Kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách rất tốt
Các thầy cô có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu, công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Nghiên cứu dự thảo này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá nội dung nêu trong dự thảo hoàn toàn phù hợp, là chính sách rất tốt.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức thông tin, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số: 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này có nêu: Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)
Như vậy, gióng theo quy định này thì tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ tri thức trong trường đại học đối với tiến sĩ là 65 tuổi, phó giáo sư là 67 tuổi và giáo sư là 70 tuổi.
Nhất là khi từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường (theo Khoản 2, Điều 169 của Bộ Luật Lao động) được quy định là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
“Việc đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, hết sức phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.
Video đang HOT
Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải sự phù hợp nằm ở 4 điểm.
Thứ nhất, theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay mới có khoảng 20% đội ngũ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. So với khu vực và thế giới thì tỷ lệ này ở Việt Nam là thấp. Trên thế giới đã là giảng viên đại học thì phải có trình độ tiến sĩ trở lên. Do đó việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai, kinh nghiệm cho thấy, các thầy cô làm việc liên tục trong môi trường đại học khi tuổi càng lớn thì càng nhiều kinh nghiệm. Thực tế những năm qua khi áp dụng Nghị định 141 cũng cho thấy: khi các thầy cô càng có thâm niên công tác, càng có nhiều kinh nghiệm về tâm lý, kinh nghiệm giảng dạy và có thêm thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho thầy cô được cống hiến, dìu dắt các em tốt hơn, và đỡ lãng phí chất xám. Đội ngũ trí thức có trình độ cao không dễ gì chúng ta đào tạo ngày một, ngày hai mà có được.
Thứ ba, việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay bởi nếu đội ngũ thầy cô này nghỉ hưu thì sẽ hụt hẫng rất lớn về đội ngũ, có thể kéo theo không đủ điều kiện về nhân lực với nhiều ngành/chuyên ngành đang đào tạo.
Các thầy cô có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật. Những giáo sư uy tín thường đứng đầu trong trường phái học thuật ở các trường đại học.
Đơn cử, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội thì trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “trẻ nhất” là 61 tuổi.
“Việc giữ đội ngũ thầy cô này làm việc thêm không chỉ cống hiến về mặt chuyên môn trí thức mà còn tăng uy tín để thu hút, tập hợp, xây dựng nhóm nghiên cứu góp phần tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho các trường đại học và đáp ứng yêu cầu trong thời đại hiện nay như yêu cầu mở ngành, kiểm định chất lượng”, Giáo sư Đức nhấn mạnh.
Cuối cùng, thực tiễn các năm qua cho thấy, nhiều thầy cô đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ sức khỏe được các trường giữ lại vẫn giảng dạy, nghiên cứu và làm việc rất tốt. Một số trường đại học còn mạnh dạn giữ lại ở các chức vụ quản lý chuyên môn quan trọng như chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số nước như Pháp, Nga, một số nước Đông Âu vẫn duy trì giảng viên, các giáo sư đủ tuổi nghỉ hưu ở các chức vụ yêu cầu về uy tín học thuật trong các trường đại học.
Kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu: Tại sao không?
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Một trong những điều đáng chú ý là giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Dự thảo này đang thu hút sự quân tâm của nhiều người trong giới học thuật.
Chia sẻ quan điểm về dự thảo, giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng việc kéo dài thời gian công tác của những giảng viên là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Ông cho biết, theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT thì hiện nay mới có khoảng 20% đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đại học có trình độ tiến sĩ. So với khu vực và thế giới thì tỷ lệ này ở Việt Nam là thấp.
"Trong khi thực tế hiện nay trên thế giới đã là giảng viên đại học thì phải có trình độ tiến sĩ trở lên. Hơn nữa hiện nay nhiều thầy cô đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ sức khỏe được các trường giữ lại vẫn giảng dạy, nghiên cứu và làm việc rất tốt vì họ có kinh nghiệm, học thuật và có uy tín trong giới chuyên môn.
Tôi được biết một số cơ sở giáo dục còn giữ giảng viên đến tuổi hưu ở các chức vụ quản lý chuyên môn quan trọng như chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm.
Hơn thế, đội ngũ trí thức có trình độ cao đào tạo rất tốn thời gian thì không có lý do gì mà chúng ta không tận dụng đội ngũ này tham gia giảng dạy nếu họ cũng có nguyện vọng", giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay.
Ngoài ra, các thầy cô có tuổi thì năng lực giảng dạy, nghiên cứu không phải bàn nhưng uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học cũng rất lớn. Nếu họ đứng đầu các nhóm nghiên cứu thì có khả năng tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ làm khoa học. Bởi lẽ, hiện nay, đa số giáo sư uy tín thường đứng đầu trong trường phái học thuật ở các trường đại học.
Nhiều người ủng hộ kéo dài thời gian giảng dạy với giảng viên là tiến sĩ, giáo sư (ảnh minh họa)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) - cũng ủng hộ đề xuất kéo dài thời gian giảng dạy với giảng viên là tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư.
"Bản thân tôi sau khi nghỉ hưu ở vị trí quản lý nhưng nhiều năm nay vẫn tham gia công tác giảng dạy ở một số trường đại học. Và đến giờ khi 70 tuổi hàng ngày tôi vẫn đến giảng đường.
Hơn hết là vì tôi còn sức khỏe và còn muốn cống hiến, muốn truyền đạt những gì mình biết cho thế hệ sinh viên trẻ hiện nay và khi làm thế tôi thấy cuộc sống rất ý nghĩa hơn là một ông lão về hưu quanh quẩn ở nhà.
Duy chỉ có điều tôi luôn canh cánh, đó là nếu đến tuổi hưu, bản thân giảng viên còn sức khỏe và có thể công tác thì cứ về hưu theo đúng quy định. Sau đó, nếu muốn tiếp tục giảng dạy sẽ ký hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục đại học theo luật hiện hành chứ không nên kéo dài biên chế mãi vì nếu mình cứ giữ khư khư chỉ tiêu biên chế của cơ sở giáo dục thì không công bằng với lớp trẻ", tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Theo dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học thì giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
Dự thảo nêu 6 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, giảng viên có nguyện vọng đăng ký và nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học để được xem xét kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học quyết định việc kéo dài thời gian làm việc căn cứ theo nhu cầu của cơ sở và thông báo cho giảng viên 3 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.
Chính sách đối với giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên; được đề nghị nghỉ hưu theo quy định nếu có nhu cầu.
Việc Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất trên được dựa trên quy định về tuổi nghỉ hưu tại Điều 169 Luật Lao động 2019, trong đó có ghi rõ: "Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác". Nhưng quy định tại Điều 56 Luật Giáo dục đại học chỉ ghi giảng viên có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, không ghi thời gian chi tiết.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật Lao động 2019, quy định tại dự thảo không quy định cụ thể thời gian kéo dài và giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định thời gian căn cứ theo Luật lao động.
Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này đến hết ngày 5/12/2021.
Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu khoa học và ước mơ gieo mầm thế hệ trẻ Sau nhiều năm công tác tại Viện Quy hoạch Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tiến sĩ Trương Vân Anh đã chuyển hướng sang nghề giáo và được bổ nhiệm vị trí Phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, cô luôn...