Những con số cho thấy Dải Gaza là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với trẻ em
Trong 3 tuần đầu tiên xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, số trẻ em thiệt mạng ở đây đã nhiều hơn số trẻ em thiệt mạng mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2022 trên toàn thế giới.
Cứ mỗi tiếng lại có 5 trẻ em rời bỏ cuộc sống.
Số liệu về thương vong trẻ em ở Gaza
Một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 9/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, xung đột giữa Israel và Palestine vẫn tiếp diễn từ ngày 7/10 và khiến ngày càng nhiều trẻ em tử vong. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 130 trẻ em ở Gaza thiệt mạng do xung đột.
Một nửa dân số 2,3 triệu người của Gaza là trẻ em và số trẻ em thiệt mạng trong ba tuần đầu tiên đã vượt mức trung bình toàn cầu về số trẻ em thiệt mạng mỗi năm trong ba năm qua.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 40% trong số 7.028 người Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ ngày 7/10 là trẻ em.
Video đang HOT
Dữ liệu từ tổ chức Save The Children (Anh) dựa trên số liệu của cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát, trên 3.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Palestine trong ba tuần đầu tiên. Còn tính tới ngày 6/11, theo Văn phòng Điều phối Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ít nhất 4.104 trẻ em đã thiệt mạng ở Dải Gaza.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Xung đột vũ trang và Trẻ em, có 2.985 trẻ em chết ở 24 quốc gia trong các cuộc xung đột vào năm 2022; 2.515 trẻ em đã thiệt mạng vào năm 2021 và 2.674 trẻ em đã thiệt mạng vào năm 2020. Báo cáo về số trẻ em thiệt mạng năm 2019 không cung cấp thông tin về số lượng quốc gia nhưng cho biết có 4.019 trẻ em đã chết trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.
Cơ quan Y tế Palestine đã công bố một báo cáo dài 212 trang về số người chết ở Gaza do các cuộc tấn công của Israel từ ngày 7 đến ngày 26/10 và phát hiện 2.913 trong số 7.028 người thiệt mạng là trẻ em.
Trong các cuộc tấn công của Israel, 133 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và 444 trẻ dưới 3 tuổi đã thiệt mạng.
Trong các vụ đánh bom, 171 trẻ em 3 tuổi, 1.527 học sinh tiểu học (4 – 13 tuổi) và 523 học sinh trung học (14 – 17) đã thiệt mạng.
Phần lớn người bị thương ở Gaza cũng là trẻ em. WHO đã công bố rằng một phần đáng kể trong số 18.482 người bị thương ở Palestine kể từ ngày 7/10 là trẻ em.
Theo thông tin của kênh CNN dựa trên nguồn tin là các quan chức Israel, trên 1.400 người Israel đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10, trong đó có 30 trẻ em.
“Nghĩa địa trẻ em”
Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 30/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Gaza đang biến thành nghĩa địa trẻ em. Người phát ngôn UNICEF James Elder bày tỏ lo ngại về cái chết của trẻ em ở Gaza dưới các cuộc tấn công nặng nề của Israel. Ông nhấn mạnh rằng trẻ em đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc xung đột. Ông nói: “Chúng tôi lo ngại về số trẻ em tử vong ngày càng tăng ở Gaza. Gaza đang biến thành nghĩa địa trẻ em”.
Ông Elder nhắc lại yêu cầu của UNICEF về lệnh ngừng bắn khẩn cấp và cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho Gaza. Ông nói thêm: “Trẻ em ở Gaza không chỉ chết vì các vụ đánh bom mà còn chết vì thiếu chăm sóc y tế cần thiết”.
Bản thân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 6/11 cũng cảnh báo rằng Dải Gaza đang trở thành “nghĩa địa trẻ em”. Ông cho biết việc bảo vệ dân thường phải là điều tối quan trọng trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas. Phát biểu với báo chí, ông Guterres nói: “Các hoạt động trên bộ của Lực lượng Phòng vệ Israel và các cuộc bắn phá liên tục đang tấn công dân thường, bệnh viện, trại tị nạn, nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ và các cơ sở của Liên hợp quốc – bao gồm cả các nơi trú ẩn. Không ai được an toàn”. Trong khi đó, theo ông Guterres, Hamas và các tay súng khác sử dụng dân thường làm lá chắn sống và tiếp tục phóng tên lửa bừa bãi về phía Israel.
Cùng ngày, Giáo hoàng Francis cho rằng các cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, Ukraine và các nơi khác trên thế giới đang hủy hoại tương lai của trẻ em sống ở các quốc gia đó. Phát biểu về cuộc xung đột Israel -Hamas, Giáo hoàng đã yêu cầu thế giới nghĩ đến những trẻ em đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh và lưu ý rằng có nhiều trẻ em nằm trong số các con tin bị Hamas bắt trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 30/10 cho biết trong số trên 2040 con tin đang bị giam giữ ở Gaza có 33 trẻ em.
Trước đó, ngày 1/11, Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã kêu gọi bảo vệ trẻ em, cũng như bày tỏ phẫn nộ trước nỗi đau khổ của trẻ em trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Thông báo của ủy ban trên nhấn mạnh: “Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với trẻ em đang gia tăng ở Dải Gaza và không có người chiến thắng trong cuộc chiến đã khiến hàng nghìn trẻ em thiệt mạng”.
Theo thông báo, ủy ban này bày tỏ quan ngại sâu sắc khi trẻ em tiếp tục bị giam giữ làm con tin. Thông báo nêu rõ: “Ủy ban kêu gọi chấm dứt tác hại tàn khốc đang gây ra cho cuộc sống của trẻ em ở Trung Đông. Chúng tôi thêm tiếng nói của mình vào những lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức các con tin trẻ em, cùng với những người chăm sóc các em, coi đây là một biện pháp khẩn cấp đầu tiên hướng tới việc thả tất cả các con tin”.
Ủy ban này cho rằng xung đột vũ trang gây tổn hại cho trẻ em, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất, tinh thần, sự phát triển của trẻ, đồng thời khẳng định các em cần phải được hưởng mọi quyền lợi. Vì vậy, các bên phải bảo vệ tất cả trẻ em, cung cấp cho các em sự hỗ trợ cần thiết về y tế và tâm lý.
EC đề xuất 5 nguyên tắc định hướng tương lai của Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 6/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản để định hướng tương lai của Dải Gaza sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas kết thúc.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza, ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Các nguyên tắc, được gắn với triển vọng giải pháp hai nhà nước, bao gồm việc chấm dứt sự kiểm soát của Hamas đối với dải đất hơn 2,4 triệu dân này và dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do Israel và Ai Cập áp đặt kể từ năm 2007. Năm nguyên tắc đối với Dải Gaza do Chủ tịch von der Leyen đề xuất gồm: Không có nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố; Không có chính phủ do Hamas lãnh đạo; Không có sự hiện diện an ninh lâu dài của Israel; Không có sự cưỡng bức di dời đối với người Palestine; Không có sự phong tỏa kéo dài. Tuy vậy, bà von der Leyen thừa nhận rằng tất cả những điều này có vẻ quá tham vọng khi xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt. Cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hết sức để duy trì hy vọng, để tìm ra giải pháp lâu dài dựa trên nguyên tắc hai nhà nước, cùng chung sống trong hòa bình và an ninh.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu dẫn phát biểu ngày 6/11 của Thủ tướng Áo Karl Nehammer nhấn mạnh khuôn khổ giải pháp hai nhà nước sẽ mang đến triển vọng giải quyết lâu dài vấn đề Israel-Palestine. Phát biểu trong cuộc thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Áo khẳng định cuộc xung đột Hamas-Israel cần phải chấm dứt để tránh làm trầm trọng hơn tình hình tại Dải Gaza. Ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập nhưng đồng thời phải đảm bảo rằng hàng viện trợ đến tay dân thường chứ không phải Hamas. Nhà lãnh đạo Áo cũng kêu gọi hỗ trợ để giải thoát các con tin bị Hamas bắt giữ, trong đó có 1 công dân Áo.
Theo ông Nehammer, nhiều cuộc đàm phán nhằm tìm cách giải thoát các con tin hiện đang diễn ra trên tất cả các kênh chính trị-ngoại giao và Áo sẽ tiếp tục nỗ lực vì vấn đề này.
Mỹ phát hiện Hamas định đưa chiến binh khỏi Dải Gaza bằng xe sơ tán Hamas đã cố gắng đưa các chiến binh ra khỏi Dải Gaza trên xe cứu thương vốn dùng để sơ tán hàng chục người Palestine bị thương đến Ai Cập hồi đầu tuần. Theo tờ Times of Israel, Hamas đã lập danh sách những người bị thương nặng mà họ muốn sơ tán khỏi Dải Gaza để điều trị ở Ai Cập, cùng...