“Khảo sát” thay cho “thi tuyển” vào lớp 6: Bình mới rượu cũ
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tao (GD&ĐT) “cấm” các trường trung học cơ sở tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, hôm nay Sở GD-ĐT TPHCM thay đổi hình thức tuyển sinh vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa bằng cách tiến hành “khảo sát năng lực bằng tiếng Anh”. Quyết định “đổi mới tuyển sinh” của bộ đang khiến cả học sinh, phụ huynh lẫn nhà trường đều lúng túng.
Kẻ mừng, người lo
Năm học 2015-2016, khối lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM, sẽ có thêm sáu lớp nữa, nâng tổng số học sinh từ 360 em lên 600 em. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội cho học sinh bước vào ngôi trường có tiếng này. Thế nhưng, không vì vậy mà các bậc phụ huynh bớt đi lo lắng bởi sau khi có lệnh cấm của bộ, thay vì phải thi tuyển đầu vào ba môn Toán, Văn, Anh văn như những năm trước, con em họ phải vượt qua đợt “khảo sát năng lực bằng tiếng Anh”.
Video đang HOT
Ghé ngôi trường này cách đây mấy ngày thấy khá nhiều phụ huynh đứng trong sân trường chờ đón con mình tan học. Họ đến từ các quận, huyện trong thành phố, đã đồng hành cùng con mình ròng rã gần một năm qua để theo khóa học luyện thi vào ngôi trường này.
Một phụ huynh tên Cường, người có con đang học lớp 5 tại trường Tiểu học Kỳ Đồng ở quận 3, đồng thời đang theo lớp luyện thi, cho biết gần một năm trôi qua, con ông đều đặn học ba môn: Toán, Văn, Anh văn theo cấu trúc đề thi các năm. “Năm nay thi kiểu mới, khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, tôi nghĩ sẽ xoay quanh kiến thức cháu học nhưng vẫn rất lo. Đề thi vào trường này chưa bao giờ là dễ dàng, đã thế nay lại thi bằng tiếng Anh, tôi nghĩ còn khó khăn hơn”, ông Cường cho biết.
Ông Cường cho biết thêm, hiện con ông học tiếng Anh tại trung tâm quốc tế, kỹ năng giao tiếp tạm ổn, nhưng ông đang lo con ông sẽ bối rối với ngôn ngữ của toán học, của các bài toán tư duy, logic, “ở độ tuổi mà lượng từ vựng còn khá khiêm tốn, tôi sợ nhất là trường hợp cháu biết làm nếu đề ra bằng tiếng Việt nhưng lại bó tay khi đề ra bằng tiếng Anh”, ông Cường lo lắng.
Qua trao đổi thấy nhiều phụ huynh khác cũng có chung nỗi lo như ông Cường, song cũng có người lại tỏ ra tự tin với học lực của con em họ. Một phụ huynh tên Hào, người cũng có con đang luyện thi vào lớp 6, cho biết trong ba môn Toán, Văn, Anh, con anh có ưu thế cạnh tranh cao nhất ở môn tiếng Anh. “Do vậy, khi chuyển qua bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, giảm các bài toán đố, chú trọng tư duy và phản xạ nhanh, tôi cảm thấy bớt lo phần nào”, vị này cho biết.
Một phụ huynh khác tên Ba, nhà ở quận Gò Vấp, thì tin tưởng vào đội ngũ giảng viên ở một trung tâm đang luyện thi cho con ông, cho rằng “từ trước đến nay, trung tâm này nổi tiếng tỷ lệ thí sinh luyện thi vào trường Trần Đại Nghĩa. Giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm nên tôi tin rồi họ sẽ tiếp tục thành công dù năm nay là năm đầu tiên thi theo hình thức mới”, ông Ba kỳ vọng.
Thực chất vẫn là thi?
Bàn về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục không muốn nêu tên, cho rằng khi các em học sinh cùng làm một bài khảo sát, chấm cùng thang điểm, và lọc ra để chọn từ trên xuống dưới theo chỉ tiêu thì về bản chất, dù nói gì đi nữa, thì đây cũng là một cuộc thi.
“Tuy nhiên cá nhân tôi ủng hộ cách làm của Sở GD&ĐT TPHCM. Quyết định của bộ đưa ra có vẻ vội vàng và chưa xét đến cái khó của những trường đặc biệt như Trần Đại Nghĩa. Bộ đã cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh, vậy tại sao không cho các trường trung học cơ sở tự chủ”, vị chuyên gia trên nói.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Đàm Lê Đức, người đứng đầu Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, cho biết bà ủng hộ phương án xét tuyển mà sở GD&ĐT TPHCM thực hiện. “Phải thực hiện 30 câu trắc nghiệm trong thời gian 45 phút và 10 câu tự luận cũng trong từng ấy thời gian đòi hỏi ở học sinh kỹ năng tư duy, sáng tạo và phản xạ nhanh nhẹn. Tôi nghĩ điều đó tốt cho học sinh và cả giáo viên, bắt buộc họ phải tự nâng cấp mình lên để có thể đáp ứng yêu cầu giáo dục”, bà Đức nói.
Bà Đức cho biết thêm, ban đầu khi bộ cấm thi và sở điều chỉnh bằng khảo sát năng lực ngoại ngữ, trung tâm cũng có chút lo lắng, nhưng rồi cũng quyết định tổ chức lớp luyện thi theo phương án mới. Ngày 7-5, bà mời tất cả phụ huynh có con đang theo học và cả phụ huynh dự định cho con theo học tại trung tâm đến họp để trình bày về nội dung và cách thức tổ chức ôn thi. “Chúng tôi cũng thẳng thắn chia sẻ rằng chúng tôi cũng đang mò mẫm”, bà Đức cho biết.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, cho biết mười mấy năm nay, trường chỉ có nhiệm vụ nhận học sinh vào và dạy sau khi được sở tổ chức thi tuyển, nên ông không thể nói gì nhiều về kỳ xét tuyển này.
Trả lời câu hỏi liệu bài khảo sát năng lực mà sở dự định áp dụng có phải là một hình thức thi hay không, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định việc khảo sát năng lực ngoại ngữ không phải là thi, mà là kiểm tra năng lực chung thông qua năng lực tiếng Anh.
“Bộ sẽ vẫn giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của các địa phương. Nếu TPHCM khảo sát năng lực ngoại ngữ giống như thi tuyển thì chắc chắn bộ sẽ phải yêu cầu xử lý và rút kinh nghiệm, không phải chỉ năm nay mà còn cho các năm tiếp theo”, ông Hiển cho biết.
Theo motthegioi