Israel rút đại diện ngoại giao về nước sau bài phát biểu ‘dữ dội’ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có bài phát biểu chỉ trích mạnh mẽ Israel về xung đột Israel-Hamas khiến Israel rút các nhà ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Ngày 28-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu chỉ trích mạnh mẽ Israel tại một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Động thái của ông Erdogan khiến Israel rút các nhà ngoại giao nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước, theo hãng tin Reuters.
Phát biểu trước hơn 1 triệu người biểu tình đang vẫy cờ Palestine, ông Erdogan cáo buộc chính phủ Israel hành xử như “ tội phạm chiến tranh” và cố gắng “diệt chủng” người Palestine.
“Israel đã công khai phạm tội ác chiến tranh trong 22 ngày qua, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây thậm chí không thể kêu gọi Israel ngừng bắn chứ đừng nói đến phản ứng với điều đó” – ông Erdogan nói, lưu ý rằng ông “đang chuẩn bị” cho cả thế giới thấy rằng “Israel là tội phạm chiến tranh”.
Video đang HOT
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 28-10. Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi các cường quốc phương Tây là “thủ phạm chính” đằng sau vụ “thảm sát” người Palestine ở Gaza, cho rằng phương Tây “rơi nước mắt” trước cái chết của dân thường ở Ukraine nhưng làm ngơ trước cái chết của dân thường ở Gaza.
“Tất nhiên, mọi quốc gia đều có quyền tự vệ. Nhưng công lý ở đâu trong trường hợp này? Không có công lý – chỉ là một vụ thảm sát tàn khốc xảy ra ở Dải Gaza” – ông Erdogan nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu kéo dài một giờ, ông Erdogan cũng lặp lại khẳng định rằng phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) không phải là một tổ chức khủng bố, đồng thời mô tả Israel là bên chiếm đóng.
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Israel thông báo đang rút các nhà ngoại giao Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước để “đánh giá lại mối quan hệ” với Ankara.
Ngoại trưởng Israel Eli Cohen viết trên X (tên gọi mới của Twitter): “Trước những lời lẽ leo thang từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã chỉ thị cho các đại diện ngoại giao đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước để đánh giá lại mối quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ”.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đồng ý tái bổ nhiệm các đại sứ vào năm ngoái. Theo Reuters, quyết định của Israel đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực non trẻ nhằm khôi phục quan hệ chính trị-kinh tế giữa Israel ( quốc gia Do Thái giáo) và Thổ Nhĩ Kỳ (nước có đa số người theo Hồi giáo) sau một thập niên quan hệ gần như đóng băng.
Kêu gọi ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 25/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Israel và các nhóm vũ trang của Palestine lập tức ngừng bắn, đồng thời hối thúc các cường quốc thế giới cũng như cộng đồng Hồi giáo gây sức ép để Nhà nước Do Thái ngừng tấn công Dải Gaza.
Binh sĩ Israel được triển khai gần khu vực giáp giới với Dải Gaza, ngày 19/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước các nghị sĩ đảng Công lý và Phát triển, ông Erdogan cho rằng cần mở cửa khẩu Rafah cho hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và khẩn trương triển khai hoạt động trao đổi tù nhân giữa hai bên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn bày tỏ thất vọng khi Liên hợp quốc (LHQ) không nhất trí về nghị quyết liên quan chiến dịch không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza. Ông Erdogan cũng nêu quan điểm rằng phong trào vũ trang của người Palestine không phải là tổ chức khủng bố mà đang đấu tranh bảo vệ đất đai của họ.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo hủy kế hoạch thăm Israel để bày tỏ phản đối chiến dịch mà Nhà nước Do Thái đang tiến hành nhằm vào phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Năm 2010, quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đóng băng sau khi Israel tấn công tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza. Năm 2022, hai nước có động thái khôi phục quan hệ và Tổng thống Israel đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cũng đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) hồi tháng 9/2023. Hai nước đang lên kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt từ Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cung cấp năng lượng cho châu Âu. Tuy nhiên, những tranh cãi ngoại giao liên quan cuộc xung đột tại Dải Gaza có thể khiến quan hệ song phương lại rơi vào chu kỳ căng thẳng mới.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 25/10, Quốc vương Jordan Abdullah II đã kêu gọi chấm dứt giao tranh ở Dải Gaza và cảnh báo cuộc xung đột hiện nay có nguy cơ trở thành là "ngòi nổ" trong khu vực. Quốc vương Jordan cũng đề nghị Pháp và các cường quốc thế giới gây sức ép để Israel ngừng chiến dịch ném bom Dải Gaza cũng như chấm dứt chính sách bao vây, phong tỏa đối với trên 2 triệu người dân ở khu vực này.
Cũng liên quan vấn đề lệnh ngừng bắn, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ ủng hộ thảo luận về việc tạm dừng tranh chấp để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân Palestine chứ không ủng hộ ngừng bắn toàn diện, cho rằng điều này có lợi cho phong trào Hamas. Theo người phát ngôn này, London cũng kiên quyết lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, cho rằng không có gì có thể biện minh cho hành động này.
Chờ động thái từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ 'không vội' để Thuỵ Điển gia nhập NATO Các nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trì hoãn việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển trong tháng 10 trong bối cảnh nước này đang chờ đợi tín hiệu "đèn xanh" từ Mỹ đối với yêu cầu mua chiến đấu cơ F-16. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển gặp nhau trước thềm hội nghị thượng...