Khi học trò bị xem như “tội đồ” vì… điểm kém
Con được 6,5 điểm kiểm tra 1 tiết môn Tiếng Anh. Trong khi bố mẹ thấy bình thường nhưng không ngờ Hội Phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm đưa điểm số của cháu ra trao đổi vì ảnh hưởng thành tích chung của lớp.
Bị bêu vì điểm kém
Con trai chị N.T.Nh., đang học lớp 6 tại một trường THCS có tiếng đóng tại quận 1, TPHCM. “Rơi” vào trường điểm nhưng mẹ con chị theo học với tâm thế rất nhẹ nhàng, con quen với việc đọc sách, đi trải nghiệm hơn là việc “cày” để đạt điểm cao.
Đợt rồi, bài kiểm tra 1 tiết môn tiếng Anh của con trai chị được 6,5 điểm. Chị cũng hiểu được phần nào nguyên nhân là cháu chủ quan, nhất là đợt vừa rồi các phụ huynh khi trao đổi với giáo viên cầu yêu cầu cần ra đề khó hơn nữa vì trường điểm, lớp toàn các em giỏi. Chị Nh. không quá nặng lòng, hai mẹ con vẫn vui vẻ, để con rút kinh nghiệm.
Thế nhưng, sự việc không đơn giản như vậy. Con điểm 6,5 của cháu – dù chỉ là bài kiểm tra 1 tiết thông thường – bị một số người trong Hội Phụ huynh cùng với giáo viên đưa ra bàn luận vì trước nay chưa có trường hợp học sinh nào đạt điểm thấp như vậy, ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp. Và cô giáo nói luôn việc này với cháu.
Chị Nh. kể, dịp 20/11 này cận kề cuối tuần, các con có mấy ngày nghỉ, chị đã lên kế hoạch cho con đi chơi nhưng sau sự việc trên cháu không chịu đi, nói ở nhà ôn bài để chuẩn bị thi học kỳ. Chỉ vì điểm 6,5 mà cháu phải căng thẳng như vậy.
“Ở những trường điểm, phụ huynh rất năng nổ can thiệp vào những việc của nhà trường, của giáo viên. Từ các khoản đóng góp đến chuyện học hành của mấy đứa nhỏ”, chị Nh. bày tỏ.
Xin nhắc lại cách hành xử thiếu nhân văn đối với học sinh bị điểm kém từng được áp dụng tại Trường THCS Bình An (quận 2, TPHCM) như là bài học cho quản lý nhà trường và giáo viên. Khi học sinh bị điểm kém, nhà trường sẽ nêu tên, nhắc nhở các em trước tất cả học sinh, giáo viên trong giờ chào cờ. Sự xúc phạm chưa dừng ở đó, nhà trường còn bắt các em phải làm kiểm tra ngay giữa giờ chào cờ.
Video đang HOT
Trong trường học, đã có không ít vụ việc giáo viên bạo hành, xử phạt, làm nhục học sinh vì các em bị điểm kém, viết chữ chậm, chưa đúng, không trả lời được câu hỏi… Điều này đã nguy hại đến giá trị, ý nghĩa của giáo dục cũng như vai trò của người thầy trong việc dìu dắt học trò.
Khổ từ trường về nhà
Không chỉ bị áp lực điểm số từ nhà trường, từ giáo viên, học sinh còn phải đối diện với nỗi sợ hãi với bố mẹ khi bị điểm kém. Có những trường hợp, học sinh quỳ xuống xin giáo viên sửa điểm nếu không sẽ bị bố mẹ đánh đòn, phạt, có em bị… bố mẹ lột quần áo ra đánh. Nhiều em có điểm thi xong không dám về, bỏ nhà đi vì không đối diện được với bố mẹ.
Có phụ huynh huynh vì điểm 7 của con mà lên tận phòng hiệu trưởng, yêu cầu phúc khảo, kiểm tra lại vì không chấp nhận con điểm này. Kết quả không thay đổi, chị quay sang mắng mỏ, chửi bới đứa con “làm nhục bố mẹ” ngay trước thầy cô, mọi người.
Phụ huynh tại TPHCM theo dõi danh sách của con trong đợt chạy đua vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM.
Từ nhà trường đến gia đình, vòng quay điểm số “vây hãm” học sinh. Câu chuyện học sinh tâm thần vì học, nhập viện tâm thần vào mùa thi… năm nào cũng được nhắc đến.
Ai trải qua thời đi học cũng đều hiểu, vài ba con điểm cao hay thấp chẳng quyết định đến vận mệnh, sự nghiệp của mỗi người. Có khi đó còn là những kỷ niệm, ký ức đáng nhớ của thời đi học. Nhưng chắc chắn cách ứng xử của người lớn đối với điểm số của các em sẽ tác động đến tinh thần, tâm lý của mỗi đứa trẻ. Và đây là yếu tố hàng đầu làm cho bước chân, ánh mắt đến trường của học trò trở nên nặng nề, ám ảnh hơn.
Hiệu trưởng một Trường THPT ở Bình Tân, TPHCM cho rằng với áp lực và thi cử như hiện nay, thật hài hước để nói câu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Mọi đánh giá học sinh xoay quanh chuyện học hành, thi cử nên các em không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, đi học rất áp lực, lo lắng. Khi không đạt được kết quả ưng ý trong học tập, các em sẽ dễ dàng thất vọng, chán nản, thấy mình không có giá trị.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cách ứng xử của mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh đối với điểm số, thành tích của con trẻ cực kỳ quan trọng. Nó có thể “hạ gục” các em hay cũng giúp các em tự tin hơn vào bản thân mình ở nhiều những lĩnh vực khác.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Con tuổi teen muốn 'biến khỏi thế giới' vì áp lực học tập
Con quá mệt mỏi, con không biết ngày mai có tồn tại nữa hay không, con chỉ muốn chết đi, con chỉ muốn biến khỏi thế giới này..., là tâm sự của không ít đứa trẻ tuổi teen gửi tới bố mẹ khi chúng đang phải chịu áp lực học tập quá lớn.
Nhiều đứa trẻ tuổi teen "kêu cứu" vì phải chịu áp lực học tập nặng nề, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ - Ảnh minh họa
Trên một diễn đàn của những đứa trẻ tuổi teen, nhiều tâm sự gửi đến cha mẹ về áp lực học tập, về những kỳ vọng mà bố mẹ đặt vào con cái khiến chúng vô cùng mệt mỏi. "Con biết là ba mẹ đặt nhiều kì vọng vào con, cái gì cũng dồn hết cho con nhưng ba mẹ đâu biết điều đó càng làm con cảm thấy áp lực hơn. Con không giỏi, không thông minh bằng người khác nhưng không có nghĩa là con ngừng cố gắng. Ba nói là chuyện gì của con ba đều nắm giữ trong lòng bàn tay, con làm gì ba cũng biết, nhưng ba có biết những áp lực mà con phải chịu đựng không?
Ngày nào con cũng nghĩ phải làm sao để mình giỏi như người khác, thông minh, học hành điểm cao, không thua kém người khác để một ngày nào đó ba mẹ có thể tự hào về con. Con đã cố gắng lắm rồi nhưng con thấy bất lực rồi! Nhiều lúc con nghĩ rằng, cuộc sống sao mà mệt mỏi quá, phải chi mình không được sinh ra thì tốt hơn! Con muốn ngay bây giờ biến khỏi thế giới này!".
Có em muốn "biến khỏi thế giới" vì áp lực vượt quá sự chịu đựng của bản thân - Ảnh minh họa
10X khác năm nay thi vào 10 nên áp lực học tập không nhỏ. Đặc biệt, em cảm thấy vô cùng mỏi mệt khi bị bố quản lý từng li từng tí, mắng chửi khi em bị điểm kém, chì chiết khi em quên đi học thêm và đặc biệt cấm em chơi với bạn. Bị kiểm soát gần như tuyệt đối khiến em cảm thấy áp lực vượt quá giới hạn của mình. Học nhiều, không được gặp gỡ bạn bè để xả stress, không được giải trí, em rơi vào trầm cảm. Em gửi tâm sự đến bố mẹ: "Áp lực từ gia đình, bạn bè, nhà trường khiến con không thể chịu đựng thêm nữa! Con không biết bố mẹ có thể đọc được những dòng này hay ngày mai con còn tồn tại hay không nhưng điều quan trọng nhất con muốn nói với bố mẹ là "Con quá mệt mỏi rồi!".
Gần đây, viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều ca điều trị tâm lý mà bệnh nhân là các em học sinh độ tuổi từ 14 đến 17, đang đối diện với những kì thi chuyển cấp và tốt nghiệp. Nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố cho thấy, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Các bạn trẻ luôn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi khi đứng trước những áp lực về việc học mà bố mẹ đặt ra: Trường chuyên, lớp chọn, điểm số đứng đầu, trường đại học danh giá,... Nhiều học sinh không chịu đựng nổi đã nảy sinh những ý nghĩ dại dột.
Bị trầm cảm, lo âu trong thời gian dài, có đứa trẻ đã làm điều dại dột - Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), nhiều trẻ đang chịu áp lực học tập từ cả gia đình và nhà trường. Mặc dù, Bộ GD&ĐT nỗ lực giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng thực tế việc học vẫn là gánh nặng với các em. Bố mẹ kỳ vọng vào con, mong muốn con đạt được thành tích cao hơn. Nhiều trẻ học đến 11-12h đêm. Các con không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi. Để giúp con giải tỏa áp lực trong học tập, cha mẹ cần hiểu con mình, biết con mình mong muốn gì, cái gì mang lại hạnh phúc cho con. Nếu cha mẹ chú ý đến điều đó thì đứa con sẽ hạnh phúc hơn.
"Theo nghiên cứu trên thế giới, mỗi ngày ít nhất 15 phút, bố mẹ chơi, nói chuyện, chú ý đến con thì con sẽ giảm nguy cơ về sức khỏe tinh thần. Nếu các con bị sang chấn về tâm thần, con có dấu hiệu không ổn thì cha mẹ cần trao đổi, lắng nghe con, xem con cảm thấy thế nào. Nhiều bố mẹ coi việc đó không quan trọng. Con ốm thì bố mẹ đưa đến bác sĩ nhưng tinh thần của con có vấn đề thì bố mẹ thường không đưa đến bác sĩ tâm lý. Đôi khi, những đứa trẻ lo âu trong thời gian dài, bố mẹ chỉ nghĩ chuyện đó là bình thường ở tuổi vị thành niên nhưng có đứa trẻ trải qua được thời điểm khó khăn đó, có đứa không bước qua được và đã làm điều dại dột", PGS.TS Đặng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Theo phunuvietnam
Ban đại diện phụ huynh: "Chọn vàng gửi mặt"! Hầu hết những thành viên nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được nhà trường, giáo viên "chọn vàng gửi mặt", là những người có tiềm lực về tài chính. Thế nên họ rất "mạnh dạn" trong việc đề xuất thu và chi tiền. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền Chị Nguyễn Thu Trang (tên phụ huynh đã được thay đổi)...