Khát vọng của những đứa trẻ mồ côi Hà Cầu
Hạnh phúc với mỗi em nhỏ trong ngày khai giảng là được cùng cha, cùng mẹ chào đón một năm học mới, nhưng điều giản dị đó có lẽ chẳng bao giờ diễn ra với những đứa trẻ nơi đây.
Đối với các em, năm học mới là cánh cửa tiếp theo cần vượt qua, ngọn lửa hy vọng tiếp tục cháy, mong sao thoát khỏi cái nghèo, vươn lên…
Sự thiếu thốn, khó nhọc đưa tôi đến với các em. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Quang Trung (Hà Cầu, Hà Đông), sự lạc quan trong không gian nhộn nhịp khác hẳn với cái ảm đạm của một vài trung tâm khác. Nhìn vào ánh mắt long lanh của những đứa nhỏ mà tôi không khỏi chạnh lòng…
Ước muốn nhỏ nhoi
Trong bản hòa ca được cất lên bởi tiếng cười và sự hồn nhiên của những đứa trẻ, bỗng có em lặng thing. Đó là Nguyễn Ngọc Minh Châu (7 tuổi, quê Phú Thọ), một trong những bạn nhỏ có số phận bất hạnh nhất nơi đây.
Tôi tìm đến Giám đốc trung tâm (cô Trần Thục Linh, người nuôi dưỡng các em) để tìm hiểu về cuộc đời của Châu. Ánh mắt cô lặng xuống, bao quanh là sự não nề, cô kể đó là một đứa trẻ ngoan, gia đình có 3 anh chị em, cái nghèo khó càng bủa vây khi cả cha và mẹ em đều mất vào cuối năm 2016, mọi thứ lúc này đè nặng lên đôi vai của ông bà nội nay đã ngoài 80 tuổi. Không còn khả năng lao động, ông bà chỉ đủ sức nuôi một đứa, còn Châu và anh trai (Nguyễn Cảnh Dương, hiện là học sinh lớp 5) được gia đình gửi gắm vào trung tâm cuối năm 2017.
Em Nguyễn Ngọc Minh Châu (áo đỏ, ngồi giữa) trong cuộc trò chuyện.
Hồi mới vào, Châu khóc nhiều, đôi mắt luôn đỏ hoe cả khi bà và các mẹ dỗ dành, đó cũng là điều dễ hiểu khi mọi biến cố ập đến cuộc đời của một đứa bé quá nhanh. Ông bà chưa thể vào thăm, không còn ai để gọi là cha, là mẹ, em bắt đầu cuộc sống ở nơi chưa quen thuộc với những người bạn, người mẹ và ngôi trường mới.
Tôi ngồi nói chuyện với cô bé, lúc này Châu đã tươi tỉnh hơn. Nhìn vào ánh mắt ngây thơ như muốn nói lên điều gì, Châu bộc bạch em đã quen bà, quý các mẹ, anh chị quan tâm, chăm sóc, nên cũng đỡ nhớ nhà. Hàng ngày ngoài việc học, Châu phụ bà, các mẹ dọn vệ sinh trung tâm, nhiều lúc làm bông tai kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cùng mọi người.
Về thành tích học tập, Châu cười nhẹ rồi khoe với tôi cái giấy khen học sinh giỏi em có được trong năm học vừa qua. Khi nhắc đến tương lai, cái mà hơi xa vời với một đứa nhỏ, khuôn mặt ấy nhìn sang đám bạn rồi nói, em muốn làm cô giáo, tôi gượng hỏi tại sao, em thẳng thắn trả lời: “Vì em thích dạy học”.
Những thiếu thốn luôn ngăn cản sự phát triển của các em. Mỗi mùa khai giảng là bắt đầu mọi lo toan sao cho đủ sách học. Nguồn sách có được nhờ phần nhiều từ các tấm lòng hảo tâm, ngoài ra đó còn là sự truyền tay của các thể hệ, thiếu đâu bà và các mẹ sẽ cố mua. Trong tôi bỗng thấy lo, tôi hỏi Châu về hành trang trong năm học mới, em cười: “Số sách cũ còn những trang trắng, em sẽ viết tiếp, sách giáo khoa của lớp 2 cũng gần đủ cả, tuy hơi cũ nhưng còn tạm dùng được”…
Cố gắng học để bà em bớt lo
Trong cái nắng oi ả của ngày hè, tiếng cười phá lên từ căn phòng tập thể tầng 1 làm tôi chú ý, đó là em Mai Thanh Nhàn, 14 tuổi, một cô bé lanh lợi nhất nhì của trung tâm.
Video đang HOT
Nhàn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Ba Vì, nơi gắn liền những ký ức luôn hiện về trong những giấc mơ. May mắn hơn Châu, Nhàn còn cha, còn mẹ nhưng cả 2 đều mắc chứng bệnh tâm thần, không đủ khả năng lao động. Gia cảnh nghèo khó không đủ điều kiện nuôi dưỡng và học hành, em được gia đình gửi gắm vào trung tâm, mong sao có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vào trung tâm được 6 năm, nhưng những ký ức về gia đình Nhàn còn nhớ rõ. Trong làn gió nhẹ, em trầm tĩnh kể với tôi về những kỉ niệm đẹp. Ngày ông Nhàn còn khỏe, mỗi sáng ông thường lai em đi học, mua cho em những thứ mà em thích. Có lần, Nhàn muốn có diều cùng bạn chơi trong mỗi chiều gió lộng, không mua được, ông đã tự tay làm và đó là chiếc diều bay cao nhất. Nhàn kể.
Trong suốt thời gian qua, Nhàn đã yêu quý và xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Hàng ngày, khi xong việc của các mẹ và bà giao cho, Nhàn lại học bài, sự cố gắng cũng được đền đáp khi trong quá trình học, em luôn là học sinh giỏi của trường, đem lại hạnh phúc cho bà, các mẹ và anh chị trong trung tâm. Ngoài việc học, Nhàn thường phụ bà, các mẹ làm cơm, kèm các em học bài và làm bông tai kiếm thêm thu nhập.
Với trẻ nhỏ, sự mặc cảm luôn là điều khó vượt qua. Đôi mắt cô bé đã hoen đỏ, Nhàn bộc bạch, các bạn cùng lớp và thầy cô yêu quý, nhưng nhiều lúc, bạn khác lớp chê mình là trẻ mồ côi, không muốn chơi cùng, xa lánh, Nhàn tủi thân.
Được hỏi về mục tiêu trong năm học mới, Nhàn nhanh trí trả lời: “Hiện tại em đang cố gắng học tốt lớp 9 để thi vào cấp 3, đỗ trường top cao để bà đỡ lo, rồi sau đó là đại học. Em muốn mai sau trở thành cô giáo mầm non, được vui đùa và chăm sóc các em nhỏ”.
Luôn phải có 1 thái độ tích cực và lạc quan
Liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi qua các năm, em Nguyễn Minh Yến (17 tuổi, quê Ba Vì) luôn là niềm hãnh diện, sự tự hào của bà, các mẹ và những em nhỏ nơi đây.
Năm nay, Yến bước vào lớp 12, cái thời gian được xem là dấu mốc tri thức cuộc đời của mỗi người, em từ tốn kể về việc học tập và ước mơ của mình: “Ngoài việc học chính, em chỉ có thể học thêm tại trường, còn số sách cho năm nay cũng gần đủ. Bên cạnh việc học, định hướng, em sẽ vào trường Đại học Bách khoa vì em muốn trở thành một lập trình viên”. Yến nói.
Em Nguyễn Minh Yến (bên trái) và em Mai Thanh Nhàn (bên phải) chuẩn bị bước vào buổi tập Yoga tại trung tâm.
Nhìn vào cô gái, tôi cảm nhận được sự quyết tâm, khát vọng từ em. Trong giọng nói đầy nội lực, Yến cho rằng cuộc sống luôn phải có 1 thái độ tích cực và lạc quan, cảm ơn mọi khó khăn đã tô luyện mình, luôn cố gắng hết sức với những gì mình muốn và giữ vững niềm tin vào bản thân cho đến cùng.
Cái chất giọng khỏe khoắn đó chẳng giữ được lâu, Yến lặng xuống với đôi mắt buồn, em kể hồi lớp 4, lớp 5, các bạn hay trêu ghẹo và chê bai, về em cũng suy nghĩ nhiều, tủi thân và khóc. Nhiều lúcYến nghĩ mình bất hạnh không được đầy đủ như các bạn cùng trang lứa, nhưng giờ đã khác, Yến thấy tuy mình bất hạnh nhưng còn có bà, các mẹ, bạn bè và anh chị em nơi đâyyêu thương, có cuộc sống tốt hơn nhiều người khác.
Yến vào trung tâm từ 7/2011 trong thể trạng tiều tụy. Cũng giống hoàn cảnh chung của những đứa trẻ nơi đây, gia đình em thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Bố mẹ em đều mất khả năng lao động do bị di chứng ở đầu sau một vụ tai nạn giao thông, tất cả trở lên đảo lộn, mọi sinh hoạt, chi phí học tập đều do một tay ông bà và cô chú giúp đỡ. Do đông anh chị em, gia đình phải gửi lần lượt Yến và em Nguyễn Minh Ngọc (em ruột của Yến, 15 tuổi) vào trung tâm.
Đôi mắt Yến đã chớm lệ, em chia sẻ lúc mới chuyển về trung tâm, rất nhớ nhà, lúc nào cũng khóc, có khi là cả tháng trời. Một năm sau, em Nguyễn Minh Ngọc vào trung tâm nên cũng đỡ hơn. Cứ dịp hè và tết, 2 chị em đều được phép về quê, ông, bà, cô chú vẫn chăm sóc và yêu thương. Mỗi lần như vậy Yến lại khóc mất vài ngày khi trở lại trung tâm.
Không ai có thể chọn mình sinh ra ở đâu, lớn lên trong hoàn cảnh nào, nhưng ai cũng có thể quyết định số phận của chính mình. Mọi thành công luôn có dấu chân của sự cố gắng, khát vọng của đứa trẻ mồ côi Hà Cầu sẽ luôn là động lực để các em chiến đấu với khó khăn, vượt qua mọi rào cản để đạt vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn…/.
Bài, ảnh: Tuấn Quang
Theo dangcongsan.vn
Hà Nam: Dân không đưa con em đến trường để phản đối dự án bãi chứa và bến thủy trên sông
Để phản đối một dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy vận chuyển đá, xi măng nằm trên địa bàn thôn, do lo sợ mất an toàn vì xe tải, ô nhiễm..., nhiều phụ huynh ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã để con em mình ở nhà trong ngày khai giảng năm học và buổi đầu tiên đến trường học chính thức.
Ngay trong buổi lễ khai giảng năm học mới và ngày đầu tiên đi học, nhiều phụ huynh thôn Trung Hiếu Thượng (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã không đưa con em mình đến trường để phản đối dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy để vận chuyển đá và xi măng do lo sợ quá nhiều xe tải chạy gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường...
Điểm trường mầm non xã Thanh Hải nằm ở địa bàn thôn Trung Hiếu Thượng.
Do địa bàn đặc thù, bị sông Đáy chia cắt nên xã Thanh Hải có 3 điểm trường mầm non và 2 điểm trường tiểu học, vào ngày khai giảng năm học mới, phía UBND xã Thanh Hải và các trường mầm non, tiểu học đã bố trí xe ô tô chở các cháu học sinh từ điểm chính sang điểm trường đặt tại thôn Trung Hiếu Thượng để tổ chức lễ khai giảng, nhưng nhiều phụ huynh ở thôn Trung Hiếu Thượng đã không đưa con em đến dự lễ khai giảng vì để phản đối dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy đang đi vào hoạt động.
Đến ngày 6/9, ngày đầu tiên đi học, tại điểm trường mầm non nằm tại thôn Trung Hiếu Thượng với 4 lớp trẻ thì mỗi lớp chỉ lác đác từ 4 đến 5 cháu được phụ huynh đưa đến học.
Ông Nguyễn Văn K. - người dân thôn Trung Hiếu Thượng cho biết, chúng tôi không đưa con em đến trường không phải vì chất lượng giáo dục, mà là dân trong thôn phản đối dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy của công ty TNHH khoáng sản Trang Huy và công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh.
Trẻ mầm non đến trường chỉ lác đác mỗi lớp 4 đến 5 học sinh
Theo ông K., vị trí bãi chứa và bến thủy được xây dựng nằm giữa điểm trạm cấp nước, điểm trạm y tế xã, điểm trường tiểu học và điểm trường mầm non Thanh Hải đặt ở thôn Trung Hiếu Thượng. Đặc biệt, đường vào bến thủy giao cắt với đường liên thôn, nơi đi lại mỗi ngày của người dân và hàng trăm em nhỏ.
"Từ khi bến thủy này đi vào hoạt động, xe tải chạy ầm ầm, đường xe tải chạy qua lại giao cắt với đường liên thôn, gần với điểm trường mầm non, hàng rào người dân lại xây cao, trẻ con còn nhỏ, không để ý chạy ra ngoài rất dễ tai nạn. Chúng tôi cực chẳng đã mới phải làm như thế này, chứ không hề muốn con cháu mình không được đi học", ông K. cho biết.
Theo tìm hiểu, ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Hà Nam có quyết định về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy của Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Tổng diện đích hơn 15 nghìn m2, tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng.
Đoạn đường giao nhau với khu vực gần bãi chứa nằm gần điểm trường mầm non Thanh Hải tại thôn Trung Hiếu Thượng
Ông Đinh Văn Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hải, cho biết: "Hiện tượng người dân không đưa trẻ đến trường để phản đối bãi chứa và bến thủy của Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh là có. Vào năm 2018 để phản đối việc xây dựng bến thủy nội địa kể trên, người dân đã không đưa con em đến trường đi học khoảng 1 tháng. Sau khi cơ quan chức năng tạm dừng việc xây dựng bến thủy, thì các cháu học sinh mới quay lại trường".
Ông Thúy cho biết thêm, trước đây, ngoài việc phản đối bằng việc không đưa các cháu đến trường, người dân thậm chí còn bỏ trống 15ha diện tích không gieo cấy. Phía UBND xã đã động viên người dân khiếu nại, đề nghị theo trình tự đúng các cấp, không nên để việc này ảnh hưởng đến việc học tập các cháu học sinh. Hiện lãnh đạo UBND xã Thanh Hải vẫn đang tiếp tục vận động người dân đưa trẻ đến trường, còn những bức xúc của người dân sẽ được các ban ngành giải quyết.
Người dân không đưa trẻ đến trường để phản đối bãi chứa và bến thủy của Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh
Ngày 22/8, UBND huyện Thanh Liêm đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh tạm dừng hoạt động đối với Dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy tại địa bàn xã Thanh Hải cho đến khi có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan.
Đến ngày 23/8, UBND tỉnh Hà Nam đã ra công văn số 2498 yêu cầu tạm dừng hoạt động tại dự án bãi chứa và bến thủy trên sông do Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh làm chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục.
Đồng thời, dự án này chỉ được hoạt động lại khi giải quyết ổn thỏa các kiến nghị của nhân dân, đảm bảo dự án khi đi vào hoạt động không ảnh hưởng tới đời sống của người dân và được người dân đồng thuận.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Đức Văn
Theo Dân trí
Sao nhất quyết phải khai giảng ngày 5/9, trong mưa lũ? Hàng trăm trường học phải hoãn khai giảng vì mưa lũ, nhưng đó chưa hẳn là chuyện buồn nhất đối với các em học sinh. Nếu mưa lụt thì hoãn chứ đừng để học sinh không được tham dự lễ khai giảng 1. Mấy ngày đầu tháng 9, con gái tôi háo hức mặc đi, mặc lại rồi đứng không rời mắt trước...