Kế hoạch chẻ nhỏ California
California đối mặt với khả năng bị tách thành từng mảnh sau khi đề xuất trưng cầu dân ý về việc chia bang này thành 6 vùng đã được bật đèn xanh.
Bản đồ chia nhỏ California của Tim Draper (ảnh nhỏ) – Ảnh: Six Californias
Tờ San Jose Mercury News hôm qua dẫn lời nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Draper Fisher Jurvetson là Tim Draper khẳng định kế hoạch chẻ nhỏ California của ông không hề là chuyện viển vông hay nhằm “chơi nổi”. Trước đó, dân tình bang này và cả nước xôn xao khi Draper đệ trình đề xuất biến tiểu bang nổi tiếng ở bờ tây nước Mỹ thành 6 tiểu bang nhỏ với kinh tế và hệ thống chính trị riêng biệt. Ban đầu, nhiều người nhanh chóng xem đây là chuyện “tầm phào” nhưng tất cả giật mình khi Đổng lý Văn phòng tiểu bang Debra Bowen quyết định những người ủng hộ sáng kiến trên có thể bắt đầu thu thập chữ ký để tiến tới bỏ phiếu ngay trong năm nay.
“Tôi đưa ra ý kiến này nhằm giúp chính quyền gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đại diện tốt hơn cho người dân”, Draper tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 23.2. Lập luận chính của ông là Tiểu bang Vàng (biệt danh của California – NV) quá lớn và quá đa dạng về kinh tế, văn hóa, xã hội… để có thể quản lý một cách hiệu quả, dẫn đến hậu quả là chính quyền không phản ứng năng nổ trước nguyện vọng và nhu cầu của người dân. “California từng có thời là hình mẫu của nước Mỹ nhưng theo tôi, tất cả đang xuống dốc”, Draper tuyên bố. Ông còn khẳng định việc chia tách sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của toàn California và tiết lộ thêm là đã nhận được sự ủng hộ về tài chính của nhiều đại gia khác.
ABC News dẫn số liệu thống kê cho biết California hiện là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ với khoảng 38 triệu người. Chưa hết, giả sử trở thành một quốc gia độc lập thì nền kinh tế 2.000 tỉ USD (số liệu năm 2012 – NV) của California sẽ đứng thứ 8 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Brazil. Mặc dù vậy, bang này chỉ có 2 ghế thượng nghị sĩ, tương đương tất cả các tiểu bang khác và điều này là “không công bằng”, theo Draper và những người ủng hộ.
Video đang HOT
Chia năm xẻ bảy
Theo tờ San Francisco Chronicle, Tim Draper đã bỏ tiền thuê một đội chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, an ninh… để vạch ra kế hoạch chia tách California. Trong đó, Mỹ sẽ có 6 bang mới là Thung lũng Silicon (bao gồm San Francisco và San Jose), Nam California ( San Diego và Quận Cam), Tây California (Los Angeles và Santa Barbara), Trung California (Bakersfield, Fresno và Stockton), Bắc California (Sacramento) và Jefferson (Redding và Eureka). Draper cũng đề xuất 3 phương án giải quyết nợ công hiện nay của California là phân chia đều cho 6 bang mới, tùy theo thỏa thuận giữa các bang hoặc chia theo mức độ giàu có và dân số.
Đặt trường hợp, kế hoạch trên thành hiện thực thì Thung lũng Silicon sẽ trở thành bang giàu nhất nước Mỹ với thu nhập bình quân đầu người là 63.288 USD/năm so với con số 46.477 USD/năm hiện nay của California còn đứng thứ hai về trình độ phát triển sẽ là Nam California. Có thể thấy các khu vực tập trung người gốc Việt sinh sống như San Jose và Quận Cam đều nằm trong 2 “bang” này. Ngược lại, Trung California sẽ là bang nghèo nhất với thu nhập bình quân đầu người 33.510 USD/năm.
Khó khả thi ?
Ngay sau khi được công bố, kế hoạch của Draper đã vấp phải nhiều chỉ trích. Theo San Jose Mercury News, một trong những vấn đề đau đầu nhất là nguồn nước cung cấp cho phần phía nam California sẽ bị cắt đứt, đẩy các thành phố như Los Angeles và San Diego vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cáo buộc Draper muốn phân hóa triệt để giàu – nghèo, tập trung nguồn lực hiện nay của California vào Thung lũng Silicon – nơi làm ăn của ông và các đại gia khác của Mỹ. Có người còn cáo buộc Draper có động cơ cá nhân vì lâu nay ông vẫn thường chỉ trích chính quyền tiểu bang hạn chế sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ đầu tư béo bở như máy bay do thám không người lái và xe tự hành. Chưa hết, hậu quả về mặt xã hội cũng khó lường vì Trung California hiện là nơi có nhiều nhà tù nhất nước Mỹ trong khi Tây California lại thiếu hụt trại giam. Tóm lại, trang tin The Eastern Tribune dẫn các ý kiến phản đối cho rằng trong tình huống xấu nhất thì kế hoạch chia bang sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt thực phẩm, nước khan hiếm, bất bình đẳng giàu nghèo còn tù nhân nếu không tràn ra đầy đường thì cũng nổi loạn trong các trại giam quá mức chật chội.
Bên cạnh đó, Draper phải thu thập đủ 807.615 chữ ký của cử tri vào ngày 14.7 nếu muốn đưa đề xuất của mình ra bỏ phiếu vào tháng 11 tới, còn không phải chờ đến năm 2016. Và nếu chính quyền bang có thông qua thì cũng phải chờ sự phê chuẩn của quốc hội. Thời gian quá gấp gáp trong khi nhiều chính trị gia tỏ ra không mấy mặn mà. Reuters dẫn lời chuyên gia Raphael Sonenshein thuộc Đại học UCLA nhận định: “Các nghị sĩ ở những bang khác chẳng bao giờ muốn tự nhiên California có thêm 10 ghế ở Thượng viện”. Có lẽ vì thế mà trong lịch sử 164 năm của California đã có 220 kế hoạch chẻ nhỏ bang nhưng đến nay chưa nỗ lực nào thành công.
Theo TNO
Hé lộ chiến dịch săn lùng trùm ma túy El Chapo
Trùm ma túy thế giới Joaquin "El Chapo" Guzman Loera nhiều lần trốn thoát vào phút cuối nhờ một mạng lưới các đường hầm dưới lòng thành phố Culiacan.
El Chapo (áo trắng) bị áp giải ra sân bay để chuyển đến nhà tù - Ảnh: AFP
Cuộc rượt đuổi kéo dài suốt 13 năm lần theo dấu vết của kẻ lãnh đạo tập đoàn tội ác Sinaloa tại Mexico đã kết thúc một cách chớp nhoáng trong vòng 7 phút vào cuối tuần qua.
Đường hầm và cống rãnh
Hãng AFP hôm qua dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Mỹ từng sử dụng cả máy bay do thám không người lái trong chiến dịch săn lùng El Chapo ở thành phố Culiacan. Tổng chưởng lý Mexico Jesus Murillo Karam cho hay chiến dịch kéo dài khoảng một tháng sau khi các nguồn tin tình báo phát hiện y sống tại 7 ngôi nhà khác nhau ở thành phố Culiacan, được kết nối bởi hệ thống đường hầm và cống rãnh ngầm. Lối thoát xuống đường hầm và cống rãnh được che giấu dưới bồn tắm trong các ngôi nhà.
Theo lời giới điều tra, lực lượng đặc nhiệm đã suýt bắt được El Chapo vài lần, nhưng hệ thống cửa được gia cố bằng thép quá chắc chắn, khiến họ mất nhiều thời gian phá cửa và cho phép tên tội phạm có đủ thời gian tẩu thoát xuống đường hầm. Các binh sĩ Mexico cũng từng mất dấu El Chapo trong các ống cống ngầm của thành phố khi ập vào ngôi nhà chính của hắn.
Rốt cuộc, vào rạng sáng 22.2 (giờ địa phương), các đặc nhiệm Mỹ - Mexico đã ập vào nhà riêng của Guzman ở Mazatlan, thành phố miền biển thuộc bang tây bắc Sinaloa và tóm gọn trùm ma túy đang say ngủ. Trước đó, Cơ quan tình báo Mexico với sự hỗ trợ của Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA) đã nắm được thông tin quan trọng cho thấy El Chapo dự định sẽ qua đêm tại căn hộ trên và nhanh chóng giăng lưới. Chiến dịch diễn ra một cách hoàn hảo và không hề tốn một viên đạn, theo tờ Milenio. Ngay lập tức, trùm ma túy được áp giải đến thẳng sân bay Mazatlan để chuyển đến thành phố Mexico. Từ đây, cảnh sát dùng trực thăng chở nhân vật nguy hiểm này đến nhà tù Altiplano, nơi an ninh đã được nâng lên mức cao nhất nhằm tránh nguy cơ El Chapo có thể một lần nữa có cơ hội đào tẩu như 13 năm trước.
Trong quá trình đuổi theo trùm ma túy, giới hữu trách đã tịch thu được 97 khẩu súng trường, 36 súng ngắn, 2 ống phóng lựu đạn, 1 bệ phóng rốc két, 43 xe cơ giới (trong đó 19 xe bọc thép), cùng 16 ngôi nhà và 4 điền trang. Hiện tại, nhà chức trách vẫn đang truy lùng Ismael "El Mayo" Zambada, phó tướng và là người kế nhiệm của El Chapo.
Nghi án "bảo kê"
Đối với giới tội phạm, El Chapo thật sự là một huyền thoại vượt ngục, kể từ khi trùm ma túy núp trong xe chở quần áo đào thoát khỏi nhà tù Puente Grande ở Mexico vào năm 2001. Trong suốt 13 năm qua, cuộc săn lùng El Chapo liên tục là đề tài nóng bỏng của thế giới và không ít lần giới điều tra đuổi đến sát nút nhưng lại để nhân vật này thoát thân trong gang tấc. Thậm chí dư luận nghi ngờ rằng chính quyền Mexico đã "mắt nhắm mắt mở" để El Chapo chạy thoát. Vào năm 2009, tổng giám mục của bang Durango từng tố cáo nhà chức trách bao che cho El Chapo dù biết rõ hắn đang sống gần thị trấn miền núi Guanacevi. Đến năm 2012, AP dẫn lời một quan chức cho hay suýt bắt được El Chapo tại biệt thự ven biển ở Cabo San Lucas, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton hội kiến với ngoại trưởng các nước tại thành phố này. Hồi năm ngoái, giới chức Guatemala loan tin đã tìm thấy xác chết một người giống El Chapo tại Peten, nhưng sau đó bác bỏ thông tin trên.
Theo Fox News, vụ bắt giữ El Chapo nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một trận chiến dẫn độ giữa Mỹ và Mexico. El Chapo đối mặt với nhiều tội danh buôn ma túy tại các bang của Mỹ, đặc biệt Chicago xem hắn là "kẻ thù số 1 của nhân dân". Hiện Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho hay đã liên lạc với chính phủ Mexico để thương lượng việc dẫn độ El Chapo về Mỹ xét xử. Tuy nhiên, El Chapo cũng đối mặt với hàng loạt tội danh ở Mexico vì điều hành Sinaloa. Dưới sự lãnh đạo của El Chapo, Sinaloa phát triển thành tập đoàn ma túy có mạng lưới bao trùm địa cầu, thu về lợi nhuận 3 tỉ USD mỗi năm. Đó cũng là lý do El Chapo được gọi là "CEO của tội ác", hoặc "Osama bin Laden" mảng ma túy. Nhiều tài liệu cho thấy El Chapo cũng là người đầu tiên chỉ huy công tác đào hầm xuyên biên giới Mỹ - Mexico để phục vụ cho việc buôn lậu, trong khi các cuộc chạm trán đầy bạo lực với kình địch là Tập đoàn Zetas đã gây nên nhiều vụ tắm máu trong thế giới ngầm. Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul hôm qua đã kêu gọi đưa El Chapo về Mỹ để tránh nguy cơ hắn có thể vượt ngục một lần nữa do điều kiện an ninh lỏng lẻo của các nhà tù ở Mexico và tình trạng tham nhũng tại đây.
Theo TNO
6,4 triệu USD cho 23 năm tù oan Theo AFP, ông David Ranta, 59 tuổi, phải ngồi tù oan 23 năm trong vụ án một giáo sĩ Do Thái bị sát hại ở New York, Mỹ vào năm 1990. David Ranta sau khi được trả tự do năm 2013 - Ảnh: Rawstory Ông được minh oan, trả tự do hồi tháng 3 năm ngoái và theo thỏa thuận mới nhất với...