Khi điểm số không là tất cả…
Nếu bạn hỏi tôi học vì điều gì thì có thể tôi sẽ trả lời: “Học để sau này có một vốn kiến thức đủ để giúp ích cho xã hội, có công việc ổn định, không phụ thuộc vào gia đình…”. Nhưng tôi tự thấy rằng mình chưa thật sự học vì điều đó.
Và đa phần các bạn cùng trang lứa với tôi, cũng thế.
o0o
Điểm số, bằng cấp, danh hiệu…đều chỉ là thước đo mang tính tương đối. Nhưng học sinh luôn phải khổ sở từng ngày để mang về cho ba mẹ những bảng điểm đẹp, những bằng khen xinh…Theo thời gian, những mục tiêu trong học tập như một thói quen khó thay đổi, và chúng ta thì vẫn cố…nhét từng môn học vào đầu để nhận điểm tốt, bị điểm xấu thì hụt hẫng chán nản, trong khi kiến thức cần thiết cho việc học về lâu về dài thì mơ hồ…
Video đang HOT
Việc học thú vị hay khổ nhọc còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và bản thân mỗi người. Trong khi một cậu bạn học ban tự nhiên luôn nản chí trước Văn – Sử – Địa thì cô bạn học ban D lại đau đầu trước Toán – Lý – Hóa – Sinh…Một học sinh giỏi trường A hứng thú trong việc học vì luôn luôn đạt 9, 10 điểm; trong khi một học sinh giỏi ở trường B dường như mất hy vọng với bài kiểm tra một tiết dưới trung bình…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Tôi đã từng suy nghĩ rất…trẻ con, rằng: danh hiệu thế nào thì khả năng học tập thế ấy…Nhưng theo thời gian, tôi đã được cuộc sống dạy rằng: “Kiến thức làm nên điểm số, điểm số không xây dựng kiến thức”
Những bạn học sinh giỏi trong lớp tôi – đôi khi vẫn bị hàng loạt những con điểm xấu. Chẳng hạn như anh chàng học giỏi nhất lớp môn Toán bị mất danh hiệu vì môn Văn, cô bạn học giỏi toàn diện lại bị tụt hạng chỉ vì điểm 0 môn Toán, hoặc một bạn đam mê Hóa cuồng nhiệt nhưng khi kiểm tra toàn dưới trung bình…Bạn có cho rằng họ học không giỏi?
o0o
Tôi đã từng thấy rất hổ thẹn khi tôi đạt danh hiệu giỏi mà điểm vẫn thấp hơn một bạn khá. Điều đó chứng tỏ, tôi chỉ “giỏi trên giấy tờ”, còn thực tế thì kiến thức vẫn rất hạn hẹp và suy nghĩ thì chưa chững chạc. Bị điểm thấp, tôi vội nản lòng, nhụt chí, sợ đối mặt với thực tại, trong khi những bạn khác, bị điểm 0 vẫn quyết phấn đấu vươn lên, và càng học nhiều hơn để cải thiện…Kết quả, dù điểm số “không đẹp” nhưng kiến thức trong đầu họ thì tuyệt vời…
o0o
Dần dần, tôi thôi quan tâm về suy nghĩ của “dư luận”. Tức là tôi không còn học về điểm số nữa, mặc dù ba mẹ đôi lúc có phàn nàn và người thân thỉnh thoảng tỏ vẻ thất vọng. Việc học của tôi nằm trong tầm tay tôi, chỉ có tôi mới biết mình cần gì, muốn gì và thích gì. Suy nghĩ tích cực khiến tinh thần tôi nhẹ nhõm, và mỗi ngày đi học đối với tôi là một niềm vui, dù đôi lúc tôi bị điểm 4 khi không giải được đề toán đại học, điểm 6 khi không thuộc bài môn công dân…
Tôi học cách chấp nhận, và biết nghĩ đến người khác. Tôi nỗ lực tối đa trong học tập. Điểm tốt, tôi vui mừng và cố gắng hơn. Điểm xấu, tôi đón nhận và tiếp tục khắc phục. Tôi chưa bao giờ thấy mình học nhẹ nhàng như lúc này…
o0o
Nếu bây giờ, điều khiến bạn lo lắng là điểm số, thì cứ thử nghĩ theo hướng này xem: “Mục đích cho 12 năm học là gì? Là có được một chỗ ngồi “yên vị” trong giảng đường để tiếp tục học. Giả sử, bạn học giỏi 12 năm nhưng thi đại học lại bị “thành công trì hoãn”, cảm giác của bạn thế nào? Còn nếu bạn chấp nhận rằng “sức học của mình bình thường và mình sẽ cố gắng hơn nữa”, thì điểm số có còn làm bạn đau đầu?”
Những học sinh cuối cấp thường khuyên bảo nhau: “Học bình thường thôi, nhưng đậu đại học thì mới oai. Còn cố gắng “gồng mình” để có được cái học bạ đẹp và bằng tốt nghiệp loại giỏi, thì nếu rớt đại học sẽ thế nào?”…