Israel, Hamas bước vào thời điểm quan trọng trong đàm phán con tin
Việc “ tạm dừng nhân đạo” ở Gaza đã hỗ trợ cho các cuộc đàm phán về con tin qua trung gian là Qatar và Ai Cập, nhưng sai sót vẫn có thể xảy ra.
Người biểu tình ở London kêu gọi phóng thích các con tin ở Gaza. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Politico, các quan chức Israel đang trở nên lạc quan một cách thận trọng rằng có thể đạt được thỏa thuận về con tin với Hamas, mặc dù bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể chỉ là tạm thời và có giới hạn.
Theo hai quan chức Israel giấu tên khi thảo luận về chủ đề nhạy cảm này, một thỏa thuận có thể chỉ liên quan đến vài chục trẻ em và người già Israel bị giam giữ, trong đó có một số người hai quốc tịch, bao gồm cả người Mỹ.
Hai quan chức thừa nhận việc chính thức hóa các lệnh “tạm dừng nhân đạo” ở phía bắc Gaza đã giúp tiến triển các cuộc đàm phán thông qua vai trò trung gian của Qatar và Ai Cập. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong tuần này đã đồng ý áp dụng các lệnh tạm dừng nhân đạo kéo dài 4 giờ mỗi ngày sau gần hai tuần chịu áp lực từ chính quyền Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, hai quan chức trên cảnh báo rằng vẫn còn một số vấn đề tồn đọng có thể dễ dàng làm hỏng thỏa thuận, bao gồm cả việc các chiến binh Hamas vẫn đang giữ danh sách đẩy đủ con tin bị giam giữ ở Gaza. Giới lãnh đạo quân sự Hamas cũng đang yêu cầu điều kiện là ngừng bắn hoặc tạm dừng nhân đạo lâu hơn, tới một tuần.
David Meidan, cựu sĩ quan tình báo Mossad, từng là điều phối viên của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về các vấn đề con tin, tin rằng “có điều gì đó đang diễn ra dưới bề mặt” liên quan đến các con tin. Ông Meidan cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Politico rằng, việc tạm dừng nhân đạo mà ông Netanyahu đã đồng ý “có thể dẫn đến một số bước tích cực”.
Hơn một thập kỷ trước, ông Meidan đã tha gia đàm phán thỏa thuận nhằm phóng thích Gilad Shalit, một binh sĩ trẻ người Israel bị Hamas bắt giữ năm 2006, để đổi lấy 1.027 tù nhân Palestine. Ông được các nhà ngoại giao Mỹ và đặc phái viên con tin mới được bổ nhiệm của Netanyahu, Gal Hirsch, tham khảo ý kiến.
Ngày 11/11/2023, nhóm gồm 70 Đại sứ Liên hợp quốc tại Geneva đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động liên quan tới tình hình ở Dải Gaza. Ảnh: TTXVN phát
Ông Meidan khuyên Hirsch và người Mỹ không nên lãng phí thời gian để tung hứng các kênh liên lạc khác nhau và tập trung nỗ lực vào việc xác định những người hòa giải có thể tiếp cận những nhân vật ra quyết định quan trọng – cụ thể là các nhà lãnh đạo quân sự Hamas ở Gaza. Meidan cho hay ông đã nói với họ rằng “các nhà lãnh đạo chính trị bên ngoài Gaza ở Qatar không liên quan lắm”. Ông giải thích: Họ chỉ có thể đóng vai trò trung gian chuyển các thông điệp tới các nhà lãnh đạo quân sự của Hamas.
Tập trung vào những nhân vật chủ chốt
“Khi tôi dẫn dắt các cuộc đàm phán cách đây 12 năm, ngay từ đầu tôi đã không hiểu chính xác ai là người đóng vai trò chủ chốt. Cuối cùng, tôi mới hiểu rằng người chủ chốt lúc đó là Ahmed Jabari”, Meidan nói.
Jabari năm 2006 là chỉ huy cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Sau đó, ông ta bị giết vào năm 2012 trong một cuộc không kích có chủ đích của Israel.
Còn bây giờ Meidan cho rằng, Yehya Sinwar, lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza và là một trong những người sáng lập cánh quân sự của tổ chức này, là nhân vật chủ chốt – cùng với Mohammed Deif, người đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công khủng bố ngày 7/10 ở miền nam Israel, và Marwan Issa, phó chỉ huy quân đội của Hamas. “Là ba người đó” – ông nói.
Video đang HOT
“Người Mỹ đang tham gia sâu. Tôi có ấn tượng rằng phía Mỹ có mức độ tham gia rất cao và trực tiếp từ cấp cao”, ông Meidan nói. Nhưng vai trò của Mỹ có thể bị hạn chế và Washington không phải là nước thích hợp nhất để trở thành nhà đàm phán.
Ông nói: “Những gì họ có thể làm là gây áp lực lên người Ai Cập và người Qatar và khơi dậy cảm giác cấp bách”. Tuần trước, Giám đốc Mossad David Barnea và Giám đốc CIA William Burns đã có mặt tại Qatar để thảo luận cách thức giải thoát các con tin ở Gaza với Thủ tướng Qatar, theo các phương tiện truyền thông đưa tin.
Ông Meidan đánh giá cuộc đàm phán lần này sẽ khó khăn hơn những gì ông gặp phải hàng chục năm trước. Khi đó, ông chỉ trao đổi để lấy một người lính chứ không phải cho khoảng 240 người bị bắt, chủ yếu là dân thường; và ông không đàm phán trong bối cảnh một cuộc chiến tranh tổng lực.
Ngày 4/11/2023, hàng loạt các cuộc tuần hành đã diễn ra tại Anh, Pháp, Đức, Mỹ và nhiều nước khác nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza trong bối cảnh xung đột tại đây leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN
Đàm phán “phức tạp hơn”
Theo nhà cựu đàm phán Meidan, các tướng lĩnh Ai Cập đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận phóng thích Shalit. Ông cho rằng lần này, họ sẽ lại đóng vai trò then chốt – trong đó có một vị tướng từng dẫn dắt phái đoàn Ai Cập vào năm 2006.
“Bây giờ nó thậm chí còn phức tạp hơn”, ông Meidan nói. “Những gì bạn có bây giờ là người Israel và người Mỹ đang nói chuyện với người Qatar, những người sau đó đang chuyển thông điệp tới các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas ở Doha – là nhóm sẽ liên lạc về Gaza. Và bạn thấy người Ai Cập đang nói chuyện với các lãnh đạo Hamas ở Gaza. Người Israel soạn thảo các đề xuất và người Mỹ điều chỉnh chúng. Người Qatar và người Ai Cập đưa ra đề xuất. Phiên bản cuối cùng được gửi tới Gaza thông qua các nhà lãnh đạo Hamas ở Doha”, ông giải thích.
Binh sĩ Israel triển khai chiến dịch trên bộ chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Hamas có nhiều cách liên lạc khác nhau giữa các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, bao gồm cả việc sử dụng điện thoại di động, vốn rất dễ bị theo dõi. Ông Meidan cho biết: “Mỗi vòng thương lượng mất từ 2 đến 3 ngày” làm chậm quá trình và kéo dài thời gian thương lượng. Ông nói: “Việc này mất rất nhiều thời gian nhưng, vì Chúa, thời gian lại là điều cốt yếu”.
Ông Meidan cho biết cách tốt nhất để đạt được một thỏa thuận hiện nay là sử dụng các lệnh tạm dừng nhân đạo để thúc đẩy đường lối nhân đạo đối với Hamas và lập luận rằng họ nên đáp lại bằng cách phóng thích trẻ sơ sinh, trẻ em, người già và người ốm yếu bị giam cầm. “Dù điều đó rất khó khăn”, ông thừa nhận.
Áp lực chính trị trong nước với Israel
Chuyên gia Meidan nhận xét: Gia đình các con tin ngày càng mất kiên nhẫn và tuyệt vọng hơn. Cho đến nay hầu hết họ đều trì hoãn việc kêu gọi ngừng bắn và trông cậy chính phủ xác định những cách tốt nhất để đưa người thân của họ trở về.
Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi. “Mỗi ngày trôi qua, càng có nhiều người nói với tôi rằng nên có lệnh ngừng bắn để cứu càng nhiều con tin càng tốt”, ông Meidan nói.
Các chính trị gia đối lập cho biết, nếu các gia đình con tin bắt đầu kêu gọi ngừng bắn, điều đó có thể thay đổi đáng kể nền chính trị trong nước của Israel, gây áp lực lên ông Netanyahu.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert nhận định: “Khi đàm phán thả Gilad Shalit, chúng tôi vẫn đối đầu với Hamas và tiêu diệt những kẻ khủng bố và họ không bao giờ làm hại anh ấy vì họ hiểu anh ấy là một tài sản và một con bài thương lượng mà họ không muốn đánh mất. Họ bảo vệ tài sản”. Tuy nhiên, ông và các chính trị gia khác thừa nhận rằng nếu gia đình các con tin kêu gọi ngừng bắn, điều đó sẽ làm xáo trộn nền chính trị trong nước của Israel.
Israel tuyên bố chiếm được các vị trí chủ chốt của Hamas ở thủ phủ Gaza
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã chiếm được các vị trí chủ chốt của Hamas ở thành phố Gaza, tiêu diệt 150 thành viên nhóm chiến binh Palestine này.
Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, trong ảnh công bố ngày 10/11/2023. Ảnh: IDF
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết quân đội nước này đã chiếm được các tiền đồn quan trọng của Hamas ở thành phố Gaza, thủ phủ của dải đất, trong ngày 10/11, tiêu diệt khoảng 150 thành viên Hamas. Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh thành phố Gaza giữa quân đội và các tay súng Palestine.
IDF cho biết, trong những ngày gần đây, Lữ đoàn Thiết giáp 401 của họ đã dẫn đầu một cuộc tấn công vào cái gọi là tiền đồn Bader - căn cứ chính của Tiểu đoàn Trại tị nạn Al-Shati của Hamas - nằm liền kề với các ngôi nhà dân sự.
Quân đội Israel nói rằng trong cuộc đột kích vào đồn Bader, họ đã phá hủy trụ sở quân sự và các địa điểm phóng tên lửa. Ngoài ra, IDF cho biết Lữ đoàn 401 đã chiếm được một đồn khác của Hamas trong khu vực và phá hủy một nhà máy sản xuất vũ khí, các vị trí phóng tên lửa và đường hầm.
Trong một cuộc đột kích khác, IDF thông báo Lữ đoàn đã chiến đấu với các tay súng Hamas tại khách sản nghỉ dưỡng Blue Beach Resort trên bờ biển thành phố Gaza. Khoảng 30 thành viên Hamas ẩn náu tại khách sạn, bắn tên lửa chống tăng vào lực lượng Israel. IDF cho biết: "Sau khi bị bắt, người ta tiết lộ rằng những kẻ khủng bố đã sử dụng các phòng khách sạn làm nơi trú ẩn cũng như lên kế hoạch tấn công trên và dưới mặt đất".
Bệnh nhân và những người di tản tại bệnh viện Al-Shifa ở Thành phố Gaza vào ngày 10/11/2023. Ảnh: AFP
Diễn biến trên xảy ra khi giao tranh ác liệt được ghi nhận ở khu vực lân cận Bệnh viện Shifa, nơi Israel tin rằng ẩn chứa trụ sở chính của Hamas. Các báo cáo của người Palestine cho rằng lực lượng đặc biệt của Israel đang hoạt động trong khu vực và lực lượng thiết giáp đang áp sát.
Hãng tin AP cho biết hàng nghìn người Palestine đang chạy trốn khỏi khu vực xung quanh Shifa và tham gia vào cuộc di cư ngày càng đông đảo về phía nam dải đất. Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng nhà chức trách bệnh viện đã bắt đầu sơ tán trung tâm y tế theo lệnh của IDF.
Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas điều hành, khoảng 50.000 đến 60.000 người trước đây đã trú ẩn trong và xung quanh khuôn viên bệnh viện Shifa, nơi cũng đang cứu chữa 2.500 bệnh nhân.
Vào tối 10/11 (theo giờ địa phương), quân đội khẳng định rằng vụ nổ mà các quan chức y tế Gaza cho biết đã giết chết 13 người tại khu bệnh viện Shifa trước đó trong ngày là do các tay súng Palestine gây ra. Tuy nhiên, Hamas đổ lỗi vụ việc cho cuộc tấn công của Israel.
Người phát ngôn tiếng Arab của IDF, Avichay Adraee, cho biết vụ nổ là do một tên lửa phóng nhằm về phía lực lượng Israel hoạt động gần bệnh viện, nhưng đã bắn trượt và đánh trúng trung tâm y tế.
Trong khi đó, báo cáo của phía Palestine cho biết một vụ nổ khác tại trường Al-Buraq ở thành phố Gaza đã giết chết 50 người, trong đó có cháu gái của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Israel chưa bình luận về vụ nổ này và báo cáo đó không thể được xác minh. Theo tờ Times of Israel, các trường học ở Gaza hiện không hoạt động và không rõ những ai ở trong khu nhà.
Những người lính Israel tham gia chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, trong ảnh công bố ngày 10/11/2023. Ảnh: IDF
IDF sẽ chiến đấu trong 1 năm, nhưng không tái chiếm Gaza
Kênh 12 của Israel đưa tin ngày 10/11 rằng IDF dự kiến sẽ chiến đấu ở Gaza trong một năm. Kênh này dẫn báo cáo cho biết các chỉ huy quân sự được thông báo rằng không có áp lực nào phải vội vàng và IDF đang chuẩn bị cho một năm chiến đấu "để đi đến giai đoạn thứ tư của cuộc chiến này là: Sự thành lập của một chính phủ mới ở Gaza không phải của Hamas và không được người Iran hậu thuẫn".
Mặc dù hỏa lực tên lửa từ Gaza đã giảm đi đáng kể trong suốt cuộc chiến, nhưng vào chiều 10/11, một quả tên lửa đã được bắn vào miền trung Israel từ Gaza. Hai người bị thương do mảnh tên lửa rơi sau vụ đánh chặn của hệ thống Vòm Sắt ở Tel Aviv.
Quân đội Israel cũng cho biết họ đã tấn công khoảng 15.000 mục tiêu thuộc các nhóm chiến binh ở Dải Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 7/10, đồng thời thu giữ và phá hủy khoảng 6.000 vũ khí, bao gồm súng cầm tay, rocket, tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, thiết bị nổ và đạn dược.
Theo IDF, các lực lượng mặt đất, không quân và hải quân tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hamas trên khắp Dải Gaza, bao gồm các trung tâm chỉ huy, bệ phóng tên lửa, kho vũ khí, đường hầm và cơ sở hạ tầng khác được nhóm này sử dụng.
Cùng ngày 10/11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố IDF sẽ vẫn kiểm soát Dải Gaza sau khi chiến tranh kết thúc và sẽ không dựa vào các lực lượng quốc tế để giám sát an ninh dọc biên giới.
Ông Netanyahu đưa ra bình luận này trong cuộc gặp tại Tel Aviv với thị trưởng các thị trấn giáp biên giới Gaza. Chính phủ Israel hiện vẫn chưa rõ ràng về kịch bản cho Gaza sau chiến tranh. Chỉ vài giờ trước đó, ông Netanyahu nói với đài Fox News rằng Israel không muốn tái chiếm hoặc cai trị Dải Gaza.
Trước đó, vào đầu tuần này, ông Netanyahu nói với kênh ABC News rằng Israel sẽ chịu "trách nhiệm an ninh tổng thể" đối với Dải Gaza "trong một thời gian không xác định" sau khi cuộc chiến chống lại Hamas kết thúc.
Trong khi đó, ngày 10/11 Cơ quan Y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết hơn 11.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7/10 với các cuộc tấn công chết chóc của Hamas vào miền nam Israel. Các số liệu này không thể được xác minh độc lập và được cho là bao gồm cả các chiến binh Palestine bị IDF tiêu diệt.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hôm 10/11 rằng hệ thống y tế ở Gaza đang "suy sụp", lưu ý rằng một nửa trong số 36 bệnh viện trên vùng lãnh thổ này không còn hoạt động.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, ông Ghebreyesus mô tả tình hình thực tế: "Các hành lang bệnh viện chen chúc những người bị thương, người bệnh, người hấp hối; nhà xác tràn ngập; phẫu thuật không gây mê; hàng chục nghìn người di tản đang trú ẩn tại bệnh viện."
Những con số cho thấy Dải Gaza là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với trẻ em Trong 3 tuần đầu tiên xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, số trẻ em thiệt mạng ở đây đã nhiều hơn số trẻ em thiệt mạng mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2022 trên toàn thế giới. Cứ mỗi tiếng lại có 5 trẻ em rời bỏ cuộc sống. Số liệu về thương vong trẻ em ở...