IMB: Đa số vụ cướp biển trong năm 2014 xảy ra tại châu Á
Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn số liệu từ báo cáo mới nhất do Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) công bố ngày 14/1 cho biết trong năm 2014 đã diễn ra tổng cộng 245 vụ cướp biển và âm mưu cướp biển trên toàn thế giới, trong đó 183 vụ xảy ra tại các vùng biển châu Á.
Các đối tượng cướp tàu chở dầu sau khi bị bắt giữ (ảnh: AFP/TTXVN)
Riêng Đông Nam Á phải chứng kiến 141 vụ tấn công trong năm 2014, so với 126 vụ trong năm 2013, phần lớn tập trung ở vùng biển của Indonesia.
IMB đặc biệt nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công vào các con tàu chở dầu loại nhỏ ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á đã tăng mạnh trong năm 2014.
Giám đốc IMB Pottengal Mukundan cho hay: “Sự gia tăng số vụ cướp tàu trên phạm vi toàn cầu là do sự gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu chạy dọc theo bờ biển ở khu vực Đông Nam Á. Bọn hải tặc có vũ trang đã tấn công các tàu chở dầu nhỏ để cướp hàng hóa, trong đó nhiều băng cướp chủ trương cướp dầu khí để bán.”
Đông Nam Á là nơi có các tuyến đường biển quan trọng, với khoảng một nửa lượng hàng hóa của thế giới và một phần ba nguồn cung dầu mỏ của thế giới đi qua. Mặc dù các quốc gia có biển trong khu vực đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực tăng cường hợp tác nhằm trấn áp nạn cướp biển trong khu vực, nhưng số vụ cướp biển vẫn không ngừng tăng lên.
Video đang HOT
Các vùng biển của châu Á đang trở thành các điểm nóng, tuy nhiên, các con số được ghi nhận trong năm 2014 cho thấy số vụ cướp biển trên toàn cầu đã giảm 44% so với đỉnh điểm vào năm 2011 – thời điểm hải tặc Somalia hoành hành dữ dội – và là mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Ngoài ra, IMB cũng ghi nhận mức độ bạo lực ngày càng gia tăng trong các vụ cướp biển. Năm ngoái, bọn hải tặc đã sát hại 4 thủy thủ, làm bị thương 13 người và bắt cóc 9 người./.
Theo TTXVN/Vietnam
Hải tặc hoành hành vùng biển Đông Nam Á
Thời gian gần đây hải tặc đã tiến hành hàng loạt những vụ tấn công, cướp bóc các tàu chở dầu, hàng ở vùng biển Đông Nam Á, dấy lên mối lo ngại khu vực này trở thành điểm nóng cho các hoạt động cướp biển.
Lực lượng đặc nhiệm Malaysia trong một cuộc diễn tập chống hải tặc - Ảnh: AFP
Trong nhiều thế kỷ qua, hải tặc từng hoành hành ở eo biển Malacca, vốn là đường hàng hải chiến lược giữa Indonesia, Malaysia, Singapore, theo AFP.
Hàng năm có hàng chục ngàn tàu thuyền đi qua Malacca và 1/3 lượng giao thông hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua eo biển này.
Cách đây năm năm hoạt động cướp biển ở eo biển Malacca thuyên giảm nhờ các nước tăng cường tuần tra trên biển.
Nhưng kể từ tháng 4.2014, hàng loạt những tàu chở dầu, chở hàng bị tấn công tại eo biển Malacca và vùng biển Đông Nam Á. Bọn hải tặc tấn công và cướp hàng trăm tấn dầu từ những tàu này.
"Mọi người đều lo ngại về những vụ cướp biển gần đây bởi vì họ biết tình hình sẽ tồi tệ hơn", AFP dẫn lời ông Noel Choong, người đứng đầu trung tâm báo cáo hải tặc thuộc Cục Hàng hải Malaysia (IMB).
"Hải tặc sẽ trở nên hung hăng và không thể kiềm chế được như ở Somalia", ông Choong nhận định.
Các số liệu của IMB cho thấy số vụ cướp biển đã gia tăng trở lại ở khu vực Đông Nam Á, từ 46 vụ trong năm 2009 lên 128 vụ vào năm 2013 và dự đoán tiếp tục tăng trong năm 2014.
Trong một vụ tấn công ngày 28.5, tàu chở dầu Thái Lan MT Orapin 4 bị hải tặc cướp dầu ở ngoài khơi đảo Bintan, phía bắc Indonesia.
Bọn hải tặc còn ngang nhiên sơn tên nhóm của chúng lên tàu MT Orapin 4, phá hủy các thiết bị thông tin liên lạc với đất liền, cướp 3.700 tấn dầu, bắt cóc nhưng sau đó trả tự do cho các thành viên thủy thủ đoàn.
Các chuyên gia chống hải tặc nhận định các băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn mạnh phối hợp với hải tặc để tuồn số dầu hay hàng hóa cướp được ra thị trường.
"Tội phạm hàng hải luôn là một vấn đề nhức nhối trong khu vực. Chúng tôi đang nhận thấy các hoạt động hải tặc có chiều hướng gia tăng bởi vì dầu khí là một mặt hàng cực kỳ béo bở trên thị trường chợ đen", ông David Rider, Tổng biên tập trang tin nổi tiếng về an ninh hàng hải Maritime Security Review, nhận định.
So với một thập niên trước đây, hải tặc Đông Nam Á manh động và chuyên nghiệp hơn, có trang bị vũ khí, bắt con tin đòi tiền chuộc, ông Choong cho biết.
"Ở đâu có tiền, ở đó hải tặc xuất hiện", theo ông Martin Sebastian, người đứng đầu Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao Malaysia.
IMB kêu gọi các quốc gia khu vực Đông Nam Á phối hợp chặt chẽ và tăng cường các hoạt động tuần tra để đề phòng hải tặc hoành hành khu vực này.
Các chuyên gia cũng đồng thời kêu gọi các nước cho phép các tàu chở dầu và chở hàng được trang bị vũ khí để chống hải tặc.
Theo TNO
Hải quân Malaysia đánh bật hải tặc tấn công tàu dầu ở biển Đông Hải quân Malaysia đã đẩy lùi được một cuộc tấn công của hải tặc vào một chiếc tàu chở dầu ở vùng duyên hải nước này tại biển Đông, Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) thông báo ngày 15.6. Cảnh sát biển Malaysia tập trận chống hải tặc - Ảnh: Reuters Với sự hỗ trợ của hải quân Indonesia và Singapore, hải quân...