Kết thúc năm học đầu tiên không chấm điểm: Không còn thành tích học sinh khá, giỏi (20/05/2015)
Năm học 2014-2015, năm đầu tiên thực hiện cách thức mới trong đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đã có sự linh hoạt, thay đổi hình thức xét khen thưởng học sinh cuối năm học. Sự linh hoạt này không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn khích lệ, động viên các em nhiều hơn. Bên cạnh những phản hồi tích cực vẫn còn một số lo lắng, băn khoăn từ phía giáo viên và phụ huynh.
Linh hoạt với giấy khen Đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm ở tất cả các khối lớp tiểu học về cơ bản đã hoàn thành. Nhiều trường đã chuẩn bị kế hoạch đánh giá tổng kết, khen thưởng cuối năm đối với học sinh. Với kinh nghiệm từ lần khen thưởng cuối học kỳ 1, các trường không mấy lúng túng với việc ghi thành tích học sinh đạt được trong cả năm học. Ông Phạm Chí Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, trường dự kiến khen thưởng 300 trong tổng số 439 học sinh. Trong đó, việc đánh giá khen thưởng học sinh chia làm 2 phần: khen chung với những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong tất cả môn học hoặc khen từng mặt với những em đạt trong từng môn học, ví dụ toán hoặc tiếng Việt, hoặc phẩm chất năng lực. “Sau 1 năm thực hiện Thông tư 30, tôi nhận thấy các em học sinh đến trường đã giảm được áp lực về điểm số, giờ học nay nhẹ nhàng, thoải mái hơn nên việc tiếp thu bài cũng tốt hơn” – ông Việt nhận định. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, với việc linh hoạt trong khen thưởng như hiện nay, các trường và giáo viên của các lớp tránh được bệnh thành tích kiểu 95% học sinh khá giỏi như các năm trước đây. Tuy nhiên, để tránh thiệt thòi cho học sinh, mỗi trường nên họp bàn nghiêm túc, thậm chí tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến thống nhất, tránh tình trạng có lớp khen thưởng cả 45 em còn có lớp chỉ phát giấy khen cho một số ít em nổi trội về mọi mặt, những em khác thì tuyên dương… Cũng cần tuyên truyền, phổ biến với phụ huynh và học sinh để tránh gây hoang mang, khó hiểu khi cầm tờ giấy khen trên tay mà không hiểu con em mình được khen thế nghĩa là thế nào. “Tờ giấy khen là để khích lệ, động viên học sinh nhưng không vì thế mà khen ào ào, kiểu hòa cả làng. Cần nhất là sự trao đổi thường xuyên, gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh”, vị hiệu trưởng
này nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Lo lắng từ giáo viên Một năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, học sinh đã quen dần với việc thay vì nhận được điểm số mỗi giờ lên lớp thì nay nhận được lời nhận xét, lời khen của giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn. Nhưng làm thế nào để đánh giá chính xác, không gây áp lực, bảo đảm khuyến khích được từng học sinh vươn lên trong học tập, nhất là những học sinh thụ động trong học tập vẫn là bài toán khó với hầu hết các giáo viên tiểu học. Trên thực tế, sĩ số mỗi lớp học trung bình từ 35-45 em, giáo viên trong một tiết dạy không đủ thời gian để thực hiện đánh giá hầu hết tất cả học sinh bằng lời và viết. Số lượng học sinh được giáo viên kiểm tra bài làm trong vở, phiếu học tập… là không nhiều. Trên lớp, giáo viên chỉ nhận xét cho tối đa 10-15 em; còn lại tranh thủ thời gian trống tiết hoặc mang về nhà khiến áp lực công việc gia tăng, muốn đầu tư thêm cho bài giảng, nâng cao kiến thức cũng khó. Nhất là với những giáo viên dạy môn và nhóm môn, việc viết vào sổ Theo dõi chất lượng giáo dục cho vài trăm em là một việc đòi hỏi nhiều sức lực và thời gian. Nhiều giáo viên cũng bày tỏ sự trăn trở với câu từ đánh giá học sinh. “Yêu cầu nhận xét phải cụ thể, rõ ràng, chỉ cho học sinh biết mình làm tốt phần nào, phần nào phải khắc phục. Lời nhận xét không thể cứ lặp đi lặp lại, phải làm sao để học sinh và phụ huynh thấy con em mình khác trước. Khó nhất là với những em có học lực giảm sút, nếu nhận xét không khéo sẽ làm học sinh mặc cảm, phụ huynh hoang mang” – một giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP.HCM) tâm tư. Với học sinh lớp 1, các em chưa đọc thông thạo nên sẽ không hiểu cô giáo nhận xét mình như thế nào cũng là một trở ngại. Đặc biệt là các học trò vùng sâu vùng xa, việc nói và viết tiếng phổ thông không dễ dàng nên những gì giáo viên nhận xét các em chưa chắc đã hiểu. Còn nếu nói bằng lời thì nhanh quên, khó truyền đạt được đến cha mẹ các em. Đây thực sự là một thách thức với giáo viên tiểu học miền núi. Phụ huynh chưa bắt kịp Thông tư Dù không còn bỡ ngỡ với việc giở cả cuốn vở bài tập của con mà không có lấy một điểm số, thay vào đó là những đánh giá của giáo viên chủ nhiệm và bộ môn nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ sự quan tâm, trông ngóng đối với kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm. Chị Ngân (nhà A1D1, KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Cháu lớn nhà tôi năm nay học lớp 1. Dù rất quan tâm đến việc học của con nhưng tôi không thể ngày nào cũng liên lạc với cô giáo để hỏi. Còn nhìn vào nhận xét cô ghi trong vở, thú thật là tôi rất hoang mang vì các lời phê na ná nhau, chủ yếu là động viên nhưng không rõ là con đạt ở mức độ nào, ít nhất là so với các bạn trong lớp về khả năng viết chữ, làm toán…”. Tâm lý bao đời nay, ông bà, cha mẹ đã đi học là phải có điểm số, có thứ hạng để biết còn đôn đốc con em mình. Vì thế, dù nhận được lời khen ngợi từ cô giáo đối với kết quả học tập rèn luyện của con nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn. Nhất là hiện nay, con trẻ không được giao bài tập về nhà, cha mẹ không được tận mục sở thị nhìn con viết chữ, làm toán nên càng lo lắng. “Tôi đã nghĩ đến việc đề nghị cô giáo giao riêng bài tập cho con, ít thôi nhưng để mình nắm được nhận thức, kỹ năng trình bày của con đến đâu. Nhất là những đợt nghỉ dài như 30-4 vừa rồi, không hề thấy con cầm đến quyển sách. Trong khi, căn cứ vào vở viết của con, lời phê của cô giáo, tôi nhận định lực học của cháu mới ở mức trung bình khá. Nhưng cô giáo cháu giải thích không giao bài tập về nhà là quy định bắt buộc. Bản thân tôi muốn cháu làm thêm bài thì cháu không đồng ý” – một phụ huynh có con học lớp 3 (xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) trăn trở. Một ý kiến khác được nhiều phụ huynh học sinh khối lớp 5 lo ngại là việc chuyển từ chấm điểm từ năm học trước sang nhận xét ở năm học này, sắp tới lên cấp 2 lại chấm điểm khiến trẻ khó thích ứng, gây những tác động tâm lý không tốt cho các em.
Theo daidoanket