Review Tết Ở Làng Địa Ngục tập 7-8: cảm xúc hơn bao giờ hết
Tết Ở Làng Địa Ngục đang làm tốt sở trường của mình, trở thành “phao cứu sinh” cho dòng phim kinh dị Việt Nam.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Dù đã trải qua hơn nửa chặng đường nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn được các nhà phê bình đánh giá cao về mặt chuyên môn. Nhờ tận dụng tối đa và có hiệu quả các chất liệu dân gian giữa bối cảnh núi rừng Đông Bắc bạt ngàn, hoang sơ, bộ phim tái hiện thành công những hủ tục đáng sợ nơi “rừng thiên nước độc” vốn chỉ có ở Việt Nam.
Tính dân gian được vận dụng tối đa từ khâu sản xuất đến quảng bá – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Phim cũng lồng ghép thông minh những yếu tố đậm nét văn hóa Việt từ câu thơ, ca dao hay bài hát thiếu nhi với bản phối kỳ dị hơn, giúp đẩy tinh thần kinh dị lên cao, khiến người xem ám ảnh và không thể thoát ra được khỏi nội dung phim.
Nếu suy xét một cách sâu xa hơn các tình tiết trong phim, người xem có thể nhận ra một điều rằng, dù cùng một thể loại kinh dị nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục lại hằn sâu vào tâm trí của người xem vì bốn chữ – Chất liệu dân gian.
Hình tượng hình nhân đỏ nghe đơn giản nhưng làm người xem rợn tóc gáy mỗi khi xuất hiện – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Đã có ai lớn lên mà không nghe những câu chuyện truyền miệng đáng sợ về một vấn đề xưa cũ. Nào là đi đêm lắm có ngày gặp ma hay oan hồn của những thiếu phụ chết oan, các bí thuật cổ với mục tiêu điều khiển vong hồn… Nghe thôi thì đã sợ, nhưng nghe từ tấm bé thì nỗi sợ càng dai dẳng và âm thầm hằn vào tiềm thức của con người. Tết Ở Làng Địa Ngục không dọa người xem bằng những tình tiết độc lạ, cũng không quá lạm dụng vào các hành động giật gân kiểu Hollywood mà khôn ngoan “mở khóa”, đánh thức những nỗi sợ đó của người xem.
Đây là cái hay của bộ phim mà ít bom tấn nước ngoài nào làm được. Tất nhiên, một số phim bom tấn cũng dựa vào những câu chuyện có thật, hoặc được truyền miệng nhưng sự khác biệt về văn hóa chính là rào cản lớn, khiến khán giả Việt không thể cảm nhận trọn vẹn độ rùng rợn mà phim mang lại.
Sang đến tập 7-8, Tết Ở Làng Địa Ngục khôn ngoan trong cách điều hướng tâm lý của người xem. Phim không còn đi theo lối mòn, xoáy vào các vụ án máu me, tràn ngập tiếng khóc than.
Vì 6 tập đầu tiên, người xem chỉ được giới thiệu chớp nhoáng tên, hoàn cảnh sống của các nhân vật ở hiện tại, thế nên, trong hai tập mới nhất, khán giả được dịp ngồi lên chuyến đò để tìm hiểu kỹ hơn về diễn biến tâm lý của các thành viên trong làng. Cụ thể và rõ ràng nhất chính là cậu Đại “điên” nửa tỉnh nửa mê.
Đây là người ít được dân làng chú ý đến. Điểm nhấn của nhân vật này cũng không nhiều ngoài những hành động khù khờ, bộc phát lúc cậu ta điên loạn. Ngược dòng thời gian về quá khứ, thực chất cậu Đại là chàng trai trẻ với nhiều hoài bão. Cậu ước có được gia đình hạnh phúc, được cưới Mây và cho cô điều tốt nhất nhưng lo lắng về sính lễ mà cụ Khảm – cha của Mây, có thể đưa ra.
Cậu Đại và cô Mây lẽ ra sẽ có mối tình đẹp – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Thân là trai trẻ, tham vọng lớn nhưng lại bị gò bó trong ngôi làng nhỏ, tiền làm ra chỉ đủ nuôi miệng ăn, vì thế, Đại chí lớn cảm thấy không phục và muốn được ra ngoài để kiếm thêm. Điều này cũng giải thích cho lý do dẫn đến một Đại “điên” ba hồi tỉnh, bảy hồi không như hiện tại. Sau cùng, cậu Đại cũng là nạn nhân, người phải gánh chịu tội ác mà cha ông năm xưa đã gây ra.
Vì muốn cưới được người mình yêu mà Đại phải trả cái giá lớn – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Xúc động hơn đó là tình thế tiến không được nhưng cũng chẳng thể lùi của ông Thập. Đây là một trưởng làng có trách nhiệm, quanh năm vượt đường xa và hy sinh hết mình vì bà con trong làng. Trước những vụ án kinh dị, phần nhiều mang nặng yếu tố tâm linh, lòng ông Thập “rối như tơ vò” hơn bao giờ hết.
Không còn là cây hài mua vui cho người dân trong làng, Tam Quỷ đã thể hiện vai trò mới, hiệu quả và đầy xúc cảm trong việc gợi nên cảm xúc của người xem. Trong tập mới nhất, khán giả được nhìn thấy một Tam Quỷ hóa cầu nối đến cảm xúc bên trong, những mối bận tâm mà ông Thập phải đối mặt.
Ông Thập gần như không thể bình tâm trước những sự việc đau lòng – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Ông Thập là người được tổ tiên báo mộng về số phận của làng ở tương lai. Chính ông cũng là người bất hạnh vì lời tiên đoán về cái chết của bản thân. Nhưng sau mọi cố gắng, cái mà ông nhận về vẫn là những cái xác không hồn của những người thân quen.
Không ai muốn mang trong tình trách nhiệm phải gánh vác cho số mệnh của hàng chục người, ngay cả ông Thập cũng vậy. Khi sự việc trong làng càng đi theo chiều hướng xấu, tâm lý của nhân vật này càng có sự thay đổi rõ rệt, cho thấy nỗi lo sợ trào dâng nhưng “lực bất tòng tâm” vì bản thân chỉ là người thường so với thế lực mà ông phải đối mặt.
Nội tâm và nỗi băn khoăn của ông Thập được thể hiện rõ ràng và rung động khi ông có cuộc tâm tình đúng nghĩa với Tam Quỷ – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Với quá nhiều bí ẩn, Tết Ở Làng Địa Ngục cuối cùng đã giúp người hâm mộ của mình thoát khỏi mớ “tơ vò” bằng cách cho Thập Nương thoắt ẩn thoắt hiện trong những phút cuối cùng của tập 8. Thập Nương là người phụ nữ tội nghiệp, mang trong mình linh sinh đáng thương khi đang chạy trốn khỏi lũ cướp đã gây họa cho dòng tộc của cô. Giữa rừng đêm cô độc, bụng mang dạ chửa đầy đau đớn, lòng hận thù của Thập Nương cũng từ đó mà nổi lên, xuất hiện ngay cả trước thời ông Thập.
Lần xuất hiện này của Thập Nương vẫn chưa có quá nhiều điểm nổi bật để lý giải được hết các biến cố diễn ra trong làng. Tuy nhiên, khi những bất hạnh mà Thập Nương phải cam chịu được chuyển thể một cách đầy cảm xúc, khán giả phần nào hiểu được rằng “trùm cuối” đứng sau những cái chết phải thật sự rất căm hận người dân vùng đất này.
Thập Nương đã lộ diện – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Kỹ xảo và tinh thần linh dị của Tết Ở Làng Địa Ngục qua hai tập này cũng không có gì phải bàn cãi thêm vì khả năng của đội ngũ thực hiện đã được đền đáp bằng độ nổi tiếng của tác phẩm. Tuy vậy, phim vẫn không tránh được những thiếu sót về lời thoại hay bối cảnh sắp xếp, để lại nhiều khúc mắc trong lòng người xem.
Liệu Thập Nương và Thị Thập có liên quan đến nhau? – Ảnh: FB Tết Ở Làng Địa Ngục
Ngoài ra, cách nối các tình tiết đôi khi thiếu sự liền mạch, làm cho những ai chưa đọc tiểu thuyết hay theo dõi các video hậu trường khó nắm rõ các chi tiết đó có liên quan như thế nào đến diễn biến sau này. Đây cũng là một điểm yếu bởi khi người xem không thể chú tâm vào một sự việc bất ngờ, thiếu điểm nhấn, chi tiết đó sẽ không được nhớ rõ, tạo độ khó để lý giải các câu chuyện về sau.
Trải qua 4 tuần phát sóng, Tết Ở Làng Địa Ngục hiện vẫn giữ phong độ, chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng phim ảnh trên K . Tuy nhiên, để biết liệu cái kết của phim có thỏa lòng người xem, đặc biệt là người hâm mộ của bộ tiểu thuyết thì phải đón chờ 4 tập cuối cùng của phim trong hai tuần tới.
Tết Ở Làng Địa Ngục hiện phát sóng lúc 20h trên kênh K CINE, app K và Netflix.
Tết Ở Làng Địa Ngục: Phim Việt top 1 Netflix nỗ lực bám sát nguyên tác và không có chỗ cho hù dọa nhảm nhí
Ekip của Tết Ở Làng Địa Ngục đã có sự tiến bộ rõ nét sau một loạt các dự án gây tranh cãi, mang đến thước phim kinh dị và ám ảnh đúng nghĩa.
Giữa lúc nền điện ảnh Việt, nhất là thể loại kinh dị đang khiến khán giả mất đi niềm tin thì Tết Ở Làng Địa Ngục xuất hiện, thay đổi cục diện hoàn toàn. Series kinh dị, tâm linh được lấy cảm hứng từ truyện gốc cùng tên của tác giả Thảo Trang nhanh chóng chiếm lĩnh hạng 1 của nền tảng K và Netflix, vượt qua nhiều phim quốc tế đình đám khác. Có lẽ đã khá lâu rồi, khán giả mới thật sự dành trọn sự quan tâm cho một dự án phim Việt dài tập như thế này.
Bộ phim được "nhào nặn" bởi bộ đôi NSX Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn, cũng là đội ngũ ekip từng có những dự án kinh dị gây tranh cãi về chất lượng như Rừng Thế Mạng, Bắc Kim Thang, Chuyện Ma Gần Nhà... Từng bị chê vì tư duy làm phim cũ, Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn đã thật sự khiến khán giả bất ngờ, phải thay đổi thái độ với mức độ chỉn chu, kỹ lưỡng và thu hút trong Tết Ở Làng Địa Ngục lần này.
Toát lên vẻ ám ảnh mà không cần hù doạ nhảm nhí
Nội dung phim kể về những câu chuyện rùng rợn xảy ra tại Làng Dâu, nơi mà dân làng là con cháu đời sau của một toán cướp tàn bạo, từng gieo rắc khổ đau khắp nơi. Làng bị "phong ấn" bởi một thế lực tâm linh nên không ai có thể đi đâu, ngoại trừ trưởng làng Thập (Quang Tuấn). Vào một ngày nọ, Thập nằm mơ và thấy nhiều điềm gở, cũng như người bà đã khuất của mình về báo mộng. Có lẽ, nghiệp báo giáng xuống đầu Làng Dâu đang đến, khiến từng người trong làng bỏ mạng đầy uất ức và bí ẩn.
Tết Ở Làng Địa Ngục là kết quả khả quan của quá trình tiếp thu, học hỏi và rút kinh nghiệm sâu sắc từ các dự án điện ảnh trước đó của bộ đôi Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn. Những chi tiết như hù dọa thừa thãi, nhảm nhí chỉ để "lấy le" người xem, hay hình tượng ma quỷ "giả trân" được tạo nên bằng kỹ xảo máy tính đều đã được cắt bớt. Phần lớn nhân vật từ con người đến thế lực tâm linh của Tết Ở Làng Địa Ngục đều được hóa trang tỉ mỉ một cách thủ công, từ đó mang đến cho khán giả cảm giác đáng sợ chân thực của máu me, thậm chí là "kinh dị thể xác" (body horror) đúng nghĩa.
Dù không còn "jump scare" dày đặc nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn thành công tạo nên bối cảnh Làng Dâu quỷ dị, đáng sợ mà không phải ai cũng dám lui tới. Điểm cộng lớn nhất của bộ phim nằm ở phần nhìn, với chất liệu văn hóa Việt được khắc họa tỉ mỉ đến từng chiếc áo, chiếc mũ. Thêm vào đó, màu phim cũng là chi tiết then chốt thúc đẩy yếu tố kinh dị của phim lên đỉnh điểm, gieo rắc nỗi kinh hoàng lâu dài vào trí nhớ của người xem thay vì nỗi sợ tức thời, chóng vánh. Khán giả Việt hoàn toàn có thể tự tin gọi Tết Ở Làng Địa Ngục là phim kinh dị có chất kinh dị cổ điển xuất sắc nhất những năm gần đây.
Câu chuyện "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" sát nguyên tác
Mặt khác, Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một thước phim "vừa đỏ, vừa thơm", tức được đầu tư về nội dung không kém gì hình ảnh. Đối chiếu với nguyên tác của tác giả Thảo Trang, bất kì ai cũng dễ thấy được nỗ lực bám sát đến "điên rồ" của ekip, thể hiện rõ nhất ở cách chia tập giống y như cách phân bố chương của truyện. Mở đầu với Người chết báo mộng (gộp 2 chương đầu), sau đó lần lượt là Chuyến đò chở vong, Rượu sọ người rồi Cá chép rỉa thịt...
Cách phân bố các tình tiết, sự xuất hiện của nhân vật cũng theo mạch truyện gốc, vừa thu hút khán giả xem phim vừa thỏa lòng đối tượng fan nguyên tác khó tính. Nhờ vậy, phần thông điệp chính của phim về luật nhân quả, việc làm thế hệ trước để lại hậu quả cho thế hệ sau được thể hiện nguyên vẹn, mạnh mẽ đúng như những gì tác giả muốn gửi gắm. Trải qua từng ngày cho đến Tết, người dân Làng Dâu sẽ hứng chịu hàng loạt tai ương như di chứng của phóng xạ, là sự suy vong của con cháu chỉ vì những vi bất nhân, tàn ác của cha ông năm xưa.
Quá mạo hiểm với phần mở đầu như "ru ngủ"
Việc bám sát nguyên tác của Thảo Trang giúp Tết Ở Làng Địa Ngục gây ấn tượng mạnh với khán giả của phim lẫn truyện. Song, đây lại là "ván cờ" khá mạo hiểm vì thực chất các chương đầu của câu chuyện khá chậm, mang tính dẫn nhập là chủ yếu. Yếu tố này đã phản ánh rõ rệt ở tập 1 và 2 của Tết Ở Làng Địa Ngục bản phim, tạo cảm giác dài dòng và lê thê đối với người xem. Chỉ khi đến cuối tập 2, khán giả mới phần nào "tỉnh giấc" nhờ loạt phân đoạn ghê rợn dồn dập, và bầu không khí kinh dị hấp dẫn mới chính thức rõ ràng hơn hẳn ở các tập 3 và 4.
Ngoài ra, việc tập hợp số lượng lớn diễn viên từ chính đến phụ, đủ cả 2 miền Nam - Bắc cũng mang đến thách thức lớn. Sự chênh phô của lối diễn khác biệt, cũng như năng lực của từng diễn viên khiến mạch phim nhiều lúc bị đứt đoạn. Cho đến hết tập 4, Quang Tuấn, NSƯT Phú Đôn (vai ông ăn xin) và Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ) là 3 cái tên có sự thể hiện ổn định nhất. Trong khi đó, Nguyên Thảo (vai vợ của Thập) chưa thật sự tỏa sáng, thậm chí có phần mờ nhạt và gượng gạo trong phim.
Còn lại, dàn diễn viên phụ thì lúc được, lúc không, chẳng hạn như ở cảnh Hạch qua đời dưới nước, nhiều người dân có phản ứng khác lạ, chưa hợp logic. Hoặc, phân đoạn những đứa trẻ chơi đùa trong tập 1 cũng dễ thấy có sự thiếu tự nhiên, khi lời thoại của đám trẻ quá "người lớn", theo kiểu học thuộc và chưa đúng lứa tuổi.
Chấm điểm: 3.5/5
Tuy vẫn còn thiếu sót nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một bộ phim rất đáng xem, mang lại tín hiệu tốt cho dòng phim kinh dị Việt Nam nói chung. Chỉ mới trải qua 4 tập, ở phía trước của bộ phim vẫn còn nhiều chi tiết, nhiều nhân vật mới sắp xuất hiện. Chính vì vậy, khán giả vẫn có thể hy vọng Tết Ở Làng Địa Ngục có hành trình phát sóng bùng nổ và thành công, trở thành "bàn đạp" để bản điện ảnh Kẻ Ăn Hồn gặt hái thành tích vang dội, cũng như góp phần đưa tên tuổi của ekip Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn lên một tầm cao mới.
Tết Ở Làng Địa Ngục lên sóng tập mới mỗi tối thứ Hai và thứ Ba hằng tuần.
Phim Việt có thêm diễn viên như "từ truyện bước ra" khiến netizen "hết hồn", còn được khen vì mặt mộc vẫn xinh Khán giả bất ngờ khi thấy tạo hình của nữ diễn viên ở bộ phim kinh dị Việt sắp lên sóng này. Tết ở làng Địa Ngục là series kinh dị Việt hiếm hoi sẽ ra mắt trong thời gian tới. Phim gây chú ý khi quy tụ đông đảo diễn viên truyền hình nổi tiếng từ Nam ra Bắc như Quang Tuấn,...