Kết quả thẩm định vụ phụ huynh “tố” trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời ý kiến phụ huynh thông báo kết quả thẩm định dự án Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia. Theo kết quả đánh giá một số dự án mà phụ huynh “tố” có vấn đề, Hội đồng thẩm định kết luận: “Phù hợp với kết quả đánh giá của Ban Giám khảo cuộc thi”.
Cụ thể, trong công văn trả lời với phụ huynh Vũ Thị Xuân Hương, Bộ GD&ĐT cho biết, đã tiến hành chấm thẩm định các dự án sau: “Sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên – tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic”; “Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông”; “Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0″.
Kết quả của Hội đồng thẩm định đối với các dự án nói trên như sau:
Dự án “Sự bùng nổ của hiện tượng thích mạo hiểm ở thanh thiếu niên – tác động của nó lên vỏ não và hệ thống limbic”: mẫu nghiên cứu chưa phù hợp với đối tượng nghiên cứu; tính thực tiễn để giải quyết các vấn đề xã hội chưa thể hiện rõ trong đề tài; Phần xã hội hành vi bị tác động không rõ dẫn đến các giải pháp đưa ra chưa phù hợp.
Dự án “Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh trung học phổ thông”, đề tài có câu hỏi nêu vấn đề nghiên cứu rõ ràng, có đóng góp vào thực tiễn; phương pháp nghiên cứu phù hợp với trình độ học sinh; có số liệu đầy đủ, có độ tin cậy; có sự sáng tạo trong vấn đề nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu; chất lượng đề tài được nghiên cứu tốt.
Dự án “Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0″, câu hỏi nghiên cứu rõ ràng, phương pháp nghiên cứu có độ tin cậy; có sự rõ ràng về cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu, các biến số hợp lý, phù hợp, mô hình thực nghiệm đơn giản và có tính ứng dụng cao; dữ liệu đầy đủ, thu thấp và phân tích dữ liệu tốt; Dự án có sự sáng tạo về phương pháp và nội dung.
Bộ GD&ĐT kết luận: Kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định đối với cả 3 dự án trên là phù hợp với kết quả đánh giá của Ban Giám khảo cuộc thi.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham quan gian hàng trưng bày của học sinh tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2019
3 dự án kết quả đều không thay đổi
Với phản ánh của phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn, Bộ GD&ĐT cho biết, Hội đồng đã tiến hành chấm thẩm định các dự án: “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”; dự án “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm”; dự án “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời”.
Theo đó, kết quả đánh giá theo Biên bản của Hội đồng chấm thẩm định với các dự án trên như sau:
Dự án “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”, các nghiên cứu liên quan chưa đề cập, chưa trình bày các ưu, nhược điểm của từng nghiên cứu tương đồng; tên đề tài không sát với nội dung (tên đề tài nói chung về cây ăn quả nhưng báo cáo thì nói về quả thanh long); Chưa trình bày rõ phương án nghiên cứu.
Về tiến hành nghiên cứu; thu thấp dữ liệu và phân tích dữ liệu thì chỉ có kết quả chọn quả nhưng thiếu độ tin cậy (vì chọn 600 quả không biết trong thời gian bao lâu); phần di chuyển của robot và thao tác chưa có minh chứng kết quả dẫn đến thiếu độ tin cậy và kết quả nghiên cứu;
Thiếu sơ đồ các thuật toán (ví dụ như thuật toán điều khiển cánh tay, nhận dạng…).
Video đang HOT
Sản phẩm cuối cùng không có hình ảnh minh chứng. Không thấy đưa ra cấu tạo cơ khí dao cắt lắp đặt ở đâu (đây là bộ phận rất quan trọng trong quá trình cắt quả thanh long).
Phần thiết kế cơ khí cần phải xác định điểm trọng tâm của hệ thống nằm ở chân để xa sẽ không bị lật; Chưa mô tả cụ thể phương pháp tinh chỉnh, đây là phần quan trọng để tăng độ chính xác nhận dạng thu hoạch quả.
Công của học sinh có thể coi là đã lắp ráp của một hệ hay máy, đã kết cấu được một hệ mạch điện tử cho cơ cấu robot.
Về dự án “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm”, vấn đề nghiên cứu rõ ràng, giải pháp thực hiện thực tế; kế hoạch và phương pháp nghiên cứu phù hợp. Sản phẩm hoàn chỉnh của đề tài đã được thử nghiệm có hiệu quả rõ rệt; Đề tài đã sử dụng các vật liệu dễ kiếm, dễ gia công, kết hợp với các thiết bị hiện có một cách hợp lý.
Về dự án “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời” Hội đồng chấm thẩm định nhận định: Ý tưởng sử dụng pin năng lượng mặt trời thay thế máy dùng xăng, dầu là hợp lý và phù hợp với thực tiễn; máy đã được sản xuất và đưa vào sử dụng có giá thành rẻ; kết cấu của máy gọn nhẹ, dễ chế tạo.
Kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định đối với 3 dự án nói trên là phù hợp với kết quả đánh giá của Ban Giám khảo Cuộc thi.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Bộ GD&ĐT giải thích về tiêu chí cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia đang bị phụ huynh "tố"
Trao đổi với PV Dân trí về vụ phụ huynh "tố" một số đề tài đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia có vấn đề, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH cho biết, Bộ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá sự đóng góp của học sinh trong vấn đề nghiên cứu và sẽ đưa ra kết luận.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH, Bộ GDĐT đã nhận được đơn kiến nghị của bà V.T.X.H, phụ huynh em N.N.A; ông N.T.S, phụ huynh em N.T.T; ông N.V.T, phụ huynh em N.N.H về kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) năm học 2018- 2019 ở các tỉnh phía Bắc.
Trong đơn kiến nghị nêu rằng một số dự án được giải có trùng đề tài với một số dự án đã được nghiên cứu trước đó.
"Bộ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá sự đóng góp của học sinh trong vấn đề nghiên cứu và sẽ đưa ra kết luận. Sau khi đánh giá độc lập, chúng tôi mới xét tuyển chọn đội tuyển đi thi quốc tế trên cơ sở kết quả đã chấm của Hội đồng giám khảo" - ông Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH - Bộ GD&ĐT
Thưa ông, các dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) hàng năm được chấm theo các tiêu chí nào?
Các cuộc thi ở khu vực phía Bắc và phía Nam đều phải tuân thủ Quy chế thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cụ thể, thành phần Ban Giám khảo (BGK) được lựa chọn từ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của HS.
Trưởng BGK phải là phó giáo sư trở lên. BGK thực hiện chấm thi theo thông tư hướng dẫn của Bộ, có sự giám sát của thanh tra ở tất cả các khâu. Các dự án tham gia thi được chia thành các nhóm lĩnh vực, bao gồm các đề tài thuộc các lĩnh vực gan nhau, do một tiểu ban giám khảo chấm.
Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần: chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án.
Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm các dự án để chấm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm để chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn. Đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là Điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập.
Theo tiêu chí đánh giá, chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án vào lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề đặt ra là có kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học không. Báo cáo và Poster cần thể hiện rõ kế hoạch, phương pháp nghiên cứu của học sinh, dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học nào, quá trình thực hiện ra sao, quá trình thu thập, xử lý, đánh giá dữ liệu như thế nào, có khách quan không, cách tính toán, xử lý có khoa học không,... Cách trình bày poster cũng được tính điểm.
Ngoài ra, phần hỏi đáp trực tiếp với học sinh cũng được chấm 25 điểm, với mục tiêu đánh giá vai trò và sự sáng tạo của học sinh trong việc phát hiện vấn đề, trong phương pháp nghiên cứu, đánh giá, rút ra kết luận,...
Tóm lại , việc chấm các dự án đều dựa trên các tiêu chí chung nào thưa ông?
Các tiêu chí phải đặt ra vấn đề cụ thể, rõ ràng, xuất phát từ thực tế khoa học hoặc nhu cầu thực tiễn.
Với dự án khoa học phải có thiết kế rõ ràng, thông số, biến số cụ thể, chính xác, thể hiện rõ cách thực hiện.
Với dự án kỹ thuật cần có thiết kế cụ thể, thuyết minh được dụng cụ đó đáp ứng nhu cầu thực tế như thế nào.
Về quá trình thực hiện, với dự án khoa học, cần làm rõ sử dụng thí nghiệm gì, dụng cụ gì để có kết quả cuối cùng.
Với dự án kỹ thuật, phải thực hiện được mẫu đã thiết kế để chứng minh thiết kế của các em có thể hoạt động được trong thực tế.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham quan các gian hàng sản phẩm đề tài trưng bày của học sinh
Điều quan trọng là phát hiện "khe hở" của nghiên cứu để giải quyết
Được biết, ngh iên cứu của các em không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó?
Tiêu chí cuộc thi yêu cầu học sinh phải xác định rõ được sự đóng góp của các em vào lĩnh vực các em nghiên cứu. Điều quan trọng là các em phải phát hiện ra những "khe hở" mà các nghiên cứu trước chưa giải quyết được để tập trung giải quyết các vấn đề này.
Như vậy, dù các em có thể nghiên cứu cùng một vấn đề của các nghiêm cứu trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau, thì đó chính là đóng góp mới.
Chẳng hạn một trong những dự án được giải quốc tế của học sinh Việt Nam những năm trước tập trung nghiên cứu sử dụng sinh khối rơm rạ để tạo ra một số chất mới.
Đề tài này từng được một nhóm nghiên cứu nước ngoài khai thác, nhưng khi hội đồng khoa học trực tiếp phỏng vấn học sinh thì nhận thấy các em cũng đã tìm hiểu rất kỹ các nghiên cứu trước đó.
Các em cũng cho biết mục tiêu nghiên cứu của nhóm nước bạn là để làm ra cồn, còn học sinh Việt Nam là để làm ra lipit để tạo nguyên liệu tiềm năng chế tạo biodiezel. Các em cũng đưa ra cách xử lý bằng vi sinh vật địa phương ở Việt Nam, sử dụng vôi bột trong quá trình tiền xử lý, đưa ra hiệu quả tốt hơn.
Nhờ nghiên cứu kỹ các dự án tương tự có chung lĩnh vực, kết hợp với sự sáng tạo của riêng các em, dự án này đã được giải tư quốc tế.
Hai năm trước, có một dự án kỹ thuật cơ khí khác của học sinh Việt Nam cũng được nhắc tới. Đó là dự án về xe lăn leo cầu thang. Đề tài này cũng đã có nhiều nghiên cứu, tuy nhiên nhóm học sinh Việt Nam đã lựa chọn nghiên cứu, cải tiến chỉ một bộ phận trong xe lăn, để giúp người sử dụng có thể le cầu thang một cách thuận tiện.
Nhờ xác định nhu cầu thực tiễn và thể hiện sáng tạo trong thiết kế mà nhóm học sinh Việt Nam đã đoạt giải 3 quốc tế tại Mỹ.
Tương tự, một dự án khác của học sinh Việt Nam về cánh tay robot - một vấn đề khá quen thuộc trong giới nghiên cứu nói chung và các cuộc thi tương tự - cũng đã đoạt giải 3 quốc tế.
Như vậy, các dự án cần phải thể hiện được sự đóng góp của học sinh vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thực tiễn. Đánh giá các dự án phải đánh giá phân tích yêu cầu khoa học, nhu cầu thực tế sự sáng tạo của học sinh.
Trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Sôi động "Giai điệu tháng 3" tại Trường Mầm non iSchool Hà Tĩnh Trường Mầm non iSchool Hà Tĩnh vừa tổ chức vòng chung kết "Giai điệu tháng 3" với sự tham gia của 9 tiết mục xuất sắc được lựa chọn từ 22 đội qua vòng sơ khảo. Gala "Giai điệu tháng 3" được nhà trường tổ chức với mục tiêu: tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cô và trò, nâng cao thể...