Khi người lính Biên phòng chăm lo cho giáo dục vùng cao
Theo thống kê năm 2019, xã Nhôn Mai có trên 55% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, thành phần dân tộc chủ yếu là Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống. Phần lớn người dân nơi đây nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em họ.
Đóng quân trên địa bàn xã biên giới Nhôn Mai – xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, mà còn giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Kim Dung
Theo thống kê năm 2019, xã Nhôn Mai có trên 55% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, thành phần dân tộc chủ yếu là Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống. Phần lớn người dân nơi đây nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em họ. Đó là một trong những điểm khó khăn nhất trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương.
Để giúp nhà trường duy trì tốt sĩ số học sinh, cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai thường xuyên phối hợp với nhà trường đến các bản tích cực vận động học sinh đến trường, nhất là những học sinh nghỉ nhiều ngày không đến lớp.
Đầu năm học 2019-2020, em Và Y Đĩa, ở bản Phá Mựt, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai có ý định bỏ học để lấy chồng theo hủ tục tảo hôn ở địa phương. Giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần đến nhà vận động, nhưng em vẫn nhất quyết không đi học. Vấn đề thách thức nhất là nếu vận động không khéo có thể sẽ khiến học sinh chịu sức ép về tâm lý dẫn đến những hành động dại dột, gây hệ lụy khôn lường.
Trước tình hình đó, nhà trường đã tham mưu, phối hợp cùng chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Nhôn Mai thành lập tổ công tác đi vận động học sinh trở lại trường. Với sự tham gia của cán bộ đồn Biên phòng và cán bộ địa phương, tổ công tác đã kiên trì vận động, thuyết phục gia đình và động viên em trở lại trường học tập.
Video đang HOT
Được biết, nhờ chủ động nắm bắt tình hình và có các biện pháp kịp thời nên những năm gần đây, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai thường xuyên duy trì tốt sĩ số học sinh đến lớp. Có được kết quả đó là sự phối hợp hiệu quả giữa Đồn Biên phòng Nhôn Mai với chính quyền địa phương và nhà trường.
Để chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã triển khai có hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã quyên góp hỗ trợ cho 3 em học sinh với số tiền 500.000 đồng/em/tháng.
Trong đó, 1 em học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai, 1 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mai Sơn và 1 học sinh Trường Tiểu học Tằng Sầu ở nước bạn Lào. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trao nhiều suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới.
Năm học 2017-2018 và 2018-2019, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai có thêm 4 học sinh được hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” với số tiền 3,6 triệu đồng/em/năm.
Hằng năm, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, pháp luật về biên giới, tổ chức “Tuần học quân đội”… Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn về tinh thần của học sinh vùng biên giới, Đồn Biên phòng Nhôn Mai thường xuyên phối hợp cùng nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các buổi sinh nhật, Tết Trung thu cho học sinh vùng biên…
Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: “Ban Chỉ huy đồn luôn xác định quan tâm, chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ chính là điều kiện để xây dựng nền móng vững chắc cho thế hệ tương lai nơi biên giới. Với trách nhiệm của người lính Biên phòng, đơn vị đã xây dựng được niềm tin trong lòng dân, được nhân dân yêu mến, tạo điều kiện giúp đỡ, qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc”.
Sự quan tâm, sẻ chia và luôn đồng hành của người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Nhôn Mai đối với sự nghiệp giáo dục còn nhiều khó khăn nơi vùng biên đã góp phần hạn chế học sinh bỏ học và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Và hơn thế nữa, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã tạo được niềm tin trong lòng dân, được nhân dân yêu mến; góp phần xây dựng văn hóa, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Ông Lương Xuân Hiệp, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai khẳng định: “Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã làm tốt công tác phối hợp và tích cực chăm lo sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên cùng với các thầy, cô giáo và cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về sự nghiệp giáo dục. Thực tế những năm gần đây cho thấy, chất lượng giáo dục của các trường học trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, điều đó đánh dấu sự nỗ lực của các thầy, cô giáo và sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai”.
Kim Dung
Chuyện nghề của những giáo viên gieo yêu thương nơi đất khó
Xa con, cô Minh coi học sinh dân tộc như con của mình. Cô dồn hết tình yêu vào các em và thấy mình may mắn khi được ôm "một đàn con" líu lo mỗi ngày.
Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp "trồng người", những thầy giáo, cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa vẫn cần mẫn, tận tụy ươm mầm cho ước mơ của học trò được bay cao, bay xa đến với chân trời tri thức.
Với tình yêu ấy, cô Kim Thị Minh đã đến với học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú ở bản Thăm Thẳm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương - một huyện giáp biên đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An là một trong những giáo viên hết lòng gieo yêu thương nơi đất khó.
Cô giáo Kim Thị Minh đã có 12 năm gắn bó với học sinh dân tộc Mông ở Nghệ An.
Ở bản Thăm Thẳm xã Nhôn Mai chỉ có vài chục hộ dân với hơn chục học sinh. Cuộc sống của những người Khơ Mú ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên các cô giáo cũng chịu chung nỗi vất vả: Không điện lưới, không nước sạch, không trạm y tế và chẳng có chợ để mua sắm thức ăn.
"Tôi nhớ con, thương con và không ít lần muốn chạy về ôm con một cái rồi đi. Tôi thương cả những giấc mơ con cất tiếng gọi mẹ... nên mỗi lần nhắc đến con là không cầm được nước mắt", cô Minh khóc khi nghĩ đến những ngày xa đứa con dại để vào bản dạy chữ.
Xa con, cô Minh coi học sinh dân tộc như con của mình. Cô dồn hết tình yêu vào các em và thấy mình may mắn khi được ôm "một đàn con" líu lo mỗi ngày. Cứ thế, ngày tháng trôi qua, nhiều thế hệ học sinh ra trường và trưởng thành, còn cô vẫn miệt mài gieo yêu thương nơi đất khó.
Vượt bao khó khăn, các cô giáo trẻ vẫn miệt mài gieo con chữ, gieo yêu thương nơi đất khó vùng biên giới. (Ảnh minh họa)
Hầu hết học sinh dân tộc đều nhút nhát nên các em gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Khi đến với lớp, hình ảnh cơ sở vật chất thiếu thốn khiến cô chạnh lòng. Học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi do gia đình khó khăn, không được quan tâm chuyện học hành. Chính vì vậy, cô lại thương các em hơn và luôn nỗ lực tìm ra phương pháp dạy học, chăm sóc phù hợp nhất.
Việc đầu tiên cô Minh dạy các con không phải là bài học vỡ lòng hay phép cộng trừ nhân chia. Cô dùng tình yêu thương để các con thấy được sự thân thiện, gần gũi, chỉ khi đó, việc học mới trở lên dễ dàng và khiến các em chăm chỉ đến trường.
Đến nay, cô Minh đã có 12 năm gắn bó với học sinh dân tộc Mông. "Tôi sẽ nhớ mãi những hình ảnh mà tôi vẫn gắn bó thường ngày, nhưng nhớ lại những chặng đường mà mình trải qua, tất cả như ký ức về các con ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương này, tôi sẽ phải phấn đầu nhiều hơn nữa để xứng đáng với nghề, với trách nhiệm của một giáo viên".
Vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy ngày đêm kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức cho thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp "tất cả vì học sinh thân yêu" vẫn hiện lên sáng ngời trong tâm trí mỗi người với lòng biết ơn, tôn kính.
Nhiều thầy, với lương tâm, trách nhiệm với nghề mình đã chọn, cô giáo không quản ngại nắng mưa, tình nguyện "cõng chữ lên non", mang ánh sáng của con chữ đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Không ít các thế hệ giáo viên đã cống hiến và gắn bó cả quãng đời thanh xuân của mình ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi và đã trở thành những "bông hoa đẹp của núi rừng". Sự hy sinh thầm lặng của người thầy thật cao cả và đáng trân trọng biết bao!
Theo infonet
Nghe cô giáo Ê đê kể chuyện đi vận động học sinh đến trường Cô H'Dinh Byă kể, học sinh chủ yếu là người dân tộc Kinh còn cô giáo là người dân tộc Ê đê nên lúc đầu nhiều phụ huynh không cho con đến trường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có 15.501 trường mầm non, 201291 nhóm lớp cùng với hơn 5,4 triệu học sinh, đạt tỷ lệ...