Khẳng định thành công một phương thức thi mới!
KTĐT – Bốn ngày của đợt I kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ tuyển sinh đại học chính quy vào Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) năm 2015 đã kết thúc.
Các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại trường Đại học Quốc gia. Ảnh: Hùng Oanh
Theo đánh giá của Trưởng Ban tuyển sinh ĐHQG Hà Nội năm 2015, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, với tỷ lệ thí sinh đến dự thi cao kỷ lục, trên 2/3 bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên đã cho thấy kỳ thi ĐGNL thành công tốt đẹp
Video đang HOT
Thí sinh dự thi kỷ lục, điểm thi phân hóa cao
Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 2/6, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến hết 8 ca thi có tổng số 43.369 thí sinh đến dự thi trên tổng số 45.350 em đăng ký, chiếm xấp xỉ 96%. Có 8 thí sinh bị kỷ luật, đình chỉ thi là 9 người, đều vi phạm mang điện thoại vào phòng thi. Trong 8 ca thi, có 119 thí sinh phải chuyển ca vì nhiều lý do khác nhau, chiếm tỷ lệ 0,27%.
Sơ bộ tính toán về điểm tại các cụm thi (ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Vinh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên) trong tổng số 10.337 bài thi có 72,8% đạt số điểm từ 70 trở lên, 2 thí sinh đạt điểm cao nhất là 125 điểm/140 điểm. Đợt thi này không phát sinh sự cố an ninh, an toàn và bất thường về kỳ thi.
Đánh giá tổng quan về kỳ thi, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, với tỷ lệ 96% thí sinh dự thi cho thấy kỳ thi ĐGNL thu hút được sự quan tâm của xã hội. Tỷ lệ này cũng cho thấy sự quan tâm hứng thú của thí sinh đối với kỳ thi. Các thí sinh đều có quá trình chuẩn bị, làm thử bài thi mẫu, tỏ ra thích ứng thuận lợi, nhập cuộc nhanh chóng và thích nghi với hình thức thi mới. Tỷ lệ thí sinh mắc lỗi chủ quan chủ yếu ở Hà Nội. Điều này cho thấy yếu tố kỹ thuật không phải là rào cản cho thí sinh ĐGNL. Khả năng của học sinh phổ thông rất khả quan thích ứng kỳ thi hiện đại. Đặc biệt, quan sát quá trình tham gia của thí sinh cho thấy hầu như không phát sinh hiện tượng tiêu cực.
“Một bài thi duy nhất, thi trong một buổi, kiến thức tổng hợp, làm trên máy tính, biết kết quả ngay cho thấy phương thức thi đã đem lại kết quả tốt, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh ĐH mà chúng tôi đặt ra” – PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đánh giá. Và với 72,8% số bài thi đạt điểm từ 70 điểm trở lên cho thấy tỷ lệ hợp lý bởi đề thi ĐGNL tổng hợp, khá toàn diện, những thí sinh đạt điểm trong nhóm đầu có năng lực rất tốt.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay, các bạn thí sinh tham gia kỳ thi có trách nhiệm, hợp tác, nghiêm túc trong quá trình thi từ đầu đến cuối. Đến thời điểm này, kỳ thi đã thành công một cách quan trọng và căn bản. Đóng góp vào sự thành công này có một phần từ phía thí sinh.
Có thể áp dụng số lượng lớn hơn
Có thể nói, kỳ thi ĐGNL là bước đi căn bản đầu tiên và khá quan trọng trong việc đổi mới toàn diện giáo dục. Mấy ngày qua, có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội nên được thay thế cho kỳ thi THPT quốc gia, bởi những tiện ích, đánh giá được năng lực tổng hợp và thí sinh biết kết quả ngay khi làm bài xong. Đặc biệt là không gây áp lực cho thí sinh và người nhà thí sinh cũng như tiết kiệm chi phí. Về việc này, Trưởng ban tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, chúng ta không nên nói nên thế này hay thế kia, mà để những người làm chính sách quyết định.
Nhưng, phân tích từ góc độ kỹ thuật cho thấy với bộ đề, hệ thống phần mềm và quy trình thi như ĐHQG Hà Nội đang thử nghiệm, tôi cho rằng có thể áp dụng được cho một số lớn hơn. Ví dụ, hiện nay mỗi máy chủ chỉ dùng cho mỗi địa điểm 500 – 600 thí sinh trong khi công suất có thể chia sẻ cho hàng ngàn thí sinh. Các yếu tố về phần mềm, bộ đề cũng hoàn toàn có khả năng chia sẻ cho số lớn hơn, nhưng cần một điều kiện quan trọng là các phòng thi và máy tính chuẩn hóa. Do đó, mức độ mở rộng đến đâu là do điều kiện máy tính cho phép. Đợt I này, mỗi điểm thi sử dụng hai máy chủ kết nối song song, tương thích với nhau cùng lưu dữ liệu. Nếu máy này gặp sự cố thì máy kia vẫn hoàn toàn chủ động hoạt động thừa công suất.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc có ý kiến cho rằng kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội có thể được coi là kỳ thi quốc gia con, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Con, trung bình hay vừa vừa là tùy theo các góc nhìn. Với góc nhìn của ĐHQG, trước hết đây là kỳ thi tuyển sinh dùng để lấy kết quả xét tuyển vào ĐHQG. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kết quả này cho các trường ĐH khác, nếu như Luật GD cho phép được quyền chủ động tuyển sinh”.
ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển theo nguyên tắc sử dụng kết quả bài thi ĐGNL đợt 1 để xét tuyển đợt 1. Ngành học nào còn chỉ tiêu sẽ sử dụng kết quả bài thi ĐGNL đợt 1 và đợt 2 để xét tuyển bổ sung. Các đơn vị đào tạo căn cứ quy định về tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bài thi ĐGNL là 70 điểm trở lên để xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Theo KTĐT