Khen sao cho đúng?
Con tôi là một trong số những học sinh được nhận giấy khen trong năm học vừa qua. Liếc qua tấm hình cô giáo chủ nhiệm gửi trong nhóm phụ huynh của lớp, chỉ có 3-4 bạn là ngồi “chỏng chơ” rất tội nghiệp.
Nhìn những gương mặt trẻ thơ hồ hởi giơ giấy khen lên để cô giáo chụp hình cùng với gương mặt bí xị, thất thần của những em “cá biệt” không có gì, tôi cứ suy nghĩ mãi.
Nếu con mình là một trong số mấy bạn không nhận được giấy khen kia thì sẽ thế nào? Chắc con sẽ buồn lắm, sẽ tủi thân lắm. Nếu tôi là phụ huynh của những em học sinh “về tay trắng” kia, chắc tôi cũng xấu hổ lắm, thương con lắm.
Tờ giấy khen vô tri vô giác
Tối về, chị Hà – mẹ của em D.P. (người không được nhận giấy khen) – tâm sự với tôi. Chị bảo rằng đi học về D.P. không ăn cơm, buồn vì không được khen. Mặc dù cha mẹ động viên hết lời nhưng cháu vẫn mặc cảm và theo chị Hà, đó thực sự là một năm học buồn của cháu.
Buổi tối, con trai tôi cũng kể bạn T. vì không được giấy khen nên đã khóc, không ăn kem trong buổi liên hoan. Hóa ra những đứa trẻ nhạy cảm hơn chúng ta nghĩ, chúng mong manh và dễ bị tổn thương trước những tham vọng khen chê, thành tích của người lớn. Tấm giấy khen vô tri vô giác đang đẩy chúng ra ngoài lề, tự cô lập chính mình.
Dẫu biết rằng từ lâu tấm giấy khen đã mất dần bản chất và giá trị của nó, dù rằng có giấy khen cũng chưa chắc đã học giỏi nhưng với một đứa trẻ, chúng “về không” nghĩa là đang bị cô lập giữa bạn bè, đang bị ra rìa trong những khen chê của người lớn. Có phải giấy khen đang làm khổ các em?
Và những hệ lụy
Con trai tôi được khen là “có thành tích vượt trội môn toán và tiếng Việt”. Thực tế lực học của con đến đâu tôi hiểu. Và nói một cách công bằng, ngoài việc chăm chỉ học, viết đẹp, trình bày rõ ràng thì con chẳng có gì gọi là “vượt trội” cả. Không phải tôi xem nhẹ giá trị của tấm giấy khen con đem về, nhưng rõ ràng nó chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của con mình. Vậy thì có gì để vui?
Nếu con đã vượt trội rồi thì còn cần gì phải cố gắng nữa? Đó là chưa kể con tính toán còn chưa thông thạo. Tôi không trách cô giáo, nhưng cách phát giấy khen “cào bằng” thế này đang góp phần làm hư trẻ, đang biến trẻ trở thành những thần đồng bất đắc dĩ.
Một lớp có tới hơn 50 em được giấy khen, lẽ nào các em đều giỏi cả? Các em sẽ không biết được điểm yếu của mình ở đâu, sẽ nghĩ mình giỏi rồi, vậy là lợi hay hại? Ai có thể trả lời giúp tôi câu hỏi ấy?
Video đang HOT
Thực tế phần lớn các gia đình vì bận rộn với “cơm áo gạo tiền” nên phó thác chuyện học của con cho giáo viên.
Đến cuối năm, các con đem bảng điểm đẹp về, đem giấy khen về và có khi nào người lớn chúng ta chưa vội mừng, tự đặt câu hỏi rằng con đạt được bao nhiêu phần trăm thực chất từ những con điểm đẹp ấy, từ tấm giấy khen ấy? Hay chính chúng ta cũng đang bị lừa và tự ru ngủ chính mình bởi thành tích?
Tác hại của tấm giấy khen ấy không chỉ dành cho những đứa trẻ được nhận, mà ngay cả những trẻ không được nhận cũng bị tác động không nhỏ, đang cô lập những đứa trẻ không được nhận với đám bạn, với cả một tập thể lớp. Khi hơn 50 bạn đều được giấy khen còn mình về không, hẳn các em và cả phụ huynh đều không thể nào vui.
Ngay bản thân những học sinh được giấy khen chưa chắc hiểu được bản chất của tấm giấy khen ấy hay không?
Rõ ràng, ranh giới giữa giỏi – dốt qua một tấm giấy khen đã và đang làm tổn thương bao đứa trẻ. Chúng không có tội, chỉ có người lớn đang “khen” chưa đúng mực mà thôi…
Nỗi ám ảnh
Có lẽ không riêng gì lớp của con tôi mà lớp khác, trường khác cũng diễn ra viễn cảnh tương tự. Tấm giấy khen được phát đại trà đang thổi phồng năng lực của các em, đồng thời lại trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ không được nhận.
Có lẽ chúng sẽ nghĩ mình kém, mình học dốt, tự ti, thu mình lại. Và rất có thể hình ảnh ấy, giây phút các bạn được “thăng hoa” cùng tấm giấy khen kia sẽ khiến các em cá biệt cảm thấy mình là kẻ thua cuộc – thua cuộc ngay từ thuở thiếu thời.
'Khi phát giấy khen như tờ rơi, trẻ không được sẽ thành cá biệt'
TS Vũ Thu Hương cho rằng khi giấy khen được phát như tờ rơi quảng cáo, học sinh không được khen sẽ trở thành trường hợp đặc biệt.
Mùa hè đến, các trường học lại sôi động với rất nhiều hoạt động, kế hoạch nhỏ, thi cử, họp phụ huynh và tổng kết.
Đến hẹn lại lên, ở không ít trường học, giấy khen lại được phát như tờ rơi quảng cáo. Lớp học có mấy chục học sinh, phần lớn sẽ nhận giấy khen nhiều loại khác nhau.
Trẻ không được giấy khen là trường hợp đặc biệt. Tự nhiên, trong tôi nảy ra câu hỏi: Giấy khen dùng để làm gì?
Giấy khen được phát tràn lan với đủ loại danh hiệu. Cứ đến mùa bế giảng, nhiều phụ huynh lại khoe ảnh giấy khen của con trên mạng.
Giấy khen - "vật thể kỳ lạ"
Ngày trước, khi chúng ta đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 32, phân loại giỏi, khá, trung bình, kém. Việc nhận giấy khen là đặc quyền của các bạn học sinh giỏi và tiên tiến.
Tuy nhiên, ngày nay, khi đã đánh giá học sinh theo Thông tư 22, không còn xếp loại học sinh, giấy khen trở thành "vật thể kỳ lạ".
Chắc ít ai để ý đến câu chữ khen thưởng trong giấy khen ngày nay, kỳ lạ và tương đối tối nghĩa. Rất nhiều học sinh mới "chân ướt chân ráo" đến trường, được nhận "giấy khen toàn diện".
Trường đã không thể đào tạo mọi mặt cho học sinh, nhiều môn còn không được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá như Âm nhạc, Mỹ thuật. Rõ ràng, lời "khen toàn diện" có ý gì đó hơi khiên cưỡng và phiến diện.
Lời khen "vượt trội" ở môn nào đó còn kỳ lạ hơn nữa. Em đó vượt trội so với mặt bằng đánh giá nào, tiêu chí đánh giá ra sao, chẳng ai biết. Đôi khi, trẻ nhận được giấy khen chỉ để... nhận giấy khen mà thôi.
Một lớp học với hơn 40 bạn nhỏ, đến trên dưới 40 tờ giấy khen. Khi giấy khen được phát như tờ rơi quảng cáo, học sinh không được nhận giấy khen mới là trường hợp đặc biệt. Và ngẫu nhiên, học sinh ấy trở thành cá biệt.
Tôi đã gọi điện cho nhiều giáo viên tiểu học để hỏi về tác dụng của giấy khen với sự giáo dục học sinh. Gần 100% thầy cô công nhận chẳng có tác dụng gì.
Có thầy cô nói trẻ coi giấy khen như tờ giấy gửi về cho bố mẹ. Có em hờ hững đến mức chẳng nhớ đã để nó ở đâu, khi bố mẹ hỏi. Có em còn... đổi cho bạn.
Một số thầy cô phân tích rằng khi tuyên dương học sinh theo tháng, dán ảnh em lên bảng của lớp, học sinh rất phấn khởi và háo hức, cố gắng. Nhưng tờ giấy khen cuối năm lại nhận được sự thờ ơ của một số em.
Cũng có thầy cô khác nói giấy khen là thứ để bố mẹ lĩnh tiền thưởng ở cơ quan.
Trẻ không nhận giấy khen thành cá biệt
Rõ ràng, trẻ không cần tờ giấy khen, mà cần một chứng nhận đã hoàn thành năm học. Chứng nhận đó được thể hiện qua album ảnh hay bức thư tay giáo viên viết riêng, chúc mừng học sinh đã hoàn thành năm học, ấn tượng của cô về con hoặc lời nhắc nhở cố gắng trong năm tới.
Tất cả "giấy chứng nhận" đáng yêu đó sẽ khiến học sinh cảm động và yêu thích hơn rất nhiều một tờ giấy khen với lý do hết sức kỳ khôi.
Giấy khen cho học sinh tiểu học ngày nay rõ ràng đã mất hết ý nghĩa. Vì thế, nhận giấy khen, trẻ không vui. Nhưng không nhận được giấy khen, trẻ khổ sở, tổn thương.
Những đứa trẻ tiểu học ngày nay không được nhận giấy khen, trở thành cá biệt. Ngày xưa, trẻ cá biệt chỉ có cô giáo biết, bạn học có thể cũng "hơi hơi biết", thì ngày nay, cả thế giới tỏ tường thông qua những bức ảnh chụp lớp nhận giấy khen đăng trên mạng xã hội.
Trẻ cá biệt bị "phơi" ra khi là học sinh không được cầm mảnh giấy to như tờ A4 mà các bạn đều có. Bị phơi bày mọi thứ khiến các em mất hết sự thoải mái, vui vẻ và biến ngày tổng kết thành ngày đen tối.
Khi đổi mới giáo dục nửa vời, những thứ hệ lụy sẽ còn mãi, là dấu ấn tổn thương trong lòng học sinh nào đó.
Giấy khen rõ ràng đã là vật lỗi thời của giáo dục tiểu học, sau khi Thông tư 22 được áp dụng. Bộ GD&ĐT hãy dẹp món quà không còn được mong đợi này sớm để không còn học sinh nào phải tổn thương như thế.
Trên đây là bài viết của TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của tác giả.
Bạn có ý kiến gì về chủ đề "ai cũng được giấy khen" mỗi khi kết thúc năm học? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.
Con em chúng ta có thực sự giỏi khi giấy khen phủ kín lớp học? Hình ảnh lặp lại như mọi năm đó là ngập tràn giấy khen tại các lớp học, trường học mà phụ huynh đăng lên mạng xã hội để "khoe". Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đúng học sinh ngày càng học giỏi hay chuyện "lạm phát" giấy khen vẫng đang tồn tại nơi trường học? Hình ảnh gây tranh cãi trên mạng...