Khác biệt trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Dù Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định sẽ không leo thang cuộc chiến thương mại, truyền thông Hong Kong cho rằng quan điểm của hai bên về khả năng hóa giải hoàn toàn những mâu thuẫn này vẫn xa vời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2 phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3 trái). Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được đồng thuận trong việc tạm ngừng chiến tranh thương mại, hoãn nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối phương và hai bên sẽ tiến hành đàm phán thương mại trong vòng 90 ngày.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trước đó, Tổng thống Trump không tham dự và thế vào đó là Phó Tổng thống Mike Pence. Mâu thuẫn Mỹ-Trung lại một lần nữa diễn ra căng thẳng tại hội nghị này, khiến cho APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung kết thúc hội nghị.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần đe dọa trên Twitter sẽ leo thang cuộc chiến thương mại. Vì vậy, việc hai bên vẫn có thể đạt được đồng thuận về việc “ngừng bắn” trong bầu không khí này đã khiến dư luận rất bất ngờ.
Tờ Thương báo (Hong Kong) nhận định, lý do chính dẫn tới quyết định hòa hoãn của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bởi hai bên đều mong muốn tạm thời gạt bất đồng sang một bên, tránh đề cập tới những khúc mắc mang tính cơ cấu để tìm kiếm lợi ích chung. Đặc biệt, đối với Tổng thống Trump, việc ông sẵn sàng tạm “lui binh” chủ yếu còn xuất phát từ những cân nhắc chính trị.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, đảng Cộng hòa không còn chiếm đa số ghế ở Hạ viện, thêm vào đó là sự sụt giảm gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến cho sự thịnh vượng kinh tế mà ông Donald Trump luôn tự hào không thể bền vững do chiến tranh thương mại.
Trong cân nhắc ưu tiên việc liên nhiệm, nhiệm vụ cấp bách là cần củng cố sự ủng hộ của các tiểu bang nông nghiệp và các doanh nghiệp xuyên quốc gia đã bỏ phiếu cho ông trước đó. Do đó, lựa chọn chiến lược của ông Trump là tìm kiếm sự nhượng bộ của Trung Quốc trong việc mua các sản phẩm công-nông nghiệp Mỹ và mở cửa thị trường, đồng thời duy trì sự linh hoạt trong việc gây sức ép đối với Trung Quốc. Trong tương lai, ông Trump chắc chắn sẽ áp dụng cách tiếp cận từng bước, buộc Trung Quốc phải thực hiện “thương mại công bằng”, qua đó dọn đường cho việc đắc cử nhiệm kỳ hai.
Về phía Chủ tịch Tập Cận Bình, ông hy vọng vừa ổn định quan hệ Mỹ-Trung, vừa có thể duy trì được “vạch giới hạn”. Dưới tiền đề này, Trung Quốc mới sẵn sàng đưa ra danh sách nhượng bộ trước áp lực không ngừng của Mỹ, qua đó giảm thiểu khác biệt giữa hai bên. Tuy nhiên, trong việc kiên trì tiến trình toàn cầu hóa và chiến lược “Vành đai và Con đường”, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không nhượng bộ Mỹ.
Video đang HOT
Điều đáng chú ý, mặc dù cục diện căng thẳng của thương chiến Mỹ-Trung tạm thời được giải tỏa sau cuộc gặp Trump-Tập nhưng tình hình vẫn không mấy lạc quan.
Trước hết, sức tấn công của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ, bởi thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 11,5% trong 10 tháng đầu năm.
Thứ hai, Mỹ luôn cảnh giác với tham vọng “Sản xuất ở Trung Quốc 2025″. Trong danh sách áp thuế và các mục tiêu trừng phạt đối với Trung Quốc là một lượng lớn các dự án mà Trung Quốc tin rằng sẽ giúp thúc đẩy tham vọng này.
Trung Quốc gần đây không còn đề cập nhiều đến “Sản xuất ở Trung Quốc 2025″, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục nâng cấp trình độ công nghệ công nghiệp và giá trị đầu ra, vì vậy xét trên phương diện này mâu thuẫn song phương chắc chắn vẫn rất gay gắt.
Thứ ba, nhiều người đặt dấu hỏi về việc bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập tập đoàn truyền thông Huawei bị bắt giữ ở Canada, sẽ ảnh hưởng tới đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới. Nội bộ Trung Quốc có những ý kiến cho rằng giới chức nên đề cập tới vấn đề này và không nên nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, vì vậy bầu không khí căng thẳng nhiều khả năng sẽ gây khó khăn gấp đôi cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại.
Trung tuần tháng 12 này, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Mỹ để đàm phán, trong khi phía Nhà Trắng cũng đã chỉ định Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer – một người có quan điểm chống Bắc Kinh – dẫn đầu nhóm đàm phán với Trung Quốc. Đội hình đàm phán của hai bên cho thấy vòng đàm phán đầu tiên trong 90 ngày “lui binh” khó có thể suôn sẻ.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp Trump-Tập vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ rằng các quan chức Trung Quốc thực sự đồng ý tăng số tiền mua hàng hóa Mỹ lên 1.200 tỷ USD. Đây dường như là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung dự định đạt được một thỏa thuận thương mại chính thức vào đầu tháng 3/2019./.
TTXVN
Theo BNews.vn
Người chèo lái thương mại Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ngừng leo thang cuộc chiến thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc
Thỏa thuận được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thủ đô Buenos Aires của Argentina. Sau khi cuộc gặp kết thúc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, Bắc Kinh và Washington sẽ dừng việc áp thêm thuế và sẽ đẩy mạnh cuộc đàm phán thương mại song phương.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc liên tục ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến tranh thương mại. Khởi đầu, ông Trump đánh thuế 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Trung Quốc lập tức áp thuế lên thịt bò, đậu nành Mỹ, gây thiệt hại cho nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tiếp đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Và ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố trả đũa tương tự nhằm vào 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Những đòn ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động tới nền kinh tế hai bên, mà còn khiến bầu không khí thương mại toàn cầu trở nên ngột ngạt.
Trong bối cảnh cuộc chiến như vậy, dư luận đặc biệt quan tâm tới những nhân vật được xem là nòng cốt về chính sách thương mại song phương. Cụ thể, phía Bắc Kinh là Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, người đã có một số phát biểu cứng rắn về lập trường của nước này trong cuộc đấu tay đôi về thương mại với Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn sinh năm 1955, người tỉnh Chiết Giang. Ông chính thức tham gia công tác từ năm 1972. Tháng 11/2008, ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và từ tháng 2/2017 trở thành người đứng mũi chịu sào của cơ quan này.
Hồi tháng 3 năm nay, ông Chung Sơn khẳng định, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và sẽ không khơi mào một cuộc chiến như vậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giải quyết bất cứ thách thức liên quan nào, đồng thời sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân.
Ông Chung Sơn cho rằng, trong chiến tranh thương mại không có người chiến thắng, chỉ có những kết cục tồi tệ đối với hai bên và cả thế giới. Ngoài ra, ông cũng lưu ý các phương thức thống kê khác nhau đã làm tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái thêm khoảng 20%.
Quan chức này nhận định, sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là vấn đề cơ cấu khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn và nhập khẩu nhiều dịch vụ hơn từ nước này. Theo ông, cạnh tranh thương mại được quyết định bởi các ngành công nghiệp và việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến mất cân bằng thương mại song phương.
Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn cho rằng, hiện hai nước có những nhu cầu khác nhau về việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, ô tô, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác do các điều kiện khác nhau tại từng quốc gia. Bên cạnh đó, lập trường khác nhau trong an ninh mạng Internet, quyền sở hữu trí tuệ cũng tác động đến đầu tư và thương mại song phương.
Đầu tháng 10 vừa qua, người đứng đầu Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn. Ông nói, "có một quan điểm tồn tại lâu nay ở Mỹ là nếu Mỹ duy trì biện pháp tăng thuế, Trung Quốc sẽ chịu thua. Họ không hiểu biết lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Đất nước chúng tôi bị nước ngoài bắt nạt rất nhiều lần trong lịch sử, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bị khuất phục dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất".
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định, sự phát triển kinh tế, khoa học và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc là nhờ chính sách cải tổ, mở cửa và của nỗ lực của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ "chiếm ưu thế của Mỹ", ngay cả khi Trung Quốc có mức thặng dư thương mại 31,05 tỷ USD với Mỹ hồi tháng 8/2018.
"Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng sẽ đứng lên chống lại nếu cuộc chiến đó bùng nổ. Mỹ chớ nên xem thường ý chí và sự quyết tâm của Trung Quốc", ông Chung Sơn tuyên bố.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, đây có thể coi là lời đáp trả đanh thép nhất từ phía Bắc Kinh, kể từ khi cuộc xung đột gay gắt về thương mại nổ ra giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ, dù trước đó Bắc Kinh đã công bố Sách Trắng mới với nội dung chỉ trích những hành vi ức hiếp thương mại của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc là một trong những cơ quan có vai trò "tiền tuyến" trong các cuộc đối thoại và đàm phán về thương mại với Mỹ. Việc người đứng đầu cơ quan này đưa ra tuyên bố cứng rắn cho thấy tình trạng xấu đi trông thấy trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định.
Mặc dù hiện tại Mỹ và Trung Quốc đã tạm ngưng cuộc chiến thương mại, nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn những đòn ăn miếng trả miếng. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ sẽ giữ nguyên thuế suất bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ở mức 10% như hiện nay, không nâng thuế suất lên 25% kể từ đầu 2019.
Ngược lại, Mỹ muốn lập tức bắt đầu đàm phán về những mối lo lớn nhất của ông Trump về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, gồm cáo buộc về đánh cắp tài sản trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, và tấn công mạng. Sau 90 ngày, nếu Bắc Kinh không có tiến bộ nào về cải cách cơ cấu, Mỹ sẽ nâng thuế suất lên 25%.
Ông Vương Huy Diệu, Chủ tịch Trung tâm toàn cầu hóa Trung Quốc, lạc quan dè dặt: "Sau nhiều tháng căng thẳng thương mại Mỹ -Trung thì thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạm thời giải tỏa xung đột. Tạm dừng áp thuế mới được coi là cam kết mà 2 bên cần nỗ lực thực hiện".
"Trong vài tháng tới, hai bên sẽ phải cố gắng thu hẹp các bất đồng dù khó khăn tới mức nào bởi nền kinh tế của 2 nước rất gắn kết, có quan hệ chặt chẽ, không bên nào có lợi nếu xảy ra tranh chấp. Tôi không dám chắc thời hạn 90 ngày có đạt được hay không nhưng về lâu dài, hai nước sẽ phải giải quyết bằng được các tranh chấp".
Theo Tuấn Trần
Vietnamnet
Chi tiết cuộc gặp Trump - Tập ở Buenos Aires dần lộ diện Mỹ và Trung Quốc tăng tốc các trao đổi trước thềm thượng đỉnh cho thấy cả hai muốn giành thêm lợi thế khi bước đến bàn đàm phán tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đã chấp nhận đề xuất của Washington để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối 1/12 sau...