“Khi cánh cửa trường học mở ra, cánh cửa tù khép lại”
Mỗi em là hoàn cảnh, có em cha chết, mẹ bán vé số; có em mẹ làm nghề mại dâm, cha đi tù… nhưng thầy cô giáo vẫn kiên trì giành giật với đời từng học trò
Có một lớp học, em 9 tuổi học chung em 17 tuổi. Trong lớp, thường xuyên có cảnh em này giật tóc em kia, bạn sau lấy thướt chọt lưng bạn trước, khi bạn quay lại cự thì cười nham nhở…
Và mỗi em mỗi hoàn cảnh, có em cha chết, mẹ bán vé số, có em mẹ làm nghề mại dâm, cha đi tù… Hỗn độn, ồn ào nhưng cũng đầy nước mắt trong lớp học này vì thế đôi vợ chồng nhà giáo Võ Thị Bích Vân- Nguyễn Tất Hữu (58 tuổi) đã gắn bó hơn 22 năm mà chưa có ý định rời xa.
Cùng học cao đẳng sư phạm Quảng Nam nhưng đến năm thứ ba, cô nữ sinh Bích Vân mang thai nên phải tạm gác lại việc học. Anh chàng lãng tử ca hay, đàn giỏi Tất Hữu cũng nghỉ học để đi làm kiếm tiền chuẩn bị cho đứa con đầu lòng chào đời. Họ lấy nhau, lần lượt 3 đứa con ra đời, khó khăn chồng chất. Năm 1994, họ rời quê theo bạn bè vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hai vợ chồng thuê nhà trọ tại phường 15 quận Tân Bình, TP HCM. Vợ bán rau muống ở chợ còn chồng đạp xe khắp nơi dạy kèm tiếng Anh để đắp đổi qua ngày.
Những năm này, dân nhập cư đổ về cư ngụ ở quận Tân Bình ngày càng đông, trong đó nhiều em một chữ bẻ đôi cũng không biết, giấy khai sinh không có. Trước tình hình này, Hội khuyến học phường 15 mở ra lớp học dành cho các em thuộc đối tượng khó khăn. Không có giáo viên dạy, cô Vân tình nguyện đứng lớp. Có em một buổi đi bán vé số, một buổi đến lớp. Có em đến lớp 1-2 ngày lại biến mất vì phải canh công an cho mẹ “đi khách”… Những lúc này, cô Vân lại lóc cóc đạp xe đến nhà trọ, ra đường tìm từng đứa học trò mang về lớp. Rồi lớp học đông dần, cô phải chia ra làm 2 và nhờ chồng phụ đứng lớp. Hiện nay, lớp có 27 em theo học 2 lớp: từ lớp 1 đến lớp 3 học vào buổi sáng do thầy Hữu dạy, từ lớp 4 đến lớp 5 học buổi chiều do cô Vân đảm trách.
Trong lớp ấy, mỗi em mặc đồng phục có logo của một trường, có em mặc quần ngắn, có em mặc quần dài, em mặc váy xanh, có em mặc quần jean… Sách vở cũng khác nhau, có sách trắng tinh cũng có sách ghi chi chít chữ vì tất cả đều là đồ người khác cho. “Cứ vào đầu năm học, chúng tôi lại đi vận động, ai có gì cho nấy. Rồi vợ chồng chịu khó soạn ra, thấy cái nào còn mới, lành lặn, hợp với đứa nào thì đưa mang về để mặc; sách vở cũng thế nên mỗi em mỗi kiểu, không em nào giống em nào”- thầy Hữu cho hay.
Hơn 22 năm âm thầm làm kiếp đưa đò, cô Vân, thầy Hữu không thể nào nhớ hết họ đã giúp cho bao hoàn cảnh, dạy dỗ cho bao em học sinh có cha mẹ thuộc thành phần bất hảo của xã hội. Đang trò chuyện, chúng tôi nghe một giọng vang lên: “Đ.M mày chơi ăn gian..” của hai em nhỏ đang ngồi chơi cờ. Cô Vân bỏ dở cuộc trò chuyện bước ra nói với các em: “Các con không được chửi thề, như thế là xấu. Cô nghe lần nữa sẽ phạt” rồi cô phân bua: “Chúng tôi thường xuyên nghe những câu này. Em ấy cha mẹ chết, mỗi ngày phải ra chợ phụ bán cá với bà ngoại nên nói năng có phần lỗ mãn. Đa số các em đều thiếu tình thương nên phải nhẹ nhàng. Nói thế nhưng đôi khi tôi cũng phải dùng biện pháp mạnh mới răn đe nổi”.
Video đang HOT
Cô Vân kể trong suốt khoảng thời gian đứng lớp, cô nhớ nhất hoàn cảnh của hai chị em ruột Đ.N.M, Đ.T.P có cha mất, mẹ làm nghề “tú bà”. Anh của hai em cũng chết vì AIDS còn chị theo chân mẹ làm gái bán hoa.
Khi cô Vân tìm đến gặp mẹ hai em, bà nhiều lần lẩn tránh và quyết không cho con đi học. “Nhưng rồi kiên trì mãi tôi cũng gặp được mẹ của M. và N. Tôi hỏi: Chị làm nghề này có sợ công an bắt không? Nếu chị sợ thì đừng bắt con mình sống như mình. Hai đứa con đầu đã lỡ rồi, 2 đứa nhỏ như 2 tờ giấy trắng. Xin chị giao 2 đứa nhỏ cho tôi để tôi dạy dỗ các cháu”- cô Vân nhớ lại.
Không ngờ câu nói từ tận đáy lòng ấy đã chạm đến tình mẫu tử của một người mẹ gian hồ, bà hứa cho con đi học và không bắt con theo nghề mình. Nay M. đang làm công nhân, đã lấy chồng sinh con còn em trai cũng mở được tiệm sửa xe.
Có một lần, lớp cô đón 5 mẹ con rách rưới, đen nhẻm từ Campuchia trở về. Cha chết trong nạn Pôn Pốt, người mẹ không có nghề nghiệp, các con không có giấy khai sinh, không nói được cả tiếng Việt. Vợ chồng cô Vân, thầy Hữu nhận 4 đứa trẻ vào, dạy chữ, dạy cả sinh hoạt, văn hóa Việt Nam. Và 4 đứa trẻ ngày ấy nay đã thành tài, có người là giáo viên, có người là công an xã, người làm kế toán và một người làm nhân viên bảo trì.
Từ lớp học nghèo nàn, chấp vá này, rất nhiều em đã vào được cao đẳng, đại học. Như em N.C.T, mẹ chết vì bệnh AIDS, cha em cũng tự tử khi biết mang trong người căn bệnh thế kỷ, em sống cùng bà ngoại rất nghèo. May mắn, T. không có virus HIV trong người. Học xong chương trình tiểu học, vợ chồng cô Vân, thầy Hữu đã vận động các mạnh thường quân tiếp sức đóng học phí, mua sách vở để em tiếp tục đến trường. Nay T. đã vào đại học bằng chính tình yêu thương vô bờ bến của thầy cô mình.
“Ngày 20-11, nhiều em gọi điện thoại về cho vợ chồng tôi chúc mừng, thông báo tình hình việc làm, đời sống. Chỉ cần nghe thế, vợ chồng ngồi cười cùng nhau rồi lặng lẽ khóc khi chúng tôi giành giật với đời thành công từng đứa học trò. Khi cánh cửa trường học mở ra, cánh cửa tù khép lại”- thầy Hữu tâm sự.
Vào ngày Tết Trung Thu, Tết thiếu nhi, nhiều em đã trở về để cùng thầy cô tổ chức chương trình vui chơi, tặng quà cho các em đang học. Rồi có em được địa phương cho xe đạp mới đã mang chiếc xe đạp cũ đến tặng lại lớp học để cho các em nhỏ hơn có phương tiện đến trường. Tình yêu thương, vòng tay của thầy cô cứ thế nối ra, lớn ra, lan rộng.
Theo Người lao động
Cô giáo trẻ nấu cơm cho hàng trăm trò nghèo
Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn.
Từ lâu, cô Dung đã trở thành người mẹ thứ 2 của những học sinh nghèo
Ngày đầu đứng trên bục giảng cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung đã rớt nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ người Mông, Dao, Sán Chỉ... tới trường bằng đôi chân trần và những nắm cơm trắng ăn cùng muối... Bữa cơm do cô giáo Thùy Dung kêu gọi cộng đồng hỗ trợ học sinh nghèo trong trường đến nay đã được hơn 2 năm.
Mong các em no bụng để theo học cái chữ
"Tùng, tùng... tùng", tiếng trống trường giòn tan, sân trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đang yên ắng bỗng nhộn nhịp, từng nhóm học sinh hò reo, kéo nhau về "căng tin" đối diện cổng trường. Nói là "căng tin" cho sang nhưng đó là mái hiên che tạm nơi nấu cơm trưa cho học sinh xa nhà. Vừa hoàn tất nồi canh rau, cô Dung kéo chiếc ghế lại ngồi chia sẻ: Năm 2010, tốt nghiệp Cao đẳng ở Quy Nhơn, cô nhận công tác tại trường Võ Thị Sáu.
Thời đó, cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn, trường chỉ có vài ba lớp học cũ kĩ, sân trường mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Thế nhưng khi nhìn cảnh những đứa trẻ nghèo người Mông, Dao, Sán Chỉ, M'Nông... quần áo hoen ố, chân đất vẫn đến trường tìm kiếm con chữ, cô giáo trẻ thêm quyết tâm, nguyện "kết duyên" ở lại.
Trong năm học 2017-2018, cô Huỳnh Thị Thùy Dung được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" vì có thành tích xuất sắc trong năm học. Tháng 10/2017, cô Dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo dạy và học".
"Đa số các em là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp và sống rải rác khắp nơi trong rừng. Vì vậy, để đến được trường học sinh phải lội bộ khoảng 5km. Có em bố mẹ nấu cho nắm cơm trắng gói túi nilon và ít muối hoặc một gói mì tôm, không có thì nhịn đói. Vào lớp nhiều học sinh đói lả nằm trên bàn. Thấy vậy, em chạy đi mua bánh mì ngọt và sữa bịch mang cho các em ăn rồi học tiếp. Từ đó, em mới nghĩ ra bữa cơm để giúp các em xóa cơn đói, có niềm vui theo học chữ", cô Dung cho hay.
Trong một lần đi chợ, cô Dung tâm sự về hoàn cảnh của những đứa trẻ nghèo đi học, bày tỏ nguyện vọng muốn tìm sự hỗ trợ để các em không phải chịu cảnh bụng đói tới trường. Rất may câu chuyện được các bà các cô trong chợ chia sẻ. Ngay trưa hôm sau, bà chủ tiệm bún mang đến trường một nồi rau xào thịt to góp vào bữa ăn cho cô và trò giữa sân trường.
Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn.
Gần hai năm trước, bữa cơm đầu tiên do nhóm của cô Dung được cung cấp cho các em học sinh khó khăn trong trường Võ Thị Sáu. Hàng tuần, sẽ có hai bữa cơm trưa, trong đó thứ 2 sẽ phục vụ cho gần 220 em, thứ 5 là hơn 150 em. Tính tới nay, bữa "cơm có thịt" cho học sinh trường Võ Thị Sáu đã duy trì hơn 2 năm.
Bên cạnh đó, cô Dung cũng là người khởi sướng chương trình tặng "áo ấm mùa đông", xe đạp cho những trò nghèo nhà xa. "Mỗi lần đi vận động cực lắm, tụi em phải đi vào buổi tối hoặc sáng sớm vì lúc đó người dân mới có ở nhà", cô Dung chia sẻ.
Cần lắm sự chia sẻ
Cố gắng mang lại niềm vui cho học trò nghèo nhưng sức người có hạn, không ít lần cô Dung ngậm ngùi khi "lực bất tòng tâm". Đơn cử trường hợp học sinh Hờ A Dờ (10 tuổi) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 10 anh em bấu víu nhau mà sống trong căn nhà tre vách nứa dựng tạm.
Thương trò, cô Dung trực tiếp đi quyên góp tiền sửa lại mái nhà chống thấm dột, sắm thêm vài vật dụng cho anh em Dờ sinh hoạt. "Nhờ kết nối với bạn bè, em đã gửi thông tin của Dờ về chương trình "Cặp lá yêu thương" của Đài Truyền hình Việt Nam mong được giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi chương trình chuẩn bị về quay cũng là lúc Dờ được bà con đưa về Bắc. Em gọi điện năn nỉ thuyết phục Dờ quay lại học. Thế nhưng, khi Dờ quay lại đã lỡ chương trình, đó là điều em luyến tiếc nhất", nữ giáo viên tâm sự.
Giờ đây, điều mong muốn nhất của cô Dung và các giáo viên khác là làm sao có được sự hỗ trợ để xây một bếp ăn bán trú ổn định cho học sinh trong trường. "Năm học này có mạnh thường quân hứa hỗ trợ đều tiền ăn cho học sinh. Thế nhưng, các thầy cô lo lắng năm sau không biết có nhận được sự hỗ trợ. Sợ đứt gánh giữa đường tội các em học sinh. Nếu xây dựng được bếp ăn bán trú có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đỡ hơn, lâu dài hơn và giúp được các em hơn", cô Dung bày tỏ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, thày Bùi Văn Út, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Nô cho biết, cô Dung là giáo viên giỏi chuyên môn và nhiệt huyết trong hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Cô đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ học sinh bữa cơm trưa có thịt, giúp đỡ quần áo, sách vở, xe đạp... giúp các em vượt qua khó khăn để không bỏ trường, bỏ lớp. "Đời sống của các em học sinh vùng sâu, vùng xa rất khó khăn.
Khi biết cô Dung kêu gọi tổ chức được bữa "cơm có thịt" cho học sinh bản thân tôi đã hết sức ủng hộ. Đối với học sinh vùng khó khăn, bữa cơm giúp các em cố gắng học tập và khẳng định tình thương giữa thầy cô và học sinh", thầy Bùi Văn Út chia sẻ.
Theo 24h.com.vn
Đại biểu đề xuất: Xong lớp 9 có thể liên thông vào đại học? Thảo luận dự án Luật Giáo dục, ĐB Lê Quân (Hà Nội) cho rằng nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động. Sau đó, có thể học liên thông lên cao hơn. Theo ĐB Lê Quân, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính...