Indonesia trước hiểm họa đường lưỡi bò
Những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông gần đây khiến Indonesia cấp tập chuẩn bị lực lượng đối phó trước viễn cảnh chiếc lưỡi bò “liếm” sâu xuống phía nam.
Các chiến đấu cơ của không quân Indonesia – Ảnh: The Aviationist
Những phát biểu đầy quan ngại của các tướng lĩnh, kèm theo các kế hoạch xây dựng cơ sở quốc phòng tại những khu vực trọng yếu quanh biển Đông của Jakarta gần đây cho thấy “Indonesia không còn là một bên trung lập trước tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Bắc Kinh nữa”, tân Đại sứ EU tại Singapore Michael Pulch nhận xét. Tại buổi thảo luận về an ninh châu Á do Quỹ báo chí châu Á tổ chức hồi đầu tháng này, ông Pulch nói rằng trước đây người ta chỉ nghe tranh chấp biển Đông liên quan Trung Quốc với 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Nay, Indonesia có vẻ trở nên “một nhân tố mới” trong vấn đề biển Đông và liệu sự dính dáng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này có làm thay đổi cục diện tranh chấp hay không, ông Pulch đặt câu hỏi.
Né tránh đối đầu
Giải thích về trường hợp của Indonesia, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia về biển Đông từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết: Đường 9 đoạn của Trung Quốc, vốn xuất hiện từ thập niên 1950, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia do đảo Natuna nằm ở phía nam biển Đông của nước này tạo nên. Khi Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) bắt đầu có hiệu lực vào năm 1992, vấn đề về các vùng biển chồng lấn thực sự trở nên căng thẳng. Năm 1993, Ngoại trưởng Indonesia khi ấy là Ali Alatas yêu cầu Bắc Kinh làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực gần đảo Natuna. Hai năm sau đó, Bắc kinh mới trả lời rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với đảo Natuna, nhưng biên giới trên biển giữa hai nước cần phải được phân định. “Phản ứng của Jakarta khi đó là: Không có tranh chấp gì giữa hai quốc gia cả vì đường 9 đoạn không phù hợp với công pháp quốc tế. Biên giới của Trung Quốc nằm tít xa trên phía bắc, không thể liếm đến tận Natuna”, ông Storey nói.
Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh khu vực từ Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét: “Trung Quốc luôn mập mờ trong vấn đề này. Họ luôn nói với Indonesia rằng: Đừng lo, các anh là một người bạn của chúng tôi”. Nhưng năm 2009, khi Trung Quốc chính thức nộp lên LHQ hồ sơ chủ quyền đường 9 đoạn, Indonesia đã phản đối mạnh mẽ. Vào thời điểm đó, Jakarta đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn cả trên bộ, trên biển lẫn trên không nhằm khẳng định chủ quyền ở quần đảo Natuna, nơi có trữ lượng dầu khí cao và có những giàn khoan lớn của Indonesia đang hoạt động.
Ông Thayer cho biết thêm: “Từ năm 2009, các tàu chấp pháp dân sự của Indonesia đã va chạm rất nhiều lần với các tàu bán vũ trang, như tàu của Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, Jakarta chọn cách lặng lẽ không để thông tin các va chạm này đến tai công chúng”. Điển hình của các va chạm là việc tàu của Bắc Kinh can thiệp khi các tàu tuần tra của Jakarta bắt ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này. “Tàu Trung Quốc thậm chí đã chĩa súng vào tàu Indonesia và buộc họ phải thả ngư dân. Và Indonesia đã làm theo”, ông Thayer cho hay.
Nguy cơ hiển hiện
“Tương tự Malaysia, Indonesia ngần ngại trong việc phản ứng với các thách thức của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền và quyền tài phán trên biển của mình. Nhưng cho đến nay, những báo cáo không được công khai về các vụ va chạm trên biển với Trung Quốc cho thấy cách tiếp cận nhẹ nhàng của Jakarta đã không làm giảm bớt các vụ đối đầu do Bắc Kinh khởi sự”, ông Thayer cho hay.
Video đang HOT
Mặt khác, cũng theo ông Thayer, Trung Quốc cũng đang tiến hành các hành động xâm lấn để hiện thực hóa tuyên bố đường lưỡi bò. Chẳng hạn, họ đã và đang chiếm lấy các bãi đá ngầm trong vùng biển của Philippines và tuyên bố đó là lãnh thổ Trung Quốc. Hay hồi năm ngoái và đầu năm nay, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến xuống tận bãi James ở phía đông Malaysia để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là lãnh thổ ở cực nam biển Đông. “Jakarta đang lo sợ nguy cơ Bắc Kinh cũng sẽ làm điều đó với vùng biển Natuna của mình”, ông Thayer nhận định.
Mặc dù hiện tại, “Trung Quốc đang tập trung tấn công Philippines và Việt Nam, nhưng logic trong các hành động của Trung Quốc chỉ ra một kế hoạch lâu dài, đó là cứng rắn với tuyên bố chủ quyền của mình và thực thi kiểm soát tất cả các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”. Và điều đó sớm muộn gì cũng tạo ra tranh chấp pháp lý giữa Bắc Kinh và Jakarta. Tình thế sẽ trở nên căng thẳng đặc biệt nếu Trung Quốc cũng giở trò với Indonesia như đang làm với Việt Nam, đó là đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia để hút lấy dầu mỏ, ông Thayer dự báo.
Chuẩn bị đối phó
Nhận thấy các nguy cơ này, bắt đầu từ năm nay, quân đội Indonesia đã trở nên chủ động lên tiếng về việc bảo vệ chủ quyền quanh đảo Natuna. Một loạt các dự án hiện đại hóa căn cứ không quân và hải quân được triển khai, trong khi các chiến hạm và chiến đấu cơ hiện đại cũng được chuyển về những cơ sở này.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, hồi cuối tháng 2.2014 khi thông báo tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Natuna đã phát biểu: “Do Natuna nằm ở vị trí chiến lược, nên tăng cường lực lượng trên biển, trên bộ lẫn trên không quanh quần đảo này là cần thiết để lường trước bất kỳ bất ổn nào trên biển Đông và có tác dụng như một hệ thống cảnh báo sớm cho Indonesia và quân đội”. Điều đáng nói là phát biểu này được đưa ra ngay sau khi ông trở về từ chuyến thăm Trung Quốc với cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Hồi cuối tháng 3.2014, phát biểu trước báo chí về cuộc tập trận hải quân Komodo ở vùng biển quanh tỉnh Riau bao gồm đảo Natuna với 17 nước tham gia gồm các quốc gia ASEAN và các đối tác của khối, chuẩn đô đốc Amarullah Octavian, chủ nhiệm cuộc tập trận chung, đã không ngần ngại nói thẳng: “Cuộc tập trận này tập trung vào năng lực cứu trợ thảm họa, nhưng chúng tôi cũng lưu ý về lập trường hung hăng của chính phủ Trung Quốc thể hiện qua việc xâm nhập vùng biển Natuna”.
Nâng cấp trang thiết bị bảo vệ nam biển Đông Indonesia đang mua 3 tàu ngầm Type-209 của Hàn Quốc và 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, cùng 8 trực thăng AH-64E Apache của Mỹ. Jakarta cho biết sẽ điều 4 trong số 8 chiếc Apache ra căn cứ Natuna. Bên cạnh đó, nước này cũng vừa hoàn thành nâng cấp đáng kể căn cứ không quân Ranai trên đảo Riau với hệ thống radar phức hợp, đường băng và đèn chiếu. Jakarta đang có kế hoạch nâng cấp đường băng và xây nhà chứa chiến đấu cơ Su-27SK, Su-30MK và máy bay chiến đấu F-16 ở đây. Từ Ranai, các chiến đấu cơ có thể nhanh chóng gia nhập phi đội Apache ở Natura khi cần thiết. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono gọi đây là một phần trong chiến lược phát triển một “lực lượng cơ yếu tối thiểu” nhằm đối phó với “những nguy cơ chiến lược” ở biển Đông.
Theo TNO
Tôn trọng luật pháp trên biển Đông
Trong Tuyên bố Naypyitaw ngày 11.5, các lãnh đạo ASEAN đồng lòng kêu gọi đối tượng đang gây căng thẳng trên biển Đông tôn trọng pháp luật và dừng các hành động leo thang.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại thủ đô Naypyitaw (Myanmar) - Ảnh: TTXVN
Các lãnh đạo ASEAN đồng ý tăng cường hợp tác đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC - Ảnh: Reuters
Tuyên bố được đưa ra tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar sau khi lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN kết thúc các cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 24. Bản "Tuyên bố về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015" đưa ra 28 điều cam kết đóng vai trò như chương trình hành động cho tương lai hòa bình và thịnh vượng lâu dài của khối, không chỉ đến thời điểm 2015. Trong đó, an ninh khu vực, đặc biệt là tại biển Đông, được đề cập đậm nét. "Các lãnh đạo ASEAN đồng ý tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển 1982".
Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Giữa lúc biển Đông "đang sôi sục" - như nhìn nhận của Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam - vì hành động ngang ngược và khiêu khích của Trung Quốc tại vùng đảo Tri Tôn của Việt Nam, bản tuyên bố "đặc biệt kêu gọi tất cả các bên thực hành kiềm chế và không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng thêm căng thẳng và sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về biển Đông".
Nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết chiều qua, khi thông báo về kết quả hội nghị với các cơ quan báo chí của nước mình có mặt tại Naypyitaw, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III thuật rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo rõ với hội nghị về những "hành động cực kỳ nguy hiểm" trên biển Đông. "Thủ tướng Việt Nam đã mô tả tình hình bằng những con số cụ thể". "Có một sự đồng thuận giữa các ngoại trưởng và tiếp theo là các lãnh đạo ASEAN về vấn đề biển Đông... Mọi người đều nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực...", ông Aquino III cho biết.
Kêu gọi phản đối
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu chi tiết vụ việc: "Từ ngày 1.5.2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương".
Thủ tướng Nguyễn TấnDũng hội đàm với các tổng thống của Myanmar và Indonesia Bên lề hội nghị, hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gặp song phương với Tổng thống Myanmar Thein Sein trước khi các phiên họp thượng đỉnh bắt đầu. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí phối hợp cùng các nước ASEAN khác thúc đẩy đoàn kết, xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và cùng có tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Ngoài ra, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono thể hiện sự sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam và các bên liên quan tìm những giải pháp phù hợp cho vấn đề biển.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm việc này với một nước trong ASEAN. Và đó là "sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết", Thủ tướng lên án. "Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông", ông nói thêm.
Khẳng định lập trường nhất quán và những đề xuất hết sức xây dựng của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn". Ông cũng nói rõ: "Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới".
Tuy nhiên, trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, ông khẳng định mạnh mẽ: "Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế".
Và để tìm tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam". Riêng trong nội khối, "Việt Nam đề nghị ASEAN khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, phải đặc biệt tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và cùng ASEAN thương lượng thực chất về COC. Theo đó, Việt Nam đề nghị đưa các nội dung nêu trên về vấn đề biển Đông vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần này".
Đoàn kết là sức mạnh
Tuyên bố Naypyitaw, và trước đó là Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình biển Đông hiện nay, thể hiện một sự đồng thuận trong ASEAN như phương châm "Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng" của hội nghị lần này.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Thein Sein của nước chủ nhà trong diễn văn khai mạc hội nghị của các lãnh đạo sáng 11.5 đã dẫn câu thành ngữ "Đoàn kết là sức mạnh". Thông điệp này trở nên vô cùng phù hợp với tình hình hiện nay trên biển Đông, là đòi hỏi các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết để có các biện pháp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, cũng như phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Trên tinh thần đó, các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua bản tuyên bố riêng ngày 10.5 của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình biển Đông hiện nay. "Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định với báo chí về kết quả quan trọng của Thượng đỉnh thứ 24.
"Có thể thấy, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập niên (kể từ 1995), ASEAN có được một tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông", ông nói thêm. Còn Tổng thống Aquino thì bác bỏ một số nhận định cho rằng các bản tuyên còn thiếu khi chưa đề cập rõ tên "các bên liên quan". "Tôi không thấy có điều gì bị thiếu trong phần về biển Đông của Tuyên bố Naypyitaw", ông nói.
Theo TNO
ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông Tuyên bố được đưa ra bởi các ngoại trưởng ASEAN trưa 10.5 tại Myanmar "là sự ủng hộ đối với Việt Nam" trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông. Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp hình lưu niệm tại AMM - Ảnh: Thục Minh Các ngoại trưởng ASEAN hôm qua đã họp 3 cuộc quan trọng gồm họp...