Khai mạc Đưa trường học đến thí sinh 2016: Tinh túy hướng nghiệp
Hôm nay, 23-1, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2016″ chính thức khai mạc tại Trường THPT Tân Bình – TP HCM, mở đầu cho loạt 10 chương trình tư vấn hướng nghiệp tại 9 tỉnh, thành
Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2016″ do Báo Người Lao Động phối hợp với các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH, CĐ, THPT tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Phương Đông và Tập đoàn Vingroup. Chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV4 – Đài Truyền hình TP HCM và tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động Online tại địa chỉ nld.com.vn lúc 7 giờ 30 phút ngày 23-1.
Trong suốt 15 năm, chương trình tạo nhiều dấu ấn bởi sự thiết thực, lan tỏa, hiệu quả cao. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia trong ban tư vấn trước khi chương trình khai mạc.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM:
Độ phủ rộng, thông tin chính xác
Chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh của Báo Người Lao Động đúng như tên gọi “Đưa trường học đến thí sinh” đã thực sự đem đến những thông tin cần thiết cho thí sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ nhằm giúp các em chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi mà quan trọng hơn là giúp học sinh hiểu rõ về thông tin xét tuyển của các trường ĐH, CĐ và định hướng ngành nghề tương lai cho các em.
Video đang HOT
Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2015″ Ảnh: Bảo Lâm
So với một số đơn vị tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp khác, có thể chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” chưa bằng về số lượng địa phương tư vấn nhưng độ phủ của chương trình cũng khá rộng từ Quảng Nam – Quảng Ngãi vào đến ĐBSCL. Hầu hết các buổi tư vấn đều được trực tiếp truyền hình trên các đài phát thanh – truyền hình địa phương nên những học sinh không có điều kiện tham gia trực tiếp cũng có thể dễ dàng theo dõi. Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia tư vấn là những người đang trực tiếp điều hành công tác đào tạo và tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, có cả cấp hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng đào tạo… nên các thông tin tư vấn chính xác, thiết thực. Các chuyên gia tư vấn không ngại đến các vùng, miền xa xôi để đưa thông tin trường của mình đến gần hơn với thí sinh.
Trong bối cảnh thi THPT quốc gia 2016 và xét tuyển ĐH, CĐ có một số cải cách, thay đổi trên cơ sở rút kinh nghiệm của kỳ thi 2015, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2016″ chắc chắn sẽ mang đến cho học sinh những thông tin thiết thực, giúp các em tự tin hơn và chuẩn bị vượt vũ môn thật tốt.
TS Trần Đình Lý – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM:
Hướng nghiệp đặt lên hàng đầu
Cái tên “Đưa trường học đến thí sinh” đã nói lên bản chất và ý nghĩa của chương trình, thể hiện tính chủ động của ban tổ chức và các trường với mong muốn đưa thông tin đến với học sinh. Sự tinh túy của chương trình là tính chất hướng nghiệp được đặt lên hàng đầu.
Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tham gia chương trình khá lâu và từ đầu trong bối cảnh có rất nhiều chương trình khác cạnh tranh. Công việc mỗi thành viên trong ban tư vấn, như tôi, rất bận rộn nên để dung hòa công việc, gia đình và tham gia đầy đủ là rất khó. Tuy nhiên, chương trình đã giữ chân được nhiều thầy cô, các chuyên gia tâm huyết với mong muốn đưa đến các em học sinh càng nhiều thông tin, trải nghiệm về việc chọn ngành, nghề, hướng nghiệp lập thân.
Ban tư vấn trả lời câu hỏi của thí sinh Ảnh: Hoàng Triều
Năm nay, hy vọng chương trình tăng cường càng nhiều càng tốt sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để minh chứng cho mối quan hệ giữa nhà trường và xã hội. Mọi thứ đều có thể thay đổi, từ quy chế đến nhu cầu thị trường lao động nhưng có một điều luôn không đổi là lấy hướng nghiệp làm gốc, lấy năng lực sở trường là sự khởi đầu và xuyên suốt.
ThS Trương Tiến Sĩ – Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Mong thí sinh hỏi nhiều về nghề nghiệp
Hai năm qua, Báo Người Lao Động đã phối hợp với các trường ĐH và các sở GD-ĐT tổ chức nhiều hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp” cho thầy cô giáo phụ trách hướng nghiệp tại các trường THPT. Tôi cho rằng đó là hướng đi tốt và cần được tiếp tục nhân rộng. Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh “Đưa trường học đến thí sinh” năm nay, chúng tôi kỳ vọng các thí sinh hỏi nhiều hơn về nghề nghiệp cũng như ban tổ chức cần nhấn mạnh chủ đề hướng nghiệp trong quá trình thông tin, dẫn dắt chương trình.
Khi tiếp xúc với các học sinh THPT, tôi nhận thấy phần đông các em còn mù mờ về định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai. Các em có xu hướng chọn nghề nghiệp theo đám đông, thấy bạn chọn nghề này, ngành này nên mình chọn theo. Bản thân thí sinh chưa nghiên cứu một cách thấu đáo và nghiêm túc về các yếu tố để đi đến quyết định theo đuổi nghề nghiệp nào trong tương lai. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra cho các em biết chọn nghề nghiệp cho bản thân cần lưu ý những vấn đề gì. Chẳng hạn: Hoàn cảnh, đặc điểm gia đình; tính cách; sở thích cá nhân; mối quan hệ của bản thân và gia đình; năng lực học tập và thế mạnh (sở trường, thiên hướng) trong học tập…
Tôi kỳ vọng chương trình năm nay sẽ tiếp tục làm tốt công việc tư vấn, định hướng đúng nghề nghiệp cho thí sinh. Cùng với năng lực học tập của bản thân, mong rằng các em có thể chọn được ngành học phù hợp tại một cơ sở đào tạo tốt nhất có thể ở bậc sau THPT. Đồng thời, tôi mong các chuyên gia khi tư vấn một ngành nghề nào đó cho các thí sinh, ngoài việc thực hiện sứ mệnh quảng bá hình ảnh của trường mình, nên đưa ra danh sách nhiều trường khác có đào tạo cùng ngành, bao gồm điểm mạnh, yếu của từng trường để các em có sự cân nhắc và lựa chọn.
ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen:
Giúp các em xác định năng lực
Nhiều năm tham gia tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”, chúng tôi cùng Báo Người Lao Động rong ruổi nhiều tỉnh, thành để đến với các học sinh vùng xa, thiếu thông tin. Điều ghi nhận rõ nhất là hầu như năm nào các em cũng đặt câu hỏi: Chọn ngành nào, trường nào dễ thi, dễ học nhưng ra trường dễ kiếm việc? Những câu hỏi kiểu này những tưởng thật hay, thật sát nhưng kiểm tra kỹ mới thấy rằng bản chất các em thiếu một nền tảng cơ bản: Không xác định khả năng, năng lực của bản thân để từ đó xác định cho mình một ngành, nghề cho phù hợp. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao có được các chương trình dạy hướng nghiệp có chất lượng để các em tự xác định năng lực, sau đó lựa chọn nghề, ngành học và trường thích hợp. Hy vọng qua chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2016″, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để giúp các em xác định được những điều đó.
Theo NLĐO