Khám phá bí mật của những cồn cát hình sao trên Trái Đất
Ngày 4/3, các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về cồn cát hình sao trên sa mạc, trong đó cho thấy cấu trúc bên trong của những đặc điểm địa chất này cũng như quá trình hình thành của chúng.
Cồn cát Lala Lallia cao khoảng 100 m so với các cồn cát xung quanh và rộng khoảng 700 m, chứa hơn 5 triệu tấn cát. Ảnh: Reuteurs
Cồn cát hình sao được xem là một trong số kỳ quan của sa mạc. Đó là những khối cát hình kim tự tháp cao tới 300 m và nhìn từ trên cao xuống chúng giống các ngôi sao.
Nghiên cứu trên tập trung vào một cồn cát sao ở miền Đông Maroc có tên là Lala Lallia, theo ngôn ngữ Berber địa phương có nghĩa là “điểm thiêng liêng cao nhất”. Cồn cát này nằm trên sa mạc Sahara ở Erg Chebbi, một khu vực nhiều đụn cát được tạo ra bởi gió sa mạc, cách thị trấn Merzouga khoảng 5 km, gần biên giới với Algeria. Cồn cát Lala Lallia cao khoảng 100 m so với các cồn cát xung quanh và rộng khoảng 700 m, chứa hơn 5 triệu tấn cát.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng radar xuyên đất để quan sát bên trong cồn cát, cùng phương pháp xác định niên đại phát quang để xác định thời gian hình thành Lala Lallia. Xác định niên đại phát quang là phương pháp dựa trên lượng năng lượng mắc kẹt bên trong các hạt cát. Kết quả cho thấy quá trình hình thành cồn cát Lala Lallia kéo dài trong 900 năm, với khoảng 6.400 tấn cát được tích lũy mỗi năm nhờ gió không ngừng thổi qua sa mạc.
Thông qua việc sử dụng radar xuyên đất, các nhà khoa học đã phát hiện cách thức các lớp bên trong cồn cát Lala Lallia được tạo thành theo thời gian thông qua việc tích tụ cát và sự tương đồng giữa các phần cấu trúc bên trong cồn cát này với các cồn cát khác.
Nhà nghiên cứu trầm tích đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu Charlie Bristow thuộc Đại học Birkbeck – Đại học London (Anh) cho biết các cồn cát được hình thành ở những khu vực có hình thái gió phức tạp, tức là gió thổi từ các hướng khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng xác định cồn cát Lala Lallia đang di chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 0,5 m mỗi năm.
Cồn cát sao chiếm chưa tới 10% số cồn cát trên các sa mạc trên Trái Đất và là những cồn cát cao nhất, vượt qua các cồn cát khác như cồn cát barchan hình lưỡi liềm và cồn cát tuyến tính. Cồn cát sao cũng được phát hiện trên Sao Hỏa và trên mặt trăng Titan của Sao Thổ.
Những cồn cát sao lớn nhất Trái Đất được tìm thấy ở sa mạc Badain Jaran ở miền Tây Trung Quốc. Ngoài ra, các cồn cát sao còn tồn tại ở nhiều nơi, trong đó có Biển cát Namib ở Namibia, các khu vực cồn cát lớn tại Algeria như Grand Erg Oriental và Grand Erg Occidental và Rub’ al Khali ở Saudi Arabia.
Dù hiện có nhiều cồn cát được biết đến, song chỉ có 1 cồn cát cổ đại được phát hiện dưới dạng sa thạch, có niên đại khoảng 250 triệu năm trước đây, ở Scotland. Các nhà nghiên cứu cho biết việc tìm hiểu cấu trúc bên trong các cồn cát có thể giúp các nhà địa chất xác định thêm tàn tích sa thạch của các cồn cát sao cổ đại.
Video đang HOT
Đến với Bàu Sen - hồ nước 'không đáy' có một không hai ở Quảng Bình
Bàu Sen có vị trí đắc địa, nằm ở giữa các động cát bao quanh, bờ cát trắng trải dài xung quanh, không hề có bất cứ nguồn nước nào đổ vào nhưng vẫn luôn đầy ắp nước trong xanh, mát rượi.
Bàu Sen Lệ Thủy. (Nguồn: Du lịch Quảng Bình)
Hồ Bàu Sen là một hồ nước ngọt nằm sát biển với những đồi cát trắng bao quanh thuộc xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Nằm cách thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) khoảng 50km, dọc theo tuyến đường Quốc lộ 1A đến đoạn cuối địa bàn huyện Lệ Thủy giáp ranh với huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), Bàu Sen như một ốc đảo nằm giữa những đồi cát trắng trải dài, đầy nắng và gió.
Hồ nước "không đáy"
Trước đây Bàu còn có tên khác là Nhị Hồ, tức chỉ hai cái bàu trong các động cát thuộc xã Sen Thủy thông với nhau bởi 1 con lạch nhỏ là: Bàu Sen (Thủy Liên Thượng) và Bàu Đơm (Thủy Liên Nam).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Giáp Thân (1404) Hồ Hán Thương cho đào Kênh Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa nhưng "vì bùn cát đùn lên, khai không được."
Dấu tích Kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng đông, rồi vòng hướng tây.
Khi đào đến một cồn cát phía tây làng thì cát đùn lên không đào được, dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương, nhà Hồ đành bỏ cuộc.
Đến đời nhà Lê, Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến phương Nam cũng lại cho đào thông kênh Sen nhưng đào không được.
Bàu Sen có diện tích khoảng 8,5km2, dung tích nước khoảng 5 triệu m3.
Nước trong bàu lúc nào cũng đầy ắp từ các động cát dài bao bọc xung quanh.
Bàu Sen Lệ Thủy Quảng Bình.
Nhiều người cho rằng sở dĩ hồ (tiếng địa phương là bàu) được gọi là Bàu Sen vì trước đây, trong bàu có rất nhiều sen mọc lên. Cứ đến mùa Hè, sen nở đầy bàu, hương thơm ngát cả vùng.
Cảnh sắc Bàu Sen liên tục thay đổi theo thời gian. Trong khi buổi sáng có sương sớm phủ giăng, mặt hồ lãng đãng khói sương tựa như chốn bồng lai tiên cảnh; buổi trưa hồ bát ngát ngập tràn ánh nắng; đến chiều tà, những tia nắng hoàng hôn làm hồng rực cả không gian mang lại cảm giác lắng đọng, sâu lắng. Khi màn đêm buông xuống, Bàu Sen tĩnh lặng và lấp lánh ánh sao bao phủ khắp mặt hồ.
Bàu Sen có vị trí đắc địa, nằm ở giữa các động cát bao quanh, bờ cát trắng trải dài xung quanh, không hề có bất cứ nguồn nước nào đổ vào nhưng vẫn luôn đầy ắp nước trong xanh, mát rượi.
Sở dĩ, Bàu Sen luôn đầy nước là vì vào mùa mưa, cát thấm giữ no nước, sau đó làm đầy nước trở lại vào mùa Hè. Đây chính là lý do Bàu Sen còn được gọi là hồ nước không đáy, bởi nước ở đây chưa bao giờ cạn. Nước trong bàu xanh biếc, trong trẻo, mát lạnh phần nào xoa dịu thời tiết oi bức, khắc nghiệt của mảnh đất Quảng Bình.
Tiềm năng phát triển du lịch
Nhờ có vị trí địa lý đặc biệt nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, Bàu Sen mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Đến nơi đây, du khách không những được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hít thở bầu không khí trong lành mà còn có thể trải nghiệm thú vui bơi thuyền vãn cảnh và câu cá hay tắm mát tại đây.
Hồ có rất nhiều loài thủy sản nước ngọt sinh sống tự nhiên, đặc biệt là các loài thuộc họ cá chép và tôm. Đây là một trong những nơi có nguồn thủy sản nước ngọt phục vụ thực phẩm tươi cho một vùng quê ở phía Nam huyện Lệ Thủy, vốn có điều kiện đất đai khô cằn.
Phong cảnh tuyệt đẹp tại Bàu Sen.
Bàu Sen cùng với các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng như chùa Hoằng Phúc (Mỹ Thủy), chùa An Xá (Lộc Thủy), Khu lăng mộ Khai quốc Công thần, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Trường Thủy), Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (làng An Xá, xã Lộc Thủy)... mảnh đất "địa linh nhân kiệt" Lệ Thủy còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cảnh đẹp tự nhiên hoang sơ hùng vĩ như Khu Bảo tồn Thiên nhiên với bạt ngàn rừng nguyên sinh Động Châu-Khe Nước Trong, suối nước khoáng Bang, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hồ An Mã... hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.
Trước đó, Bàu Sen là một trong nhiều dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư với hình thức khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển.
Dự án này có giao thông kết nối thuận lợi, sát tuyến đường Quốc lộ 1A và đường quy hoạch 36m nối từ xã Sen Thủy đi xã Ngư Thủy; cách bờ biển Ngư Thủy khoảng 5km, cảnh quan sạch đẹp.
Dự án dự kiến có diện tích 280ha với mục tiêu quy mô xây dựng các hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 4-5 sao. Từ đó, đến nay, người dân nơi đây vẫn mong ngóng một ngày không xa, Bàu Sen sẽ được đầu tư trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch, mang lại nét tươi mới cho vùng đất Sen Thủy.
Quan Lạn: Vẻ đẹp mê hoặc của những bãi cát trắng muốt trải dài bất tận Chỉ khi thực sự đặt chân đến Đảo Quan Lạn, tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của những cồn cát trắng muốt, mịn màng và dòng nước biển trong vắt. Nằm trong vịnh Bái Tử Long, đảo Quan Lạn (hay còn có các tên gọi khác là đảo Cảnh Cước, đảo Cao Lô) bao gồm 2 xã Quan Lạn và Minh Châu,...