Khi lương y ‘mắc bệnh’ ‘ung thư phong bì’
Nhiều ý kiến cho rằng, đến mạng người mà họ còn coi thường thì hành vi ấy phải xem như tội ác, phải bị lên án kịch liệt, phải bị trừng trị.
Sau hàng loạt sự cố tiêm vắc- xin, người dân hoang mang lo lắng. (Ảnh minh họa)
Dồn dập những sự cố tắc trách của ngành y tế, đặc biệt là vụ “ nhân bản” hàng nghìn phiếu xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) khiến dư luận không khỏi hoang mang tự hỏi: Điều gì đang xảy ra trong ngành y tế?
Nhiều ý kiến cho rằng, đến mạng người mà họ còn coi thường thì hành vi ấy phải xem như tội ác, phải bị lên án kịch liệt, phải bị trừng trị.
Y đức được mã hóa bằng tiền sẽ trở thành… “y cụ”
Trong khi người dân cả nước chưa hết bàng hoàng sau vụ tiêm thiếu vắc-xin tại trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội thì sự việc tương tự xảy ra tại tỉnh Phú Yên khiến không ít người choáng váng. Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella hết hạn cho bệnh nhân.
Đến nay, vụ việc tạm lắng xuống bởi phía lãnh đạo Trung tâm đã thừa nhận việc làm sai trái của thuộc cấp mình đồng thời khẳng định: Trung tâm đã sai khi thực hiện mũi tiêm vắc xin mà không kiểm tra kỹ, đầy đủ nên xảy ra chuyện tiêm vắc xin hết hạn sử dụng?
Video đang HOT
Hàng loạt vụ việc liên quan tới vấn đề y đức tại các bệnh viện chưa kịp lắng xuống thì một vụ việc động trời khác lại tiếp tục diễn ra. Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) là bê bối có quá trình kéo dài thời gian nhất, đến nay mới bị phát hiện và khiến dư luận hoang mang về đạo đức ngành y nhiều nhất.
Suốt 10 tháng ròng (7/2012- 5/2013), bệnh viện đã trả kết quả xét nghiệm huyết học cho bệnh nhân (bệnh án khác nhau, lứa tuổi khác nhau) bằng cách dùng kết quả in sẵn. Có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” như vậy tại đây, trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người. Ngay sau khi sự việc vỡ lở, có ý kiến nhận xét, khi y đức được mã hóa bằng đồng tiền thì sẽ trở thành… “y cụ”.
Trước tình trạng này, bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: “Vụ việc có mức độ sai phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức có nhiều người không nghĩ có sự việc xảy ra như thế tại thời điểm này trên địa bàn Thủ đô. Mới đây, thành phố xử lý kỷ luật hành chính mức nặng nhất đối với một nhân viên y tế là sa thải khỏi ngành. Thế mà bệnh viện đa khoa Hoài Đức không biết sợ? Nếu nói đến y đức trong vụ việc này thì lại quá là xa xỉ đối với họ, ở đây không còn đơn giản là chuyện y đức?!”.
Lương y “mắc bệnh” “ung thư phong bì”?
Cho đến nay, chưa có một thống kê nào công bố đầy đủ danh sách các bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện mà trong đó có một phần không nhỏ là do sự tắc trách của các y bác sĩ điều trị. Nhưng điểm lại những vụ báo chí phản ảnh thời gian qua thì con số này cũng lên tới hàng trăm trong khi việc xử lý kỷ luật chỉ dừng ở mức… nội bộ còn những vụ việc xử lý hình sự thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong khi đến khám và điều trị tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khá cao. Nguyên nhân của những cái chết thương tâm này lại đa phần chỉ được lý giải theo kiểu đổ lỗi khách quan do quá tải bệnh viện, chuyên môn, thiếu nhân lực và lý do dễ kết luận nhất là kiểu tai biến hiếm gặp. Phải chăng, đây là cách trả lời an toàn nhất, dễ dùng nhất và cũng thiếu trách nhiệm nhất, vô cảm nhất?
Sự tắc trách nghề nghiệp hay văn hóa phong bì trong bệnh viện (được ví von là bệnh “ung thư phong bì”-PV) là hai vấn đề nổi cộm liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng xét cho cùng đó cũng chỉ là hai trong số rất nhiều căn bệnh liên quan đến y đức mà ngành này mắc phải. Điều đáng buồn, ngay ở bệnh viện, nơi đứng giữa ranh giới mong manh sự sống chết của con người thì vai trò của văn hóa phong bì càng được bộc lộ một cách rõ ràng và phát huy vai trò của nó hơn bao giờ hết.
Quay trở lại chuyện động trời ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Liệu khi chứng kiến vụ bê bối trên, những vị lãnh đạo ngành y có động lòng mà rà soát lại các “khối u” đang biến chứng hoành hành trong cơ thể ngành mình?
Theo Xahoi
Xét nghiệm nước tiểu cũng bị "nhân bản"
Chuyện vỡ lở mới hay, mấy nhân viên ở khoa xét nghiệm đó có ý đồ kiếm chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi "nhân bản" cho cả 7 cô.
Những khuất tất trong việc làm xét nghiệm rất khó phát hiện, chỉ những người "trong chăn" mới tỏ tường. (Ảnh minh họa).
Sau khi sự việc "nhân bản" các xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị phát hiện gây chấn động dư luận, một vị GS nghỉ hưu từng giữ chức vụ trưởng khoa xét nghiệm của một BV đầu ngành TƯ (xin không nêu tên) đã tiết lộ với phóng viên những điều "mắt thấy, tai nghe" xoay quanh câu chuyện xét nghiệm ở BV.
Vị GS khi nghỉ hưu được mời làm thêm tại một BV tư nhân Hà Nội. Sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, ông đã vội xin nghỉ vì chứng kiến những việc trắng trợn "ăn bớt" xét nghiệm của người bệnh. Ông kể:
"Có một công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên. Sau khi kết quả khám sức khỏe được gửi về công ty, lãnh đạo công ty đó đã 'nổi giận' vì có 7 nhân viên nữ trong một phòng cùng có thai đúng thời điểm công ty đang có nhiều đơn hàng. Ông giám đốc này đã truy hỏi 7 cô nhân viên thì có 6 cô "ngã ngồi" khi nghe tin mình có thai, chỉ có 1 cô thừa nhận mình đang mang bầu.
Thấy có điều bất thường, công ty này đã yêu cầu BV làm rõ. Khi bị bại lộ, BV vội vã làm lại xét nghiệm cho 7 cô nhân viên thì kết quả chỉ có 1 cô đang mang thai tháng thứ hai.
Chuyện vỡ lở mới hay, mấy nhân viên ở khoa xét nghiệm đó có ý đồ kiếm chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi "nhân bản" cho cả 7 cô. Không may nước tiểu của người được xét nghiệm lại chính của cô đang có bầu. 6 cô nhân viên "bỗng dưng" mang bầu đã được minh oan và ông sếp đó tuyên bố "cạch mặt" BV đó."
Những khuất tất trong việc làm xét nghiệm tại các BV mà thường là các BV ở các huyện ngoại thành, BV tư nhân, phòng khám tư... rất khó phát hiện, chỉ những người "trong chăn" mới tỏ tường.
Vị GS này cho biết: Việc khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để đi lao động xuất khẩu... thường bị "ăn bớt" rất tinh vi.
Do cạnh tranh giữa với nhau nên các BV đưa ra giá tiền cho mỗi gói khám khác nhau. Những người đại diện của các đơn vị đi tìm BV để tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên luôn chọn BV nào có giá rẻ nhất hoặc có tỉ lệ hoa hồng cao nhất. Để được chọn, không ít BV đã hạ giá xuống mức thấp.
Chấp nhận mức giá thấp đó nhưng vẫn phải có lãi lớn nên BV tìm mọi cách để giảm chi phí như mua lại máy xét nghiệm đã qua sử dụng, mua các loại hóa chất, vật tư xét nghiệm rẻ tiền, mỗi que thử chẻ làm đôi để dùng cho 2 người và thậm chí "nhân bản" xét nghiệm.
"Chứng kiến những việc làm đó, tôi đã vài lần lên tiếng góp ý, nhưng họ nói rằng đây là lệnh của lãnh đạo, chúng em chỉ biết thực hiện. Có người lại nói, khám sức khỏe định kỳ đâu có gì nghiêm trọng... Vì đồng lương mà không ai dám tố cáo. Với lương tâm của người thầy thuốc, tôi đã từ chối làm việc tại đây..."
Những chuyện mà vị GS này kể, vì lý do tế nhị nên không có bằng chứng cụ thể, không rõ tên BV nào, nhưng điều này chắc chắn là đang tồn tại. Phóng viên xin dẫn chứng về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên của một cơ quan tại một phòng khám tư ở Hà Nội (xin không nêu tên). Một số người bỗng nhiên được "khoác" thêm nhiều bệnh.
Chị N.T.H sau khi nhận được kết quả xét nghiệm đã tá hỏa khi thấy bác sĩ kết luận bị viêm gan B. Lo lắng bệnh tật, chị đã đến xét nghiệm lại tại BV Bạch Mai thì kết quả ngược lại: Không mắc viêm gan B. Chỉ bởi kết quả "giời ơi" đó mà chị H. đã mất ăn, mất ngủ cả tuần. Sau khi nhận được thông báo không có bệnh, chị mới thở phào nhẹ nhõm và loan tin cho tất cả mọi người tẩy chay phòng khám tư đó.
Theo Xahoi
10 người trong vụ 'nhân bản' xét nghiệm bị khởi tố Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa khởi tố 10 người nghi có hành vi trục lợi bảo hiểm sau khi vụ trả khống cả nghìn kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị đưa ra ánh sáng. Trao đổi với VnExpress.net, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết...