Khám phá sốc về “con người lai” ra đời 250.000 năm trước
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) phát hiện ra rằng có tới hai dạng “ con người lai” Homo sapiens – Neanderthals đang tồn tại trên thế giới.
Theo các lý thuyết được ủng hộ nhất, những con người lai giữa hai loài Homo sapiens chúng ta và Neanderthals cổ đại xuất hiện chỉ 40.000-50.000 năm trước, sau cuộc di cư 60.000-75.000 năm của Homo sapiens ra khỏi châu Phi và ngay trước khi Neanderthals tuyệt chủng.
Người Neanderthals, chủ yếu ở phân bố ở châu Âu nhưng cũng có vài nhóm cư ngụ ở châu Á, là một loài khác cùng thuộc chi Homo (chi Người) với Homo sapiens, tức “ người tinh khôn” hay “người hiện đại”, chính là chúng ta.
Họ được coi là thuần chủng cho đến khi nảy sinh các cuộc hôn phối dị chủng với Homo sapien ở châu Âu và châu Á. Nhưng nghiên cứu mới khẳng định điều đó không đúng.
Người Neanderthals và người Homo sapiens đã hôn phối dị chủng với nhau từ 250.000 năm trước? – Ảnh đồ họa: ANCIENT ORIGINS
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Current Biology, DNA của người tinh khôn chúng ta đã xuất hiện trong dòng máu của người Neanderthals trước đó.
“Chúng tôi tìm thấy sự phản ánh về hoạt động giao phối cổ xưa, nơi các gien truyền từ người tinh khôn cổ đại sang người Neanderthals” – tờ Ancient Origins dẫn lời đồng tác giả Alexander Platt từ Trường Y khoa Perelman.
Nhóm cá thể Neanderthals lai người hiện đại đã rời châu Phi từ 250.000-270.000 năm trước, mang vẻ ngoài giống Homo sapiens hơn Neanderthals dù bản chất chính với người Neanderthals.
Video đang HOT
Ước tính họ mang 6% gien của tổ tiên Homo sapiens chúng ta, những gien đã bị che khuất trong lịch sử tiến hóa.
Tuy nhiên, có thể kết cục rất bi thảm. Dường như những con người lai này đã không sống sót trong cuộc di cư cổ xưa đó. Không có bất kỳ hài cốt nào của họ được tìm thấy giữa lục địa Á – Âu.
Các manh mối giúp các nhà nghiên cứu từ Mỹ và châu Phi tìm ra họ chính là việc giải trình tự bộ gien của chính người hiện đại đang sống ở vùng châu Phi hạ Sahara.
Người châu Phi được cho là nhóm Homo sapiens “thuần chủng” duy nhất; trong khi tất cả những người có nguồn gốc bên ngoài châu Phi đều mang dòng máu lai Neanderthals, với trên dưới 2% bộ gien thừa hưởng từ các vị tổ tiên khác loài.
Tuy nhiên, các tác giả đã tìm thấy yếu tố Neanderthals đáng kinh ngạc trong bộ gien của những người châu Phi này, từ 12 quần thể khác nhau sống ở Ethiopia, Tanzania, Botswana và Cameroon. Tất nhiên, tỉ lệ gien Neanderthals thấp hơn nhiều so với nhóm rời châu Phi, vì đã bị pha trộn bởi các Homo sapiens thuần chủng qua nhiều thế hệ.
Như vậy, dòng máu loài người cổ Neanderthals – đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước – vẫn tồn tại trên mọi lục địa của Trái Đất, theo hai cách.
Một là những người đang sinh sống ở châu Á, châu Úc, châu Mỹ…, hầu hết là con cháu của những con người lai với bản chất chủ yếu là Homo sapiens, thừa hưởng một ít gien Neanderthals thông qua hôn phối dị chủng vài chục ngàn năm trước ở châu Âu, châu Á.
Hai là những người đang sống ở châu Phi hạ Sahara hay chỉ mới rời nơi đó vài thế hệ, có thể là con cháu của những người Neanderthals lai với Homo sapiens, đã may mắn hơn đồng loại khi chọn ở lại chiếc nôi của nhân loại trong làn sóng di cư 250.000 năm trước.
'Tái sinh' loài người tuyệt chủng, ẩn mình cạnh chúng ta 100.000 năm
Người đàn ông vừa được tái sinh 3D trong phòng thí nghiệm ở Hy Lạp là một Homo heidelbergensis. Đây là người anh em cùng chi nhưng khác loài với con người hiện đại, đã tuyệt chủng.
Homo heidelbergensis là một trong những loài người bí ẩn nhất của chi Homo (chi Người), một chi linh trưởng bao gồm nhiều loài "cao cấp" nhất, có ngoại hình đã thực sự thoát khỏi thế giới vượn người. Chi này bao gồm cả chúng ta, loài "người tinh khôn" Homo sapiens.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Hy Lạp đã tận dụng hồ sơ hóa thạch hiếm hoi để tái sinh thành công phiên bản 3D ảo của một người đàn ông Homo heidelbergensis.
Chân dung người đàn ông 35 tuổi thuộc về loài người tuyệt chủng Homo heidelbergensis - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports
Công trình dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Christina Papageorgopoulou từ Đại học Democritus Thrace (Hy Lạp) góp phần hoàn thiện hơn hiểu biết về loài người bí ẩn nhưng quan trọng với lịch sử nhân loại này.
Homo heidelbergensis được cho là loài đầu tiên của chi người, chinh phục những vùng khí hậu lạnh. Họ cũng có khả năng chế tác và sử dụng công cụ khá tinh vi.
Thời gian tồn tại của Homo heidelbergensis là khoảng 700.000 đến 200.000 năm trước, tức khi Homo sapiens chúng ta xuất hiện trên địa cầu, người họ hàng này vẫn tồn tại thêm 100.000 năm nữa.
Tuy nhiên, khác với các loài Neanderthals hay Denisovans, không có bằng chứng về sự chung sống gần gũi của các cộng đồng Homo heidelbergensis và Homo sapiens, cũng như không có dấu hiệu về các cuộc hôn phối dị chủng cổ xưa với loài này trong DNA người hiện đại.
Người đàn ông được "tái sinh" trong phòng thí nghiệm lần này là kết quả phục dựng hộp sọ được khai quật ở hang Petralona thuộc miền Bắc Hy Lạp. Theo các đặc điểm được bảo tồn, các nhà khoa học ước tính đó là một nam giới khỏe mạnh, 35 tuổi.
Anh ta chỉ nặng khoảng 52 kg, tương đương cân nặng trung bình của một phụ nữ Homo sapiens, vì người Homo heidelbergensis vốn khá thấp bé so với chúng ta.
Đây cũng là một Homo heidelbergensis thời kỳ đầu, vì niên đại của hóa thạch được xác định khoảng 609.000 năm trước.
Vầng trán dốc đặc trưng, lông mày rậm rạp và nét cứng rắn trên khuôn mặt là những đặc điểm chính giúp phân biệt với người Neanderthals và Homo sapiens, hai loài được coi là "hiện đại về mặt giải phẫu".
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Archaeological Science: Reports cũng cho biết để "tái sinh" đúng chân dung người đàn ông này, nhóm nghiên cứu đã phải tận dụng một loạt các công nghệ trong lĩnh vực hình ảnh y tế, hình thái học hình học, DNA cổ đại, quét 3D, xử lý hình ảnh và thực tế ảo.
Chân dung nhìn nghiêng của người anh em đã tuyệt chủng của chúng ta - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports
Hóa thạch Homo heidelbergensis từng được tìm thấy ở Đức từ năm 1907, sau đó tiếp tục lộ diện ở Ethiopia, Zambia, Tanzania, Hy Lạp, Pháp.
Một mẫu vật bí ẩn mang tên "Dali" được khai quật ở Trung Quốc cũng được nghi ngờ là một Homo heidelbergensis.
Tìm thấy dấu chân người cổ đại tại New Mexico Loài người cổ đại đã đến vùng Bắc Mỹ sớm hơn hàng nghìn năm so với suy nghĩ trước đây. Hình ảnh dấu chân được tìm thấy tại New Mexico. Ảnh: CNN Các nhà nghiên cứu cho biết vào ngày 6/10 rằng đã tìm thấy tổng cộng là 61 dấu chân ở bờ hồ tại Công viên Quốc gia White Sands New Mexico,...