Khi giáo viên bỏ nghề
Ngày càng nhiều bạn trẻ, không còn mặn mà với ngành sư phạm, còn giáo viên lại lác đác bỏ nghề…
Cháu tôi vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm số khá cao. Gia đình nhờ tôi tư vấn cho cháu xét tuyển vào 1 ngành học, 1 trường đại học phù hợp.
Tôi định hướng cho cháu học ngành sư phạm để mai này trở thành 1 cô giáo, nhưng cháu nhất quyết không chịu.
Ảnh minh họa
Có thể nói, trường hợp như cháu tôi hiện giờ không phải hiếm. Nghĩa là, các cháu có học lực giỏi, thi đạt kết quả cao nhưng lại không chọn ngành sư phạm.
Điều này hoàn toàn khác biệt với thực tế cách đây khoảng 20 năm. Khi ấy, những học sinh giỏi thường có xu hướng chọn học ngành sư phạm, để sau đó trở thành những thầy cô giáo.
Không khó để lý giải vì sao giới trẻ ngày càng thờ ơ với nghề giáo. Trước tiên, phải nói đến vấn đề thu nhập. Khi lương giáo viên hầu như không đủ để chính bản thân thầy cô giáo trang trải cuộc sống, thì làm sao họ có thể chuyên tâm cống hiến, dấn thân với nghề.
Một phụ huynh chia sẻ với tôi, có đứa con đi học đại học sư phạm, mỗi tháng gia đình ông phải chu cấp cho cháu khoảng 4 triệu đồng, gồm tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt phí và mua sắm sách vở, giáo trình.
Vậy mà, khi ra trường, phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức đầy cam go mới được vào dạy ở 1 trường tiểu học trên địa bàn huyện, lương tháng đầu tiên cháu lãnh chưa tới 3 triệu đồng.
Video đang HOT
Với số tiền lương ít ỏi như vậy, những giáo viên mới ra trường phải rất chật vật mới đủ xoay sở cho cuộc sống hàng ngày. Những thầy cô giáo đi dạy xa nhà, phải thuê nhà trọ để lưu trú thì tình hình càng khó khăn hơn.
Không ít giáo viên trẻ mỗi tháng phải nhận thêm tiền hỗ trợ từ gia đình mới đủ sống. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến ngành sư phạm ngày càng ít được giới trẻ ưu tiên lựa chọn, nhất là những học sinh giỏi, xuất sắc.
Khi nghề giáo không còn tuyển dụng được những người giỏi, nền giáo dục của chúng ta sẽ thế nào?
Có những người thực sự đam mê nghề giáo, họ sẵn sàng bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền để dấn thân cống hiến. Tuy nhiên, những áp lực khác lại làm cho họ chùn ý chí.
Điển hình như, trong môi trường sư phạm, hầu như người giáo viên không có tiếng nói đáng kể để bảo vệ cho lợi ích chính đáng của họ. Nhiều đồng nghiệp của tôi chia sẻ, họ bị cấp trên yêu cầu bằng mọi giá phải cho học sinh lên lớp, không để lưu ban.
Có những học sinh vừa học tệ, vừa đạo đức kém, giáo viên đã khiển trách các em nhiều lần trong quá trình dạy. Nhưng các em không cải thiện, cấp trên vẫn “chỉ đạo ngầm” là phải cho lên lớp, giáo viên sao dám làm trái?
Thế là giáo viên lại năn nỉ những học sinh cá biệt này vào trường, cho các em làm bài bổ sung điểm. Giáo viên phải ngồi bên cạnh hướng dẫn học sinh, vì để tự các em làm thì sẽ không bao giờ làm được.
Những học sinh này biết dù mình có học hành ra sao thì giáo viên cũng không dám cho lưu ban, nên những năm tiếp theo các em càng ngỗ nghịch…
Không ít giáo viên chia sẻ, khi đi dạy họ không lo lắng gì về chuyên môn, vì họ đã được đào tạo rất vững vàng. Nhưng có hàng trăm thứ khác khiến họ vô cùng áp lực.
Họ lo lắng ban giám hiệu hoặc tổ trưởng chuyên môn bất thình lình xuất hiện đòi dự giờ. Họ sợ các phụ huynh hung hăng chửi bới thậm chí hành hung họ; sợ học sinh lén chụp ảnh hoặc quay phim những khoảnh khắc họ sơ suất rồi tung lên mạng…
Mỗi năm, người giáo viên còn cảm thấy rất nặng nề với hàng trăm cuộc họp, các buổi tập huấn, thao giảng, các cuộc thi; với biết bao hồ sơ sổ sách cần phải hoàn thành.
Những áp lực hữu hình và vô hình ấy đã khiến không ít giáo viên từ yêu nghề trở nên nguội lạnh đam mê, thậm chí không còn hứng thú với chính công việc của mình.
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2021-2022 diễn ra vào ngày 12/8, vấn đề nhiều giáo viên xin nghỉ việc được đặt ra khiến các đại biểu cũng như nhân dân cả nước rất quan tâm.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành hiện đang thiếu giáo viên trầm trọng, thì việc giáo viên bỏ nghề hàng loạt cần phải được nhìn nhận thẳng thắn và tìm hướng khắc phục nhanh chóng.
Mặc dù Bộ Chính trị vừa qua đã có chủ trương bổ sung 65.900 giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học tới. Song, việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không hề đơn giản, vì quy trình tuyển dụng hiện nay rất nhiêu khê, phức tạp.
Hơn nữa, nguồn cung giáo viên ở các địa phương hiện nay không đồng đều nhau nên dễ dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Chưa nói, để đào tạo được 1 giáo viên, các trường sư phạm phải mất từ 3- 4 năm.
Muốn đất nước phát triển bền vững thì vai trò của nền giáo dục rất quan trọng. Lực lượng giáo viên lại luôn là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục.
Hiện tượng thiếu giáo viên trầm trọng ở một số địa phương hay chuyện giáo viên ồ ạt bỏ nghề thực sự là một hồi chuông cảnh báo.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT cùng với các cơ quan hữu quan cần phải có chiến lược rõ ràng, có lộ trình cụ thể, lâu dài, hành động quyết liệt hơn.
Không thể giải quyết vấn đề theo kiểu “thiếu chỗ nào đắp chỗ ấy” như hiện nay. Bởi chuyện “trồng người” là chuyện hệ trọng, là chuyện “trăm năm”.
Trương Chí Hùng (Nhà giáo)
Bộ đội biên phòng Nam Định nhận đỡ đầu hơn 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định đã nhận đỡ đầu 34 em, trong đó có 28 em thuộc chương trình Nâng bước em tới trường, 6 em thuộc chương trình Con nuôi đồn Biên phòng.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" giai đoạn 2016-2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ông Trần Lê Đoài và lãnh đạo Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tặng quà cho 6 học sinh trong tỉnh thuộc chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" có thành tích học tập suất sắc (Ảnh: Báo Nam Định)
Ở địa bàn tỉnh Nam Định, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 34 em, trong đó có 28 em thuộc chương trình "Nâng bước em tới trường", 6 em thuộc chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng" với mức hỗ trợ mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng (riêng "Con nuôi đồn Biên phòng", các đồn, hải đội 2 hỗ trợ thêm mỗi cháu 15kg gạo).
Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ các em với tổng số tiền gần 100 triệu đồng và gần 1 tấn gạo. Ngoài ra nhân các dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Nguyên đán hàng năm các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm, tặng quà, xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo trị giá hàng trăm triệu đồng. Thông qua chương trình này đã cổ vũ động viên các học sinh, sinh viên cả về tinh thần và vật chất để nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên để trở thành con ngoan, trò giỏi có ích cho gia đình và xã hội.
Qua 5 năm thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", BĐBP cả nước đã nhận đỡ đầu 3.356 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, tật nguyền, người dân tộc thiểu số.
Hàng năm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị BĐBP với cấp ủy, chính quyền và các nhà trường, các đồn Biên phòng đã trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu các em học sinh với mức 500 nghìn đồng/ cháu/ tháng (đến khi học hết lớp 12). Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ, nuôi dưỡng, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, người lao động trong lực lượng với tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ với đồng bào nơi biên giới tự nguyện ủng hộ kinh phí thực hiện chương trình.
Đến nay, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đã ủng hộ nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ, nuôi dưỡng các em. Với sự đỡ đầu của các đơn vị Biên phòng, thành tích học tập, rèn luyện của các em học sinh, sinh viên được nâng lên rõ rệt. Có 3 em đạt giải các kỳ thi quốc gia; 24 em đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh; 32 em đạt giải các kỳ thi cấp huyện. 297 em tốt nghiệp THPT; 132 em đỗ các trường đại học, cao đẳng; gần 3.000 lượt em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường. Trong mô hình "Con nuôi đồn biên phòng", các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 356 em.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi minh chứng cũng được thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GD&ĐT cũng giảm bớt các công việc liên quan...