Huyện Hậu Lộc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả bền vững
Những năm gần đây, tại huyện Hậu Lộc các con nuôi chủ lực như lợn, gà, bò, thỏ, ngao, tôm, cá… đang được đầu tư phát triển mạnh.
Các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyên trồng lúa lai, lúa thuần năng suất cao, chất lượng khá để làm nguyên liệu cho ngành chăn nuôi và chế biến đã được hình thành… Đến tháng 5-2021, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.500 ha đất kém hiệu quả sang phát triển trang trại, nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng ớt của nông dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Giai đoạn 2018-2020, huyện đã mở rộng diện tích được ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và công nghệ cao sản xuất rau an toàn, sản phẩm sạch và hoa trong nhà lưới, nhà kính và các công nghệ tiên tiến như tưới phun, tưới tiết kiệm, cơ giới hóa liên hoàn trong sản xuất với diện tích gần 300 ha. Mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa các loại, khoai tây, cải bó xôi… với diện tích hơn 1.450 ha. Phát triển được các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho 1.430 ha cây trồng hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Giá trị các loại cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất đạt bình quân cả năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Cá biệt có diện tích đất chuyên màu cơ cấu 4 vụ/năm cho thu nhập từ 800 đến 900 triệu đồng/ha.
Video đang HOT
Trong chăn nuôi, chủ lực là bò thịt, gia cầm, thủy cầm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 chăn nuôi tăng trưởng 53,7%. Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tổng đàn lợn, gia cầm, đàn trâu, bò… Cải tạo và nâng tầm vóc đàn bò, chất lượng đàn lợn nái nền, đàn gia cầm giống, để nâng chất lượng đàn gia súc, gia cầm thương phẩm. Nhân rộng các mô hình hiệu quả như nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, gà quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn. Quy hoạch các vùng trọng điểm chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi bò thịt ở các địa phương có điều kiện về thức ăn, tập trung ở các xã vùng đồi, vùng chiêm trũng khó khăn trong trồng lúa. Phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở vùng ven biển. Chú trọng đầu tư giống để phát triển đàn lợn hướng nạc, đàn bò lấy thịt. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Rà soát, bố trí các trang trại, gia trại đúng quy hoạch và nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng với tổng đàn vật nuôi gắn bảo vệ môi trường bền vững. Đến tháng 5-2021, huyện Hậu Lộc đã phát triển được 395 trang trại và gia trại, trong đó có 105 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Toàn huyện đã có 76 trang trại gà và lợn đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhìn chung, các mô hình trang trại sau khi chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa.
Lĩnh vực thủy sản, Hậu Lộc xác định là thế mạnh, mũi nhọn, đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu đến năm 2025 tổng sản lượng đạt 60.000 tấn; chiếm 62,49% cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản. Với mục tiêu ngành thủy sản phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa chính của huyện, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập thị trường khu vực, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vụ xuân hè năm 2021, huyện đã đưa 1.825 ha vào nuôi trồng thủy sản, các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre… Nhiều mô hình thâm canh tôm thẻ chân trắng công nghiệp trong nhà bạt, áp dụng quy trình nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và thu nhập cao đang thực hiện tại các xã Hòa Lộc, xã Đa Lộc…
Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa sâu trũng kém hiệu quả, đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp như lúa – cá, nuôi thủy sản nước lợ, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 2.014 ha. Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tập trung ở cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc, Hải Lộc. Từng bước hình thành đội tàu công suất trên 400 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, chủ động thu mua hải sản tại ngư trường cho các tàu khai thác, nâng cao giá trị thu nhập cho ngư dân.
Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Hậu Lộc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Quy hoạch và triển khai xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà huyện có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với thị trường, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững cả ba khía cạnh kinh tế – xã hội và môi trường. Mục tiêu chung của huyện là phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành cơ cấu nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Để triển khai đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả bền vững ngoài việc chủ động chỉ đạo các giải pháp cụ thể cho từng cây, con chủ lực gắn với từng vùng, huyện chú trọng đến các nhóm giải pháp đồng bộ như: quy hoạch và phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển nhượng, tích tụ và sử dụng hiệu quả đất đai; vốn và tín dụng; chính sách về lao động, việc làm; các chính sách về phát triển kinh tế trang trại, HTX, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung; ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, ưu tiên một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; đổi mới công tác tổ chức sản xuất, đặc biệt đổi mới hoạt động của các HTX; khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lại lực lượng lao động nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn phát triển nông nghiệp quy mô, chất lượng và hiệu quả bền vững.
Xã Cẩm Tân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) được hình thành từ việc sáp nhập xã Phúc Do và một phần xã Cẩm Vân, nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với 1.312 ha.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để xã khuyến khích, hướng dẫn người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao.
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn hằng năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn thịt và rau quả.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xã Cẩm Tân đã tập trung lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện, như: hỗ trợ về giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, xã hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn áp dụng các quy trình khoa học, hiệu quả, như: quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, bón phân khép kín; xây dựng nhà lưới, nhà màng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống; đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp... Thông qua những giải pháp đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn được thị trường ưa chuộng.
Từ năm 2018, hộ gia đình ông Đỗ Văn Hoan đã thuê lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp tại khu vực thôn Phiến Thôn của người dân để xây dựng trang trại tổng hợp diện tích gần 5 ha. Từ diện tích đã gom được, gia đình ông tập trung cải tạo, đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế. Sau hơn 2 năm cải tạo, hiện nay, trang trại đã hình thành 1 khu chuồng trại chăn nuôi lợn rộng hơn 1.500m2, với công suất 170 lợn thương phẩm/lứa và duy trì 30 lợn nái; diện tích cây ăn quả như: cam, ổi, mít, dừa nước... hơn 2 ha. Ngoài ra, với hệ thống mương dẫn bao quanh, gia đình ông thả thêm một số loại cá để tăng thu nhập. Ông Hoan cho biết: Hằng năm, gia đình xuất bán 3 lứa lợn tổng trọng lượng khoảng 40 - 45 tấn, 15 tấn quả các loại... tổng doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm. Việc sản xuất quy mô lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện để gia đình tiếp cận với những thị trường tiêu thụ bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn.
Đồng chí Trịnh Minh Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tân, cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được đầu tư quy mô, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết, như: vùng sản xuất rau màu 3,5 ha và 2,7 ha tại các thôn Phiến Thôn, Do Trung; vùng trồng cây ăn quả tại thôn Phú Xuân, diện tích hơn 5 ha theo tiêu chuẩn VietGAP; vùng phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt tại các thôn Do Trung, Phú Xuân... Từ những vùng sản xuất nông nghiệp này đã tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. Hằng năm, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 2.912 tấn; đàn trâu, bò đạt 1.300 con; đàn lợn 4.627 con, đàn gia cầm đạt 64.815 con... Qua đó, giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi của xã đạt 112 triệu đồng/ha/năm.
Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Cẩm Tân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển cây trồng vụ đông; thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao hệ số sử dụng đất và phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Có thể nói, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang dần thúc đẩy người dân trên địa bàn xã phát huy được những tiềm năng sẵn có, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của Nhân dân. Tính đến hết tháng 1-2021, toàn xã đã phát triển được 4 trang trại (1 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại trồng trọt, 1 trang trại tổng hợp), thu nhập bình quân đầu người đạt 40,5 triệu đồng/năm.
Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hoằng Hóa Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch nhằm mục đích nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đây cũng là một trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa...