Indonesia mua máy bay ‘Thần Sấm’ của Trung Quốc?
Pakistan lại đề nghị cung cấp cho Indonesia các tiêm kích đa năng hạng nhẹ JF-17 Thunder (Trung Quốc gọi là FC-1).
Tiêm kích này do tập đoàn xuất-nhập khẩu hàng không CATIC (Trung Quốc) và Pakistan Aeronautical Complex (, Pakistan) hợp tác phát triển.
Theo hãng Antara, các quan chức Bộ Quốc phòng Indonesia, trong đó có Tư lệnh Không quân Indonesia, tướng Imam Sufaat mới đây đã thăm Pakistan và tìm hiểu cơ sở sản xuất máy bay này. Dự kiến, xưởng lắp ráp cuối cùng JF-17 cũng sẽ được giới thiệu với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro trong chuyến thăm Pakistan.
Nếu ký được hợp đồng mua bán JF-17, hợp đồng sẽ bao gồm việc chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất máy bay theo giấy phép tại Indonesia trên cơ sở hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng ký năm 2010.
Video đang HOT
JF-17 Thunder.
Văn kiện này trù tính khả năng hợp tác sản xuất các loại vũ khí Pakistan, một số trong đó do Trung Quốc phát triển.
Tháng 2/2012, hãng Jane’s cho hay, Trung Quốc và Pakistan dự định xuất khẩu đến 300 chiếc JF-17 trong vòng 5 năm tới sang các thị trường châu Phi, châu Á và Cận Đông. Theo ý đồ của các nhà thiết kế, JF-17 phải cạnh tranh được với F-16 của Mỹ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Jane’s, Indonesia sẽ khó lòng chấp nhận đề xuất bán JF-17 của Pakistan, mặc dù mức độ hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương đang gia tăng.
Jakarta có thể coi hợp đồng mua JF-17 là cực kỳ rủi ro vì những vấn đề tồn tại với Trung Quốc liên quan đến các hòn đảo tranh chấp.
Ngoài ra, Indonesia hiện đang tiến hành mấy chương trình mua tiêm kích. Tháng 1/2012, họ đã đặt mua thêm 6 tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Nga và đang đàm phán mua đến 24 chiếc F-16 đã qua sử dụng. Ngoài ra, họ còn đang cùng Hàn Quốc thực hiện dự án chế tạo tiêm kích thế hệ mới KF-X.
Theo Phunutoday
Trung Quốc sẽ bàn giao 50 "thần sấm" JF-17 cho Pakistan
Hôm nay (20/5), một nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã đồng ý tiến hành bàn giao 50 máy bay chiến đấu cho Pakistan, trong khi Islamabad đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Bắc Kinh nhằm thay thế mối quan hệ đồng minh đang ngày càng mong manh với Mỹ.
Mối quan hệ đồng minh Pakistan - Mỹ đã trở nên căng thẳng kể từ khi lực lượng quân sự Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt cố thủ lĩnh al-Qaeda, Osama Bin Laden, tại một thị trấn đồn trú gần Islamabad.
Thực tế là Bin Laden đã được tìm thấy tại Abbottabad và đã sống ở đó trong nhiều năm, điều khiến cho nhiều người Mỹ yêu cầu chính phủ xem xét lại nguồn viện trợ dân sự và quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Pakistan.
Máy bay "Thần Sấm" JF-17
Trong bối cảnh mối quan hệ với Washington đi xuống trầm trọng, Thủ tướng Pakistan Yusuf Reza Gilani đã có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc, quốc gia được miêu tả như "một người bạn tốt" và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong tình thế lúc này.
Tờ Wall Street đã trích lời một phát ngôn viên cao cấp của lực lượng Không quân Pakistan rằng, tại Bắc Kinh, ngoài thảo luận về hợp tác phát triển máy bay JF-17, ông Gilani sẽ đề xuất thêm một loạt các loại máy bay tương tự mà hiện đang được lắp ráp tại Pakistan.
"Chúng tôi sẽ nhận 50 máy bay phản lực. Thỏa thuận đã được thống nhất tại Bắc Kinh, do đó, họ sẽ nhanh chóng giải quyết", phát ngôn viên này cho biết.
Tuy nhiên, không có thông tin xác nhận trực tiếp về thỏa thuận của các quan chức Trung Quốc hoặc Pakistan. Chương trình "Thần Sấm" JF-17 bắt đầu từ năm 1999 nhằm giảm sự phụ thuộc của Pakistan vào các nhà cung cấp phương Tây trong lĩnh vực máy bay chiến đấu tiên tiến.
Máy bay phản lực chiến đấu JF-17 có động cơ đơn và đa chức năng, trị giá ước tính khoảng 15 triệu USD. Lực lượng Không quân Pakistan đã đề xuất đặt 150 "Thần Sấm" và có thể tăng lên 250 chiếc.
Trong tháng 2/2010, Pakistan đã thử nghiệm phi đội JF-17 lần đầu tiên với sự tham gia của 14 máy bay.
Thủ tướng Pakistan Yusuf Reza Gilani (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh hôm 18/5
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan phản ánh sự thận trọng lâu đời với quốc gia láng giềng Ấn Độ, và nhằm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Hôm thứ Tư (18/5), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định với ông Gilani về mối quan hệ "bạn bè" trong bất cứ tình huống nào của Trung Quốc và ca ngợi Pakistan đã đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều được cho là tương phản với những lời chỉ trích gay gắt của các đại biểu Quốc hội Mỹ khi Pakistan không phát hiện ra nơi trú ẩn của Bin Laden trong suốt một thời gian dài, và bóng gió rằng lực lượng quân đội hùng mạnh của nước này đã cố tình che giấu cho cố thủ lĩnh al-Qaeda.
Về phần mình, Pakistan đã tỏ ra giận dữ cho rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền của nước này khi bí mật dàn dựng cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố.
Được biết, ông Gilani sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào cuối ngày hôm nay.
Theo VTC