Khi học sinh nói về xâm hại tình dục
‘ Cởi quần, cởi áo, bắt cóc, chụp hình khi không mặc đồ’,… là những ý kiến của học sinh khi được hỏi thế nào là xâm hại tình dục trẻ em.
Các học sinh ngây ngô nói về các vấn đề xâm hại tình dục trẻ em – HOA NỮ
Sáng 15.12, trong chương trình “ Kết nối trái tim tình nguyện 2018″ tại xã An Hải (Ninh Thuận), ngoài các hoạt động trao tặng quà, học bổng cho học sinh và các hộ gia đình khó khăn,…còn diễn ra các chuyên đề thiết thực cho học sinh như cách phòng chống xâm hại tình dục, ý nghĩa của việc đọc sách,…
Tại địa điểm xã An Hải, các học sinh ở đây đa phần đều bỡ ngỡ khi được hỏi vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Không ít em đều trả lời “xâm hại tình dục trẻ em là khi bị bắt cóc, bị đánh vào mặt”, hoặc nhận diện được những hành vi của việc xâm hại tình dục như “cởi quần, cởi áo, sờ soạng,…”. Khi được hỏi sờ soạng những điểm nào thì các em không trả lời được, hay với câu hỏi những đối tượng nào có thể thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì các em ngây ngô nói: “dạ, là người già”.
Học sinh nhận quà tại chương trình – HOA NỮ
“Các em ở những vùng quê xa xôi như thế này, đặc biệt là những xã khó khăn thì việc tiếp cận với các thông tin về phòng chống xâm hại tình dục là rất khó khăn. Chính vì thế, chương trình mong muốn lồng ghép được những chuyên đề như thế này để giúp các em có được những kiến thức cần thiết, và có thể tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm”, anh Phạm Văn Tiệp, Bí thư Đoàn cơ sở phía Nam Cơ quan T.Ư Đoàn, chia sẻ.
Ngoài chuyên đề về cách phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, còn có chuyên đề chia sẻ với các em về ý nghĩa của việc đọc sách với mong muốn lan rộng văn hóa đọc sách cho trẻ em.
“Hôm nay con rất vui vì được nhận quá trời quà. Con trả lời câu hỏi đúng nên còn được tặng truyện cổ tích để đọc. Con thấy vui nhất khi nghe chú nói về xâm hại tình dục ở trẻ em, vì từ trước giờ con chỉ nghĩ là xâm hại bạn gái nên mấy bạn gái mới sợ. Còn lúc nãy con mới nghe chú nói là con trai cũng bị xâm hại nên phải cẩn thận”, Nguyễn Hoàng Hiệp (học lớp 2C, Trường tiểu học An Thạnh, xã An Hải) chia sẻ.
Gian hàng trải nghiệm “Nếu em làm bác sĩ” – HOA NỮ
Chương trình năm nay tổ chức tại 3 điểm xã là An Hải, Phước Hải và Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận). Chương trình nhằm kết nối các cơ sở Đoàn với các đội nhóm tình nguyện để cùng chung sức, lan tỏa và chia sẻ yêu thương đến cộng đồng.
Với sự tham gia của hơn 300 tình nguyện viên và tổng kinh phí thực hiện chương trình là 500 triệu đồng. Chương trình đã thực hiện các hạng mục như thắp sáng đường quê, tổ chức sân chơi thiếu nhi, trao quà cho hộ gia đình khó khăn, trao tặng học bổng, xe đạp, quà cho học sinh, trao tặng tủ sách, máy vi tính và máy in cho các xã đoàn,….Ngoài ra, chương trình còn có các gian hàng để các em trải nghiệm ngành nghề, tập làm cô giáo, bác sĩ hay kỹ sư…
Video đang HOT
Các em học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn được nhận xe đạp tại chương trình – HOA NỮ
“Xuất phát từ ý tưởng kết hợp nhiều nguồn lực trong xã hội mà chương trình Kết nối trái tim tình nguyện đã đi đến mùa thứ 5. Nhiều công trình, phần việc đã được các tình nguyện viên cụ thể hóa và hoàn thành. Mặc dù năm nay gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn lực, nhưng các tình nguyện viên đã không ngại khó khăn, vất vả, nghĩ ra nhiều hình thức gây quỹ sáng tạo như bán báo, nuôi heo đất, bán hàng gây quỹ, gom ve chai, đêm nhạc gây quỹ, bán đấu giá vật phẩm,… Chúng tôi hy vọng sau chương trình này sẽ có nhiều mô hình, sự liên kết để các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh hơn”, anh Tiệp gửi gắm.
Chương trình “Kết nối trái tim tình nguyện 2018″ do Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên, Đoàn cơ sở phía Nam cơ quan T.Ư Đoàn, Mạng lưới tình nguyện vì cộng đồng – khu vực miền Nam phối hợp cùng Hội LHTN Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, các CLB đội nhóm tình nguyện (Tổ chức HĐXH Người Việt Trẻ, Hội Tình nguyện Gió Yêu Thương, Tổ chức HĐXH Tương Lai Xanh, Nhóm tình nguyện Đạp xe xuyên Việt – Hành trình kết nối yêu thương, Đội Công tác xã hội Nhất Tâm) và Cụm đoàn khối các cơ quan T.Ư phía Nam (Đoàn cơ sở Phân viện miền Nam – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đoàn cơ sở phía Nam cơ quan T.Ư Đoàn, Đoàn thanh niên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Đoàn cơ sở Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam – Khu vực phía Nam) cùng phối tổ chức.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Theo thanhnien
Quảng Nam: Cô giáo cảm hóa học sinh hướng thiện, giúp người nghèo khó, bất hạnh
Không chỉ tận tâm với công tác giảng dạy, cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo còn là tấm gương sáng cảm hóa học sinh hành thiện, giúp đời.
Về phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nhắc đến cô giáo Thảo (giáo viên dạy toán Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc, từ trẻ con đến người lớn đều bày tỏ sự yêu quý, kính trọng với người đã dành cả cuộc đời gắn bó với các thế hệ học trò ở đây.
Các em chăm sóc, tặng quà cho các trường hợp neo đơn,khó khăn
Đã ngoài 50 tuổi nhưng ngoài công việc chuyên môn, cô còn miệt mài với nhiều hoạt động giúp đỡ học trò nghèo khó, bất hạnh, các gia đình khó khăn, neo đơn... Đặc biệt, cô còn là cầu nối cảm hóa nhiều học sinh noi theo cùng làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn.
Để việc thiện nguyện lớn mạnh, có sức lan tỏa, cô Thảo cùng với những người chung chí hướng lập nên CLB thiện nguyện Tình Quê. CLB tập hợp gần 40 thành viên nhiệt huyết và mong muốn được làm việc thiện.
Tự tay phát quà trung thu cho các em khó khăn, bất hạnh
Thành viên chủ chốt của CLB gồm các chị em phụ nữ trú tại phường Điện Ngọc, ngoài ra còn có rất nhiều học sinh, sinh viên tham gia.
CLB hướng đến giúp đỡ các trường hợp khó khăn, bất hạnh tại phường Điện Ngọc hoặc tiếp nhận thông tin yêu cầu giúp đỡ từ nhiều địa phương trong và ngoài thị xã Điện Bàn rồi khảo sát, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ.
Cô cùng CLB còn tổ chức cho các em đi thăm và tặng quà tại các trại trẻ mồ côi
Nhiều học sinh mồ côi trên địa bàn phường cũng được CLB Tình Quê trao học bổng khuyến học thường xuyên. Một số học sinh bỏ học giữa chừng có cơ hội làm lại cuộc đời khi CLB làm cầu nối đến những cơ sở đào tạo nghề miễn phí.
Riêng các cụ già neo đơn bệnh tật sẽ được hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt và nấu bữa cơm yêu thương qua chương trình "Ấm áp tình quê" vào mỗi dịp cuối tuần. Việc giúp đỡ các cụ sẽ được các thành viên phân công thực hiện.
Bằng khen của UBND phường Điện Ngọc khen thưởng CLB Tình quê
Cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo chia sẻ: "Ngoài việc được học kiến thức ở trường, thì việc rèn luyện cho các em về lòng bao dung, nhân ái yêu thương mọi người cũng rất quan trọng. Vì vậy, tôi cũng vận động, khuyên nhủ các em cố gắng làm việc thiện, giúp đỡ mọi người".
Các em tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ví dụ như đến hè hoặc các dịp nghỉ lễ, rảnh rỗi cô sẽ cùng các em đến các hộ neo đơn để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn giúp các cụ...; hoặc để các em được tự tay phát quà cho các trường hợp khó khăn, bất hạnh tại phường; để các em cùng lên ý tưởng tổ chức trung thu cho các trẻ em bất hạnh; tổ chức đến thăm và tặng quà tại các trại trẻ mồ côi, khuyết tật....
Cô Thảo trong chuyến tặng quà cho các em khó khăn
Theo cô, đây là những bài học rất tốt để các em rèn luyện đạo đức bản thân, cảm hóa các em hướng thiện, giúp đỡ người yếu thế hơn. Khơi gợi lòng yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè, hướng đến con người tốt đẹp.
Cô kể, trong nhóm học sinh theo cô tham gia thiện nguyện cũng có nhiều em thuộc trường hợp quậy phá, bướng bỉnh; nhưng sau những chuyến từ thiện cùng cô, các em đã dần trưởng thành hơn rất nhiều.
Như em Nguyễn Mạnh Đô (học sinh lớp 9, thành viên của CLB), từng được liệt vào "danh sách đen" của trường vì quậy phá, lêu lổng. Tuy nhiên, từ ngày được cô Thảo dìu dắt và cũng tham gia những chuyến thiện nguyện cùng cô em đã học được cách bỏ đi "cái tôi" của mình.
"Khi chứng kiến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh hay chứng kiến các bạn đồng trang lứa không có sách vở đến trường, Đô đã suy nghĩ và nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Từ dạo đó, em trưởng thành hơn và nỗ lực hướng thiện, giúp đỡ mọi người. Điều đó làm cô rất vui mừng, cô hy vọng sẽ có nhiều em học sinh cố gắng vươn lên làm điều hay, lẽ phải, là con ngoan trò giỏi"- cô Thảo tâm sự.
Ngoài những học trò cô đang giảng dạy, các học trò cũ của cô Thảo cũng là những "chiến binh" tích cực hỗ trợ cô giáo kính mến của mình trong công tác thiện nguyện. Dù đi làm bất kỳ nơi phương xa nào, nhưng khi CLB kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thì học sinh cũ của cô Thảo luôn sẵn sàng "đồng hành" cùng cô giáo của mình.
Chia sẻ về hoạt động tình nguyện của cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo, bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Chủ tịch phường Điện Ngọc - cho biết: "Thời gian qua, nhờ tấm lòng của cô Thảo và các thành viên trong CLB Tình Quê, không ít mảnh đời khốn khó ở địa phương được giúp chăm sóc và giúp đỡ. Đặc biệt những hoạt động có ý nghĩa của cô Thảo cũng giúp rất nhiều em học sinh, đặc biệt là học trò hư thay đổi nhận thức, giúp ích cho cộng đồng".
N.Linh-C.Bính
Theo Dân trí
Trung tâm học tập cộng đồng: Nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ. Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cắm sâu trên các địa phương cơ sở, người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên để TTHTCĐ phát huy được đúng bản chất như mong muốn, có lẽ bài toán khó này sẽ còn trường kì....