Kể chuyện chạy bộ, nam sinh Mỹ đỗ 12 trường đại học hàng đầu
Lựa chọn kể lại dòng suy nghĩ lướt qua đầu trong một lần chạy bộ vào ban đêm, nam sinh 17 tuổi gây ấn tượng với 8 đại học hàng đầu nước Mỹ và một số trường khác.
Martin Altenburg, nam sinh 17 tuổi đến từ trường trung học Fargo North, North Dakota (Mỹ) nhận được thư mời nhập học từ 12 trường xếp thứ hạng cao trên thế giới, theo Business Insider ngày 7/4.
Bài luận kể chuyện chạy bộ, một trong ba môn thể thao tham gia thi đấu đã giúp Altenburg trúng tuyển vào các đại học Stanford, Harvard, Columbia, Brown, 5 trường thuộc khối Ivy League còn lại. Ngoài ra, nam sinh 17 tuổi còn nhận được đề nghị nhập học từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Viện Công nghệ California và Đại học Chicago.
Toàn văn bài luận như sau:
Thời gian yêu thích để chạy bộ của tôi là ban đêm. Chuyến chạy bộ đặc biệt đầu tháng 8 mang lại cảm giác thư giãn giữa thời tiết nồm ẩm, oi bức ở bờ biển phía đông. Tôi sử dụng cơ thể mình như một chiếc ẩm kế, cảm giác lạnh khi mồ hôi bốc hơi báo hiệu cần nhiều hơn không khí khô.
Video đang HOT
Tôi băng qua cầu tới Minnesota. Trong ba môn thể thao mà tôi chơi, chạy việt dã rõ ràng là môn tệ nhất nhưng tôi vẫn bị cuốn hút bởi nó. Không giống bơi lội và điền kinh, động lực chạy bộ thực sự nằm sâu bên trong tôi. Tôi sống để chạy một mình trên những chặng đường dài. Chúng tôi được phân công hoàn thành một chặng đường trong tuần đầu tiên chạy việt dã. Trên thực tế, tôi phải đi 6 dặm, nhưng 8 dặm có lẽ giúp tôi có nhiều thời gian hơn để khám phá nơi mình trở về. Tâm trí tôi bắt đầu lang thang khi một lần nữa tìm thấy giai điệu của chính mình.
Dòng suy nghĩ như một chuyến tàu lướt qua đầu tôi khi chạy bộ cũng giống cách ai đó vẩn vơ vài phút trước khi ngủ, trừ những ai kiểm soát sự phát triển của nó. Trong khi thuyết tương đối hẹp sẽ là điều thích hợp để nghĩ về, tôi lại hồi sinh kho nhạc violin đã bỏ quên từ rất lâu và bắt đầu chơi nó trong đầu. Bây giờ tôi đang ở rìa thị trấn, giữa những cánh đồng ngô. Ánh đèn từ con đường thênh thang gợi cho tôi cảm giác cô độc và hiếu kỳ, nhớ về đoạn mở đầu bản concerto violin đầu tiên của Wieniawski. Tôi bắt đầu thích ứng với giai điệu trong đầu, thử nghiệm một chút âm nhạc phi giai điệu giống Stravinsky.
Tôi quay về hướng nam theo đường cao tốc tới trung tâm thành phố. Bầu trời đêm đen đặc bị xé toang bởi luồng sáng ô nhiễm đang kéo đến. Nhìn về hướng tây, tôi thấy một người đàn ông và đưa mắt nhìn với vẻ hung hăng hơn bình thường. Nhưng rồi tôi từ bỏ. Tôi nhận ra rằng mình vừa hành động như thế chỉ vì màu da của anh ta. Tôi tự kéo bản thân ra khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thụ động – điều mà tôi đã dành phần lớn thời gian của mùa hè để vượt qua.
Cây cầu Main Avenue đưa tôi trở lại North Dakota và tiến vào trung tâm thành phố Fargo. Thành phố đang trải qua đêm trước sự kiện “pride week” hàng năm, sự kiện lớn nhất ở North Dakota. Ngoài những lá cờ sọc cầu vồng ở trung tâm, tôi nhìn thấy nhà thờ công giáo mà mình tham dự mỗi chủ nhật trong khoảnh khắc mùa hè. Việc chúng xếp cạnh nhau đưa tôi trở về những hồi ức khi cố gắng chấp nhận đức tin của riêng mình.
Chủ nghĩa bảo thủ của họ ngoại trong nhà tôi thường đụng độ với quan điểm tự do của gia đình bố. Thành phố Fargo nổi tiếng vì thái độ tử tế, tuy nhiên cuộc thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi thường bị gạt sang một bên để duy trì hòa bình. Ngoài mặt, điều này có thể ổn nhưng nó khiến việc thay đổi trở thành quá trình rất dài và bế tắc, do đó tôi trở nên độc lập khi tự tìm hệ thống đức tin của mình – quá trình đặc biệt khó khăn bởi những đức tin này liên quan đến cá tính trong tương lai của mỗi người.
Chặng còn lại trong chuyến chạy bộ của tôi khá ngắn và bình lặng. Đèn giao thông đã chuyển sang nhấp nháy màu vàng và đỏ, có nghĩa tôi đã ở ngoài muộn hơn bình thường. Khi về tới nhà, tôi nhận thấy chuyến đi của mình mất khoảng một tiếng – tôi thực sự không quan tâm đến thời gian trong suốt chặng đường. Những cuộc chạy việt dã thường được xem là trận chiến với khoảng cách hơn thời gian. Tuy nhiên, đối với tôi, đó là một hành trình về cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi lần bắt đầu một chặng đường, tôi lại hiểu thêm về môi trường xung quanh, hiểu thêm về thành phố nơi mình đang sống, vừa háo hức vừa buồn bã khi biết rằng mình sẽ phải rời xa nơi đây trong một năm tới.
Martin Altenburg là một trong những học sinh đạt thành tích ấn tượng nhất mùa tuyển sinh ở Mỹ.
Khi mới bước chân vào trường trung học, Altenburg chưa từng nghĩ sẽ tham dự một trường đại học nào bên ngoài bang North Dakota, càng không nghĩ đến một trường nào thuộc Ivy League. “Bố mẹ không muốn tôi đăng ký vào các trường này bởi nghĩ phải trả toàn bộ chi phí, đa số ở mức cao hơn thu nhập hàng năm của gia đình”, cậu nói.
Do không nắm được nhiều thông tin tuyển sinh và nghĩ mình không thể học tập tốt khi vào đại học, cậu không dám mơ tưởng đến các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về quá trình tuyển sinh, Altenburg tin rằng mình không chỉ có khả năng tham dự một ngôi trường uy tín mà còn có thể vươn xa hơn nên nộp đơn vào các trường đại học tốt nhất thế giới.
“Sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp, tôi muốn đẩy mình lên cao để có thể nhìn ra thế giới, kiếm được một công việc cho phép mình hiểu cách thế giới vận hành, và tạo ra khác biệt lớn”, cậu nói.
Altenburg rất ham học và đạt số điểm tuyệt đối (5 điểm) trong mọi bài thi AP (Advanced Placement), bao gồm Sinh học, Lịch sử châu Âu, Địa lý Nhân văn, tiếng Anh, Giải tích AB và Hóa học. “Tôi thích tham dự các kỳ thi AP vì chương trình này khiến tôi học cách nghiên cứu như sinh viên”, Altenburg giải thích.
Sau khi hoàn thành chương trình toán ở trung học, nam sinh học Giải tích II trong chương trình giới thiệu khoa học và kỹ thuật của MIT mùa hè vừa rồi. Học kỳ đầu tiên năm cuối cấp, cậu tham gia học Giải tích III tại một trường đại học ở địa phương. Altenburg đạt 35/36 điểm kỳ thi chuẩn hóa ACT và 1510/1600 điểm trong kỳ thi SAT, mặc dù không sử dụng điểm SAT trong hồ sơ ứng tuyển.
Ngoài kết quả học tập xuất sắc, Altenburg còn chơi violin và dự định học thêm về âm nhạc khi lên đại học. Cậu thi đấu ba môn thể thao gồm chạy việt dã, chạy điền kinh và bơi lội. Do đó, cậu lựa chọn chủ đề bài luận là những suy nghĩ lướt qua đầu trong một chặng đường chạy bộ để thuyết phục các trường đại học.
“Ở trường trung học, tôi là một người khá tách biệt do sở thích và động lực khác mọi người. Tôi thực sự muốn tìm một trường đại học giúp theo đuổi đam mê với môi trường và khoa học”, Altenburg nói về quyết định chọn trường khi năm học kết thúc. Cậu đang cân nhắc giữa Harvard, Princeton, MIT và Stanford.
Theo VNE