Huyện Gia Lâm: 145 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến
Sáng 21/9, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, năm học 2021 – 2022.
Tại buổi trao tặng, 16 học sinh đại diện đến từ các trường THCS và Tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được các nhà tài trợ trao tận tay những món quà là thiết bị học tập trực tuyến có giá trị.
Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm và đại diện nhà tài trợ trao thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Việt Cường – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, năm học 2021 – 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động dạy và học.
Triển khai chương trình dạy và học trực tuyến theo chủ trương của Bộ GD&ĐT và UBND TP, nhưng do khó khăn về kinh tế, trên địa bàn huyện Gia Lâm có rất nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến cho các con. Mặt khác, nhiều học sinh có thiết bị nhưng chất lượng kém, đường truyền không đáp ứng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên việc học của con chưa hiệu quả.
Video đang HOT
Ông Hoàng Việt Cường – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cho biết, trên địa bàn có 145 học sinh không có thiết bị học trực tuyến.
Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể phát động và kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện hưởng ứng chương trình nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu điều kiện học tập, đặc biệt là các học sinh cuối cấp.
Theo đó, trước ngày khai giảng năm học mới, qua rà soát có 145 học sinh không có thiết bị học trực tuyến, tập thể các trường và đơn vị tài trợ đã tặng thiết bị thông minh cho 39 học sinh THCS và Tiểu học. Trong đó, tập thể các trường học đã tặng 27 điện thoại thông minh, máy tính bảng phục vụ học trực tuyến cho học sinh với tổng giá trị 37 triệu đồng; Hội Thiện nguyện Phù Đổng TV tặng 12 thiết bị phục vụ học trực tuyến cho 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường THCS Phù Đổng và Tiểu học Phù Đổng.
Đại diện nhà tài trợ trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Từ ngày khai giảng năm học mới (5/9) đến nay, tổng số học sinh còn lại chưa có thiết bị học trực tuyến là 106 em (trong đó có 41 học sinh THCS, 65 học sinh Tiểu học). Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các đơn vị, cá nhân đã tặng thiết bị phục vụ học trực tuyến cho toàn bộ 106 học sinh với tổng giá trị 419 triệu đồng.
Trong đó, Hội Thiện tâm Phật tặng 10 điện thoại và 10 sim 4G với gói cước 1 năm cho 10 học sinh, trị giá 25 triệu đồng; Hội Khuyến học huyện Gia Lâm tặng 40 máy tính bảng cho 40 học sinh, trị giá 147,6 triệu đồng; Công ty TNHH đầu tư phát triển Đại An tặng 56 máy tính bảng cho 56 học sinh, trị giá 168 triệu đồng; Trung tâm Viễn thông Hà Nội tặng 196 sim 3G với gói cước 3 tháng, tổng trị giá trên 78 triệu đồng…
Như vậy, tổng hai đợt trao tặng, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ tặng thiết bị phục vụ học trực tuyến cho 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học tập trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cảm ơn nhà tài trợ và căn dặn các em học sinh.
Tại buổi trao tặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cảm ơn sự đồng hành, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua đã tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và mong muốn trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, qua đó sẽ góp phần giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được học tập, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết sẽ phối hợp với đơn vị viễn thông để nâng cấp hạ tầng dịch vụ, cải thiện chất lượng đường truyền internet để việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn được đảm bảo, có chất lượng; đồng thời căn dặn các em học sinh được nhận quà tặng là thiết bị học tập trực tuyến hãy sử dụng món quà này đúng mục đích và hữu ích nhất. “Món quà này không chỉ phục vụ việc học tập mà còn sử dụng vào nhiều việc hữu ích khác, giúp các con rất nhiều trong cuộc sống” – ông Nguyễn Đức Hồng nói.
Đắk Nông có hơn 18.000 học sinh không đảm bảo thiết bị học trực tuyến
Hiện tỉnh Đắk Nông có hơn 18.000 học sinh thuộc 3 bậc học Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở và Tiểu học không đảm bảo thiết bị tiếp cận phương pháp học trực tuyến.
Đắk Nông hiện có hơn 18.000 học sinh không đảm bảo thiết bị học trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN
Sáng 21/9, ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, ở bậc Trung học Phổ thông có 1.600 em, bậc Trung học Cơ sở có 13.000 em. Trong đó, số học sinh đang trong vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg là hơn 2.400 em.
Các học sinh chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị để tiếp cận phương pháp học trực tuyến.
Theo ông Trần Sĩ Thành, để hỗ trợ cho học sinh, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục tỉnh đang phát động chương trình "Máy tính cho em" nhằm huy động mọi lực lượng quyên góp hỗ trợ máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập trực tuyến cho các em. Với phương châm "Không để học sinh bị bỏ lại phía sau", bước đầu việc hỗ trợ được triển khai cho toàn ngành, mỗi cán bộ, giáo viên sẽ hỗ trợ 1 ngày lương.
Đồng thời, địa phương phát động đến người dân "ai có gì hỗ trợ nấy" để tạo điều kiện giúp học sinh tiếp cận phương pháp học trực tuyến, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Về việc hỗ trợ, ngành Giáo dục sẽ ưu tiên các học sinh ở khu vực có dịch, đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trước, sau đó mới đến học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Trần Sĩ Thành cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị học trực tuyến, Sở Giáo dục tỉnh đã có hướng dẫn đến Ban giám hiệu và giáo viên các nhà trường sẽ hỗ trợ các em qua phiếu học tập, giáo viên sẽ giao bài 1 tuần 2 lần cho học sinh.
Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã có văn bản phối hợp Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tiếp sóng lại kênh VTV7 (Đài Truyền hình Việt Nam) về việc dạy học trên tivi và phát sóng lại 2 lần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường học tập trung, ngành Giáo dục, nhà trường sẽ xây dựng phương án bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ các em nắm vững những nội dung cốt lõi của chương trình học tập.
Trong năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông có khoảng 10.000 cán bộ, giáo viên; hơn 180.000 học sinh các cấp, trong đó, có 55.422 học sinh người dân tộc thiểu số./.
Học sinh cơ bản đã có đủ sách giáo khoa để học tập Tại Hội nghị giao ban báo chí Trung ương sáng nay (21/9), Bộ GDĐT đã thông tin về tình hình năm học mới 2021-2022, trong đó nhấn mạnh tới tình hình dạy học tại các địa phương. Theo báo cáo của Bộ GDĐT, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có...