Kết quả kiểm tra 38 trường: Có ngành trên 400 sinh viên/giảng viên
Đầu năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ trong phạm vi cả nước. Theo đó, nhiều trường vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm chất lương. Bộ đã phải dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 5 ngành của 5 trường ĐH,CĐ và 1 trường CĐ.
Có ngành trên 400 sinh viên/giảng viên
Trong tháng 3/2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ, trong đó có 19 trường công lập và 19 trường ngoài công lập. Việc kiểm tra này nhằm thực hiện Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 của Quốc hội và Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường đã nỗ lực thực hiện có kết quả các cam kết, tổ chức đào tạo có chất lượng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cao cho xã hội. Trường CĐ Công nghiệp Cao su, Trường ĐH Quang Trung, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, Trường ĐH Thành Đông… đã có đất sử dụng ổn định, lâu dài với diện tích lớn. Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Trường ĐH Quảng Nam, Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa… đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang phục vụ đào tạo. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng được bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học cao như Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đạt 82%, Trường Đại học Quảng Nam đạt 61,9%…
Tuy nhiên, ông Bằng cho hay, nhiều trường còn quá khó khăn, thiếu thốn, nhất là về đội ngũ và cơ sở vật chất. 7 trường có dưới 50 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, 42 ngành đào tạo đại học chưa có tiến sỹ đúng ngành, 25 ngành cao đẳng chưa có thạc sỹ đúng ngành một số trường chưa có đất hoặc có đất hẹp dưới 01 ha một số trường thuê mướn ngắn hạn nhiều cơ sở khác nhau. Một số ngành đào tạo phát triển quá “ nóng”, có ngành có tới trên 400 sinh viên/ 1 giảng viên.
Theo ông Bằng, Nghị quyết số 50/ 2010/NQ-QH của Quốc hội và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đã nêu ra yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo trong đó nhấn mạnh việc “đặc biệt quan tâm các tiêu chí về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên”, đồng thời cũng nêu rõ các hình thức chế tài ở các mức độ khác nhau từ dừng tuyển sinh ngành đào tạo tới việc xem xét giải thể nhà trường. Căn cứ vào các quy định trên và thực tiễn kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh đối với các trường chưa có đất, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và dừng tuyển sinh đối với các ngành thiếu (hoặc chưa có) thạc sĩ, tiến sĩ và có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao. Bởi các trường và các ngành bị dừng tuyển sinh đợt này hầu hết đều vi phạm hai tiêu chí quan trọng ở mức độ nặng vi phạm về tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích đất, đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Một số trường khác tuy có vi phạm nhưng ở mức độ nhẹ hơn thì không dừng tuyển sinh mà sẽ dùng giải pháp khác để các trường tiếp tục phấn đấu.
Các đoàn kiểm tra đã chỉ rõ mặt được và chưa được ở từng trường, đồng thời cảnh báo các trường vi phạm các quy định ở mức độ khác nhau. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu xử lý nhiều vấn đề sau kiểm tra và đã ban hành quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội và 05 ngành của 05 trường là ngành Khai thác vận tải của Trường Cao đẳng Bách nghệ Tây Hà ngành Công nghệ – Kỹ thuật xây dựng của Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghiệp Quảng Ngãi ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường ĐH Phú Xuân ngành Kiến trúc của Trường ĐH Yersin Đà Lạt ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Thành Tây.
Tiếp tục kiểm tra, hạn chế tối đa “tác động phụ”
Video đang HOT
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, việc dừng tuyển sinh sẽ gây ra một số xáo động đối với một bộ phận thí sinh ở một số trường. Điều này Bộ cũng đã tính đến song để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của cả hệ thống, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh.
Ông Bằng cho hay: “Năm 2012, Bộ tiếp tục tổ chức kiểm tra trước hết đối với các trường thành lập trong 10 năm trở lại đây, không phân biệt trường thành lập mới hay nâng cấp, trường công lập hay ngoài công lập. Thanh tra Bộ sẽ phối hợp các đơn vị rút kinh nghiệm để việc kiểm tra đạt mục đích tăng cường hiệu lực, hiệu quả quả lý song hạn chế tối đa các “tác động phụ”. Qua kiểm tra sẽ ghi nhận những kết quả và các nhân tố tích cực, đồng thời chỉ rõ những hạn chế yếu kém. Đối với những nơi có vi phạm thì tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Những sơ hở trong quản lý cũng sẽ được xem xét, khắc phục kịp thời”.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKDT vào những ngành, trường đã bị đình chỉ tuyển sinh 2012, ngày 27/4/2012, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn xuống các Sở GD-ĐT, các đại học, học viện các trường đại học, cao đẳng về việc đăng ký dự thi đối với các ngành bị đình chỉ tuyển sinh. Theo đó, thí sinh đã đăng ký dự thi vào những ngành này được quyền đăng ký lại.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Thí sinh "sấp, ngửa" đổi trường
10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (23.4), hàng ngàn thí sinh vẫn "sấp, ngửa" làm hồ sơ đổi trường, đổi ngành do quyết định đình chỉ tuyển sinh quá muộn mà Bộ GDĐT vừa đưa ra.
"Cần" nhưng chưa "đủ"
Theo các quyết định ngày 27.4, Bộ GDĐT dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ khác với các lý do thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao, 3 năm liền không tuyển sinh được và chưa có đất xây trường.
Sau quyết định đình chỉ, Bộ GDĐT cũng đưa ra hướng dẫn về việc tạo điều kiện cho thí sinh đã nộp hồ sơ vào các ngành bị đình chỉ được đăng ký lại hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác đến hết ngày 15.5. Tính tổng chỉ tiêu của khối ngành bị đình chỉ lên tới vài ngàn sinh viên.
Với động thái này, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Quyết định của Bộ GDĐT là cần thiết nhưng đưa ra quá muộn, đặc biệt sau khi thí sinh đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi khiến các em bị động, ảnh hưởng đến việc ôn thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: Thay đổi hồ sơ tuyển sinh ở thời điểm này là rất khó khăn cho thí sinh vì nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh còn liên quan đến nhiều yếu tố như: Gia đình, dự kiến việc làm khi ra trường... Nếu thí sinh giữ nguyên ngành đã đăng ký và dự tuyển vào trường khác có thể xảy ra tình trạng: Điểm chuẩn của trường đăng ký sau cao hơn điểm chuẩn trường đăng ký ban đầu và học phí của các trường khác nhau... gây khó khăn cho thí sinh.
"Mặc dù đa số các trường bị đình chỉ tuyển sinh đều xét tuyển nhưng hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh bị đình chỉ cũng là hàng nghìn cơ hội trúng tuyển bị đánh mất"- TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. (Ảnh minh họa).
Phấp phỏng trường tư
Như vậy, trong mùa tuyển sinh 2012, đã có tổng số 5 trường ĐH, CĐ và 13 ngành đào tạo của 5 trường khác lần lượt bị đình chỉ tuyển sinh. Điều đáng nói, các trường hợp này hầu hết rơi vào khối các trường ngoài công lập. Vì vậy, các trường ĐH dân lập, tư thục khác rất lo ngại, bởi trong bối cảnh đất xây dựng trường cấp quá chậm, khó thuê giảng viên về vùng sâu, vùng xa... nên rất dễ bị "tuýt còi". Và chắc chắn sẽ có thêm hàng vạn học sinh phải làm lại hồ sơ mỗi năm.
"Trong khi học trường công, sinh viên được hỗ trợ 70% học phí, còn học trường tư, sinh viên phải nộp 100%. Vì vậy, các trường tư rất khó tuyển sinh, và đã khó tuyển lại càng dễ bị đình chỉ". GS - TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Em Nguyễn Hồng Hạnh - học sinh lớp 12, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: "Bọn em nộp hồ sơ hoàn toàn theo thông tin đăng tải ở "Những điều cần biết về tuyển sinh". Ở cuốn này, không hề có thông tin về điều kiện cơ sở vật chất của trường, số lượng giảng viên... Giờ cứ nộp hồ sơ vào ĐH dân lập là lo, không biết bị... ra đường lúc nào".
Về phía các trường ĐH, CĐ bị đình chỉ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Phạm Bá Phong - Hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: "Trường sẽ đề nghị Bộ xem xét lại để trường tiếp tục tuyển sinh ngành kiến trúc".
Theo ông Phong, khu vực Tây Nguyên có nhu cầu nhân lực về ngành kiến trúc rất cao mà chỉ có Trường Yersin Đà Lạt mới đào tạo ngành này nên việc đình chỉ sẽ khiến thiếu hụt nhân lực.
"Việc thẩm định điều kiện đào tạo là việc của Bộ, thực hiện trước thời điểm tuyển sinh chứ không phải giao chỉ tiêu rồi mới kiểm soát như hiện nay"- ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đình Ngộ - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Phú Xuân khẳng định, ở đây còn có trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc thẩm định các trường. Nếu trường không đạt chuẩn, Bộ phải có quyết định từ lâu. Đó là chưa kể có nhiều ngành học ở cả trường công lẫn trường tư, mỗi mùa tuyển sinh chỉ thu được vài ba hồ sơ. Cách giải quyết là đợi các em thi xong mới chuyển ngành chứ chưa thấy trường công nào bị đình chỉ.
Theo DV
Vỡ mộng kinh doanh giáo dục (Kỳ 1) Nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến đại học đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động. Giữa tháng 4, các học viên và phụ huynh của cơ sở đào tạo thiết kế, nghệ thuật và quản lý thời trang Vmode (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đến cơ sở này đòi lại học phí. Cuối cùng,...