Kết phim ‘Tết ở làng Địa Ngục’ gây tranh cãi
‘Tết ở làng Địa Ngục’ gây chú ý với bối cảnh, các hình ảnh kinh dị được đầu tư chỉn chu. Song, khán giả chưa hài lòng ở nhịp phim chậm, cũng như cái kết mở lửng lơ.
Loạt phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, Trần Hữu Tấn đạo diễn, xoay quanh những tai ương xảy ra tại làng Địa Ngục. Dân làng vốn là hậu duệ của một băng cướp man rợ, từng gây ra vụ thảm sát tại truông nhà Hồ, tỉnh Quảng Trị. Vì tội lỗi của tổ tiên, từng người dân trong làng bị gieo lời nguyền, nếu không hóa điên thì cũng chết thảm.
Chất liệu kinh dị dân gian giúp Tết ở làng Địa Ngục thu hút khán giả. KPlus
Tuyến phản diện ‘tỏ vẻ nguy hiểm’ nhưng dễ bị đánh bại
Trải qua 12 tập phim với 6 tuần phát sóng, Tết ở làng Địa Ngục được người hâm mộ truyện nói chung đặt nhiều kỳ vọng. Tối 28.11, tập cuối sau khi phát sóng nhận nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn chê trách biên kịch kết phim vội.
Trên không ít diễn đàn phim ảnh, khán giả nói phản diện Thập Nương ( Lan Phương) được giới thiệu như một thực thể tâm linh tà ác, khiến các nhân vật trong phim phải e dè khi nhắc tên. Song, ả bại trận do vô ý không phát hiện số người chết đã đúng như giao kèo với Quỷ canh rượu (Nguyễn Hoa Thiện Hoà). Các tình tiết như dân làng chuẩn bị vũ khí, lão ăn mày què biến thành Sói lửa vì thế cũng trở nên dư thừa.
Có fan còn so sánh với phân cảnh đại chiến giữa Thập Nương và dân làng Địa Ngục, cho rằng kết phim có lẽ đã hay hơn nếu theo sát nguyên tác. Theo truyện, nữ phù thủy trước khi thua đã kịp thi triển quyền phép, khiến tuyến chính diện lao đao.
Cảnh chiến đấu cuối phim khiến người xem hụt hẫng. KPlus
Diễn biến quá nhanh, tình tiết đắt giá trong nguyên tác bị cắt xén quá nhiều, dẫn đến việc các nút thắt chưa được tháo gỡ. Như lão què tại sao lại hóa sói, hay việc loại bùa chú từ đứa con của Thập Nương và giao kèo của cô với quỷ chỉ được giải thích qua loa trong lời thoại nhân vật.
Ngoài ra, phim cố tạo cái kết mở khi để vài nhân vật quan trọng gặp họa ở cuối phim. Người hâm mộ cảm thấy xót thương khi trước đó, số phận của họ đã quá bi kịch. Trên trang cá nhân, tác giả Thảo Trang nói cô và ê-kíp đang thực hiện phần tiếp theo cho cả hai phiên bản tiểu thuyết và truyền hình, từ đó sẽ giải quyết trọn vẹn những nút thắt này.
Bối cảnh và chất liệu dân gian là điểm sáng
Nhìn nhận công bằng, Tết ở làng Địa Ngục xây dựng được thế giới bùa chú, lời nguyền ấn tượng. Phim sở hữu nhiều hồ sơ nhân vật, với mỗi người dân trong làng đều có câu chuyện và số phận riêng. Ông Thập ( Quang Tuấn đóng) là người nghĩa nghiệp, cũng là người duy nhất có thể ra khỏi làng để giao thương với các vùng lân cận. Tam Quỷ ( Võ Tấn Phát) ưa kể chuyện ma, cốt để quên đi nỗi đau vợ mất. Lão ăn mày què (NSƯT Phú Đôn) có khả năng đoán vận mệnh, đồng thời mang trong mình một bí mật đen tối. Cùng những tuyến phụ như Đại “điên” (Đình Khang), cô Mây (Huỳnh Như Đan), cụ Khảm (NSƯT Văn Báu), nhà làm phim vẽ nên bức tranh làng Địa ngục sinh động, nhiều màu sắc.
Video đang HOT
Thế giới ma quỷ trong phim đa dạng. KPlus
Trung thành với tiểu thuyết gốc, phim giới thiệu nhiều loại ma quỷ, cũng như đa dạng các vu thuật hắc ám. Nhà văn Thảo Trang dùng chất liệu chính là những câu chuyện ma được truyền miệng ở vùng Tây Bắc, kết hợp thị hiếu văn hóa phẩm kinh dị hiện đại, để cho ra đời những thực thể siêu nhiên như sói lửa, hình nhân đỏ, người lái đò, quỷ canh rượu…
Trên thực tế, không ít người hâm mộ nhìn nhận nguyên tác ôm đồm về tuyến nhân vật, với hệ thống ma quỷ dày đặc tạo cảm giác khó theo dõi. Ở bản truyền hình, đạo diễn Trần Hữu Tấn dùng phương pháp kể đa tuyến, với mỗi tập phim là câu chuyện riêng và chỉ dần liên kết ở các tập gần cuối. Điều này giúp các bóng ma trong phim có sức nặng riêng, cũng dễ để lại dấu ấn trong lòng người xem hơn.
Trên nhiều diễn đàn phim ảnh, khán giả khen ngợi setting (cách xây dựng bối cảnh) cùng khâu hóa trang. Đạo diễn Trần Hữu Tấn dụng công xây dựng “nền móng” cho làng Địa Ngục ở vùng rừng núi Hà Giang – địa phương vốn nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh rùng rợn. Từ đây, các đại cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà hoang sơ, kết hợp hiệu ứng đã nặn đúc nên hình tượng “rừng thiêng nước độc”, chốn u linh đi dễ khó về của làng Địa Ngục.
Diễn xuất là điểm nhấn khác của phim. Quy tụ nhiều gương mặt gạo cội từ Bắc chí Nam, mỗi nhân vật đều được phân chia đất diễn rõ ràng, lựa chọn kỹ càng cho từng gương mặt diễn viên phù hợp.
Đại diện cho thế hệ gạo cội màn ảnh nhỏ, diễn viên Hạnh Thúy dễ dàng khắc họa được hình tượng ám ảnh của người phụ nữ dần hóa điên vì vu thuật. Trước Thị Lam, Hạnh Thúy từng hóa thân thành nhiều vai dị hình dị tính, như trong Trái tim quái vật hay Tro tàn rực rỡ.
Hạnh Thúy “chiếm màn ảnh” với vai Thị Lam. KPlus
Với Nguyên Thảo, vai Thị Thập như được “đo ni đóng giày’, khi những đường nét trên khuôn mặt hay từng diễn biến tâm lý nhân vật đều được cô thể hiện trọn vẹn. Cô như kéo người xem vào thế giới bí ẩn, ma mị của làng Địa Ngục.
Ngược lại, Quang Tuấn không có nhiều khác biệt khi vào vai chính ông Thập. Lý do là vì xuyên suốt phim, nhân vật chỉ có những đoạn thoại đều đều, chưa đủ trở thành đòn bẩy để đẩy hết thực lực diễn xuất của Quang Tuấn.
NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu chỉ ở mức tròn vai, với phần thoại nặng tính kịch, giàu triết lý nhưng thiếu tự nhiên. Lứa diễn viên trẻ như Hải Nam, Đình Khang, Huỳnh Như Đan ghi điểm ở ngoại hình và lối diễn trẻ trung; tuy nhiên thường bị lép vế khi đứng chung khung hình với lớp đàn anh.
Nhiều cảnh thừa, lối kể chuyện lan man
Quá khứ của phản diện Thập Nương được kể đan xen trong ba tập phim liên tiếp, song không cung cấp nhiều thông tin mới cho khán giả. Đây là một trong những tình tiết vừa khiến khán giả kỳ vọng, vừa ngao ngán khi kết phim không payoff (thoả đáng) với những phân đoạn nhà làm phim ưu ái dành cho tuyến vai này.
Lối hù dọa không mới. KPlus
Ở các đoạn đối thoại, nhân vật có cách nói dông dài, úp mở để tăng kịch tính dù đang trong tình thế hiểm nghèo. Loạt phim cũng thiếu hụt thoại hay, khi quanh đi quẩn lại chỉ có những câu nói sáo rỗng và giáo điều. Chẳng hạn, thay vì đưa ra lời an ủi chân tình trước nỗi đau mất vợ của Tam Quỷ, lão ăn mày què bỗng “đạo lý” về sự tan hợp trong tình yêu. Trong trường hợp khác, một vài đoạn hội thảo giữa ông Thập – Lão ăn mày què tựa văn viết cứng nhắc, như thể các diễn viên đang “trả bài”.
Lạm dụng ánh sáng đỏ (red flare), góc quay cận để khắc họa các cảnh kinh dị là điều thường xuất hiện trong phim của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Cụ thể là ở hai phân cảnh “hóa điên” của thầy đồ Lam và Đại, nhà làm phim áp dụng một thủ pháp duy nhất là chĩa máy quay sát mặt nhân vật, ánh sáng đỏ chớp tắt liên tục. Việc thiếu đa dạng trong phương pháp gây hù dọa khiến phim dễ bị “bắt bài”, tạo tâm lý nhàm chán cho khán giả.
Dù vừa ra mắt đã đạt top 1 về số lượt người xem trên nền tảng K nhưng Tết ở làng Địa Ngục vẫn chưa thể vượt xa kỳ vọng của một bộ phim Việt. Sau Tết ở làng Địa Ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã nhanh chóng công bố những hình ảnh tà mị trong tác phẩm điện ảnh Kẻ ăn hồn. Khán giả kỳ vọng đây là phiên bản hoành tráng hơn trong khâu tạo hình, phục trang và bối cảnh.
Tết Ở Làng Địa Ngục: Phim Việt top 1 Netflix nỗ lực bám sát nguyên tác và không có chỗ cho hù dọa nhảm nhí
Ekip của Tết Ở Làng Địa Ngục đã có sự tiến bộ rõ nét sau một loạt các dự án gây tranh cãi, mang đến thước phim kinh dị và ám ảnh đúng nghĩa.
Giữa lúc nền điện ảnh Việt, nhất là thể loại kinh dị đang khiến khán giả mất đi niềm tin thì Tết Ở Làng Địa Ngục xuất hiện, thay đổi cục diện hoàn toàn. Series kinh dị, tâm linh được lấy cảm hứng từ truyện gốc cùng tên của tác giả Thảo Trang nhanh chóng chiếm lĩnh hạng 1 của nền tảng K và Netflix, vượt qua nhiều phim quốc tế đình đám khác. Có lẽ đã khá lâu rồi, khán giả mới thật sự dành trọn sự quan tâm cho một dự án phim Việt dài tập như thế này.
Bộ phim được "nhào nặn" bởi bộ đôi NSX Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn, cũng là đội ngũ ekip từng có những dự án kinh dị gây tranh cãi về chất lượng như Rừng Thế Mạng, Bắc Kim Thang, Chuyện Ma Gần Nhà... Từng bị chê vì tư duy làm phim cũ, Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn đã thật sự khiến khán giả bất ngờ, phải thay đổi thái độ với mức độ chỉn chu, kỹ lưỡng và thu hút trong Tết Ở Làng Địa Ngục lần này.
Toát lên vẻ ám ảnh mà không cần hù doạ nhảm nhí
Nội dung phim kể về những câu chuyện rùng rợn xảy ra tại Làng Dâu, nơi mà dân làng là con cháu đời sau của một toán cướp tàn bạo, từng gieo rắc khổ đau khắp nơi. Làng bị "phong ấn" bởi một thế lực tâm linh nên không ai có thể đi đâu, ngoại trừ trưởng làng Thập (Quang Tuấn). Vào một ngày nọ, Thập nằm mơ và thấy nhiều điềm gở, cũng như người bà đã khuất của mình về báo mộng. Có lẽ, nghiệp báo giáng xuống đầu Làng Dâu đang đến, khiến từng người trong làng bỏ mạng đầy uất ức và bí ẩn.
Tết Ở Làng Địa Ngục là kết quả khả quan của quá trình tiếp thu, học hỏi và rút kinh nghiệm sâu sắc từ các dự án điện ảnh trước đó của bộ đôi Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn. Những chi tiết như hù dọa thừa thãi, nhảm nhí chỉ để "lấy le" người xem, hay hình tượng ma quỷ "giả trân" được tạo nên bằng kỹ xảo máy tính đều đã được cắt bớt. Phần lớn nhân vật từ con người đến thế lực tâm linh của Tết Ở Làng Địa Ngục đều được hóa trang tỉ mỉ một cách thủ công, từ đó mang đến cho khán giả cảm giác đáng sợ chân thực của máu me, thậm chí là "kinh dị thể xác" (body horror) đúng nghĩa.
Dù không còn "jump scare" dày đặc nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn thành công tạo nên bối cảnh Làng Dâu quỷ dị, đáng sợ mà không phải ai cũng dám lui tới. Điểm cộng lớn nhất của bộ phim nằm ở phần nhìn, với chất liệu văn hóa Việt được khắc họa tỉ mỉ đến từng chiếc áo, chiếc mũ. Thêm vào đó, màu phim cũng là chi tiết then chốt thúc đẩy yếu tố kinh dị của phim lên đỉnh điểm, gieo rắc nỗi kinh hoàng lâu dài vào trí nhớ của người xem thay vì nỗi sợ tức thời, chóng vánh. Khán giả Việt hoàn toàn có thể tự tin gọi Tết Ở Làng Địa Ngục là phim kinh dị có chất kinh dị cổ điển xuất sắc nhất những năm gần đây.
Câu chuyện "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" sát nguyên tác
Mặt khác, Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một thước phim "vừa đỏ, vừa thơm", tức được đầu tư về nội dung không kém gì hình ảnh. Đối chiếu với nguyên tác của tác giả Thảo Trang, bất kì ai cũng dễ thấy được nỗ lực bám sát đến "điên rồ" của ekip, thể hiện rõ nhất ở cách chia tập giống y như cách phân bố chương của truyện. Mở đầu với Người chết báo mộng (gộp 2 chương đầu), sau đó lần lượt là Chuyến đò chở vong, Rượu sọ người rồi Cá chép rỉa thịt...
Cách phân bố các tình tiết, sự xuất hiện của nhân vật cũng theo mạch truyện gốc, vừa thu hút khán giả xem phim vừa thỏa lòng đối tượng fan nguyên tác khó tính. Nhờ vậy, phần thông điệp chính của phim về luật nhân quả, việc làm thế hệ trước để lại hậu quả cho thế hệ sau được thể hiện nguyên vẹn, mạnh mẽ đúng như những gì tác giả muốn gửi gắm. Trải qua từng ngày cho đến Tết, người dân Làng Dâu sẽ hứng chịu hàng loạt tai ương như di chứng của phóng xạ, là sự suy vong của con cháu chỉ vì những vi bất nhân, tàn ác của cha ông năm xưa.
Quá mạo hiểm với phần mở đầu như "ru ngủ"
Việc bám sát nguyên tác của Thảo Trang giúp Tết Ở Làng Địa Ngục gây ấn tượng mạnh với khán giả của phim lẫn truyện. Song, đây lại là "ván cờ" khá mạo hiểm vì thực chất các chương đầu của câu chuyện khá chậm, mang tính dẫn nhập là chủ yếu. Yếu tố này đã phản ánh rõ rệt ở tập 1 và 2 của Tết Ở Làng Địa Ngục bản phim, tạo cảm giác dài dòng và lê thê đối với người xem. Chỉ khi đến cuối tập 2, khán giả mới phần nào "tỉnh giấc" nhờ loạt phân đoạn ghê rợn dồn dập, và bầu không khí kinh dị hấp dẫn mới chính thức rõ ràng hơn hẳn ở các tập 3 và 4.
Ngoài ra, việc tập hợp số lượng lớn diễn viên từ chính đến phụ, đủ cả 2 miền Nam - Bắc cũng mang đến thách thức lớn. Sự chênh phô của lối diễn khác biệt, cũng như năng lực của từng diễn viên khiến mạch phim nhiều lúc bị đứt đoạn. Cho đến hết tập 4, Quang Tuấn, NSƯT Phú Đôn (vai ông ăn xin) và Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ) là 3 cái tên có sự thể hiện ổn định nhất. Trong khi đó, Nguyên Thảo (vai vợ của Thập) chưa thật sự tỏa sáng, thậm chí có phần mờ nhạt và gượng gạo trong phim.
Còn lại, dàn diễn viên phụ thì lúc được, lúc không, chẳng hạn như ở cảnh Hạch qua đời dưới nước, nhiều người dân có phản ứng khác lạ, chưa hợp logic. Hoặc, phân đoạn những đứa trẻ chơi đùa trong tập 1 cũng dễ thấy có sự thiếu tự nhiên, khi lời thoại của đám trẻ quá "người lớn", theo kiểu học thuộc và chưa đúng lứa tuổi.
Chấm điểm: 3.5/5
Tuy vẫn còn thiếu sót nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một bộ phim rất đáng xem, mang lại tín hiệu tốt cho dòng phim kinh dị Việt Nam nói chung. Chỉ mới trải qua 4 tập, ở phía trước của bộ phim vẫn còn nhiều chi tiết, nhiều nhân vật mới sắp xuất hiện. Chính vì vậy, khán giả vẫn có thể hy vọng Tết Ở Làng Địa Ngục có hành trình phát sóng bùng nổ và thành công, trở thành "bàn đạp" để bản điện ảnh Kẻ Ăn Hồn gặt hái thành tích vang dội, cũng như góp phần đưa tên tuổi của ekip Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn lên một tầm cao mới.
Tết Ở Làng Địa Ngục lên sóng tập mới mỗi tối thứ Hai và thứ Ba hằng tuần.
Phim Việt top 1 Netflix có sao nam lột xác quá đỉnh, tưởng gây cười lạc quẻ ai ngờ diễn cảnh bi cực hay Nam diễn viên này từng bị cho là không hợp vai nhưng khi phim lên sóng, anh lại nhận về nhiều lời khen từ khán giả. Tết Ở Làng Địa Ngục hiện đang chứng minh được sức hút mạnh mẽ khi vượt mặt loạt phim Hàn đình đám để đứng top 1 BXH chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trên Netflix...