Khát vọng phát triển văn hóa đọc của những bạn trẻ
Những buổi chiều ở Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai như rộn ràng hơn bởi các lớp học phát triển văn hóa đọc do các bạn trẻ đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức
Đây cũng là chuỗi hoạt động thường xuyên của “Tôi Tập Đọc” – Dự án được sáng lập bởi một nhóm các bạn trẻ cấp THPT tại Hà Nội với mong muốn nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nếu ai ghé qua Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai những ngày này, hẳn sẽ cảm nhận được bầu không khí sôi nổi và động lực mà các bạn trẻ truyền đến những em nhỏ nơi đây từ những buổi lan tỏa văn hóa đọc.
Phạm Thị Vân Anh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và cũng là chủ tịch dự án Tôi tập đọc chia sẻ: “Lớp học xuất phát từ mong muốn các em có hoản cảnh khó khăn, tự kỷ cũng có được cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc để từ đó trang bị thêm cho mình kiến thức để hòa đồng hơn với xã hội”.
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh – học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch của dự án chia sẻ trăn trở trước thực tế khiến mình cùng các thành viên trong nhóm muốn “trực tiếp đọc” cùng các em: “Hiện nhiều bạn trẻ tích cực tham gia vào các dự án, trong đó có cả về giáo dục như quyên góp sách, hay lập thư viện… rất tích cực song còn hạn chế khi không kiểm soát được hiểu quả của việc mình làm hay nhiều khi không biết các em đọc sách có thực sự tiến bộ lên không”.
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh – học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch cho rằng cần một cách làm khác biệt.
Theo Thế Anh, việc tặng một quyển sách tốt rồi không biết các em có đọc, không thể hiệu quả bằng việc cùng đọc, giúp đỡ các em hiểu và hứng thú với quyển sách đó.
Ngoài dạy các kiến thức, chúng em cũng chú trọng việc định hướng đạo đức. Thông qua những lớp học, không chỉ những kiến thức trong sách báo mà còn dạy cách ứng xử với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, về đạo làm người, cách đối nhân xử thế… “, Thế Anh tâm sự mong muốn trong tương lai có thể mở ra được nhiều lớp học thế này hơn.
Để có thể triển khai được dự án, các bạn trẻ đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức ngồi lại với nhau lên ý tưởng và tính toán kỹ lưỡng cho từng bước đi. Theo Vân Anh, khó khăn nhất của nhóm là việc thuyết phục để xin ủng hộ, hỗ trợ nguồn sách từ bên ngoài.
Thế Anh cũng cho rằng dự án cũng không cần quá nhiều tài chính để “chạy” mà khó nhất vẫn là khâu thuyết phục.
“Mới đầu chúng em vô cùng khó khăn trong quá trình đi trình bày ý tưởng để thuyết phục sự hỗ trợ. Do đều là học sinh nên nhiều lần người lớn dù nghe nhưng không tin, không hiểu việc chúng em muốn làm. Em nghĩ việc kêu gọi mọi người quyên góp sách cũng là một phần của sự thành công”.
Để có được nguồn sách dồi dào, các bạn trẻ đã tổ chức chương trình gây quỹ mua sách bằng việc tổ chức văn nghệ, hay bán các loại nước uống và đồ ăn tự làm trên phố đi bộ Hồ Gươm.
Tuy nhiên, thực tế không như các bạn hình dung và mong đợi. Do không có kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị tốt, hiệu quả thu lại ở những buổi đầu không đáng kể. Song sau những lần đó, điều mà các bạn trẻ học được là cách làm thế nào để thực hiện công việc một cách quả nhất. “Chúng em nghĩ trải nghiệm cũng là một yếu tố cần thiết”, một thành viên chia sẻ.
Nhưng rồi với quyết tâm và sự ủng hộ của thầy cô và gia đình, sau 3 tháng, các bạn trẻ đã kêu gọi quyên góp được khoảng 200 đầu sách và đang tăng dần về số lượng.
Song có lẽ động lực lớn nhất cho các bạn trẻ đến từ sự chia sẻ và ủng hộ từ các bậc phụ huynh và xã hội.
Cô Lê Thị Tâm Hảo, giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đánh giá đây là dự án của nhóm bạn trẻ mang trong mình nhiều khát khao, hoài bão và những ý tưởng mới lạ. “Đến từ nhiều ngôi trường, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng với ý chí, nỗ lực, sự quyết tâm, các em đã lập nên một dự án đầy ý nghĩa. Điều đó cũng cho thấy một quá trình làm việc nghiêm túc, trưởng thành, dám nghĩ, dám làm, dám nỗ lực để đạt được mục tiêu theo cách riêng của mình. Khác với những dự án khác, “Tôi Tập đọc” đi theo 1 hướng khác trong cách tiếp cận văn hóa đọc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Thay vì quyên góp sách, tặng sách… dự án muốn trẻ thực sự đọc, thực sự hiểu để rồi thực sự” yêu” sách suốt đời. Tôi tin với niềm đam mê ” Đọc” cùng tấm lòng nhân ái muốn làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, dự án sẽ còn lan toả những giá trị tốt đẹp”.
Nhóm bạn trẻ là các học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội có cùng niềm đam mê đọc sách…
Chị Nguyễn Minh Thu, phụ huynh có con đang theo học tại lớp kỹ năng 2 Trung tâm Sao Mai chia sẻ bản thân rất ủng hộ hoạt động của nhóm: “Bởi trẻ ở đây đa số khả năng tập trung rất kém, do đó khi rèn được kỹ năng này cho các con thì rất tốt. Tôi rất đồng tình và cổ vũ ý tưởng của dự án, đặc biệt là các lớp học. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có thêm những chương trình, nhiều hình ảnh để con em được tiếp cận thêm”.
…và cả khát vọng nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt cho các em nhỏ.
“Các bạn trẻ luôn có thể trở thành một phần của dự án, nếu sẵn sàng thử thách thói quen đọc của mình theo hướng tích cực hơn. Chỉ cần một quyển sách, một tờ báo cùng lòng nhiệt huyết sẵn sàng thay đổi, bạn có thể Tập Đọc cùng chúng mình từ hôm nay”, nhóm bạn trẻ đưa ra thông điệp.
Thanh Hùng – Anh Phú
Theo vietnamnet
Xây dựng xã hội học tập qua khơi dậy đam mê đọc sách
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc. Vì thế, việc khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách vở cũng như duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, giúp xây dựng một xã hội học tập lành mạnh, phát triển.
Ai cũng dễ dàng nói về lợi ích của đọc sách như giúp mang lại kiến thức bổ ích, xây dựng văn hóa đọc lành mạnh, khơi dậy trí sáng tạo, tư duy, đặc biệt là hạn chế những trò chơi vô bổ như game hay lướt điện thoại hàng giờ liền... Nhưng để việc đọc sách trở thành thói quen và để sách trở thành người bạn đặc biệt với mỗi người thì không hẳn đã là chuyện một sớm một chiều. Vâng, tất cả đều phải xuất phát từ sự tập luyện kiên trì và niềm say mê thật sự với sách. Nếu thật sự biết trân trọng giá trị trong từng trang sách thì lợi ích mà sách mang lại cho người đọc là không hề nhỏ. Lại nói về đọc sách, không ít người bày tỏ rằng, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là họ đã có thể đọc được sách với nhiều thể loại khác nhau mà không phải mất tiền mua. Thế nhưng, nếu cứ ghì chặt vào chiếc điện thoại ấy thì liệu có tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt. Chưa kể những trang viết trên mạng có thể tin tưởng về sự chính thống không. Đồng ý là thời đại hội nhập, chúng ta cần bắt nhịp xu hướng toàn cầu hóa, song giữ gìn văn hóa đọc lại là nét đẹp vô cùng ý nghĩa có từ bao đời của dân tộc ta.
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước
Nếu nói không có tiền nên không thể mua được sách mà đọc, đó chỉ là một sự biện hộ cho việc không muốn đọc sách. Khi phong trào xây dựng văn hóa đọc được khuyến khích nhiều như hiện nay thì việc đọc sách là điều rất dễ dàng. Khoan nói đến thư viện ở các trường học, hãy nhìn vào những nhà sách của siêu thị - nơi luôn cập nhật những quyển sách mới nhất với nhiều thể loại khác nhau là một trong những địa điểm thu hút những người thích đọc nhất. Phải nói rằng, bất kể lúc nào ghé những nhà sách ấy, tôi đều bắt gặp hình ảnh người đứng, người ngồi miệt mài lật từng trang sách trong sự thích thú, say sưa. Không chỉ người lớn, một số học sinh tiểu học và THCS rất thích đến các siêu thị đọc sách vì nơi đây được đọc sách mới miễn phí, nguồn sách dồi dào, phần lớn là sách mới xuất bản. "Cuối tuần, em thường xin ba mẹ chở đi siêu thị Co.opmart (TP. Long Xuyên) để lên nhà sách đọc. Trong lúc chờ ba mẹ mua sắm, em tranh thủ tìm những quyển sách yêu thích như văn học, lịch sử... để đọc. Em thấy việc đọc sách vừa giúp mình có thêm kiến thức vừa giúp em trau dồi từ vựng, ngữ pháp và thư giãn. Lợi ích như vậy nên em luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày 30 phút" - em Ngọc Tuyền (13 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, Châu Thành) chia sẻ.
Để duy trì cũng như khuyến khích văn hóa đọc trước sự lấn lướt của "văn hóa nghe - nhìn", hệ thống thư viện, phòng đọc sách tại các trường học đang nỗ lực thực hiện tìm cách thu hút học sinh. Từ phong trào thư viện xanh đến những hội thi kể chuyện sách... đã và đang phát huy hiệu quả vô cùng thiết thực, bổ ích. Mô hình thư viện xanh, với nhiều trường học, đây là giải pháp hữu hiệu góp phần khơi gợi niềm đam mê với sách của học sinh. Cũng chỉ là những quyển sách bày trí trong thư viện trường nhưng để thu hút nhiều học sinh xem hơn, nhiều trường đã sáng tạo linh hoạt với ý tưởng "thư viện xanh" ngoài trời. Ở đó, sách được bày trí thích mắt, với nhiều thể loại như: truyện tranh, sách tham khảo, văn học. Hòa với sự thoáng đãng của khí trời và sắc xanh dịu mát dưới mái trường đã tạo nên điểm đọc sách lạ mà quen với học sinh.
Hay việc duy trì những cuộc thi kể chuyện về sách cũng đã góp phần khơi dậy tinh thần ham đọc sách ở học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi, đọc sách phải từ nhà trường mới hình thành thế hệ những người đọc để rồi cả xã hội mới có được văn hóa đọc. Phải khẳng định rằng, thói quen đọc sách góp phần không nhỏ trong hình thành nhân cách cho học sinh. "Không phải trẻ em ngày nay không thích sách mà là cơ hội để trẻ được tiếp cận với sách ít hơn là tiếp cận với công nghệ. Do vậy, cần tạo cơ hội, tạo không gian để trẻ tiếp cận nhiều hơn với sách. Mà nhà trường là nơi trẻ đến mỗi ngày, nên nơi đây cần chú trọng đến việc đọc sách của trẻ nhiều nhất. Cùng với đó, cha mẹ cần tiếp thêm "lửa" để con em yêu thích sách mỗi ngày!"- chị Hoàng Yến (38 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN
Theo baoangiang
Thư viện tư nhân góp phần thúc đẩy văn hóa đọc Thời gian qua, cùng với hệ thống các thư viện công lập, mô hình thư viện tư nhân (TVTN) đã góp phần tích cực trong phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng, nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập. Thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt (Xuân Lai, Thọ Xuân) luân chuyển và tổ chức đọc sách tại...