IAEA quan ngại về kế hoạch hạt nhân của Iran
Ngày 26/2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng những tuyên bố mà giới chức Iran đưa ra gần đây về năng lực của Tehran trong kỹ thuật phát triển vũ khí hạt nhân làm gia tăng quan ngại về chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này.
Quang cảnh bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow của Iran ở Qom. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo nội bộ hằng quý, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng những phát biểu như vậy đã làm gia tăng quan ngại về mức độ chính xác và đầy đủ đối với những tuyên bố lâu nay của Iran về việc nước này tuân thủ các cam kết hạt nhân. Người đứng đầu IAEA nhắc lại lời kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ và minh bạch với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc.
Trong một báo cáo riêng rẽ, IAEA cho biết kho urani được làm giàu của Iran đã vượt hơn 27 lần so với giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tính đến ngày 10/2, tổng kho dự trữ urani đã được làm giàu của Tehran ước tính lên đến 5.525,5 kg, tăng 1.038,7 kg so với tháng 10/2023.
Dự kiến, Hội đồng thống đốc IAEA sẽ nhóm họp vào tuần tới. Hội đồng này lâu nay vẫn cho rằng Iran chưa hợp tác đầy đủ với IAEA cũng như chưa thực hiện đầy đủ các cam kết.
Về phần mình, Iran khẳng định nước này hoàn toàn minh bạch trong vấn đề hạt nhân. Tehran khẳng định các hoạt động hạt nhân của nước này đều phục vụ mục đích hòa bình và phù hợp với các quy tắc, quy định quốc tế về an toàn hạt nhân theo thỏa thuận với IAEA.
Iran và nhóm P5 1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) ký JCPOA vào tháng 7/2015. Theo đó, Iran hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran. Các cuộc đàm phán về khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song tiến trình đàm phán vẫn đang bế tắc kể từ khi kết thúc vòng đàm phán gần đây nhất vào tháng 8/2022.
Hàn Quốc và IAEA đẩy mạnh hợp tác trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình
Theo hãng tin Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 8/11 đã tiến hành đối thoại chính sách cấp cao thường kỳ, trong đó thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các lĩnh vực hợp tác khác.
Một tháp làm mát tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc phụ trách các vấn đề đa phương và toàn cầu, ông Park Yong-min và Phó Tổng Giám đốc IAEA Massimo Aparo đã tiến hành vòng đối thoại thứ 12 tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Hai bên đã thảo luận các nỗ lực chung nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng xác minh chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đẩy mạnh hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Aparo nhấn mạnh IAEA đang nghiêm túc sẵn sàng xác minh chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Phó Tổng Giám đốc IAEA cũng có gặp riêng rẽ với Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn. Trong cuộc thảo luận, hai bên thảo luận về các hoạt động hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Hàn Quốc và IAEA đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao thường niên tương tự kể từ năm 2013 trong nỗ lực thúc đẩy liên lạc và hợp tác song phương liên quan tới các biện pháp an toàn hạt nhân.
IAEA quan ngại về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Ngày 21/2, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho rằng việc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine bị cắt điện thường xuyên có thể gây ra những mối quan ngại lớn về an toàn cho nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP/ TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu,...