Bạo lực học đường và nỗi lo đến từ giáo viên Sau một số vụ giáo viên bạo hành học sinh gần đây, nhiều phụ huynh bất an khi phải gửi con đến trường. Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo và khiến dư luận bất bình, phụ huynh hoang mang. Những vụ bạo lực học đường, sự...