Khâm phục nghị lực cô tân sinh viên bị bệnh “xương thủy tinh”, chỉ nặng 12kg
Không may bị mắc căn bệnh “xương thủy tinh” bẩm sinh, em Đỗ Trần Tú Uyên (sinh năm 2000, ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chỉ nặng chưa đầy 12kg.
Nhưng với nghị lực phi thường vươn lên trong học tập, Tú Uyên đã trở thành sinh viên năm thứ nhất lớp Công nghệ thông tin K19, Trường Đại học Tây Nguyên.
Ngọn lửa hy vọng chưa bao giờ tắt
Chúng tôi tìm đến nhà Tú Uyên vào một chiều cuối thu, trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Đinh Công Tráng (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một cô gái nhỏ bé ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế nhựa, xung quanh chất đầy sách vở. Thấy chúng tôi bước vào, em nhanh nhảu lễ phép chào hỏi rồi nở một nụ cười tươi, rất cảm động.
Ấn tượng đầu tiên về Uyên đó chính là vẻ ngoài xinh xắn, hiền hậu với làn da trắng, đôi mắt sáng, nụ cười đầy ắp niềm lạc quan. Do mắc bệnh bẩm sinh, cộng với nhiều lần bị gãy xương và các chứng bệnh khác như tim, phổi, dạ dày, phế quản nên sức khỏe của Uyên rất yếu và em hoàn toàn không tự đi lại được. Trọng lượng cơ thể Uyên chưa đầy 12kg, các chân bị teo lại, biến dạng, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ mẹ giúp đỡ.
Em Đỗ Trần Tú Uyên đang học bài.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Nguyệt (70 tuổi), bà nội của Uyên cho biết: “Từ lúc mới sinh ra đã phát hiện cháu bị bệnh xương thủy tinh, một chân bị quặt không thể duỗi thẳng”.
Em Đỗ Trần Tú Uyên bên bà nội.
Còn chị Trần Thị Lệ Thu (47 tuổi), mẹ của Tú Uyên tạm gác công việc trong nhà để tiếp chuyện. Sau giây phút gặp gỡ, mắt chị bỗng đỏ hoe, chị lần về ký ức: Uyên là con gái thứ hai trong gia đình, khi mới lọt lòng em chỉ nặng 2kg. Những tưởng con lành lặn bình thường, nhưng càng chăm sóc càng thấy con ốm yếu, có biểu hiện co rút bất thường. Thương con, gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng các bác sĩ kết luận Uyên bị bệnh “xương thủy tinh”, thuộc loại nan y.
Em Đỗ Trần Tú Uyên và mẹ.
Lúc Uyên chào đời cũng là lúc hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh khó khăn, chị Thu không thể làm được việc gì khác ngoài việc chăm sóc con, còn anh Đỗ Quốc Khánh, bố của Uyên suốt đầu tắt mặt tối ngoài rẫy cà phê. Thời điểm bấy giờ, giá cà phê rớt thảm hại, chưa đầy 4.000 đồng/1 kg. Tất cả mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai người đàn ông này. Nguồn sống của cả gia đình trông chờ vào 1 ha cà phê, không đủ ăn nên bố em phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi các con ăn học.
Video đang HOT
Em Đỗ Trần Tú Uyên bên bố.
Vất vả hơn khi đôi chân của Uyên teo dần không thể đứng lên đi lại được, chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt tất cả đều nhờ vào mẹ. Tuy sức khỏe yếu, đau liên tục nhưng Uyên luôn ấp ủ ước mơ được đến trường.
Những ngày vượt gần 360 cây số cùng Uyên xuống TP. Hồ Chí Minh để chữa bệnh là chuỗi ngày cơ cực nhất đối với chị Thu. Theo căn dặn của bác sĩ, ba tháng phải xuống tái khám một lần, nhưng vì không có tiền nên chị đành lần lữa để con ở nhà cả năm mới xuống.
Ý thức được sự vất vả của mẹ, Uyên tự nhủ mình phải cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập. Dù có lúc căn bệnh hiểm nghèo vò xé, làm em đau đớn nhưng chỉ cần nghĩ đến mẹ là em lại có thêm sức mạnh lạ kỳ! Chưa bao giờ em tuyệt vọng!
Nhắc đến mẹ, em nghẹn ngào: “Mẹ đã quá vất vả vì em, em không thể làm gì để giúp mẹ chỉ còn cách học thật giỏi để đền đáp công lao của mẹ”, Uyên xúc động nói. Sự phấn đấu vươn lên trong học tập của em đã được đền đáp, từ lớp 1 đến lớp 5 em luôn là học sinh giỏi; từ lớp 6 đến lớp 12 em đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Để theo kịp bạn bè, ngoài việc nắm vững các kiến thức học trên lớp, về nhà em tự nghiên cứu bài vở và học online.
ThS. Lê Đình Hồng – giáo viên chủ nhiệm năm Uyên học lớp 12 cho biết: “Tú Uyên là học sinh sống nội tâm, giàu tình cảm và rất lễ phép. Mặc dù bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đáng thương, nhưng trong học tập mà em vẫn tự giác, nỗ lực hết mình, học đều các môn”.
Giấy khen của em Đỗ Trần Tú Uyên.
Ước mơ trở thành cử nhân Công nghệ thông tin
Trong số các nhân vật phim hoạt hình Tú Uyên thích nhất nhân vật Đôrêmon – chú mèo tròn mũm mĩm giống con lật đật, trước bụng có túi thần kỳ. Uyên cũng rất ngưỡng mộ nhân vật Nick Vujicic, sinh ra đã không có cả tay chân. Nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua số phận bằng nghị lực sống cùng với nụ cười luôn nở trên môi. Anh Nick Vujicic trở thành người truyền cảm hứng cho Uyên bằng những câu chuyện về cuộc đời mình.
Câu nói mà Uyên tâm đắc là: “Nếu bạn không nhận được một điều kỳ diệu, hãy tự mình trở thành một điều kỳ diệu!”. Có lẽ, tình yêu thương ba mẹ và những người thân vô bờ, cùng với khát vọng kỳ diệu vươn lên, đã giúp Uyên có thêm sức mạnh để chiến thắng chính mình. Từ nhà đến trường đại học cách 6 cây số, ngày nhập học, em được mẹ chở đến trường vui mừng khôn xiết. Không những thế, em còn được cả nhóm bạn khiêng xe lăn lên tầng 4 để học. Dường như các bạn cũng hiểu được hoàn cảnh của em, vì vậy các bạn giúp đỡ, yêu quý em nhiều hơn.
Khi nói về những khát vọng trong tương lai, Uyên cho biết, trước mắt em sẽ tập trung học cho tốt để sau này trở thành cử nhân Công nghệ thông tin.
Giấy báo nhập học ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tây Nguyên của em Đỗ Trần Tú Uyên.
Chia tay gia đình Uyên, nhìn thân hình bé nhỏ của em, chúng tôi không khỏi cầm lòng. Chặng đường phía trước sẽ còn vô vàn thử thách, chúng tôi chúc cho em có thật nhiều sức khoẻ để biến ước mơ thành hiện thực như phương châm sống em: “Em biết chắc chắn rằng chừng nào em còn thở thì chừng ấy cuộc sống của em vẫn còn hy vọng”.
Đoàn Tiến Dũng
Theo Dân trí
Ông bố 15 năm bế con đi học
Cả hai đứa con nhỏ thó, co quắp vì bệnh xương thủy tinh, anh Ngọc Anh ngày ngày phải bế bồng chăm lo mọi thứ như với trẻ sơ sinh.
Cuối tháng 5, trong lễ bế giảng tại một trường cấp 3, hình ảnh Cẩm Vân (21 tuổi, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa) nhỏ xíu bên cạnh mẹ vô tình được ghi lại, đăng lên mạng xã hội. Chỉ trong vài ngày, đã có hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, thương cho nghị lực phi thường của cô.
Để con gái có được khoảnh khắc đầy tự hào này, hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Ngọc Anh (42 tuổi), bố của Vân, chưa được một ngày bình yên trọn vẹn.
Ngày Vân tốt nghiệp cấp 3 cũng là lần đầu tiên cô có một tấm ảnh chỉn chu cùng mẹ. Ảnh: Trịnh Ngọc Hào.
Trở về sau khi lái xe container chở chuyến hàng 500 tấn cho một công ty xây dựng, giữa cái nắng 40 độ C, trong căn nhà nhỏ chưa đầy 50 m2, anh Ngọc Anh mệt nhọc kể, "khi xưa gia đình vợ cấm cản chúng tôi cưới, chúng tôi vẫn cố đến với nhau. Có lẽ chính sự bất chấp này đã khiến những đứa con sinh ra phải chịu khổ suốt đời".
Ngọc Anh xa quê lập nghiệp ở Gia Lai từ năm 1995. Ở đây, anh gặp chị Nguyễn Thị Tròn, kém anh 2 tuổi, kết hôn và sinh con, cuộc sống sung túc. Vào khoảng năm 2000, Vân, con gái của anh chị lên 3 tuổi bị ngã gãy chân khi đang chơi đùa. Bác sĩ bảo chỉ cần 2 tháng băng bó sẽ khỏi, nhưng những vết nứt trên xương lại tiếp tục lan ra khiến cô bé không đi lại được.
Vân bắt đầu sợ mọi thứ xung quanh, vì lỡ chạm mạnh thứ gì cũng đau đớn. Anh Ngọc Anh không dám ẵm con do những lần bàn tay thô ráp chạm vào khiến con gái khóc thét. Thậm chí, khi con vui cười, những đốt xương cứ thi nhau kêu răng rắc, anh chỉ biết ngồi gục bên giường con nén khóc. 7 năm sau, anh chị đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), bác sĩ xác định Vân bị xương thủy tinh.
Theo Giáo sư Lê Thanh Hải (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương), "xương thủy tinh là căn bệnh hiếm gặp, trong 20.000 người mới có một người mắc. Người bệnh có sự phát triển xương bất thường, kém và dễ gãy. Trường hợp con gái của anh Ngọc Anh càng hiếm hơn vì bố mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu họ kết hôn với người khác, tình huống này có lẽ sẽ không xảy ra".
Chỉ sau vài tháng, anh Ngọc Anh từ chàng thanh niên vui tính hay ngồi quán cà phê đầu ngõ đã trở nên lo âu, xuống sắc. Nghe có thuốc tốt, dù trên những bản làng ở vùng cao, anh cũng trèo đèo lội suối đến xin về cho con. Thế nhưng, bệnh của Vân ngày càng nặng hơn, chỉ cần thở mạnh xương cũng gãy. Chở con trên những con đường dốc của phố núi, ông bố luôn nơm nớp lo sợ. Thương con, anh Ngọc Anh đành bỏ công việc ở Gia Lai về Thanh Hóa để tiện đi lại, cho con học hành.
Tưởng tìm được sự đồng cảm từ gia đình, câu đầu tiên anh nghe từ mẹ mình khi trở về quê nhà là "mày sống thế nào nó mới thế". Mọi thứ như tối sầm, anh trở nên tự ti, chỉ biết cắm đầu vào làm lụng, đi phụ hồ, thợ mộc...
Năm 2005, cuộc sống vừa ổn định trở lại, giấc mơ được cùng gia đình đi du lịch khắp Việt Nam lại nhen nhóm trong anh. Thế nhưng, vợ chồng anh một lần nữa gánh chịu nỗi đau khi nghe tin con trai mới sinh cũng bị xương thủy tinh. Ông bố trẻ rơi vào những tháng ngày trầm cảm, cộc cằn, phải tìm đến rượu để ngủ.
"Tôi từng cảm thấy có lỗi vì chồng là con trưởng mà không thể sinh cho anh ấy những đứa con khỏe mạnh. Nhưng anh chưa bao giờ trách móc tôi, còn luôn nhận lấy việc chở con đi học, chăm sóc con vì sợ tôi yếu, không ẵm được con", chị Tròn chia sẻ.
Ngày 2 lần đưa và đón đi học, anh Ngọc Anh đều phải bế 2 con ra xe, rồi bế lên lớp. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Đầu làng ngõ xóm là những lời xì xầm, nói anh không biết thương con nên đẻ chúng ra. Gân trên trán gồ lên vì tức, nhưng anh chỉ biết im lặng. Không ai còn nhận ra chàng trai hay vui vẻ hát hò, gặp ai cũng chào hỏi khi xưa, thay vào đó là gương mặt buồn bã cho cô con gái cao chỉ tới hông của bạn, tay chân co rúm.
"Những lần thấy con gãy chân gãy tay, con đau một, bố đau trăm lần. Tôi hay than trách tại sao ông trời không bắt mình gánh hết đau đớn mà để con phải chịu khổ. Đau hơn là khi nghe người thân buông ra những câu kiểu như 'Ít đưa con ra đường thôi, người ta bàn tán chúng tôi ngại lắm'", anh Ngọc Anh chua xót nói.
Vân kể, nhiều đêm, cô thấy bố ngồi ở ghế suy tư, mệt mỏi trong căn nhà tối om, ám bụi. Thế nhưng sáng dậy, bố vẫn dịu dàng bế hai chị em đặt lên chiếc ghế đệm được buộc chặt vào xe máy, chở con đến trường. Từ cổng trường, anh lại bế con đến tận phòng học ở tầng 3. Đôi khi lỡ xóc con, người đàn ông cắn chặt răng đau xót, tay mỏi nhừ vẫn phải tỏ vẻ bình thản để con yên tâm.
Trong nhà anh Ngọc Anh, chiếc xe máy là tài sản đắt tiền nhất, anh muốn con luôn được an toàn khi đến trường. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Một ngày 4 lượt, tổng cộng 40 km đi học là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Vân và bố mẹ. 12 năm qua, Vân chưa nghỉ buổi nào, em trai đang học lớp 7 của Vân cũng vậy.
"Bố rất ít cười, nhưng tất cả chỉ là bề ngoài thôi, thật ra bố rất thương cả nhà và luôn cứng rắn để con có chỗ dựa. Nhờ có bố mà em mới có thể vượt qua hành trình dài như vậy. Người ta có thể nói không hay về bố, nhưng bố luôn là người tuyệt vời nhất", Vân chia sẻ.
Mỗi tháng, cả hai vợ chồng thu nhập chưa tới 4 triệu đồng, từ việc lái xe không ổn định của anh, và quầy bán chuối chiên của chị. Trong bữa cơm chưa tới 30 nghìn đồng, cả nhà động viên nhau, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn. Có hôm, người vợ thủ thỉ nói chồng nên tìm một đứa con khác để nối dõi, anh Ngọc Anh ứa nước mắt, ôm vợ nói không cho phép bản thân làm vậy. Những năm gần đây, Vân đã ít bị gãy xương hơn, nhưng em trai vẫn còn phải chịu những cơn đau mỗi giây, mỗi phút.
Cậu con thứ 2, học lớp 7 cũng mắc căn bệnh giống hệt chị, mọi sinh hoạt đều nhờ hầu hết vào bố. Ảnh: Trọng Nghĩa.
"Học để cứu lấy cuộc đời mình, bố không đi cùng con đến hết cuộc đời được", là câu nói của bố mà Vân luôn tự dặn mình mỗi khi muốn bỏ cuộc vì những cơn đau. Tháng 5 vừa qua, Vân được đặc cách tốt nghiệp trung học loại giỏi (miễn thi), không khí trong nhà bớt nặng nề đi nhiều.
Ở nhà, mẹ hay tết tóc cho con gái và khâu lại quần áo cho bố, hai vợ chồng thường nghe nhạc bolero và nấu nướng cùng nhau. Anh Ngọc Anh vẫn đeo chiếc đồng hồ vợ tặng nhiều năm trước dù đã bị hỏng từ lâu, không dám bỏ tiền đi sửa.
Ước mơ học đại học của Vân tạm dang dở vì kinh tế gia đình eo hẹp, bố mẹ không thể theo con, chăm sóc từng ly từng tí. Ngày các bạn đi thi đại học, không chiếc xương nào của Vân bị gãy, nhưng cô nghe vỡ vụn trong lòng vì không giúp được gì cho cha mẹ, ngoài những tấm giấy khen.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Nghị lực phi thường của cô tân sinh viên mồ côi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Giọng nghèn nghẹn, Giang quả quyết, em sẽ quyết tâm học, sau này đi làm kiếm tiền để trả nốt số nợ 10 triệu đồng mà bố mẹ trước đây vay xây nhà ở quê. Đang học lớp 9, nỗi đau ập đến với Đàm Thị Hương Giang khi mẹ em qua đời. Số phận nghiệt ngã hơn, gần hai năm sau, khi...