Kéo cả nhà ra vỉa hè Hà Nội mưu sinh
Với phương châm thà “ngôi lê” ở thành phố còn hơn về quê làm ruộng, hàng vạn lao động tỉnh lẻ vẫn quyết bám trụ ở Hà Nội bất chấp việc làm ăn ngày càng khó khăn.
Kéo cả nhà ra phố
Nhiều người dân “chân nấm tay bùn” từ quê ra Thủ đô quyết bám trụ ở mảnh đất phồn hoa này vì tâm lí “về quê lấy gì mà ăn” đang đè nặng. Chẳng hạn, phố bán nem chua có rất đông đảo người dân từ quê Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ra làm việc. Tài sản chỉ gồm một chiếc xe đạp, chiếc bếp ga, dầu ăn, hai thùng sắt nhỏ để kem – bấy nhiêu là đủ để người bán có đủ phương tiện hành nghề khắp phố phường Hà Nội.
Quanh khu vực chợ Xanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư Phạm Hà Nội là tụ điểm của các hàng rong chuyên bán nem chua, xúc xích rán, chả cá, kem ốc… phục vụ đông đảo đối tượng học sinh, sinh viên. Với nhu cầu lớn, sức mua đông, các hàng nem chua ở đây luôn đắt khách vào mỗi giờ tan học.
Bỏ con ra thành phố làm việc, chị Hoa quê ở Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ban đầu làm osin nhưng do lương thấp quá, chị xin nghỉ. Sau hơn 1 năm bươn trải ở thị thành, chị Hoa nảy ra ý định bán nem chua. Đến nay, chị Hoa đã bán được gần 3 năm, thu nhập mỗi ngày từ 300.000 – 500.000 đồng.
Thấy làm ăn được, chị Hoa về quê rủ họ hàng là các anh, chị em gái, em dâu cùng ra thành phố với mình vừa làm ăn, vừa cho cho anh có em, bảo vệ nhau. Thế là cả gia đình 5 người ra thành phố chỉ làm duy nhất một nghề: bán nem chua ở vỉa hè.
Video đang HOT
Chị Hoa tâm sự: “Tôi thấy làm nghề này khá hơn làm ruộng nhiều. Tuy vất vả nhưng lời lãi ổn định nên tôi rủ chị em ra đây làm ăn cho vui, thoát cảnh nhà nông bần hàn”. Mặc trời mưa gió, bão bùng, nắng, gió, rét mướt… 5 chị em nhà chị Hoa vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp chứa đầy nem chua, xúc xích, chả cá, kem chanh… đi bán hàng ngày.
Nói về cái nghề bán hàng rong này, chị Hoa tâm sự: “Không biết chị em tôi bán được đến bao giờ nhưng hiện tại mọi người sống khá tốt bằng nghề này, là nguồn thu nhập chính của cả gia đình ở quê rồi”.
Trong số những người bán nem chua vỉa hè tại phố Xuân Thủy, có lẽ người bán hiệu quả nhất, đông khách nhất phải nói đến chú Thành, bán bên lề đường Xuân Thủy. Chú chia sẻ: “Lúc đông khách ngồi rán nem cũng không kịp nhưng thu nhập có ngày được gần 1 triệu đồng”. So với người bán khác chú Thành là người có thu nhập khủng nhất tại con phố bán nem chua, xúc xích rán nổi tiếng này.
Chuyện cả gia đình, cả họ, cả làng ra thành phố kiếm ăn không còn hiếm ở Hà Nội, nếu không nói là quá phổ biến. Vì thế mới chuyện các vùng quê nghèo chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại còn các thanh niên trai tráng, người lao động chính trong gia đình đều rời bỏ quê hương ra thành phố lập nghiệp. Ngay cả ở Hà Nội, có những gia đình tất thảy mọi người đều bám vỉa hè kiếm sống.
Như gia đình chị Quỳnh Chi ở ngõ 1050 đường Láng, Đống Đa (Hà Nội), có 5 người thì ba người buôn bán vỉa hè để kiếm sống. Chị Quỳnh Chi cho biết: “Ai cũng bán trà đá nhưng mỗi người một nơi. Làm công việc này gần 20 năm ở đây cũng đủ để gia đình trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”. Ban đầu, cũng chỉ có mình chị bán nhưng thấy kiếm được nên tìm chỗ cho hai thành viên trong gia đình cùng bán.
Thời gian gần đây, kinh tế khó khăn, công việc làm ít đi, nhiều người ở quê đổ xô ra thành phố tìm việc làm. Họ làm mọi việc có thể chẳng từ công việc gì để kiếm tiền. Bởi vậy, vỉa hè gần đây ngày càng xuất hiện thêm nhiều gánh hàng rong hơn, chị Quỳnh Chi nói.
Công an đuổi vẫn cố bám trụ
Chị Hoa tâm sự, kiếm được tiền đâu có dễ. Một ngày, chị chạy công an cả chục lần, không nhanh là đồ đạc bị cho lên xe về phường hết. Ấy vậy, mọi người ở đây vẫn phải làm, đâu dám bỏ. Ai cũng tự hiểu, khó khăn lắm mới kiếm được chỗ vỉa hè làm ăn ngon, dễ kiếm tiền trong khi chẳng mất đồng tiền phí nào, làm được đâu ăn đấy.
Chú Thành vừa rán nem vừa kể cho chiến tích bám trụ nơi đây của mình: “Muốn kiếm sống và bán hàng trên vỉa hè ở đây được phải biết chạy công an, ngày nào cũng vài lượt. Họ đến mình lại đẩy xe đi, họ đi mình lại đẩy về chỗ cũ bán bình thường”. Nhờ cách này chú Thành đã tồn tại ở đây được gần 5 năm trời mà không một lần bị công an bắt.
Còn con phố trà đá, trà chanh ở ngõ 175 Xuân Thủy cũng là một tụ điểm của những người dân biết biến vỉa hè, lòng đường thành “con gà đẻ trứng vàng”. Ngõ chỉ rộng chừng 3-4m nhưng người bán hàng đã lấn chiếm đến 2m đường, còn lại chừa một lối nhỏ cho giao thông đi lại. Được biết, phần lớn người bán trong khu ngõ này đều là anh chị em trong một gia đình thuộc khu Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo chị Hoa, bán nước tại đây, các chủ quán bán đủ các loại nước uống, nước giải khát này đều là chị em trong một gia đình, không có công ăn việc làm nên cùng rủ nhau ra đây buôn bán kinh doanh.
Là nơi tập trung sinh viên đông đúc, lại đối diện với trung tâm ôn luyện thi đại học, những quán này hái ra tiền mỗi ngày. Từ những người không có việc làm, họ trở thành người có thu nhập ổn định, duy trì cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái lên người.
Bà Hòa, một chủ bán hàng ngay khu đầu đường, chia sẻ: “Cả khu này đều là chị em nhà tôi bán hàng nước giải khát ở đây, khu trên kia là của em dâu và em gái, đằng sau là của cậu”. Ranh giới được phân chia rõ ràng, riêng gia đình tôi có 3 suất cho tôi, con trai và con dâu. Mỗi người chỉ cần vài mét vuông trong ngõ nhỏ – mà theo bà Hòa, có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Khi được PV hỏi về chuyện dẹp trật tự của lực lượng an ninh phường, bà Hòa cho biết “Cũng nhiều lần bị công an đuổi rồi nhưng đuổi hôm trước, hôm sau lại ra. Nhiều lần như vậy mà vẫn thấy chúng tôi có tình bán nên giờ họ không đuổi nữa vì đuổi chúng tôi cũng chẳng có việc gì để làm cả”.
Khó khăn chồng chất, nhiều người dân vẫn cố gắng bám trụ vỉa hè và làm ăn tốt, kiếm tiền giỏi chỉ trên vài mét vuông vỉa hè mà không mất đồng phí nào. Điều đó cho thấy, lấn chiếm vỉa hè là phạm luật nhưng ở góc độ kinh tế nó đã giúp hàng vạn dân nghèo từ quê ra thành phố có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo VietNamNet