Khẩu trang y tế vừa đắt vừa hiếm, khẩu trang tự may là lựa chọn hợp lý hơn
Trong khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, mọi người đều phải tuân thủ việc đeo khẩu trang khi ra đường. Không cần phải mua khẩu trang y tế, chị em cũng có thể tự may cho mình cùng gia đình những chiếc khẩu trang vải xinh xắn.
Chị em có thể tự may khẩu trang tại nhà theo từng bước đơn giản.
Tại sao các nàng không thử tự làm ra những chiếc khẩu trang – món đồ cần thiết để phòng ngừa dịch bệnh trong thời điểm hiện tại? Phương pháp làm không hề khó như nhiều cô gái tưởng tượng. Chị em có thể tham khảo các cách may khẩu trang đơn giản dưới đây:
Cách 1: Sử dụng mẫu rập khẩu trang có sẵn
- Bước 1: Chị em tiến hành in mẫu rập khẩu trang có sẵn (theo hình dưới đây), trong đó hình A là lớp khẩu trang bên ngoài và hình B là lớp lót bên trong. Sau đó, các nàng đặt mẫu rập lên vải và cắt 2 miếng vải hình A (kích thước 16cm x 13cm) và 2 miếng vải hình B (kích thước 16cm x 10,5cm).
Các nàng in hình mẫu ra giấy, đặt lên vải và tiến hành cắt.
- Bước 2: Ở bước này, chị em may tuần tự như sau:
Đối với lớp vải A: Các nàng ghép 2 miếng vải A tại đường cong ở giữa khẩu trang rồi may lại. Tiếp theo, ở mặt vải bên ngoài, chị em gấp 2 mép vải lại rồi sử dụng các đường chấm trên hình mẫu để làm hướng dẫn rồi may dọc 2 nếp gấp lại.
- Đối với lớp vải B: Chị em ghép 2 miếng vải B tại đường cong giữa khẩu trang rồi may chúng lại. Sau đó, các nàng cũng gấp 2 mép vải lót B ở 2 bên và may thẳng.
Chị em may ghép 2 miếng vải A rồi đến 2 miếng vải B.
- Bước 3: Các nàng đặt lớp vải B bên trong lớp A rồi may mép trên và cạnh dưới. Chị em chú ý may các đường nối trên và dưới để đảm bảo cả hai lớp giữ nguyên vị trí trong quá trình giặt. Sau đó, bạn luồn thun qua hai bên khẩu trang làm quai đeo.
Các nàng may lớp khẩu trang bên ngoài và lớp lót bên trong lại với nhau rồi luồn thun làm quai đeo.
Cách 2: Sử dụng hai mảnh vải hình chữ nhật
- Bước 1: Chị em cắt ra hai miếng vải hình chữ nhật dài khoảng 25cm x 15cm và xếp chồng lên nhau.
- Bước 2: Các nàng gấp cạnh dài của vải lại 0,6cm và may đường viền. Sau đó, chị em tiếp tục gấp lớp vải lại 1,2cm dọc theo cạnh ngắn và may lại.
Chị em sử dụng hai mảnh vải hình chữ nhật xếp chồng lên nhau, gấp và may lại.
- Bước 3: Chị em luồn dây co giãn dài 15cm và chiều rộng 0,3cm qua phần đường viền rộng hơn của khẩu trang. Đây sẽ là vòng đeo vào tai. Các nàng có thể dùng ghim băng để luồn dây qua.
- Bước 4: Chị em kéo nhẹ dây co giãn sao cho các nút thắt được giấu bên trong đường viền. Sau đó, các nàng may chắc chắn dây co giãn vào vị trí để giữ cố định.
Tiếp theo, các nàng luồn dây qua để làm quai đeo của khẩu trang.
Cách 3: Sử dụng ba mảnh vải hình chữ nhật
- Bước 1: Chị em cắt một tấm vải hình chữ nhật có chiều dài 20cm x 35cm làm mặt khẩu trang và hai tấm vải hình chữ nhật có kích thước 4,5cm x 15cm làm nẹp vải.
Chị em cần cắt một tấm vải hình chữ nhật to để làm mặt khẩu trang và hai mảnh vải nhỏ làm nẹp vải.
- Bước 2: Các nàng gấp đôi tấm vải chữ nhật to theo chiều dài, mặt phải vải ở bên trong, hai mép cạnh chiều rộng trùng nhau. Sau đó, chị em may đường chỉ dọc theo cạnh chiều dài cách mép vải 0,6cm. Tiếp theo, các nàng lộn mặt phải của tấm vải ra ngoài, dùng bàn ủi là phẳng hai mặt vải để lấy nếp.
Chị em may hai mép của tấm vải hình chữ nhật to lại với nhau.
- Bước 3: Chị em dùng một chiếc thước đặt song song cách nếp gấp của tấm vải một đoạn 3,75cm. Tiếp theo, các nàng sử dụng bút chì hoặc phấn để vẽ đường thẳng làm dấu gấp nếp. Chị em làm tương tự vẽ đường thẳng song song thứ hai cách đường thẳng thứ nhất 2,5cm. Sau đó, các nàng gấp nếp vải vào mặt dưới theo đường vẽ thứ nhất.
Các nàng dùng thước kẻ và bút đánh dấu rồi gấp nếp vải.
- Bước 4: Các nàng lật mặt trên của tấm vải vừa gấp nếp, gấp nếp gấp thứ nhất lên trên sao cho nếp gấp trùng với đường vẽ thứ hai tạo thành nếp gấp nổi thứ nhất. Sau đó, chị em dùng ghim để cố định hai đầu nếp gấp.
Chị em gấp nếp gấp nổi thứ nhất.
- Bước 5: Chị em lại tiếp tục kẻ đường thẳng thứ 3 song song cách nếp gấp nổi thứ nhất 1,2cm và vẽ đường thẳng thứ 4 song song với đường thẳng thứ 3 là 2,5cm (đồng thời song song cách đường gấp thứ nhất 3,7cm). Các nàng thực hiện tương tự như bước 4 để làm nếp gấp nổi thứ hai và cố định chúng lại.
Các nàng làm tương tự để có được nếp gấp nổi thứ hai.
- Bước 6: Các nàng thực hiện tương tự bước 5 để gấp nếp gấp nổi thứ 3 song song cách 1,2cm với nếp gấp nổi thứ 2, ghim cố định. Tiếp theo, chị em may đường thẳng cố định các nếp đã gấp ở cả hai đầu và cách mép vải 0,4cm.
Sau khi làm xong nếp gấp nổi thứ 3, chị em may cố định hai đầu.
- Bước 7: Chị em để 2 đoạn dây chun tạo thành hình chữ C ngược nhau vào hai đầu tấm khẩu trang vừa khâu, sao cho 2 đầu dây chun trùng với 2 góc mép vải vừa khâu nếp gấp. Sau đó, các nàng may cố định 4 đầu dây chun.
Các nàng may cố định 4 đầu dây chun.
- Bước 8: Các nàng gấp đôi hai tấm vải chữ nhật nhỏ dùng làm nẹp vải theo chiều rộng. Chị em gấp sao cho mặt phải của vải ở phía bên ngoài rồi dùng bàn ủi là phẳng.
Chị em gấp đôi hai tấm nẹp vải và dùng bàn ủi là phẳng.
- Bước 9: Chị em đặt nẹp vải lên trên mép vải của khẩu trang đã may 2 đầu dây chun, sao cho 2 mép vải trùng nhau, nếp vải gấp hướng bên trong. Các nàng lưu ý gấp bọc hai đầu nẹp vải thừa vào mặt sau của khẩu trang và ghim cố định.
Chị em cố định nẹp vải cùng với hai đầu của dây chun.
- Bước 10: Chị em may cách mép vải 0,6cm, sau đó lật nẹp vải lên trên là thẳng theo đường chỉ vừa may. Các nàng tiếp tục lật mặt sau của khẩu trang và gấp mép của nẹp vải vào trong, ghim cố định.
Các nàng may dọc đường nẹp vải, cách mép vải 0,6cm.
- Bước 11: Chị em may 2 đường chỉ chần cố định cả hai bên nẹp vải là chiếc khẩu trang đã được hoàn thành xong.
Sau khi may cố định cả 2 bên nẹp vải là các nàng đã hoàn thành xong chiếc khẩu trang.
Cách 4: Sử dụng chiếc áo phông cũ
- Bước 1: Chị em đo từ gấu áo lên trên 20cm rồi cắt ngang lấy phần này.
Chị em có thể cắt vải từ chiếc áo phông cũ.
- Bước 2: Các nàng gập đôi miếng vải vừa cắt, từ góc bên phải của miếng vải, cắt một đường 15cm hình chữ U sao cho hai bên mép mỗi bên rộng 2cm. Sau đó, chị em cắt một đường chéo ở hai mép của phần dây khẩu trang.
Gập đôi miếng vải vừa cắt, các nàng cắt hình chữ U rồi cắt chéo ở hai mép phần dây khẩu trang.
- Bước 3: Sau khi cắt xong, mở miếng vải ra, đo độ dài thích hợp đủ để che mũi và miệng, chị em thắt nút ở hai đầu sợi dây phía trên và dưới là đã có ngay một chiếc khẩu trang tiện dụng.
Bảo vệ làn da trước tác hại của tia UV
Từ 10 giờ đến 14 giờ là thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày. Vì thế, nếu không thể hạn chế ra đường vào giờ này, mọi người cần có biện pháp bảo vệ làn da và sử dụng kem chống nắng phù hợp với từng môi trường để tránh tổn hại đến da, dẫn tới nguy cơ ung thư da.
BS Nguyễn Tiến Thành đang khám cho một người bệnh bị cháy nắng gây bỏng rát da.
Cháy nắng ngày hè gây nguy hiểm cho làn da như thế nào?
Nắng nóng kéo dài suốt tuần qua khiến tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về da đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có phần đông hơn trước, trong đó, số ca đến khám vì hiện tượng cháy nắng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tổn thương da của những bệnh nhân này là do làn da chịu tác động trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời cường độ cao trong thời gian dài.
BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị cháy nắng, chủ yếu là những công nhân phải làm việc ngoài trời trong giai đoạn nắng nóng cao điểm. Người bệnh đến khám chủ yếu mắc các triệu chứng da bị đau rát, có cảm giác ấm/nóng khi chạm vào; Vùng da hở xuất hiện mảng đỏ hoặc hồng. Có người có hiện tượng bong da và nặng hơn là lột da.
Theo BS Bích Diệp, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da như gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.
Dựa trên chỉ số UV, nguy cơ gây hại cho da từ tia cực tím sẽ được xếp vào các cấp độ từ thấp đến cực cao. Ở thể cấp tính, tia UV sẽ gây ra các hiện tượng cháy nắng, bỏng nắng, say nắng. Với trường hợp tiếp xúc ánh nắng kéo dài sẽ gây ra các bệnh mãn tính như rám má, sạm da, tổn thương lão hóa da, nguy hiểm hơn là ung thư da.
Chuyên gia da liễu này khuyến cáo, thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10 giờ - 14 giờ. Vì thế, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm ánh nắng sẽ gây nguy hiểm nhất cho làn da. Ở các khu vực biển, mặt nước sẽ bức xạ ánh sáng mặt trời nên chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung.
Theo BS Diệp, da bị cháy nắng thường mất vài ngày và thậm chí là vài tuần để có thể hồi phục. Cũng có những người tổn thương da nặng có thể gặp những biến chứng khác. Vì vậy, khi bị cháy nắng tuyệt đối không được chủ quan, mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bảo vệ làn da, phải biết sử dụng kem chống nắng đúng cách.
Bảo vệ làn da trước nắng nóng kéo dài
Theo BS Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi cấp độ của tia UV, các bác sĩ da liễu lại có một khuyến nghị riêng về các phương pháp phòng hộ như cách chắn nắng vật lý, cách lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp, để tối ưu hiệu quả bảo vệ sức khỏe.
Về cách chắn nắng vật lý, chúng ta nên sử dụng khẩu trang dầy vì theo các nghiên cứu, nếu bảo vệ làn da bằng khẩu trang dầy, đúng quy cách sẽ ngăn được phần lớn tia UV. Bên cạnh đó, khi sử dụng kem chống nắng, người dân cũng cần biết một số cách để dùng kem chống nắng một cách hiệu quả, ngăn tác hại của ánh nắng lên da.
Chỉ ra một số sai lầm của việc sử dụng kem chống nắng, BS Thành cho hay, nhiều người đang bôi kem chống nắng quá ít số lượng và số lần trong ngày, có người chỉ bôi một lần trong ngày nghĩ là đủ. Trong khi thực tế, để đạt hiệu quả cao cao, kem chống nắng phải dùng đủ từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Tốt nhất là chúng ta nên bôi kem chống nắng trung bình ba lần/ngày, khoảng ba giờ một lần.
Bên cạnh đó, khi sử dụng kem chống nắng phải chọn loại có chỉ số chống nắng phù hợp với làn da. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Thí dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 . Chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Nhưng nếu bạn làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp thì chỉ cần sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF thấp hơn.
Tuy nhiên, BS Thành cũng khuyến cáo, không có chỉ số chống nắng nào có thể bảo vệ da 100%. Do vậy, bạn cần che chắn vùng da được bôi kem chống nắng. Ngoài ra, kem chống nắng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cũng dễ bị biến đổi làm giảm tác dụng.
Bác sĩ da liễu cũng khuyên bạn nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt và nên lựa chọn loại kem phù hợp vùng da, loại da. Trước khi ra nắng 20 phút, cần bôi kem chống nắng ở các vùng da cần được bảo vệ. Ngoài chăm sóc da mặt kỹ lưỡng, nếu có điều kiện, bạn cũng nên bôi kem chống nắng cho cả vùng tay, chân.
Khẩu trang - Nguyên nhân mới gây mụn và cách đối phó Bên cạnh mụn nổi do căng thẳng kéo dài, mụn gây ra bởi những chiếc khẩu trang đang xuất hiện phổ biến. Bạn có thể nổi những nốt mụn đầu trắng nhỏ sau khi đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Mụn đang là vấn đề về da đặc biệt được quan tâm...