Khi người thầy mất uy, học sinh hư cũng kệ
Hầu hết giáo viên hiện nay đều dạy vì lo sợ mất việc, lo sợ bị kỷ luật nên truyền tai nhau, muốn yên ổn phải “đội học sinh lên đầu mà dạy”.
Hiện nay, việc xử lý học sinh vi phạm tại các trường học rất qua loa, hời hợt, không có tác dụng giáo dục học sinh tiến bộ, khiến học sinh “nhờn thuốc”, vi phạm ngày càng nhiều hơn, bạo lực học đường theo đó mà gia tăng hơn cả về mức độ, tần suất và hậu quả để lại.
Các bài viết gần đây như “Giáo viên co mình lại vì áp lực và quy định, bạo lực học đường gia tăng” hay bài viết “Ai đã làm cho giáo viên ngày vô cảm, thu mình và “sợ” học sinh” của các tác giả đã thu hút rất lớn sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Các bài viết đều chỉ ra việc những vụ việc vi phạm học đường mà mọi người biết được thông qua báo chí, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,… thực chất chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
Không phải vụ bạo lực học đường nào xảy ra cũng có bằng chứng, được đưa ra ánh sáng dư luận, có nhiều vụ, nhiều hành vi bạo lực học đường còn nghiêm trọng hơn những gì dư luận đang thấy.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.
Giáo viên không thu mình, co mình lại,… thì còn biết làm gì khi dạy vì làm gì có quyền gì để xử lý học sinh vi phạm, khi số lượng cá biệt là một lực lượng rất lớn.
Một bài viết gần đây phản ánh một lớp học có rất nhiều học sinh cá biệt, do liên minh chống đối hoặc do xúi giục chống đối, hoặc lý do gì khác thì giáo viên sẽ xử lý như thế nào? Rõ ràng là bất lực, vô cùng lúng túng.
Giáo viên hiện nay hầu như không có quyền để xử lý học sinh
Quy định hiện nay, hầu như giáo viên bộ môn và cả giáo viên chủ nhiệm, thậm chí cả ban giám hiệu đều rất ít quyền để xử lý học sinh cá biệt, quậy phá,… việc xử lý như tạo điều kiện cho học sinh được “cá biệt” hơn.
Nếu ban giám hiệu có quan tâm thì còn đỡ, ban giám hiệu “đá” trách nhiệm cho giáo viên thì coi như ngôi trường đó học sinh sẽ cá biệt rất nhiều, hư hỏng nhiều hơn.
Một số vị hiệu trưởng, hiệu phó bây giờ rất “khôn”, họ muốn giữ ghế không ai muốn bị vạ lây khi xử lý học sinh, nên nhiều người cứ đổ hết trách nhiệm, nhiệm vụ lên đầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.
Mà giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm thì trách nhiệm, quyền hạn trong xử lý học sinh rất mờ nhạt, hầu như không có.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT). Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020.
Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, khoản 2 Điều 38 Điều lệ này nêu rõ: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
Khiển trách và thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Video đang HOT
Có thể thấy, so với quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, quy định mới đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, bỏ cảnh cáo ghi học bạ.
Hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn được thay thế bằng tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Bên cạnh đó, ở bậc tiểu học Điều lệ trường tiểu học được ban ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT đã quy định giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 38 Điều lệ trường tiểu học được ban ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, quy định học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:
Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;
Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Như vậy, có thể thấy, tại Điều lệ trường tiểu học theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT đã nghiêm cấm giáo viên tiểu học có hành vi phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Như vậy cả bậc tiểu học đến trung học phổ thông đều không còn hình thức phê bình học sinh trước lớp, trước trường, thậm chí phê bình học sinh trước phụ huynh,… khi học sinh có bất kỳ vi phạm gì?
Đây là quy định khiến giáo viên bị cảm thấy rất áp lực, thu mình lại và “sợ” cả chính học sinh mình dạy, nếu không thu mình lại có thể bị mất việc bất cứ lúc nào.
Giáo viên còn lại quyền gì để dạy và giáo dục học sinh?
Nếu học sinh cá biệt dù đã dùng mọi biện pháp, cách thức giáo dục như nhắc nhở, liên hệ phụ huynh, báo ban giám hiệu,… mà học sinh liên tục tái phạm thì giáo viên còn quyền gì để xử lý học sinh?
Đối với giáo viên chủ nhiệm đôi khi còn được quyền lập biên bản gửi ban giám hiệu xử lý học sinh, tuy nhiên việc xử lý này vô cùng phức tạp, hiệu trưởng thường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải xác định rõ hành vi vi phạm, vi phạm phải nghiêm trọng và phải lập biên bản ít nhất ba lần thì hiệu trưởng mới mời học sinh, phụ huynh phối hợp, cho dù phối hợp xử lý xong thì việc kỷ luật cao nhất cũng chỉ là dừng việc học tập cao nhất 1 tuần lễ rồi sau khi học sinh bị dừng học một tuần lễ, nếu học sinh tiếp tục tái phạm thì lại phải làm lại quy trình từ đầu, nói chung là không có tác dụng răn đe, giáo dục, giáo viên chủ nhiệm đó chưa chắc yên thân.
Còn đối với giáo viên bộ môn thì hầu như không có quyền hạn gì để xử lý học sinh, chỉ là báo với giáo viên chủ nhiệm, mà giáo viên chủ nhiệm như đã nói ở trên, cũng có quyền gì xử lý học sinh nên “hòa cả làng”, càng xử lý, học sinh càng nhờn thuốc, vi phạm nhiều hơn, thách thức hơn.
Học sinh cá biệt, trả lời, thách thức giáo viên ngay trong chính giờ dạy thì giáo viên bộ môn hiện nay xem như “bó tay”, mắng không được, phê bình trước lớp không được, kêu học sinh đứng dậy không được, kêu học sinh ra ngoài không được, đánh không được, xử lý kỷ luật không được,… thì giáo viên dạy học sinh đó ra sao, mà đôi khi không chỉ 1 em mà có cả vài học sinh cá biệt trong lớp thì việc xử lý sẽ vô cùng khó khăn.
Ai đã từng làm cha, mẹ đã dạy con gia đình chỉ 1, 2 con đã xử lý còn rất khó, tại trường học giáo viên dạy hàng trăm học sinh học sinh, khi đó mỗi ngày dạy cả chục học sinh cá biệt, mà trong tay không có công cụ, quyền hạn để xử lý thì sẽ như thế nào?
Cấp trên, phụ huynh nêu thấu hiểu và đồng cảm với giáo viên thì mới hy vọng mới tạo ra môi trường giáo dục tốt lên được.
Mỗi đối tượng khác nhau có cách giáo dục, xử lý khác nhau, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng “khuôn vàng thước ngọc” mà các em nên người.
Học sinh không nên người, học sinh cá biệt, hư hỏng,… từ chính trường học thì hậu quả sẽ rất lớn cho xã hội, gia đình các em đó sẽ là người gánh hậu quả chính, xã hội sẽ có những con người xấu xuất hiện.
Giáo dục mà nghiêm minh, kỷ luật nghiêm minh sẽ chính là yếu tố đầu tiên hình thành nhân cách mỗi con người, trong đó chính giáo viên, phụ huynh là người tạo nên nhân cách đó.
Giáo viên, phụ huynh, và cả học sinh đều muốn trường học nghiêm khắc hơn
Hầu hết giáo viên hiện nay đều dạy vì lo sợ mất việc, lo sợ bị kỷ luật nên truyền tai nhau, muốn yên ổn phải “đội học sinh lên đầu mà dạy”, “nó làm gì kệ nó, học giỏi hay dở, ngoan hay không ngoan mặc kệ nó, lỡ miệng mắng nó, lỡ tay đánh nó thì cầm chắc mất việc như chơi”.
Trao đổi với nhiều giáo viên, đa số đều muốn giáo viên được dạy được giáo dục hết sức mình và được trao thêm quyền trong xử lý học sinh, chỉ có như vậy, giáo viên mới dạy dược học sinh tiến bộ, ai cũng biết học sinh trong lớp nghe lời, ngoan thì chắc chắn cả lớp đều học tốt và tiến bộ.
Tôi cũng đã tiến hành khảo sát hơn 100 phụ huynh và rất nhiều học sinh, thì đa số đều mong muốn học sinh ở trường được xử lý nghiêm khắc hơn, học sinh phải được giáo dục một cách nghiêm túc hơn, và ngay khi khảo sát học sinh thì học sinh đều biết việc hiện nay việc trường học bạo lực hơn, học sinh không ngoan là do nhà trường xử lý thiếu kiên quyết, nghiêm minh và đề nghị nhà trường xử lý nghiêm khắc hơn, các bạn cá biệt, quậy phá chính là nguyên nhân làm cho các bạn còn lại không học được, giáo viên dạy không được, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh.
Tôi không ủng hộ quan điểm đuổi học học sinh hay quá nghiêm khắc đối với học sinh, tuy nhiên học sinh vi phạm phải được xử lý có lý, có tình, nghiêm khác và có tính giáo dục, răn đe thì học sinh mới tiến bộ và hy vọng học sinh sẽ không còn học sinh cá biệt, giáo viên sẽ dễ “thở” hơn so với hiện nay.
Ngày trước, người thầy được xếp trong 3 ngôi “quân – sư – phụ”, nên câu răn “giáo bất nghiêm, sư chi đọa” – dạy mà không nghiêm là cái lỗi của người thầy, là hoàn toàn đúng. Nhưng ngày nay, người thầy bị tước hết uy thế và công cụ giáo dục đạo đức học trò, thì khi bạo lực học đường xảy ra không thể đổ lỗi cho người thầy. Tiếc rằng thực tế người thầy thường là đối tượng bị “xử lý” đầu tiên, từ nhà trường, cơ quan quản lý cho đến dư luận xã hội.
Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chuyên môn cao nhất về giáo dục nên có các nghiên cứu khoa học, nên có các buổi hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia, tâm lý và cả giáo viên để đề ra các chính sách về xử lý học sinh một cách tốt nhất trong tương lai đó chính là một trong những giải pháp giúp học sinh tiến bộ hơn, học giỏi, ngoan hơn trong thời gian tới.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Tâm tư của một người thầy về những đổi thay trong ngành giáo dục
Năm 2020, một năm đầy biến động, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và học tập của mọi người, mọi nhà, trong đó có ngành Giáo dục.
Bước sang năm 2021, giáo viên cũng muốn gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, chờ mong những đổi mới tích cực hơn đối với nghề giáo.
Năm 2021, mong những đổi mới tích cực trong ngành Giáo dục. (Ảnh: Yến Nguyệt)
Phụ huynh thấu hiểu
Xã hội kỳ vọng vào giáo dục, phụ huynh giao phó trọng trách cho thầy cô, thế nhưng giáo viên gần như bị tước hết quyền giáo dục các em. Nhắc nhở học trò điều sai bị cho là làm nhục, xúc phạm thân thể học sinh; phạt roi vào mông khi trò không nghe lời bị quy chụp bạo hành thể xác.
Phụ huynh sẵn sàng mang câu chuyện lên mạng xã hội đôi khi "thêm mắm, thêm muối" để nhiều người chưa hiểu đầu đuôi lăng nhục, chửi rủa, xúc phạm thầy cô bằng những từ ngữ "chợ búa" và nhận hàng tấn "gạch đá" trút xuống trong cơn giận dữ.
Có phụ huynh chỉ nghe con về kể cũng chưa cần tìm hiểu thực hư đã xông vào trường đánh chửi thầy cô thậm tệ. Giáo viên muốn bảo vệ mình đành áp dụng chiến thuật "mặc kệ nó" dù biết là không phải nhưng đó là cách tốt nhất bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ gia đình của mình.
Thế là, học sinh lười học cũng mặc kệ. Học sinh hư, không nghe lời cũng làm lơ. Học sinh thường xuyên vi phạm nội quy trường lớp cũng chỉ nhắc nhở qua loa cho có. Khi thầy cô không nghiêm khắc, học trò ngày càng lười học và hư hơn.
Vậy nên, giáo viên chúng tôi muốn có được sự thấu hiểu, tin tưởng từ phụ huynh. Hãy để cho giáo viên được quyền dạy dỗ khi các em chưa ngoan, được quyền nhắc nhở khi các em phạm lỗi, được quyền trách phạt khi các em làm sai. Mong rằng, cha mẹ và thầy cô sẽ ngồi lại bên nhau để cùng phối hợp với nhau để giáo dục học sinh một cách tốt nhất.
Nhà quản lý giáo dục chia sẻ những áp lực với giáo viên
Trong mắt người quản lý, giáo viên luôn luôn sai. Vì thế, khi xảy ra chuyện gì với học sinh để phụ huynh phản ứng, dù thầy cô giáo lỗi một, phụ huynh lỗi mười thì giáo viên vẫn phải nhún nhường, nén giận để xin lỗi học sinh, xin lỗi phụ huynh cho êm chuyện.
Không ít cán bộ quản lý nói rằng nhịn một chút để nhà trường yên ổn vì họ sợ mất các danh hiệu thi đua. Giáo viên chịu nhiều áp lực trong việc giáo dục và dạy dỗ học sinh. Đầu năm thì chỉ tiêu bên trên áp xuống buộc thầy cô phải thực hiện.
Học trò ngày càng ít nghe lời, thường xuyên vi phạm nội quy. Vì lo cho chất lượng, lo chỉ tiêu không hoàn thành mà có đôi lúc giáo viên nóng giận khi thấy trò không nghe lời đã dùng đến đòn roi như cái bạt tai, vài roi vào mông cũng bị sa thải khỏi ngành.
Chỉ một lần sai, giáo viên cũng không còn cơ hội để sửa sai, để làm lại. Cách xử lý lạnh lùng dễ bị ngộ nhận kiểu "vắt chanh bỏ vỏ", chối bỏ trách nhiệm để xoa dịu dư luận làm nhiều thầy cô giáo thấy buồn, xót xa vì thấy mình thật sự cô đơn khi cầm phấn.
Mong học trò chịu học và biết nghe lời
Học trò thời nay khác xưa rất nhiều. Không ít em còn có thái độ chống đối, thách thức thầy cô. Chúng tôi đã từng gặp những học sinh khi nghe thầy cô nói về học bài mai kiểm tra lấy điểm đã thẳng thừng nói rằng thầy cứ cho luôn điểm 0 chứ mai em cũng không học.
Có em khi bị thầy cô nhắc nhở vì vi phạm nội quy đã lớn tiếng nói rằng em thách thầy (cô) đụng vào em đó. Thậm chí, có em còn dùng tiếng đệm chửi thề, gọi thầy cô bằng ông, bằng thằng, bằng bà, bằng con...
Thế nên mong mỏi lớn nhất của giáo viên là học sinh sẽ ngoan hơn, biết nghe lời, chịu khó học hành để thầy cô giáo chú tâm chăm lo cho việc giảng dạy.
Giáo viên được quyền cho học sinh ở lại lớp
Học sinh ra sao, học hành thế nào chỉ giáo viên là người nắm rõ nhất. Thế nhưng, ngay cái quyền được cho những học sinh yếu kém ở lại lớp cũng bị "tước" luôn. Thầy cô giáo bị các chỉ tiêu thi đua kìm kẹp chẳng khác nào vòng kim cô xiết vào cổ. Vì thế, dù muốn cũng không thể để học sinh yếu kém ở lại lớp.
Điều này, đã dẫn đến hậu quả không ít học sinh ngồi học ở lớp 3, lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn thua một học sinh lớp 1. Học trò yếu cứ bị lùa lên hết lớp này đến lớp khác.
Cấp 2 phải chịu hậu quả nặng nề của cấp 1, còn cấp 3 gánh chịu chất lượng bết bát của cấp 2 và cuối cùng, xã hội phải gánh chịu những kẻ làm "thầy không ra thầy, thợ cũng chẳng ra thợ".
Thực sự, các em phải "ngồi nhầm lớp" là nỗi buồn, nỗi day dứt của nhiều giáo viên chúng tôi.
Đời sống của giáo viên được đảm bảo
Với đồng lương ba cọc ba đồng, không được phép làm thêm dù bằng chính năng lực của mình nên cuộc sống của nhiều gia đình nhà giáo vô cùng khó khăn. Giáo viên "chân ngoài" dài hơn "chân trong" nên vừa ra khỏi trường là tối ngày tối mặt với cuộc mưu sinh để duy trì cuộc sống.
Mãi lo chuyện làm ăn đương nhiên việc chuyên môn là giảng dạy và giáo dục học sinh cũng ít được đầu tư đúng mức.
Mong mỏi của nhiều giáo viên lúc này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn chỉ đạo cụ thể việc số tuần thực học, thực dạy cho giáo viên trong năm có dịch bệnh để những chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo được thanh toán một cách công bằng.
Thầy giáo chuyên cai nghiện game cho "học trò hư" Khoảng chục năm nay, cứ lớp nào có nhiều học sinh cá biệt là Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lại giao cho thầy Hoàng Đức Mạnh làm giáo viên chủ nhiệm. Thầy nổi tiếng "mát tay" khi cảm hóa được nhiều học sinh hư, thường xuyên bỏ học, mê game quay lại trường lớp, thi đỗ ĐH. Thầy Mạnh...