Khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh
Năm học 2022-2023, Tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc, áp dụng từ lớp 3. Tuy nhiên, hiện các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang thiếu giáo viên ở hai bộ môn này.
Điều này gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Giờ học tiếng Anh của cô và trò lớp 3A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ).
Năm học này, Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) có ba lớp 3, với 110 học sinh. Đội ngũ giáo viên (GV) dạy môn Tiếng Anh của Nhà trường đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, đối với môn Tin học, Nhà trường chỉ có 1 GV hợp đồng nên phải điều tiết thêm người dạy ở cả trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn huyện Đại Từ.
Đối với TP. Sông Công, địa phương hiện có 13 trường tiểu học nhưng trước năm học mới 2022-2023, chỉ có 2 GV dạy môn Tin học. Còn môn Tiếng Anh, toàn thành phố còn thiếu 6 biên chế GV dạy môn học này.
Đến thời điểm này, tuy chưa có số liệu cụ thể toàn tỉnh thiếu bao nhiêu GV dạy 2 môn Tin học và Tiếng Anh, song theo phản ánh của các trường tiểu học, cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực là những khó khăn chung.
Để đảm bảo việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời khắc phục những khó khăn trong việc thiếu GV 2 bộ môn Tin học và Tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu phòng Giáo dục các địa phương chỉ đạo các nhà trường phân công GV dạy liên trường, song phải đảm bảo khoảng cách địa lý.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh lớp 3 học 4 tiết/tuần/lớp, môn Tin học là 1 tiết/tuần/lớp. Do đó, các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn phải phối hợp chặt chẽ để sắp xếp, bố trí phù hợp đảm bảo việc tổ chức dạy và học của cả GV và học sinh.
Theo đó, thực hiện chủ trương này, các trường học trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã chủ động trao đổi, bố trí GV dạy liên trường, đồng thời hợp đồng theo định mức khoán. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng đã thực hiện trao đổi số tiết còn thiếu của GV dạy Âm nhạc với GV dạy Tiếng Anh của trường THCS trên địa bàn là 8 tiết/tuần.
Thông qua việc trao đổi này, Nhà trường tổ chức dạy Tiếng Anh cho lớp 1 đến lớp 5. Giáo viên Tiếng Anh của trường THCS sang dạy 8 tiết/tuần tại điểm trường Khe Quân (4 tiết cho lớp 3 và 4 tiết/tuần cho lớp 4 và 5). Đối với môn Tin học, Nhà trường hợp đồng GV dạy từ lớp 3 đến lớp 5 cho 162 học sinh.
Đối với TP. Phổ Yên, năm học 2022-2023, nhu cầu cần là 77 GV dạy Tiếng Anh. Hiện tại cấp tiểu học đang có 40 GV dạy môn Tiếng Anh, thiếu 37 người. Đối với môn Tin học lớp 3 là 109 tiết, cần 5 GV.
Tuy nhiên, trên thực tế, thành phố có địa bàn rộng, số GV hợp đồng của 1 đơn vị (nếu không tổ chức dạy học tự chọn môn Tin học cho khối 4 và khối 5) không đủ định mức lao động trên tháng theo quy định, không thu hút được người lao động gắn bó với công việc.
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục TP. Phổ Yên: Phòng Giáo dục đã duyệt kỹ kế hoạch hợp đồng thuê khoán GV với từng trường, tính theo số tiết, số lớp. Từ đó, chỉ đạo các trường điều chỉnh, bố trí GV hợp lý. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tiểu học sử dụng GV có chuyên môn Tin học để hợp đồng khoán theo định mức; tăng cường sử dụng GV Toán – Tin cấp THCS dạy liên trường trên cùng địa bàn. Với môn Tiếng Anh, Phòng giao nhiệm vụ cho các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn thống nhất về thời khóa biểu để vừa động viên, vừa giao nhiệm vụ cho GV cấp THCS dạy tại các trường tiểu học; động viên GV dạy môn Tiếng Anh tiểu học dạy vượt giờ bằng nguồn kinh phí khoán được giao…
Video đang HOT
Mặc dù phải sử dụng những giải pháp tình thế, song nhìn chung các cơ sở giáo dục đã khắc phục kịp thời với việc thiếu GV. Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục được giao bổ sung 1.157 biên chế, trong đó cấp tiểu học là 423 chỉ tiêu. Đây là điều kiện tốt nhất để các địa phương tuyển dụng bù đắp cho những bộ môn có ít hoặc chưa có GV để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Hai trở ngại lớn nhất khi dạy Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc cho HS lớp 3
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi khẳng định: 100% các trường phải tổ chức tốt việc dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.
Từ năm học 2022-2023, môn Ngoại ngữ và Tin học đã trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3 trong chương trình mới.
Sự thay đổi này, sẽ mang lại nhiều thuận lợi khi học sinh sớm được tiếp cận với môn ngoại ngữ và tin học.
Một tiết học Tin của học sinh Bình Thuận (ảnh tác giả)
Nhiều năm về trước, không ít các trường tiểu học đã triển khai giảng dạy môn tiếng Anh và Tin học dưới hình thức môn học tự chọn.
Vì thế, nhiều địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, máy tính, bảng từ, máy nghe, loa (học tiếng Anh) và đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên nhiệt tình trong công tác và có tay nghề chuyên môn ổn định.
Bên cạnh những thuận lợi ấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi áp dụng giảng dạy bắt buộc môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.
Những khó khăn khi môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc
Không phải thuộc khu vực miền núi nhưng khi triển khai giảng dạy 2 môn học tiếng Anh và Tin học, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.
Chia sẻ trên Báo Bình Thuận, ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết:
Một số cơ sở giáo dục chưa có phòng dạy bộ môn tiếng Anh, tin học; chưa có các thiết bị dùng cho việc thực hành kỹ năng nghe, nói tiếng Anh; số lượng máy tính chưa đáp ứng nhu cầu học, nhiều học sinh phải học chung một máy nên thời lượng học sinh được thực hành ít.
Nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì khi bị hư hỏng chưa có.
Đa số gia đình học sinh kinh tế khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số nên ít có điều kiện mua sắm thiết bị để học, tiếp cận với sách tham khảo, các phần mềm học tiếng Anh hay internet để các em có điều kiện trau dồi, học tập.
Một khó khăn nữa là nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học (mặc dù có tham mưu Ủy ban nhân dân huyện) nhưng vẫn chưa bố trí được giáo viên do không có nguồn.
Một số trường chưa có giáo viên dạy chuyên môn tin học nên phải bố trí giáo viên tiểu học có năng lực dạy kiêm nhiệm. Đa số là hợp đồng ngắn hạn nên giáo viên chưa an tâm trong công tác.[1]
Miền xuôi khi triển khai giảng dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 vẫn gặp nhiều khó khăn như thế thì nhiều tỉnh miền núi, khó khăn còn gấp bội phần.
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất lúc này là về nhân lực và cơ sở vật chất.
Toàn huyện hiện chỉ có 3 giáo viên Tin học, thiếu tới 30 giáo viên theo yêu cầu. Số giáo viên tiếng Anh hiện tại có là 14, thiếu 19 giáo viên.
Phòng Giáo dục đã đăng tuyển, Ủy ban nhân dân huyện cũng ra thông báo tuyển dụng nhưng số lượng hồ sơ nộp vào quá ít. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển dụng 5 giáo viên ngoại ngữ nhưng không có một hồ sơ nào nộp vào. Giáo viên dạy Tin học vẫn còn thiếu.
Về cơ sở vật chất dù đã được các cấp, các ban ngành quan tâm bố trí phòng học ngoại ngữ, tin học đầy đủ nhưng vẫn chưa đảm bảo về quy mô, diện tích cho công tác dạy học.
Số lượng máy tính dạy tin học, thiết bị dạy học tiếng Anh tuy đã được cấp nhưng vẫn còn thiếu nhiều.
Tại huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An cũng thiếu về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hiện cho biết: "Hiện tại vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy Tin học, thiếu máy vi tính cho học sinh thực hành.
Sở Giáo dục cũng đã đăng tin tuyển dụng nhưng không có nguồn tuyển. Giáo viên dạy tiếng Anh thường xin việc ở miền xuôi mà rất ít lên miền núi để ứng tuyển".
Giải pháp khắc phục những khó khăn để thực hiện chương trình mới thuận lợi
Không riêng các tỉnh miền núi thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học, ngay tại thị xã La Gi hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực này.
Ngoài việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện việc hợp đồng giáo viên giảng dạy, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi đã thực hiện việc bố trí giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở tăng cường về dạy ở một số trường tiểu học.
Khuyến khích các trường học, hợp đồng tiết dạy thêm đối với giáo viên tiếng Anh (đã có biên chế chính thức ở các trường mà có nhu cầu dạy thêm).
Bố trí giáo viên dạy Tin học dạy liên trường.
Thầy Lữ Duy Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi (Bình Thuận) khẳng định 100% các trường phải tổ chức tốt việc dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.
Tại huyện Chương Dương (Nghệ An), cô Tuyết Chinh cũng cho biết: "Dù chưa đủ giáo viên dạy tiếng Anh lớp 3 nhưng sẽ cố gắng bằng cách cho giáo viên dạy tăng tiết. Ưu tiên bố trí giáo viên tiếng Anh dạy lớp 3 cho đủ. Số còn lại dạy lớp 5 (theo hình thức tự chọn) để các em tiếp cận lên lớp 6. Và, cuối cùng mới đến các khối còn lại.
Ở môn Tin học dù thiếu giáo viên nhưng lại dễ sắp xếp. Phòng sẽ điều giáo viên có năng lực về công nghệ thông tin cho bồi dưỡng thêm. Huy động các nguồn lực giúp đỡ về máy vi tính. Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã được Công ty thủy điện Bản Vẽ ở huyện ủng hộ cho 40 máy vi tính. Số máy móc này đã được phân bổ về các trường.
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết một số giải pháp đã và đang thực hiện nhằm khắc phục những khó khăn mang lại.
Đó là việc, rà soát lại mạng lưới trường, lớp, có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại các điểm trường lẻ hợp lý, hiệu quả, thuận lợi cho việc sáp nhập điểm bản cho dạy học ngoại ngữ, tin học.
Chỉ đạo hiệu trưởng các trường phổ thông, tham mưu với Ủy ban nhân dân xã có kế hoạch di dời các phòng học bằng gỗ, lắp ghép tại các điểm trường lẻ thừa chuyển về dựng tại cơ sở chính trong thời gian hè để làm nhà học, nhà ở cho học sinh.
Bố trí đủ phòng học tiếng Anh, tin học đảm bảo 100% đơn vị trong toàn huyện dạy đủ tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.
Xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu dạy và học trong toàn huyện.
Hiện tại Phòng giáo dục tham mưu Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch điều chuyển giáo viên tiếng Anh theo vùng trong tháng 8 để thuận lợi cho dạy liên trường. Bố trí giáo viên trung học cơ sở dạy tiểu học.
Bố trí nhập lớp từ 78 xuống 55 lớp 3, với sĩ số học sinh (bình quân dưới 40 em/lớp thì còn lại 55 lớp/14 giáo viên, bình quân 15,7 tiết/giáo viên/tuần).
Bố trí giáo viên tiếng Anh chưa dạy đủ số tiết theo quy định dạy liên trường mà khoảng cách gần nhau.
Do thiếu nhiều giáo viên tin học nên Phòng tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện cử mỗi trường 01 giáo viên văn hóa có năng lực về tin học đi bồi dưỡng nghiệp vụ tin học trong thời gian hè để đảm bảo cho dạy học tại các nhà trường.
Giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM lương thấp nhưng tiết nghĩa vụ lại cao Lương của giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, nhưng tiết nghĩa vụ lại cao. Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về tình hình xây dựng các đề án dạy...